Bài của Tân Thanh
[MINH HUỆ 11-7-2008] Trong lịch sử Trung Quốc, từ vua Vũ vua Thang cho tới Chu Thành Vương, Tần Mục Công, Hán Vũ Đế, Đường Đức Tông, Thanh Thế Tổ, … mỗi khi có thiên tai nhân họa lớn phát sinh, các bậc đế vương ấy đều tự kiểm điểm bản thân – mình đã làm sai điều gì? Vì sao Trời cao giận dữ? Sau đó, họ tắm rửa ăn chay tịnh, bái lạy cầu khấn Trời đất, thậm chí còn công bố “Tội kỷ chiếu” (tức là “Chiếu thư tự trách tội mình”) trước Thiên hạ, công khai kiểm điểm và sám hối những lỗi lầm và thất bại của bản thân. Họ hướng về Thiên thượng và tất cả người dân hứa nhất định sẽ sửa chữa sai lầm, tự đôn đốc bản thân, từ đó được Thiên thượng tha thứ, không trách tội nữa, trăm họ cũng không phải chịu khổ.
Việc tự trách phạt những sai phạm của bản thân, đối với người có lương tri mà nói, ấy là chuyện thường tình. Nhưng làm vị Đế vương thời cổ đại “Quân quyền thần thụ” (quyền lực của Vua chúa đều là do Thần ban cho), nếu có thể tự kiểm điểm và tỉnh ngộ trước những sai lầm của bản thân thì thật sự không hề dễ dàng, còn nếu biên soạn thành văn bản – “Tội kỷ chiếu”, công bố trước thiên hạ, thì càng khó có hơn nữa. Như thế tại sao các vua chúa xưa kia, là “Thiên tử” con trời cao quý nhường ấy, lại tự kiểm điểm và sám hối lỗi lầm và thất bại của mình một cách công khai vậy? Muốn hiểu được điều đó chúng ta cần phải truy nguyên tới truyền thống văn hóa của Trung Quốc.
Thời Trung Quốc cổ đại, Thiên thần (tức là Thượng đế hay Thiên đế …) là chúa tể tuyệt đối của Trời đất, là bậc Đế vương “Phụng thiên thừa vận, thụ mệnh vu thiên” (Tạm dịch: Tuân phụng Trời thuận theo vận Trời, vâng theo mệnh lệnh từ Trời), là người thống trị mà Thiên thượng phái xuống nhân gian, chính vì thế mà gọi là “Thiên tử”. Theo cách nhìn của tổ tiên chúng ta mà xét, “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài” (Tạm dịch: “Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có Đức, lòng người thay đổi vô thường, chỉ ban ân huệ cho người có tấm lòng”). Sự quan tâm của Thiên thượng có quan hệ mật thiết với phẩm chất đạo đức của “Thiên tử”. Mệnh trời sẽ chỉ chiếu cố những vị vua có đức, một khi “Thiên tử” thất đức, ắt sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh suy của vương triều. Vua mà thất Đức cuối cùng đều sẽ bị Mệnh trời vứt bỏ. Do đó, bậc vua chúa nếu muốn giang sơn bền vững, thì phải tu Đức để xứng đáng với Trời. Thiên tai nhân họa chính là sự thể hiện của “Ý trời”, những người thống trị thời cổ đại phần lớn đều xem đó như là các “cảnh báo của Thiên tượng”.
Các vua chúa thời xưa biết tự trách tội mình sớm nhất trong lịch sử là vua Vũ, vua Thang. Sách sử có ghi chép: Sau khi vua Vũ lên ngôi vua, có lần nhìn thấy một tội phạm, thì đau lòng khóc. Quan lại bên cạnh hỏi nguyên do, vua Vũ nói: “Thời Nghiêu Thuấn, nhân dân đều học theo cái tâm như Nghiêu Thuấn, còn thời ta làm vua, trăm họ chỉ biết có cái tâm của bản thân họ, thật là đau đớn”. Cuộc sống cuối thời xã hội nguyên thủy, vua Vũ thấy lòng dân tản mát thay đổi, trong lòng rất áy náy, cho rằng ấy là vì mình làm vua chưa tốt, vì thế ông tự trách mình.
