Bài viết của Hải Minh

[MINH HUỆ 11-04-2020] Ngày 17 tháng 4, Trung Quốc đã sửa đổi tổng số ca tử vong do virus corona ở Vũ Hán từ 2.579 lên thành 3.869 (tăng 50.02%). Nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ tính chính xác của con số cập nhật này do sự lừa dối không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ khi đại dịch bùng phát cách đây mấy tháng.

Có nhiều bằng chứng cho thấy tổng số ca tử vong còn cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, ngày 23 tháng 3, cư dân Vũ Hán được yêu cầu tới nhận bình tro cốt của người nhà đã qua đời do virus. Chỉ riêng tại Nhà Tang lễ Hán Khẩu đã có hai thùng xe tải đầy bình tro cốt (tổng cộng là 5.000 bình) được dỡ xuống vào ngày 26-27 tháng 3 để chuẩn bị phân phối sau đó.

Những hàng người dài đứng chờ tại các nhà tang lễ, trung bình mỗi nhà tang lễ lại lên lịch trả 500 bình tro cốt mỗi ngày cho tới Tiết Thanh Minh (còn được gọi là Ngày Tảo mộ, rơi vào ngày 4 tháng 4 năm 2020). Với bảy nhà tang lễ ở Vũ Hán, số bình tro cốt được phân phát trong 13 ngày ứng với 45.500 ca tử vong (500x7x13).

Nhiều nguồn tin cũng đã xác nhận các lò hỏa táng Vũ Hán đang làm việc không ngừng nghỉ trong mấy tháng qua. Ngày 3 tháng 2, Hoàng, nhân viên của Nhà Tang lễ Vũ Xương, đã tiết lộ với Guyu Lab, một kênh truyền thông Trung Quốc có liên kết với Tencent, rằng bắt đầu từ ngày 26 tháng 1, tức ngày mùng 2 của Tết Nguyên Đán, nhân viên đã bị yêu cầu đi làm, không có ngoại lệ. “Chúng tôi làm việc 24 tiếng một ngày. Bốn đường dây điện thoại của chúng tôi hoạt động 24 tiếng một ngày, mà nhân viên đã kiệt sức”, anh Hoàng cho biết.

Anh Lý Trạch Hoa, từng là người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Trung ương CCTV, đã tới Nhà tang lễ Thanh Sơn ngày 21 tháng 2 và đã xác nhận lời kể của anh Hoàng về công việc quá tải của các lò hỏa táng Vũ Hán. Anh Lý cho hay, lúc anh rời đó tầm 11 giờ đêm, các lò hỏa thiêu vẫn đang hoạt động.

Một lò hỏa thiêu thường mất một giờ đồng hồ để thiêu xong một thi thể. Nếu tính trong 26 ngày từ ngày 26 tháng 1 tới ngày 21 tháng 2, giả sử mỗi lò trong 74 lò (mà Vũ Hán có) làm việc 24 giờ một ngày, thì tổng cổng có 46.176 (26x24x74) thi thể đã bị hỏa thiêu.

Anh Lý phát hiện con số trung bình các ca tử vong không liên quan tới virus corona ở Vũ Hán là 137 ca hàng ngày. Nếu không tính 3.562 (137×26) ca tử vong không liên quan tới virus corona thì số ca tử vong do virus corona trong 26 ngày sẽ là 42.614 (46.176 – 3.562), khá tương ứng với con số 45.000 số bình tro cốt được phát.

Nếu tổng số ca tử vong trong 26 ngày là 42.614 thì có thể suy ra rằng số người thiệt mạng trong ba tháng ở Vũ Hán sẽ là hơn 120.000.

Rõ ràng, ĐCSTQ đã nói dối về số ca tử vong thực tế do virus corona. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ nói dối kể từ khi lên nắm quyền cách đây vài thập kỷ.

Nạn đói lớn ở Trung Quốc

Sau Đại nhảy vọt, một cuộc vận động chính trị nhằm biến Trung Quốc từ một nền kinh tế nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp hóa, một nạn đói lớn đã xảy ra ở Trung Quốc từ năm 1959 đến 1961. Nhiều thập kỷ trôi qua, và ĐCSTQ vẫn coi việc công khai số người chết đói trong nạn đói đó là điều cấm kỵ.

