Do một học viên biên soạn và ghi lại theo lời kể của tác giả

(Tiếp theo Phần 1)

[MINH HUỆ 27-03-3019] Tác giả của câu chuyện mang đầy mầu sắc huyền thoại này là ông Phùng mà mọi người thường gọi ông một cách kính trọng là “Bác Phùng”. Bác Phùng sinh năm 1941 ở thành phố Đại Liên và chuyển tới sinh sống ở tỉnh chúng tôi trong quãng thời gian khi Trung Quốc đang trong phong trào “Tam Tuyến”. Bác Phùng làm nghề lái xe trong một nhà máy thép và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng Ba năm 1996.

Những khó khăn và khổ nạn không tưởng tượng nổi

Ban đêm ngủ ở đâu

Còn một vấn đề khó giải quyết nữa là – ban đêm ngủ ở đâu? Mỗi khi mặt trời ngả về tây, màn đêm buông xuống là trong lòng bác có chút lo lắng: Đêm nay ngủ ở đâu? Làm sao qua được đêm nay? Không tiền, không người thân thích, không có điểm dừng chân miễn phí, bác chỉ có thể tìm một chỗ tạm ở dọc đường tàu để tránh mưa tránh gió qua đêm. Chuyện này không chỉ một hai đêm mà kéo dài tới gần 60 đêm. Việc này đòi hỏi phải có sự can đảm rất lớn và không phải ai cũng dám làm.

Bác đã phải giải quyết vấn đề này thế nào? Tuy không nhớ được hết chi tiết nhưng bác chỉ nhớ được rằng những ga tàu nhỏ là nơi tá túc tốt nhất. Tuy nhiên, bác không có vé và hầu hết các đoàn tàu đều không cho bác lên. Trong suốt cuộc hành trình của mình, chỉ có ba ga tàu có người tốt bụng cho bác lên tàu. Thỉnh thoảng có đêm, bác may mắn tìm được một bốt gác tàu bị bỏ hoang. Tuy không có cửa sổ hay cửa ra vào nhưng ít nhất nó cũng có mái che. Bác kiếm thêm một ít cỏ khô phủ lên người rồi ngủ qua đêm.

Đôi khi bác cũng tìm được những cái lều của nông dân dựng tạm lên trong ruộng để canh hoa màu. Những cái lều này thường bị ướt nước mưa, vì thế bác tìm vài viên gạch kê xuống sàn và ngồi dựa lưng xuống ngủ qua đêm. Nói chung ngủ thế này cũng còn tốt hơn là phải ngủ gà ngủ gật bên ngoài dưới mái hiên ga tàu. Nếu trời không mưa lớn, thì chỉ cần một miếng đất bằng phẳng, một bụi cây, một đống cỏ khô cũng khiến bác dễ dàng có được giấc ngủ ngon sau một ngày đi bộ mệt mỏi.

Giải quyết nỗi sợ

Có người hỏi bác Phùng: “Thế ban đêm bác không gặp phải người xấu à?” Bác kể có lần ở một vùng nông thôn, khi đó trời đã tối mà bác vẫn chưa tìm được chỗ nào để ngủ qua đêm. Khi đang đi dọc theo đường tàu thì bỗng có khoảng chục người đuổi theo bác. Khi đuổi kịp, một người đàn ông mặt mày hung dữ cầm một cây côn sắt và ra lệnh “Đưa hết tiền bạc ra đây, nhanh lên!” Bác Phùng nói: “Tôi là người ăn mày, tôi không có tiền. Tôi thậm chí còn chưa tìm được chỗ ngủ đêm đây. Nếu tôi có tiền thì tôi có phải chịu khổ thế này không?” Họ nhìn trừng trừng vào bác một lát rồi nói “Cút đi!”

Cũng có người hỏi bác: “Bác đã gần 60 tuổi rồi, một thân một mình ban đêm ở nơi hoang vu, bác không sợ sao?”

