Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 17-05-2010] Sống trong xã hội, ai cũng có quan hệ với người khác. Văn hóa truyền thống Trung Quốc coi trọng luân lý đạo đức khi đối xử trong quan hệ giữa người với người, bao gồm cả quan hệ hàng xóm. Tục ngữ có câu: “Người trong một nước đều là láng giềng nhân từ thân thiện của nhau, ấy là báu vật của quốc gia”. Còn có câu tục ngữ khác là: “Cứu giúp người gặp nạn, quan tâm đến hàng xóm láng giềng, đó cũng là Đạo. Người thuận theo Đạo thì có phúc”.

Người Trung Quốc xưa tin rằng đối xử tốt với người khác là một tiêu chuẩn cơ bản trong đời sống xã hội, và những người luôn làm việc tốt sẽ thực sự gặp may mắn. Có rất nhiều câu chuyện kể về những tấm gương cao cả luôn đối xử ân cần và khoan dung với người khác, giúp đỡ những ai đang trong cơn hoạn nạn. Sau đây là vài câu chuyện như vậy.

Đào Uyên Minh quyết định sống ở thôn Nam

Đào Uyên Minh (365- 427) là một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Tấn. Ông từng viết trong một bài thơ rằng: “Ta từng nghĩ đến chuyện định cư ở thôn Nam nhưng không phải bởi ta thích nhà cửa ở đó. Đó là bởi ta từng nghe đến những con người chân chất ở đó, và ta muốn sống cùng với họ”. Ông đã quyết định đến thôn Nam bởi ông thích những người dân làng thật thà tốt bụng ở đó.

Đào Uyên Minh bản thân cũng là một người mộc mạc chân thành. Ông làm ruộng mỗi ngày và viết thơ để bày tỏ nỗi lòng của mình. Ông hài lòng với cuộc sống đơn sơ giản dị, và ông vui thích được sống thuận theo Đạo.

Sau này ông miêu tả tình bạn hữu của ông với những người hàng xóm trong một bài thơ. “Chúng tôi thường sum họp với nhau, và mỗi người chúng tôi bày tỏ quan điểm của mình một cách cởi mở và thẳng thắn. Khi một người có được một bài viết hay, chúng tôi cùng nhau đọc; khi ai đó có câu hỏi hay nỗi băn khoăn, chúng tôi cùng nhau bàn luận”. Những người hàng xóm cùng giúp đỡ nhau và tận hưởng tình hữu hảo, tạo nên một bầu không khí tốt đẹp giúp cho mọi người nâng cao những giá trị đạo đức của mình.

Tư Mã Huy cho đi con lợn của mình

Tư Mã Huy thời Đông Hán là một học giả nổi tiếng. Ông rất giỏi trong việc phát hiện ra những nhân tài trẻ tuổi mà có đức. Một hôm, người hàng xóm của ông mất một con lợn. Thật trùng hợp thay, con lợn của Tư Mã Huy rất giống với con lợn bị mất ấy. Người hàng xóm lầm tưởng rằng con lợn của Tư Mã Huy là con lợn của anh ta. Tư Mã Huy không tranh cãi với anh ta, mà thay vào đó, ông nói: “Nếu nó là của anh, thì cứ lấy đi”. Người hàng xóm mang ngay con lợn về.

Vài ngày sau, người hàng xóm tìm thấy con lợn của mình ở một chỗ khác. Anh ta cảm thấy rất xấu hổ và mang con lợn trả lại cho Tư Mã Huy. Tư Mã Huy an ủi anh, nói rằng những nhầm lẫn như vậy là chuyện thường tình giữa hàng xóm với nhau. Hơn nữa, Tư Mã Huy còn khen ngợi anh ta vì đã hiểu ra chuyện và sẵn lòng sửa chữa lỗi làm. Người hàng xóm rất cảm động. Sau này, người ta gọi Tư Mã Huy là “Thủy Kính tiên sinh”. Đó là lời ngợi ca đức tính ngay thẳng và trong sáng như thủy tinh của ông.