Nhiều phân tích đã được tiến hành dựa trên dữ liệu điều tra dân số. Cao Shuji từ Đại học Hồng Kông Trung Quốc đã công bố một bài báo trên Tạp chí Khoa học Dân số Trung Quốc vào năm 2005 và phát hiện số ca tử vong bất thường trong thời gian từ năm 1959 đến 1961 là ít nhất 33 triệu.

Frank Dikötter, giáo sư chủ tịch ngành Nhân văn tại Đại học Hồng Kông, kết luận ít nhất đã có 45 triệu người thiệt mạng trong cuốn sách Nạn đói lớn của Mao của ông.

Trận động đất ở Đường Sơn

Trận động đất ở Đường Sơn, một thảm họa lớn xảy ra vào ngày 28 tháng 7 năm 1976, là một ví dụ khác. ĐCSTQ ban đầu tuyên bố số người chết là 655.000, rồi sau đó sửa thành 240.000 mà không đưa ra lời giải thích nào.

Tuy nhiên, số tem phiếu cần dùng để mua vải hoặc đồ ăn tại thời điểm chính phủ phân phối vào cuối năm 1976 đã cho thấy số người chết còn cao hơn nhiều. Chỉ có 650.000 phiếu được phân phát, trong khi năm trước phân phát khoảng 1,2 triệu phiếu. Nhiều người tin rằng con số chênh lệch 550.000 này là sát với số thương vong thực tế dựa trên nghiên cứu độc lập.

Số ca tử vong trong một tai nạn bị hạ xuống 10 lần

ĐCSTQ không chỉ nói dối về thiên tai nhân họa, mà đối với các vụ tai nạn lớn cũng thế. Một vụ nổ đã xảy ra ở Thiên Tân vào tháng 8 năm 2015, rất nhiều lính cứu hỏa đã bị thiệt mạng, bên cạnh những thương vong khác. Một báo cáo chính thức của ĐCSTQ đề cập số lính cứu hỏa bị thiệt mạng là 21.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, toàn bộ số thành viên của chín đội cứu hỏa của Thiên Tân và ba đội cứu hỏa đặc biệt đã đến nơi xảy ra vụ nổ đã thiệt mạng. Mỗi đội cứu hỏa gồm 20 đến 30 người, mỗi đội cứu hỏa đặc biệt có ít nhất 15 người. Do vậy, tổng số người tử vong rơi vào khoảng từ 200 đến 300.

Thu hoạch nội tạng

Trong tất cả những lời dối trá của ĐCSTQ, dối trá lớn nhất có lẽ là những vu khống về các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, đã có hơn 100 triệu người tu luyện pháp môn này.

Vì lo sợ trước sự phổ biến ngày càng tăng của môn tu luyện, ĐCSTQ đã biên tạo nhiều lừa dối về Pháp Luân Công và phát động một chiến dịch toàn quốc đối với môn tu luyện vào tháng 7 năm 1999. Kể từ đó, rất nhiều học viên đã bị giam giữ, bị cầm tù, bị tra tấn, thậm chí bị thu hoạch nội tạng chỉ vì đức tin của họ.

Bà Cam Na, một cựu sỹ quan hải quan tại sân bay thủ đô Bắc Kinh, đã bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tân An lần thứ ba vào năm 2001 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà kể lại những việc bà trải qua khi bị giam giữ tại trại lao động này.

Bà Gan nhớ lại: “Chúng tôi bị kiểm tra sức khỏe toàn diện, bao gồm xét nghiệm máu, chụp X-quang, đo điện tâm đồ (ECG) và kiểm tra giác mạc.” Bà hiện đang sống ở Toronto, Canada.

Không chỉ có bà trải qua điều này. Tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia mà hiện không còn tồn tại, một trong những cơ sở ngược đãi các học viên Pháp Luân Công thậm tệ nhất, tất cả các học viên được nhận vào phải qua các cuộc khám sức khỏe toàn diện vào tháng 9 năm 2000 và mỗi học viên được cấp một mã số duy nhất. Những người có nhóm máu đặc biệt đều bị chú ý và các bác sỹ hỏi họ có mắc bệnh di truyền nào trong gia đình không.

Bằng chứng xuất hiện sau đó tiết lộ các cuộc kiểm tra y tế toàn diện của các cơ sở giam giữ ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công là nhằm mục đích thu hoạch nội tạng từ các học viên khỏe mạnh, còn sống để kiếm lợi nhuận kếch xù.

