Biên tập: Khải Minh Nguyệt

[MINH HUỆ 15-3-2008] Trong sách “Tư trì thông giám – Đường kỷ” viết: Thời vua Đường Thái Tông, từng có mấy con chim khách lông trắng làm tổ ở trên mái của Tẩm điện (nơi nhà vua ngủ nghỉ). Có 2 cái tổ chim khác nhau chập lại làm 1, có hình dạng trông như cái trống cơm, 2 đầu to còn ở giữa thắt nhỏ lại. Các quan lại đều ngợi khen, cho rằng ấy là điềm lành: “Thông thường thì những thứ kết hợp với nhau là không thể dung hợp lẫn nhau. Giờ đây 2 con chim khách làm tổ, 2 tổ chim ấy đã kết hợp thành một với hình dáng thật đặc biệt. Điều này thật là phi thường – là điềm báo của sự hòa hợp giữa Thiên đường và Mặt đất, là dấu hiệu cho thấy Đại Đức của Hoàng thượng. Chúng ta nên làm lễ mừng sự kiện này”.

Đường Thái Tông nói: “Ta thường chê cười Tùy Dương Đế không thích người hiền tài mà lại thích thấy điềm lành, đến nỗi mất nước. Theo ta thấy, chỉ có chiêu nạp được hiền thần, quản lý việc chính sự cho tốt, làm cho dân chúng an cư lạc nghiệp và thiên hạ được thái bình, ấy mới là điềm lành thực sự. Còn như những thứ chim hay thú lạ, chẳng qua chỉ là một thứ của lạ, có gì đáng gọi là điềm lành chứ!”. Vậy là vua bèn sai người phá tổ chim, bắt chim thả ra ngoài.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/3/15/174095.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/3/24/95678.html
Đăng ngày 04-06-2010;Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share