“Có lúc sợ, có lúc không sợ” Bác Phùng trả lời. “Nếu tôi nói tôi không sợ thì cũng không đúng. Trong toàn bộ cuộc hành trình, có nhiều đêm, tôi phải thức dậy giữa đêm vì lạnh và gặp phải ác mộng. Khi thức dậy, bóng tối, nỗi cô đơn, nỗi sợ hãi bất an, lo lắng đề phòng khiến tôi sởn gai ốc và không thể ngủ lại được.

“Nhưng tôi cũng không sợ. Vì là một học viên chân chính nên tôi tin Sư phụ sẽ luôn ở bên tôi, bảo vệ tôi, vậy tôi còn sợ gì nữa?”

Để giảm bớt những khó khăn vào ban đêm, thỉnh thoảng bác Phùng cũng thay đổi cách thức di chuyển. Có lần khi đến một tỉnh phía Bắc, trời nắng nóng cả ngày, vì thế bác đã ngủ vào buổi chiều và đi bộ vào ban đêm.

Những câu chuyện kỳ diệu

Đã hơn 20 năm trôi qua, bác Phùng nay đã gần 80 tuổi và đã quên rất nhiều chi tiết của cuộc hành trình huyền thoại năm đó. Nhưng có hai điều mà bác vẫn còn nhớ rất rõ. Một là những sự việc kỳ diệu xảy ra trên đường đi, hai là những cảm thụ đặc biệt của mình khi ba lần tới Bắc Kinh.

Những mong ước trở thành sự thật

Khi bác lên kế hoạch cho chuyến đi, và để tránh sự chú ý của người khác bác đã không mang theo áo mưa và tiền bạc gì nhiều. Trên đường đi, bác chợt nghĩ: “Nếu nhặt được tấm vải nhựa hay cái ô thì tốt quá.” Vì thế vừa đi bác vừa để ý mọi thứ xung quanh.

Và thậm chí trước khi bác rời khỏi tỉnh, bác đã tìm thấy một tấm vải nhựa cũ trong đường hầm và sau đó là một cái áo khoác đi mưa cũ bên cạnh đường. Bác đã giặt cái áo mưa đi và mặc vào. Nó đã giúp bác tránh bị mưa ướt và những cơn gió lạnh. Ban đêm, bác dùng tấm vải nhựa trải xuống đất và đắp cái áo mưa lên người. Bằng cách đó, bác đã vượt qua được vài cơn bão lớn. Đó là những điều bác mong muốn đã thực sự trở thành sự thật.

Không bị đói

Ngay cả khi phải ở trong hoàn cảnh đồ ăn là những thứ nhặt nhạnh được trên đường và đi ăn xin, nhưng chưa bao giờ bác bị đói. Bác Phùng nói trong túi bác không mấy khi thiếu đồ ăn.

Điều kỳ lạ là, đôi khi tất cả những đồ ăn bác nhặt được trong ngày đều giống nhau. Ví dụ, có hôm bác nhặt được toàn bánh bao, ngày khác thì nhặt được toàn bánh màn thầu, những ngày sau thì là thịt… và nó cứ lặp lại như thế khoảng tám chín lần.

Một lần nghỉ giải lao, bác đã lục túi để kiểm tra xem đồ ăn trong túi có còn sử dụng được không. Bác đã cười phá lên khi thấy trong túi mình có trứng, cá, bánh bao, bánh màn thầu và vài loại thịt, tất cả chúng đều còn ăn được, giống như là bác đang chuẩn bị một bữa tiệc vậy.

Một hôm khi bác đang ở tỉnh Hồ Nam, khi đó đã là quá trưa và bác vẫn chưa có gì cho vào bụng. Bỗng nhiên bác nhìn thấy ba đống mỳ sợi cạnh đường tàu hỏa. Ở miền Nam Trung Quốc, loại mỳ này được gọi là “mỳ lạnh”. Đầu tiên, người ta luộc loại mỳ này lên sau đó để lạnh rồi trộn lẫn với dầu ăn và các gia vị khác. Những đống mỳ sợi này vẫn còn rất tươi ngon và sạch sẽ. Tại sao lại có người bỏ đi ba đống mỳ vẫn còn tươi ngon ở đây được nhỉ? Bác đã gạn lấy ba nửa trên của đống mỳ. Mỳ này rất ngon và bác đã ăn ba ngày và vẫn còn thừa một ít. Vì không muốn để chúng bị hỏng, bác đã cho phần còn thừa cho một phụ nữ nông thôn. Ngạc nhiên, người phụ nữ nói: “Ồ, bác lấy mỳ này ở đâu thế?” bác nói rằng bác nhặt được ở cạnh đường tàu và người phụ nữ nói: “Sao xưa nay mình chưa bao giờ nhặt được những thứ như này nhỉ?”.

