Bài viết của Đồng Vân

[MINH HUỆ 16-05-2020] Đại dịch virus corona đang xảy ra mang tới cơ hội suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sự bưng bít thông tin về virus của họ đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử.

Có bằng chứng cho thấy những quốc gia và khu vực có quan hệ gần gũi với ĐCSTQ bị virus hoành hành dữ dội. ĐCSTQ, tồn tại và phát triển dựa trên ý thức hệ đấu tranh giai cấp, bạo lực, lừa mị, và dối trá, có lịch sử đẫm máu với công dân của chính nước họ—sát hại gần 80 triệu người kể từ khi lên nắm quyền cách đây mấy thập kỷ. Khi ĐCSTQ gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhờ vào chính sách thỏa hiệp dài hạn của xã hội phương Tây, ĐCSTQ cũng đã xuất khẩu ý thức hệ và tác hại của nó ra thế giới.

Phương Tây không nhấn nút ngưng hợp tác kinh tế với Trung Quốc khi ĐCSTQ vi phạm nhân quyền hết lần này tới lần khác. Trung Quốc dưới sự cầm quyền của ĐCSTQ được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, từ đó cho phép quốc gia này phát triển thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào năm 2009 với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 2.500 tỷ Đô la.

Nền kinh tế ngày càng phát triển của Trung Quốc đã cho ĐCSTQ đòn bẩy vô song để đàn áp những người có đức tin trong nước (như các học viên Pháp Luân Công) và những người bất đồng chính kiến (như sinh viên của Phong trào Dân chủ năm 1989 và những người tố giác trong đại dịch virus corona), đồng thời lại có thể mở rộng ảnh hưởng quốc tế (như bịt miệng những chỉ trích về nhân quyền của các quốc gia khác và Liên Hiệp Quốc, và tác động các tổ chức như WHO trong đại dịch virus corona).

Bài viết này sẽ trình bày về Pennsylvania ở Hoa Kỳ như một trường hợp điển hình về sự thâm nhập của ĐCSTQ vào thị trường tài chính toàn cầu và làm xói mòn tự do.

Tính đến ngày 17 tháng 5 năm 2020, Pennsylvania đã có hơn 65.000 ca nhiễm virus corona (cao thứ 6 ở ​​Hoa Kỳ) với gần 4.500 ca tử vong (cao thứ 4 ở Hoa Kỳ).

Cổ phiếu và quỹ tương hỗ

“Tập đoàn Ant Financial và Vanguard của Trung Quốc công bố liên doanh tư vấn Trung Quốc,” (tên gốc: China’s Ant Financial, Vanguard announce China advisory venture) là nội dung của tiêu đề một bài báo được Reuters công bố vào ngày 14 tháng 12 năm 2019. Ant Financial có trụ sở tại Trung Quốc, còn được gọi là Alipay, là một dịch vụ thanh toán trực tuyến có liên kết với Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc. Tập đoàn Vanguard, có trụ sở tại Valley Forge, Pennsylvania, là nhà cung cấp quỹ tương hỗ lớn nhất thế giới, quản lý gần 6.000 tỷ Đô la tài sản. Liên doanh sẽ do Ant Financial (với 51% vốn chủ sở hữu) điều hành, còn Vanguard (với 49% vốn chủ sở hữu) sẽ cung cấp các chiến lược về đầu tư và phân bổ vốn, theo nguồn tin từ qz.com và Bloomberg.

Sự hợp tác này khiến các nhà phân tích lo ngại vì hai tập đoàn này có thể cung cấp nguồn lực gần như không giới hạn cho chính quyền ĐCSTQ. Chẳng hạn, sau thời gian dài bị từ chối do nhiều mối quan ngại, Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell và S&P đều đưa thêm cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số chuẩn hàng đầu họ. Là một trong những nhà biên soạn chỉ số lớn nhất, chỉ riêng MSCI đã có khoảng 12.300 tỷ Đô la tài sản được định giá theo các sản phẩm họ, theo một bài báo ngày 6 tháng 5 trên tờ Washington Post với tiêu đề “Cách các nhà đầu tư phổ thông của Hoa Kỳ sở hữu một phần Trung Quốc” (tên gốc: How Ordinary U.S. Investors Own a Piece of China).

