Bài viết của Hồng Chung và Ngũ Nhạc

[MINH HUỆ 19-06-2020] Quốc hội Hoa Kỳ đang kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc đối với Mỹ.

Ngày 10 tháng 6, Lực lượng Đặc nhiệm Đối ngoại của Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng hòa (RSC) đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Chiến lược an ninh quốc gia của RSC: Tăng cường sức mạnh cho Hoa Kỳ và chống lại các mối đe dọa toàn cầu”, trong đó có 25 trang dành riêng để nói về các vấn đề liên quan đến ĐCSTQ.

Báo cáo của RSC trích dẫn từ một báo cáo trước đó có tiêu đề “Cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của Nhà Trắng ngày 20 tháng 5: “Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và việc hội nhập với thế giới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không dẫn đến sự hội nhập chế độ dân chủ, tự do và cởi mở như Hoa Kỳ đã kỳ vọng… Bắc Kinh công khai thừa nhận muốn thay đổi trật tự quốc tế để phù hợp với lợi ích và ý thức hệ của ĐCSTQ. Việc ĐCSTQ ngày càng lạm dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để khiến các quốc gia phục tùng là có hại cho lợi ích thiết thân của Mỹ và làm suy yếu chủ quyền, hạ thấp phẩm hạnh của các quốc gia và cá nhân trên thế giới.

Để chống lại các mối đe dọa của ĐCSTQ, báo cáo của RSC đã đề xuất nhiều biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế ảnh hưởng của ĐCSTQ và bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Một trong những biện pháp được đề xuất là: “Quốc hội cũng cần yêu cầu Bộ Tài chính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo chủ chốt của ĐCSTQ có liên quan đến những vi phạm nhân quyền tàn bạo ở Tây Tạng và Hồng Kông theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu.”

Các đề xuất của RSC nằm trong chuỗi hành động của chính phủ Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhằm kiềm chế các mối đe dọa và sự bất ổn ngày càng tăng do ĐCSTQ mang lại. Chẳng hạn, vào tháng 12 năm 2017, Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 13 thủ phạm hoặc kẻ tiếp tay cho các vi phạm nhân quyền và tham nhũng trên thế giới, trong đó có Cao Nham, cựu cảnh sát trưởng quận Triều Dương, Bắc Kinh.

Cao chịu trách nhiệm ngược đãi nhà hoạt động kỳ cựu Tào Thuận Lợi, người đã chết trong thời gian bị giam cầm vào năm 2014, sau sáu tháng bị bệnh lao mà không được điều trị gì.

Lệnh trừng phạt năm 2017, được phê duyệt theo Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky là do Bộ Tài chính Hoa Kỳ quản lý. Theo lệnh này, các đối tượng vi phạm thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ sẽ bị phong tỏa tài sản và cấm giao dịch tài chính với người Mỹ.

ĐCSTQ: Từ tuyên truyền toàn cầu đến bức hại tôn giáo

Với gần 150 nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ, các đề xuất của RSC được coi là “Các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từng được đề xuất đối với ĐCSTQ.”

Như đã đề cập trong báo cáo RSC: “Đối với ĐCSTQ, sự hỗ trợ của nước ngoài và tham gia vào các tổ chức quốc tế là một phương tiện để phổ biến chế độ chính trị và đường lối phát triển kinh tế của nước này như một mô hình siêu việt có thể thay thế chế độ chính trị và nền kinh tế Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác. Theo đường lối này, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực với các quốc gia khác, các công ty, và thậm chí cả các cá nhân để khiến họ tuân theo hệ tư tưởng của Bắc Kinh.”

Như đã thấy trong đại dịch virus corona, những lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ đã tăng cường kiểm duyệt truyền thông và internet, và đã thiết lập một hệ thống giám sát công dân rất tinh vi. Ảnh hưởng của ĐCSTQ bên ngoài Trung Quốc cũng rất lớn. Báo cáo tiếp tục chỉ ra: “Chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc đã có thu hoạch, kể cả việc được bổ nhiệm vào các cơ quan như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nơi ĐCSTQ nắm quyền xét duyệt ứng viên cho các vị trí trọng yếu về nhân quyền của Liên Hợp Quốc.”

Tự do tín ngưỡng cũng gặp nguy hiểm lớn. Báo cáo nêu ra: “Nó [ĐCSTQ] cũng đã thực hiện chiến lược ‘Hán hóa’ tất cả tôn giáo, muốn kiểm soát và thao túng mọi mặt của tôn giáo tín ngưỡng theo hình thái xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc.”