Một lần ở tỉnh Hà Bắc, bác đi qua nhà một người nông dân đang tổ chức đám cưới, ngoài sân bày khoảng 20 bàn tiệc. Bác tiến lại và xin một ít thức ăn, nhưng người chủ nhà rất lịch sự đã mời bác ngồi lại dự tiệc cùng với những khách khác. Bác đã rất xúc động và cảm ơn sự hào phóng của người chủ nhà.

Một ngày khác, bác vào nhà một người nông dân để xin thức ăn. Bác kể lại những gì đã xảy ra:

“Nhìn vào nhà họ, tôi có thể nói rằng hai anh em họ cũng rất nghèo. Người anh làm việc bên ngoài còn người em thì đan rổ tre ở bên trong. Đến bữa trưa, khi nghe tôi hỏi xin đồ ăn ở bên ngoài, người em ở trong nhà đã mang ra một cái bánh lớn và một tô súp rau nóng có cả trứng ở trong và mời tôi ăn. Khi tôi đang ăn, người em lại vào trong nhà và mang ra cho người anh một xuất đồ ăn cũng giống hệt như đồ mà tôi đang ăn vậy. Sau đó, người em ngồi xuống và tiếp tục làm việc. Người anh hỏi người em là tại sao lại không ăn. Người em lặng lẽ nhìn người anh và không nói gì. Khi tôi ăn xong, đứng dậy nói lời cảm ơn và tạm biệt, tôi vẫn thấy người em không ăn gì cả. Lúc này, tôi mới chợt nhận ra rằng người em đã nhường phần ăn của mình cho tôi và nghĩa là buổi chiều hôm đó, người em sẽ phải chịu đói. Lúc đó, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.”

Ở tỉnh Hồ Nam, có một cái sân có cổng đang mở và một người phụ nữ với đứa con gái khoảng bảy hoặc tám tuổi đang ở bên trong. Bác tiến tới và nói: “Xin chào hai mẹ con! Tôi chỉ đi ngang qua đây, xin chị cho tôi chút đồ ăn, tôi đói quá.” Người phụ nữ nói: “Không, không, chúng tôi không có gì để ăn cả”, vừa nói người phụ nữ vừa đi ra để đóng cổng lại. Nhưng cháu bé đã chạy theo, kéo áo người mẹ lại nài nỉ: “Mẹ, cho ông ấy đồ ăn đi mẹ”. Người mẹ mềm lòng và nói với bác: “Ông chờ một chút” rồi dắt tay cô con gái đi về nhà. Một lúc sau, cháu gái trở lại tay run run bê ra cho bác một bát canh mộc nhĩ trắng vẫn còn bốc khói. Mắt bác Phùng đẫm lệ, bác nói đó là lần đầu tiên và là lần duy nhất trong suốt chuyến đi của mình, bác đã khóc khi đi xin đồ ăn.

Bác Phùng nói rằng những chuyện như thế này không phải là chuyện ngẫu nhiên. Bởi nó xảy ra không chỉ một hai lần mà là rất nhiều lần và trong những hoàn cảnh cũng rất đặc biệt. Bác nói rằng Sư phụ đã an bài mọi chuyện để chăm sóc và bảo vệ đệ tử của mình.

Cảm xúc và suy nghĩ khi đến Bắc Kinh

Sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, Bắc Kinh trở thành một địa điểm hắc ám, bầu không khí sực mùi khủng bố với đầy rẫy những cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục ở khắp nơi.