Loạt động thái này đã đảm bảo các nhà đầu tư toàn cầu sẽ rót nhiều tiền hơn vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc. Tính đến tháng 3 năm 2020, hơn 1.000 công ty Trung Quốc đã được đưa vào các chỉ số vốn chủ sở hữu khác nhau và khoảng 265 tỷ Đô la cổ phần Trung Quốc Đại lục thuộc sở hữu của các nhà đầu tư quốc tế, theo bài báo của Washington Post.

Ngoài các khoản đầu tư chứng khoán, Trung Quốc còn nắm giữ các quỹ tương hỗ mà nhiều quỹ hưu trí đầu tư vào. Chẳng hạn, trong 51 tỷ Đô la các quỹ giao dịch trên sàn chứng khoán của các thị trường mới nổi của Vanguard FTSE, 39% là đến từ chứng khoán Trung Quốc.

Gian lận tài chính

Đầu tư vào Trung Quốc không chỉ giúp củng cố quyền lực chính trị của ĐCSTQ, mà còn mang lại rủi ro cho sự ổn định tài chính của thế giới tự do.

Dan David, một nhà quản lý tiền tệ ở Pennsylvania, là một trong những người thổi còi nhận ra một số công ty Trung Quốc lừa gạt các nhà đầu tư và hưu trí Hoa Kỳ. Ông là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu năm 2017 có tựa đề The China Hustle (Trung Quốc hối hả). Bộ phim này ghi lại sự gian lận chứng khoán có hệ thống xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, khi các công ty đầu tư tìm cách mang lại lợi nhuận cao hơn cho khách hàng và nhiều tiền hoa hồng hơn cho bản thân.

Các công ty đầu tư này thổi phồng các công ty Trung Quốc tư nhân nhỏ, chẳng có gì đặc biệt bằng cách trả tiền cho những nhân vật nổi tiếng để họ góp mặt và hỗ trợ sáp nhập với các công ty công không còn hoạt động của Hoa Kỳ. Những vụ sáp nhập như vậy được gọi là sáp nhập ngược bởi chúng cho phép một công ty tư nhân chiếm giữ và hoạt động trong cái vỏ hợp pháp của một công ty giao dịch công khai.

Việc sáp nhập ngược cho phép các công ty Trung Quốc được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York và đẩy giá của họ tăng đột biến. Đến khi giá của các công ty Trung Quốc này quay về giá trị thực, các nhà đầu tư bị mắc kẹt với đống cổ phiếu vô giá trị trong danh mục đầu tư của họ (trong đó, nhiều người đầu tư bằng tài khoản hưu trí).

Một trường hợp được đề cập trong bộ phim tài liệu này là Công ty Công nghệ Pin Cao cấp (ABAT) có trụ sở tại Trung Quốc, huy động được gần 90 triệu Đô la bằng cách sáp nhập ngược trong ba đợt chào bán khác nhau, với mức vốn hóa thị trường là 250 triệu Đô la. Ngay cả sau khi bị NASDAQ hủy niêm yết và sau đó SEC hủy đăng ký, công ty này vẫn không thông báo cho các cổ đông mà tiếp tục đưa ra báo cáo giả.

Sáp nhập ngược là hiện tượng thường thấy và bộ phim tài liệu này cho biết một trong 40 CEO ở Trung Quốc đã bị bỏ tù vì phạm tội gian lận như vậy. Những trường hợp như thế này đã được trình báo cho FBI, nhưng không có mấy hành động để giải quyết.

Alex Gibney, một trong những nhà sản xuất bộ phim tài liệu này cũng như bộ phim tài liệu năm 2005 mang tên “Những kẻ láu cá nhất trong phòng” (Enron:The Smartest Guys in the Room), giải thích mối nguy hiểm khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với Market Watch năm 2018 như sau: “Đúng vậy, rất nhiều tiền được từ các nơi chảy vào, nhưng anh có tính toán được độ ổn định mà anh kỳ vọng không nếu như anh là người về hưu, y tá, hay bác sỹ chỉ mong khoản tiền tiết kiệm hưu trí còn nguyên vẹn?”

