Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-07-2010] Sáng ngày 20-07-2010, tôi nghe tại điểm tập công rằng một số học viên đã bị bắt giữ trái phép và bị đột kích vào nhà. Lúc gần trưa, sau khi kháng nghị của chúng tôi với chính quyền bị lờ đi, nhiều học viên đã tới Bắc Kinh. Một số người trong chúng tôi mua vé đến Bắc Kinh vào buổi trưa đã bị cảnh sát chặn lại tại các nhà ga ở thị trấn chúng tôi. Buổi chiều, tất cả các vé cho chuyến tàu đến Bắc Kinh bị đình chỉ. Sau đó chúng tôi mua vé đến Hoài Nhu, một vùng ngoại ô của Bắc Kinh và dự định xuống nhà ga Bắc Kinh dọc đường đi. Chúng tôi đến nơi vào khoảng nửa đêm. Ở trước nhà ga, chúng tôi bị một người do cảnh sát thuê đánh lừa và bị đưa tới trung tâm giam giữ (không phải là một trung tâm giam giữ chính thức). Nhiều học viên đã bị đưa đến đó trước chúng tôi. Tôi đã không ngủ cả đêm và tiếp tục giảng rõ sự thật cho cảnh sát. Khi tôi yêu cầu được đưa tới văn phòng Kháng cáo, họ bảo tôi “Chúng tôi sẽ đưa chị đến nơi kháng cáo vào sáng mai.”

Khoảng 8h30 sáng hôm sau có một vài chiếc xe buýt đến và chở chúng tôi đi. Chúng tôi phát hiện ra mình đã bị lừa khi nhìn thấy những chiếc xe buýt rời khỏi trung tâm thành phố và tiến đến vùng ngoại ô. Chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng họ đã không đưa chúng tôi đến văn phòng Kháng cáo mà thay vào đó vây chúng tôi lại để đưa chúng tôi trở lại nơi mà từ đó chúng tôi đã đến. Chúng tôi bị đưa đến một sân vận động, bị chụp hình, và ghi lại tên tuổi, địa chỉ. Sau đó chúng tôi bị đưa đến một sân trường ở vùng ranh giới giữa Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc, nơi mà có những chiếc xe buýt đợi sẵn ở đó để đưa chúng tôi về quê. Tôi đến chỗ một học viên mà tôi biết. Cô ấy đã bị túm tóc và đánh đập tại văn phòng Kháng cáo. Cô ấy bị còng tay và tôi vẫn có thể nhìn thấy những vết bầm từ chỗ bị còng. Sau khi thảo luận sơ qua tình huống, chúng tôi nhận thấy chúng tôi chưa thể về nhà vì chúng tôi đã không đạt được mục đích thỉnh nguyện với chính quyền ở Bắc Kinh. Các học viên ngồi gần nhau trong sân trường. Một số thì ngồi thiền, một số thì đọc nhẩm các bài giảng của Sư Phụ một cách trật tự. Lúc đó là buổi trưa, trời rất nóng và không có bóng râm. Chúng tôi cảm thấy như đang ngồi trong lò nung vậy nhưng điều đó đã không làm suy yếu đi quyết tâm của chúng tôi.

Những chiếc xe buýt đợi rất lâu nhưng không có học viên nào di chuyển. Khi cảnh sát thấy không có ai tự nguyện đi, họ đem đến một số con chó chăn cừu giống Đức, chúng sủa liên tục. Những đứa trẻ rất sợ và bắt đầu khóc. Đột nhiên một nữ học viên đứng dậy và bảo chúng tôi đọc Hồng Ngâm. Những bài thơ của Sư Phụ vang vọng khắp sân trường. Giọng của chúng tôi giống như sấm sét làm rung chuyển các tầng trời. Tôi vẫn có thể nhớ như in khung cảnh trang nghiêm và hoành tráng đó. Đó thật sự là một cuộc chiến giữa chính và tà.