Tuy nhiên, cả ba lần bác Phùng tới Bắc Kinh kháng cáo thì cả ba lần bác đều có một loại cảm thụ hết sức đặc biệt. Ngay khi vừa đặt chân đến Bắc Kinh, bác có cảm giác tâm mình thật bình thản, minh bạch và thoải mái. Theo như lời bác nói thì đó là “Cảm giác tâm mình giống như một bát nước sạch trong veo vậy.”

Đối mặt với những nhân tố tà ác, bác Phùng không hề sợ hãi hay lo lắng. Khi đó trong đầu bác chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là “Ta là một đệ tử Đại Pháp và ta phải đứng ra bảo vệ Đại Pháp.” Đó hoàn toàn là một cảnh giới vô tư vô ngã và siêu thoát.

Ví dụ, bác thường mang theo bằng lái xe và thẻ căn cước nhưng bác đã bỏ lại ở Bắc Kinh khi lần đầu tiên đến đây bởi bác nghĩ mình sẽ không bao giờ quay lại nơi này nữa nên cũng không cần sử dụng đến chúng.

Lòng kiên trì và sức mạnh của Đại Pháp

Bác Phùng đã mất 58 ngày để đến được Bắc Kinh. Trong suốt 58 ngày đêm gian khổ đó, bác không hề phải mua đồ ăn, không ngủ trong khách sạn.

Trong suốt 58 ngày đêm đó, bác đã tự mình phải vượt qua trùng trùng những khó khăn và khổ nạn mà người bình thường không thể tượng tượng nổi.

Không tính những lần mà bác đi nhờ xe thì quãng đường từ nhà bác tới Bắc Kinh là khoảng 1600 dặm. Trung bình, bác đi khoảng 27 dặm (khoảng 50 km/ngày). Một thân một mình, từ nhà một mạch đi đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Điều này cần nghị lực đến mức nào, cần sự kiên cường, ý chí quyết tâm lớn đến mức nào? Bác Phùng nói rằng đó là sức mạnh của Đại Pháp.

“Vì tôi là đệ tử Đại Pháp”, bác nói “Tôi đã quyết tâm và chấp nhận mạo hiểm, nhưng cũng qua đó tôi đã được trải nghiệm nhiều điều kỳ diệu. Vì là đệ tử Đại Pháp, tôi mới có thể vượt qua được nguy hiểm, biến nguy thành an. Đa tạ Sư phụ! Đa tạ Đại Pháp!”

Kết thúc

Trong lòng đầy cảm xúc khi tới được Bắc Kinh, bác đã chọn một chỗ có đông người qua lại và bình thản ngồi xuống luyện bài tĩnh công thiền định. Nhiều người qua lại đã nhanh chóng phát hiện ra bác là học viên Pháp Luân Công và cảnh sát đã nhanh chóng xuất hiện bắt và đưa bác trở lại quê nhà.

Nhưng cho dù như vậy, câu chuyện về bác Phùng một mình đi bộ đến Bắc Kinh để kháng nghị đòi quyền được tu luyện Đại Pháp đã khiến cho nhiều người dân ngạc nhiên và xúc động sâu sắc. Nó cũng gây ra một tiếng vang vô cùng lớn khiến cho các cơ quan thực thi công quyền ở địa phương khiếp sợ và họ đã tiến hành bức hại bác.

Đầu tiên, bác Phùng bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức và bị tra tấn trong ba năm. Sau đó, bác bị kết án tù và bị tra tấn tàn bạo thêm bốn năm nữa.

Nhưng nhờ có đức tin kiên định vào Sư phụ và Đại Pháp, bác đã vượt qua được mọi khổ nạn và trở về nhà vào ngày 4 tháng 11 năm 2008.

Dù cuộc bức hại tàn khốc Pháp Luân Đại Pháp của chính quyền cộng sản Trung Quốc đã kéo dài hơn 20 năm, nhưng quyết tâm “Bước ra và nói sự thật” của bác Phùng vẫn chưa bao giờ ngưng nghỉ. Cho đến hôm nay tuy đã ở độ tuổi 80 nhưng bác Phùng vẫn còn rất khỏe mạnh và càng kiên định và tinh tấn hơn bao giờ hết.

(Hết)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/27/384399.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/18/184083.html

Đăng ngày 12-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share