“Các nhà đầu tư cần phải hiểu những rủi ro của những gì họ đầu tư vào: Mỗi một công ty Trung Quốc được niêm yết ở Hoa Kỳ đều có cơ cấu phức tạp, chằng chịt, bề ngoài xem như một lỗ hổng cho phép phương Tây đầu tư vào một thị trường cấm các nhà đầu tư bên ngoài. Nhưng nó cũng bảo vệ công ty hạt nhân Trung Quốc bằng cách làm chủ các công ty vỏ bọc và công ty con”, theo một bài báo trong Market Watch ngày 16 tháng 5 về vụ bê bối của Luckin Coffee (một công ty Trung Quốc được gọi là “Starbucks của Trung Quốc” và bị phát hiện ghi nhận doanh số giả).

Bài báo tiếp tục: “Vấn đề lớn nhất, hơn cả vấn đề về cơ cấu này là: những kế toán ký duyệt báo cáo tài chính công ty ở Trung Quốc không có quyền truy cập vào sổ sách và hồ sơ thực của công ty, mà chỉ được xem những gì họ được phép xem.”

Thâm nhập vào các tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ

Dữ liệu cho thấy hàng trăm tổ chức không phải của Hoa Kỳ, trong đó Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất, đã tặng các món quà tài chính cho Đại học Pennsylvania kể từ năm 2013, theo một bài báo của The Philadelphia Inquirer ngày 24 tháng 2 năm 2020, có tiêu đề “Penn đã nhận 258 triệu Đô la bằng ngoại tệ, và có thể còn nhiều hơn nhưng chưa được tiết lộ” (tên gốc: Penn got $258 million in foreign money, and there may be more it hadn’t disclosed”).

Bài báo cho hay, kể từ tháng 7 năm 2019, đã có “10 trường tiết lộ 3,6 tỷ Đô la ngoại tệ ‘chưa từng báo cáo trước đây’, trong đó có hai trường đại học ở Pennsylvania: Đại học Penn và Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ Betsy DeVos cho biết, theo yêu cầu pháp luật thì các tổ chức giáo dục này phải báo cáo những giao dịch như vậy. Bà nhận định: “Tiếc thay, càng đào sâu, chúng tôi càng phát hiện thấy có quá nhiều khoản báo cáo không đầy đủ hoặc không được báo cáo.”

Bài báo của Philadelphia Inquirer cũng trích dẫn một báo cáo của Bloomberg phát hiện Đại học Pennsylvania đã nhận được khoản tài trợ lớn thứ ba từ Trung Quốc, với tổng trị giá 67,6 triệu Đô la, sau Harvard và Đại học Nam California. Nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều vì Đạo luật Giáo dục Đại học chỉ yêu cầu tiết lộ những món quà hay hợp đồng từ 250.000 Đô la trở lên.

Sự thâm nhập của ĐCSTQ vào các tổ chức giáo dục đại học Hoa Kỳ thông qua các khoản đóng góp mang lại cho họ đòn bẩy để tác động tới các trường đại học Hoa Kỳ. Điển hình là Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania. Sau khi ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại (CSCC) vào năm 2012, Trung tâm Wharton Trung Quốc đã được mở tại Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2015.

Tháng 7 năm 2016, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York, ông Chương Khởi Nguyệt, đã tới thăm Đại học Pennsylvania và nhấn mạnh các cam kết của Trung Quốc trong hợp tác với Hoa Kỳ. Tiếp nối chuyến thăm của ông là việc xây dựng Hội nghị Thượng đỉnh Thường niên Trung Quốc Penn Wharton.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) do ĐCSTQ đề xuất vào năm 2013 đã được nhiều nước phương Tây xem là sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sang Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Tuy nhiên, báo cáo có tiêu đề “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường Trung Quốc: Tại sao giá quá cao” (tên gốc “China’s Belt and Road Initiative: Why the Price Is Too High”) do Wharton công bố vào tháng 4 năm 2019 chỉ bàn về rủi ro và những lợi ích của sáng kiến này đối với Trung Quốc, mà không phân tích tác động của sáng kiến ​​đối với sự bền vững và ổn định lâu dài của các quốc gia khác.