Sau khi nhà Thương diệt nhà Hạ, Vua Thang bố cáo thiên hạ, trấn an lòng dân, trong sử sách gọi là “Thang cáo”. Vua Thang nghiêm khắc kiểm điểm bản thân, nói rằng: “Tội lỗi là ở Trẫm, không dám tự tha thứ, điều đó phụ thuộc vào ý muốn của Thượng Đế, tội lỗi của vạn dân đều là tại tôi, một mình tôi có tội không liên can tới muôn dân”. Sau đó, gặp lúc nhà Thương bị hạn hán nặng mấy năm liền, ngũ cốc mất mùa, viên quan đại thần phụ trách việc cúng tế nói cần dùng người làm vật tế, xin Trời mưa xuống. Thế là vua Thang “tỉa tóc cắt móng tay”, lấy bản thân mình làm vật tế, vào rừng dâu, “tự trách 6 tội lỗi của mình”, nói rằng: “Một mình tôi có tội không liên quan đến vạn dân, vạn dân có tội đều là lỗi ở tôi. Chỉ do một người bất kính, cúi xin Thượng đế quỷ thần thương xót dân chúng”. Ngay sau đó, dân chúng hết sức vui mừng vì mưa to như trút nước.
Vua Vũ, Vua Thang trách tội bản thân, đều thu được hiệu quả tốt đẹp, trở thành tấm gương cho các bậc Đế vương vua chúa đời sau noi theo.
Sử sách có ghi chép: Sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi vua thì cực kỳ hiếu chiến, thích làm việc lớn thích lập công to, cũng rất thích Thần tiên phương sỹ, xây dựng cung điện lớn, tiêu xài hoang phí vô độ, khiến tiền của nhân dân khô kiệt, giặc cướp trộm đạo nổi lên hoành hành, thiên hạ đại loạn. Hán Vũ Đế lúc tuổi già dần dần tỉnh ngộ và hối hận, trong thời kỳ Chính Hòa, ông bác bỏ tấu chương của nhóm đại thần Tang Hoằng Dương xin lập đồn điền Luân Đài (ngày nay là huyện Luân Đài, Tân Cương) để cung cấp hậu cần cho các chiến dịch quân sự mở mang bờ cõi về phía Tây, quyết định “Bỏ đất Luân Đài, mà hạ chiếu bày tỏ lòng bi thương”. Ông “hối hận sâu sắc về những việc làm sai quấy trước kia”, không đành lòng lại “làm khổ và quấy nhiễu thiên hạ”, quyết tâm “cấm những việc bạo ngược và hà khắc, chấm dứt việc thu thuế một cách tùy tiện, phát triển nông nghiệp”. “Do đó không xuất quân chinh chiến nữa. Còn phong tước Phú Dân Hầu cho Thừa tướng Xa Thiên Thu, cho dân chúng được nghỉ ngơi, an dưỡng làm giàu”. Đó chính là “Luân Đài tội kỷ chiếu” nổi tiếng trong lịch sử. Hán Vũ Đế tuổi già đối mặt với cục diện nguy hiểm khó khăn, lúc ấy mau chóng tỉnh ngộ, gắng sức sửa chữa những lỗi lầm xưa, điều chỉnh toàn diện mọi chính sách quốc gia về đối nội và đối ngoại. Việc đó chẳng những khiến chính quyền chuyển nguy thành an, mà còn dựng lập nên cơ sở cho thời “Chiêu, Tuyên trung hưng” sau này. (là thời thịnh trị của các đời vua Hán Chiêu Đế và Hán Tuyên Đế)
Thời Đường cũng có một vị Hoàng đế đã từng viết “Tội kỷ chiếu” trong thời điểm nguy nan, đó là vua Đường Đức Tông. Vị vua này sau khi lên ngôi ít lâu, lần lượt bị mấy tiết độ sứ “Tứ vương”, “Nhị đế” dấy binh nổi loạn. Năm 783, Trường An thất thủ, Đức Tông hoảng loạn chạy trốn lưu vong, bị quân nổi loạn đuổi theo truy sát tới tận thành Phụng Thiên. Mùa xuân năm sau, ông rút kinh nghiệm xương máu, đổi niên hiệu thành “Hưng Nguyên”, còn ban bố “Tội kỷ đại xá chiếu”, “Phân mệnh triều thần chư đạo tuyên dụ”. Trong chiếu thư liệt kê các lỗi lầm của bản thân xong, nói: “Trên thì trời phạt mà Trẫm không tỉnh ngộ, dưới thì dân oán mà Trẫm không hay biết”, “trên thì làm tổ tông buồn phiền, dưới thì phụ lòng dân chúng, hết sức đau lòng, ta thực sự có tội”. Chiếu văn này chân thành tha thiết cảm động lòng người, rất có sức lay động, sau khi ban bố thì “4 phương lòng người rất đỗi mừng vui”, “binh sỹ đều cảm động rơi lệ”, lòng dân lòng quân rung động mạnh mẽ, làm cho thế cục thay đổi hẳn. Không lâu sau đó, cảnh loạn lạc nhiễu nhương bình ổn trở lại.