Tử Nhữ Đạo khoan dung độ lượng với hàng xóm láng giềng

Tử Nhữ Đạo thời nhà Nguyên sống ở huyện Tề Hà thành Đức Châu thuộc tỉnh Sơn Đông. Ông luôn vui vẻ làm việc thiện, và nổi tiếng khắp quê nhà vì lòng tốt của mình. Một đồng hương của ông tên là Lưu Hiển và một số người nữa, quá nghèo khổ không tìm nổi kế sinh nhai. Tử Nhữ Đạo cắt cho họ mỗi người một mảnh ruộng, để họ có thể cho nông dân thuê mà kiếm chút tiền. Tử Nhữ Đạo lấy lại đất khi những người này qua đời. Một năm, khi bệnh dịch lan rộng, người ta nói rằng có một loại dưa hấu có thể chữa lành bệnh bằng cách khiến cho người ta ra mồ hôi như tắm. Tử Nhữ Đạo mua loại dưa đó với số lượng lớn, cùng với nhiều thực phẩm khác, và mạo hiểm bất chấp bệnh dịch để tự mình phân phát dưa tới từng nhà dân trong khu dịch bệnh. Vì thế ông đã cứu được rất nhiều người.

Nhiều khi vào mùa xuân, ông lấy lúa mì và cao lương đã xay của mình đem cho những người thiếu đói. Ông cho phép họ trả lại ông sau mùa thu hoạch mà không tính chút lợi tức nào. Nếu mùa màng thất bát và người ta không thu hoạch đủ để trả lại ông, Ti Nhữ Đạo sẽ đốt giấy nợ đi và bảo họ đừng bận tâm gì cả. Ông bảo gia quyến của mình rằng: “Tích trữ thóc lúa vốn là để phòng ngừa nạn đói. Vì thế, nếu gặp năm mùa màng thất bát, chúng ta phải giúp đỡ những người hàng xóm kém may mắn hơn”.

Dương Chứ bán lừa

Dương Chứ đời nhà Minh (1368- 1644) là quan thượng thư bộ Lễ. Ông thường cưỡi lừa tới triều đình hay bất cứ nơi nào ông cần đến. Ông rất yêu quý con lừa của mình. Mỗi ngày từ triều về nhà, ông lại tự mình cho lừa ăn và chăm sóc cẩn thận cho nó.

Hàng xóm của Dương Chứ là một người đàn ông đã đứng tuổi. Hai vợ chồng ông ta sinh được một mụn con trai khi đã gần 60 tuổi. Hai vợ chồng rất hạnh phúc vì rốt cuộc họ cũng có con lúc tuổi đã xế chiều. Tuy nhiên, đứa trẻ cứ khóc không ngừng mỗi lần nó nghe tiếng con lừa kêu be be, làm cho cả nhà khó chịu. Người hàng xóm không dám nói với Dương Chứ, bởi ông là một vị quan quyền cao chức trọng. Tuy nhiên, vì đứa trẻ khó chịu với con lừa và vì thế mà không chịu ăn, hai vợ chồng đến kể với Dương Chứ. Dương Chứ không chần chừ gì lập tức bán con lừa đi. Từ đó, khi ông lên triều hay đi đâu, ông chỉ đi bộ mà thôi.

Tục ngữ có câu, “Một người thực sự đẹp chỉ khi tâm của anh ta thiện”, “Quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng”, và rằng “Một người tốt bụng và có đạo đức nếu mỗi lời nói và việc làm của người ấy đều nhằm mang lợi ích cho người khác”. Những câu tục ngữ này khuyên chúng ta hãy lấy Đạo và sự ngay thẳng làm tiêu chuẩn suy xét mọi chuyện. Chúng ta phải nghiêm khắc với bản thân mình và khoan dung độ lượng với người khác. Chúng ta phải có lòng từ tâm, biết thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm đến người khác, và để tâm đến người khác như thể chính bản thân chúng ta ở trong cùng một hoàn cảnh như người mà chúng ta đang cố giúp đỡ.

Đây là thể hiện của đức hạnh loài người, cũng đồng thời là cách hướng dẫn cho người khác trở nên lương thiện tốt đẹp hơn. Làm như vậy, xã hội sẽ hài hòa, quan hệ nhân luân sẽ tràn ngập tình hữu hảo hòa thuận nồng ấm, làm cơ sở cho sự công chính của xã hội.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/5/17/223843.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/6/3/117600.html
Đăng ngày 08-06-2010, bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share