Theo một nhân chứng tiết lộ năm 2006 qua lời kể sau: “Chồng cũ của tôi mổ lấy giác mạc. Lúc đầu, anh không biết những người đó đã được cấp phép chưa. Người nằm trên bàn mổ đang trong trạng thái bất tỉnh và vẫn còn sống. Anh ấy biết điều đó sau khi thực hiện vài ca phẫu thuật. Anh nói rằng người yêu cầu anh làm điều này bảo anh ấy: Anh đã lên thuyền này rồi. Giết một người cũng là sát nhân. Giết vài người cũng là sát nhân. Sau đó, anh mới biết người ta vẫn còn sống. Còn nội tạng và tử thi được đưa tới từ đâu, anh ấy không hỏi.”

Theo một bác sỹ quân đội ở Khu Quân sự Thẩm Dương, Trung Quốc có 36 trại tập trung quân sự, trong đó, khu 672-S có lần giam giữ hơn 120.000 tù nhân, và đa phần là các học viên Pháp Luân Công. “Ủy ban Trung ương ĐCSTQ quyết định coi các học viên Pháp Luân Công là ‘kẻ thù giai cấp’ và xử lý họ theo bất kỳ cách nào có lợi về mặt kinh tế. Nói cách khác, các học viên Pháp Luân Công không còn được coi là con người, mà là nguyên liệu thô cho các sản phẩm thương mại”, ông giải thích.

Học viên Cam đã may mắn trốn khỏi Trung Quốc, nhưng nhiều học viên khác vẫn mất tích hoặc có thể đã thiệt mạng từ lâu sau khi họ bị thu hoạch nội tạng.

Theo ông Quách Quốc Đinh, một luật sư đang sống ở nước ngoài, và từng biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công khi ông còn ở Trung Quốc, nhiều học viên đã mất tích. Một ví dụ là Hoàng Hùng, sinh viên của Đại học Giao thông Thượng Hải nổi tiếng. Ông Quốc nói: “Chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi mà không thể tìm thấy thông tin của anh ấy.”

Để tránh tiếp tục bị bức hại hay liên lụy tới người khác, các học viên bị giam giữ thường từ chối báo cáo tên hoặc nơi cư trú của họ. Vì thế, nhiều người trong số họ bị đưa tới Thiên Tân hoặc vùng Đông Bắc Trung Quốc; ở đó, họ có khả năng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn thu hoạch nội tạng.

Tòa án Độc lập về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc (Toà án Trung Quốc) do Ngài Geoffrey Nice QC – một công tố viên tại Toà án hình sự quốc tế cho Nam Tư cũ – được thành lập ở London để điều tra các cáo buộc về nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.

Tòa án đã tuyên bố những phát hiện của họ vào ngày 17 tháng 6 năm 2019. Ban bồi thẩm kết luận rằng ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc trong nhiều năm và sự tàn bạo này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Năm 2015, mặc dù ĐCSTQ công khai tuyên bố họ sẽ ngừng thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị xử tử, nhưng nghiên cứu cho thấy họ vẫn đang làm giả số lượng hiến tạng. Ngày 14 tháng 11 năm 2019, Tổ chức Đạo đức Y Khoa BMC Medical Ethics đã công bố một bài báo có tiêu đề “Phân tích dữ liệu chính thức về hiến tặng nội tạng người chết nghi ngờ độ tin cậy của cuộc cải cách ghép tạng của Trung Quốc” (tên gốc “Analysis of official deceased organ donation data casts doubt on the credibility of China’s organ transplant reform”). Các tác giả đã nghiên cứu dữ liệu hiến tạng chính thức của Trung Quốc và phát hiện ra “bằng chứng không thể chối cãi cho thấy chúng đang bị làm giả”.

Kết luận

ĐCSTQ đến nay vẫn tiếp tục lừa dối về đại dịch virus corona đang lây nhiễm cho hơn 200 quốc gia và khu vực trên khắp thế giới.

Khi ngày càng có nhiều người hơn bắt đầu nhận ra sự nguy hại của sự bưng bít và dối trá của ĐCSTQ thì cũng là lúc chính quyền này sụp đổ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/11/403615.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/9/184397.html

Đăng ngày 15-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share