Hành động bảo vệ Pháp của các đệ tử Đại Pháp đã làm các quan chức bị sốc. Cảnh sát đã tắt đài phun nước duy nhất giữa sân trường. Em bé nhỏ nhất trong các học viên chỉ mới hai hay ba tháng tuổi và học viên già nhất ở đó mà tôi biết là gần 70 tuổi. Chúng tôi cử một người đại diện tới tới đàm phán với cảnh sát. Cảnh sát mang một người bán hàng đến bán nước khoáng với giá rất cao, ba nhân dân tệ mỗi chai. Dưới ánh mặt trời thiêu đốt, quần áo của ai cũng ướt đẫm mồ hôi, nhưng không một ai chịu đi. Các học viên tiếp tục đọc các bài giảng và thơ của Sư Phụ. Lúc bốn năm giờ chiều, một vài quan chức chính phủ và một đội cảnh sát chống khủng bố được trang bị súng máy đến. Cảnh sát chống khủng bố bao vây sân trường. Sau một sự bế tắc kéo dài bằng những cuộc đàm phán giữa các học viên và quan chức chính phủ, chúng tôi dần dần bước lên xe buýt. Chúng tôi quay lại tỉnh thành vào buổi tối. Sau khi đăng kí tên tuổi, địa chỉ và nơi làm việc một lần nữa, chúng tôi được phép về nhà.

Ngày hôm sau là ngày 22 tháng 7, tôi đến điểm tập công vào lúc 3h30 sáng như thường lệ. Chỉ có một ít học viên. Sau khi ngồi thiền, tôi tập các bài tập đứng với các học viên ở một điểm tập công gần đó. Khi đang tập, tôi cảm thấy năng lượng mạnh mẽ trong cơ thể, điều này là lạ thường đối với tôi. Tôi cảm thấy như Sư Phụ ở bên cạnh tôi. Tôi cảm động đến nỗi nước mắt chảy dài trên má. Cảm giác đó kéo dài đến hết các bài tập. Sau đó, khi đọc bài giảng “Giảng Pháp luân lưu ở Bắc Mỹ”, tôi thấy đoạn này:

“Vào 20 tháng 7 năm 1999 tôi đã đẩy toàn bộ các học viên [theo học Đại Pháp] trước 20 tháng 7 đến vị [trí] rồi, đẩy đến vị trí tối cao của chư vị.”

Và tôi chợt hiểu tại sao tôi đã có cảm giác như vậy.

Chiều ngày 22 tháng 7, tôi lên một chuyến tàu khác đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Có rất đông cảnh sát trên tàu và nhiều học viên đã bị chặn lại giữa chừng và bị gửi trả về nhà. Tôi chỉ có một niệm rằng không ai có thể ngăn cản chúng tôi. Con trai tôi và tôi đã xử lý việc xét hỏi của cảnh sát với trí huệ và đến Bắc Kinh thành công. Chúng tôi đến chỗ các học viên khác vào tối hôm đó. 10 người chúng tôi đã ở trong một căn phòng nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh. Căn phòng đã rất lâu không có người ở, rất bẩn thỉu và bừa bộn. Chỉ có một cái gường gỗ không có nệm. Chúng tôi thay nhau đánh răng trong một phòng tắm nhỏ ở gần đó. Vì chỉ có một cái gường, các học viên nhường cho học viên già nhất và con trai tôi (nhỏ nhất) ngủ trên giường trong khi số còn lại ngủ dưới sàn. Căn phòng quá nhỏ đến nỗi mà một học viên trẻ phải ngủ dưới gầm gường.

Mười một năm đã trôi qua. Trong số 10 học viên đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện ngày hôm đó, mỗi người đã bước đi trên con đường của riêng mình. Đinh Yến đã bị bắt ở Quảng Châu và bị tra tấn đến chết. Mặc dù cô ấy bỏ lại chúng tôi quá sớm nhưng những bài chia sẻ của cô ấy đã khích lệ rất nhiều học viên khác bước ra chứng thực Pháp. Sáu người chúng tôi đã bị bức hại và tra tấn ở những mức độ khác nhau, bị kết án tù dài hạn, bị đe dọa không cho thi đại học, bị kết án vào các trại lao động và bị đưa tới các trung tâm tẩy não. Tuy nhiên niềm tin mạnh mẽ của chúng tôi vào Sư Phụ và Pháp đã duy hộ chúng tôi và mỗi người chúng tôi đang hành động như một hạt tử của Đại Pháp. Ba người còn lại đã từ bỏ tu luyện vì cuộc bức hại. Tôi hy vọng rằng họ có thể sớm quay lại với Đại Pháp và không bị đào thải khi kết thúc.

Cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn, thậm chí ngay cả sau 11 năm. Tôi vẫn còn nhớ những khung cảnh từ năm 1999. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực chống lại cuộc bức hại hay phơi bày bản chất tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tới khi cuộc đàn áp kết thúc. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công lẽ ra không nên diễn ra ngay từ khởi thủy. Và nó cần phải kết thúc ngay lập tức!

________________________________________

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/7/19/227159.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/7/31/118968.html
Đăng ngày 10-08-2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share