Trận động đất lớn năm 1679 xảy ra khi vua Khang Hy đang bận đi bình định loạn Tam phiên. Đối với ông chuyện đó là một gậy cảnh tỉnh không tầm thường. Ông vội “hạ chiếu phát tiền cứu trợ 10 vạn lượng”, tiếp theo nói trước mặt quần thần: “Bản thân Trẫm không có Đức, chính trị không hợp lòng dân, động đất xảy ra là một lời cảnh báo”. Vua Khang Hy thái độ rất chân thành, tìm ra sáu loại “tệ nạn chính sự” trong tầng lớp quan lại, cho rằng đó chính là “nguyên do của tai họa”, và ra lệnh cho các quan Cửu khanh bàn luận kỹ càng, căn cứ theo bộ Lại lập pháp nghiêm cấm, nhất định sẽ trừ dứt tệ nạn kéo dài đã lâu ngày này.
6 loại “Tệ chính” là: một là dân sinh khốn khổ cùng cực, quan lại địa phương lừa dối nịnh bợ quan trên, sai khiến dân chúng một cách tùy tiện. Hai là quan lại đại thần kết bè kéo đảng mưu lợi cá nhân. Ba là khi dùng binh địa phương, các Vương gia, tướng quân, đại thần cướp đoạt con cái của dân đen. Bốn là khi miễn giảm thuế ruộng và cấp phát gạo tiền cứu trợ, quan lại địa phương lợi dụng việc đó để xâm phạm cướp đoạt, đến nỗi trăm họ không được lợi ích thực tế nào. Năm là quan lại lớn bé dùng hình phạt bức cung bóp méo sự thật, hăm dọa dối trá. Sáu là nô bộc tôi tớ và người nhà của Vương công bối lặc đại thần chiếm đoạt dân đen. Hoàng đế Khang Hy chỉ ra rằng: “Hữu nhất vu thử, giai thị trí tai”. (Tạm dịch: “Phạm một trong số những sai phạm ấy, thì đều dẫn tới tai họa”). Tháng 8, các quan Cửu Khanh bàn bạc trả lời: Các Vương gia và tướng quân cầm quân liệt kê tên họ, những ai thiêu hủy nhà cửa dân lành, bắt con cái cướp của cải dân chúng, nếu là hàng Tướng quân thì cách chức, nếu là hàng Vương công Bối lặc thì giao cho Phủ Tông Nhân trị tội nghiêm khắc. “Những người bị cưỡng bắt, giao cấp cho họ về với gia đình”. Lấy địa khu Phúc Kiến làm ví dụ, quân Thanh trong thời gian chiến tranh dẹp loạn “Tam phiên”, khi rút quân thì “số nam nữ bị bắt làm nô dịch có hơn 2 vạn người”, quan Tổng đốc Phúc Kiến Diêu Hải Thánh ra lệnh chuộc cho tất cả được trở về làm dân thường. Hơn nữa các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang những tù binh và nô lệ được chuộc miễn thậm chí lên tới mấy vạn người.