Một ví dụ là Pháp Luân Đại Pháp, một hệ thống tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, với khoảng 100 triệu người theo tập tại thời điểm ĐCSTQ bắt đầu bức hại vào tháng 7 năm 1999. Gần đây, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã phát động một chiến dịch trực tuyến để nâng cao nhận thức về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bằng thẻ đánh dấu (hashtag) # 21YearsTooLong (21 năm quá dài).

Nhắm vào chính quyền toàn trị

RSC đề xuất trừng phạt các lãnh đạo chủ chốt của ĐCSTQ, bao gồm cả “giám đốc văn phòng liên lạc Hồng Kông Lạc Huệ Ninh và Hàn Chính, một trong bảy Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ.”

Cụ thể, báo cáo của RSC tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến Trung Quốc sau đây: 1) Hoạt động gián điệp trong ngành công nghiệp và đánh cắp tài sản trí tuệ; 2) Đánh cắp địa chỉ IP của các viện nghiên cứu và học viện Mỹ; 3) Che giấu các công ty có liên kết với ĐCSTQ; 4) Chiến dịch tung tin sai lệch và gây ảnh hưởng xấu về chính trị; 5) Nhân quyền và các tổ chức quốc tế; 6) Công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu; và 7) Củng cố các liên minh và đối tác của Hoa Kỳ.

“Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông là một bước ngoặt trong cuộc chiến giữa tự do và chế độ độc tài, bởi vì Trung Quốc muốn thúc đẩy một lý luận thống trị khác”, báo cáo nhận định và kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với Hàn Chính, Phó Thủ tướng thứ nhất của Quốc vụ viện kiêm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nhờ vai trò của ông ta đối với tình hình Hồng Kông.

Mặc dù báo cáo thừa nhận việc cấm nhập cảnh đại trà đối với đảng viên ĐCSTQ có thể dẫn đến những hậu quả ngoài dự kiến, nhưng khuyến nghị: “Tuy nhiên, đối với các lãnh đạo cấp cao, gồm cả 25 ủy viên Bộ Chính trị, 205 ủy viên thường trực và 171 ủy viên dự khuyết của Ban Trung ương Đảng, và toàn bộ 2.280 đại biểu Quộc hội của ĐCSTQ thứ 19, cũng như vợ/chồng, con cái họ thì đây là điều thích đáng.”

Chấm dứt ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với các tổ chức quốc tế

Các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã vươn ra khỏi biên giới Trung Quốc. Báo cáo RSC cho biết: “Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, với mức đóng góp từ 400-500 triệu USD mỗi năm. Mặc dù vậy, WHO đã ngang nhiên giúp che đậy những sai lầm của Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch COVID-19.”

Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc WHO, là lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, một tổ chức liên quan đến chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa khủng bố. Có tin cho hay ông ta đã che đậy ba lần dịch tả ở Ethiopia khi còn là bộ trưởng y tế. Chưa hết, ĐCSTQ đã chống lưng cho ông làm lãnh đạo của WHO vào năm 2017, và đại dịch toàn cầu này đã xảy ra dưới sự giám sát của ông ta.

Một ví dụ khác là Liên Hợp Quốc. Đầu năm nay, Trung Quốc đã được bổ nhiệm vào một ban chuyên gia của Hội đồng Nhân quyền LHQ, có quyền chọn các nhà điều tra nhân quyền trên thế giới. Theo báo cáo của RSC, đây “là ví dụ mới nhất về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thúc đẩy ‘nhân quyền mang màu sắc Trung Quốc’ và định nghĩa lại nhân quyền.”

Do đó, báo cáo của RSC kêu gọi Quốc hội chỉ đạo Ban Điều hành Quốc hội về vấn đề Trung Quốc (CECC) “báo cáo về ảnh hưởng bất thường của Trung Quốc đối với các tổ chức quốc tế trong việc định nghĩa lại nhân quyền và truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ, đặc biệt là ở các tổ chức hoạt động bằng tiền thuế của công dân Hoa Kỳ”.

Theo báo cáo của RSC: “Lối tư duy cũ về Trung Quốc đã thất bại. Một chiến lược chỉ giới hạn ở hội nhập kinh tế và thương mại không khiến Trung Quốc trở nên dân chủ hoặc bớt hung hăng hơn trong hành vi của mình. Trái lại, ĐCSTQ ngày càng trở nên độc tài và hung hăng hơn… Lực lượng đặc nhiệm cho rằng Quốc hội phải xây dựng một chiến lược mới nhằm đẩy lùi ĐCSTQ và những hành động làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ của nó, tái lập trật tự thế giới, và thúc đẩy một hình thức cai trị khác.”

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/18/407789.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/19/407879.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/13/185861.html

Đăng ngày 18-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share