Dù mang thông điệp tương tự như đánh giá chính thức của ĐCSTQ về sáng kiến ​​này, nhưng báo cáo này của Wharton lại được phổ biến rộng rãi tới các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu để hỗ trợ đánh giá của họ đối với sáng kiến ​​BRI.

Thách thức chưa từng có cho Thế giới Tự do

Bắc Kinh và Philadelphia đều nằm ở vĩ độ 40° Bắc, giống như ngày và đêm mà hai thành phố này tượng trưng. Là kinh đô của cả triều Minh và triều Thanh, Bắc Kinh đã kế thừa bề dày hàng nghìn năm văn hóa truyền thống Trung Hoa, nhưng đáng tiếc đã gần như bị xóa sổ dưới sự bạo lực và chủ nghĩa vô thần của ĐCSTQ suốt mấy thập kỷ qua. Là cố đô và thủ đô đầu tiên của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là nơi khai sinh Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, Philadelphia tượng trưng cho tinh thần tự do mà các tổ phụ sáng lập nước Mỹ đã gây dựng nên.

Nhưng với sự thâm nhập sâu của ĐCSTQ, sự khác biệt ấy đã trở nên lu mờ. Cũng như các thành phố lớn khác, như New York, Sydney và London, một cuộc triển lãm bốn ngày đã diễn ra tại Tòa Thị chính Philadelphia vào ngày 10 tháng 7 năm 2018, để phục vụ tuyên truyền của ĐCSTQ với chủ đề “40 năm Cải cách và Mở cửa” (tên gốc: 40 Years of Reform and Opening-up).

Vào một dịp khác, trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Trung Quốc tại Trung tâm Kimmel ở Philadelphia với sự tham dự của Thị trưởng Thành phố và Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York, Đoàn nhạc Giao hưởng Philadelphia đã chơi những bản nhạc, trong đó có Sông Lưu Dương, một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất ở Trung Quốc để quảng bá cho di sản của Mao Trạch Đông.

Cả hai sự kiện này đều không đề cập gì đến sự tàn bạo và những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với công dân của chính họ.

Khi một nhà báo của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) có trụ sở tại New York tham dự Lễ hội mừng Tết Nguyên đán tại Đại học Pennsylvania năm 2004, cô bị trục xuất vì nhà tài trợ Trung Quốc không muốn cô nêu vấn đề về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Trường đại học này cũng im lặng trước việc cô bị trục xuất khỏi lễ hội.

Không chỉ có Pennsylvania. ĐCSTQ đã thâm nhập thành công vào nhiều khu vực và quốc gia ở khu vực Âu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương và Châu Mỹ. Không có mấy quốc gia dám công khai chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, vì ảnh hưởng toàn cầu của ĐCSTQ đã đạt tới mức chưa từng có. Sau khi thế giới chứng kiến ​​WHO thất bại trong việc cảnh báo thế giới về dịch virus corona dưới áp lực của ĐCSTQ, Trung Quốc lại được chỉ định vào ban hội thẩm của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 1 tháng 4 năm 2020 và sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc lựa chọn những người điều tra nhân quyền của cơ quan thế giới này, theo Unwatch.org.

Mặc dù tài trợ ít hơn cho Liên Hiệp Quốc so với Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc lại đứng đầu 4 trong 15 cơ quan chuyên môn của cơ quan. “Không có quốc gia nào được đứng đầu nhiều hơn một cơ quan”, bài báo có tiêu đề “Trung Quốc được đáp ứng khi mặc cả về ảnh hưởng toàn cầu” (tên gốc China’s Bargain on Global Influence Is Paying Off) của The Atlantic ngày 6 tháng 5 cho biết. Bài báo viết: “Bắc Kinh đang nỗ lực viết lại các quy tắc của hệ thống tự do… Chương trình nghị sự nhân quyền [tại Liên Hiệp Quốc] không phải về nhân quyền… mà là về chính trị Trung Quốc.”

Khi ĐCSTQ giữ vai trò chủ đạo, cả thế giới sẽ chịu thiệt hại. Đại dịch virus corona đang diễn ra đã chứng minh nhận định này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/16/406379.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/21/185140.html

Đăng ngày 29-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share