Trong số các vị vua thời cổ đại, tự trách phạt bản thân nhiều lần nhất có lẽ là Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh. Từ thời ông còn thiếu niên vừa mới lên ngôi tự mình chấp chính, xuất hiện rất nhiều thảm họa tự nhiên. “Hạn hán buồn thấy mãi, động đất liên tục nghe tin”, “Mùa đông sấm chớp mùa xuân tuyết rơi, thiên thạch mưa bụi”. Ông xem tất cả những hiện tượng tự nhiên này đều do bản thân mình “không có Đức”, trời cao trách phạt, cho nên không ngừng tự kiểm điểm lại bản thân, liên tục liên tục hạ chiếu tự khiển trách mình. Đến lúc lâm chung, ông còn lưu lại một bản di chiếu, triệt để liệt kê 14 tội trạng của mình, điều nào cũng là những vấn đề nguyên tắc. Quy kết lại, có thể phân chia thành 7 phương diện lớn: Một là trong việc chính sự “Từ khi tự mình chấp chính tới nay, kỷ cương phép tắc dùng người hành chính không thể sánh với các sách lược của Thái tổ Thái tông, nhàn rỗi kéo dài, làm qua loa trước mắt”. Hai là đối với Hoàng thái hậu thì “Chưa trọn đạo làm con, chưa đủ chân thành”. Chưa làm tròn đạo hiếu, ngược lại còn làm mẹ phải đau buồn. Ba là đối với các Vương công Bối lặc “ân huệ quá ít, đạo lý tình thân chưa được chu toàn”. Bốn là “Trẫm sớm có tính kiêu ngạo, không biết khiêm tốn”, dùng người “không thể căn cứ theo tài năng mà sử dụng, đến nỗi người người đều mệt mỏi ca thán”, “Gặp người tài đức mà không thể tiến cử, thấy kẻ bất tài mà không thể cho thôi việc”. Năm là thiết lập ra 13 nha môn, sử dụng hoạn quan, “chẳng khác gì nhà Minh”. Sáu là “chi tiêu quốc gia quá nhiều, lương quân lính không đủ, mà vàng bạc tiền thuế ruộng lại chu cấp quá đầy đủ cho chi phí trong hoàng cung, chưa từng tiết kiệm”. Bảy là “Trẫm tính ưa an nhàn, thường tính chuyện hưởng thụ nhàn nhã”, “Trẫm mỗi khi tự cho mình là thông minh thì không thể lắng nghe lời khuyên can, không biết chiêu nạp người can gián”, “Đã biết là mình có lỗi, mỗi lần tự trách mình thì sinh lòng hối tiếc, thế là chú trọng vào những lễ tiết vô nghĩa, không thể tỉnh ngộ mà cải biến”. (“Thanh Thế Tổ thực lục”). Vua Thuận Trị liệt kê 14 tội lớn, có thể nói là rất đầy đủ toàn diện, rất sâu sắc. “Tự kiểm điểm bản thân” luận định triệt để ngay trước khi lâm chung, có thể tự phê phán bản thân một cách hoàn toàn khách quan triệt để như vậy, thì quả thật ông là người đầu tiên từ cổ chí kim.
Học giả Tiêu Hãn căn cứ vào “Nhị thập ngũ sử” để tiến hành thống kê, thì trong lịch sử Trung Quốc có tất cả 79 vị Hoàng đế từng hạ chiếu trách tội bản thân: thời nhà Hán 15 vị, thời Tam Quốc 3 vị (Tào Ngụy 1 vị, Tôn Ngô 2 vị), thời nhà Tấn 7 vị, Nam Triều 14 vị, thời nhà Tống 7 vị, thời nhà Liêu 1 vị, thời nhà Kim 1 vị, triều đại nhà Nguyên 4 vị, triều Minh 3 vị, nhà Thanh 8 vị.
Trong sách “Tả truyện” có nói: “Vũ, Thang tội kỷ, kỳ hưng dã bột yên, Kiệt, Trụ tội nhân, kỳ vong dã hốt yên”. (Tạm dịch: “Vua Vũ vua Thang tự trách tội bản thân, nơi ấy bỗng chốc thịnh vượng phồn vinh; vua Kiệt vua Trụ hành tội người khác, nơi ấy đột ngột suy tàn diệt vong”). Trong cơn thiên tai nhân họa mà có thể tự kiểm điểm trách phạt bản thân, sám hối những điều bản thân sai phạm, từ đó tu sửa cho ngay chính những lỗi lầm của bản thân, gánh chịu trách nhiệm của mình, tìm ra phương pháp phòng tránh thiên tai nhân họa, việc này đã thể hiện rất rõ lương tri của các vị vua sáng thời xưa, là một phần phúc đức của muôn dân trong thiên hạ, và cũng là một nét tinh hoa trong văn hóa chính trì truyền thống Trung Quốc.
Chú thích:
Chính trì: nghĩa là quản lý và chăm lo việc nước để cho đất nước được thái bình và nhân dân hạnh phúc no ấm, tức là “Chính trị”. Về sau ý nghĩa của từ “chính trị” này bị làm cho biến chất, “chính trị” bị khoác lên một ý nghĩa không tốt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/7/11/181747.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/8/1/99415.html
Đăng ngày: 25- 06 – 2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.