Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Úc

[MINH HUỆ 13-04-2020]

Tiếp theo Phần 2

Một kế hoạch khả thi

Sau ba ngày ở Tây An, chúng tôi bắt tàu trở về Bắc Kinh. Chúng tôi quyết định ở lại khách sạn của người chủ từng gợi ý chúng tôi đến Tây An để cảm ơn sự giúp đỡ của anh. Khi chuyến đi sắp kết thúc, chúng tôi chuẩn bị gửi thư cho Bộ Văn hóa. Nhưng chúng tôi không chắc lắm có nên làm vậy không.

Một trong hai người anh em đó đã liên lạc với một người quen mà anh từng gặp ở Hồng Kông. Anh ấy mời chúng tôi đi ăn trưa. Anh ấy không phải là học viên, nhưng đã bắt đầu đọc Chuyn Pháp Luân và rất đồng cảm với cảnh ngộ của các học viên ở Trung Quốc. Anh ngỏ ý đưa bức thư cho kênh thông tấn trung ương Tân Hoa Xã và các phóng viên truyền thông nước ngoài tại Bắc Kinh. Tình cờ làm sao, anh lại có thể tiếp cận với tất cả những kênh đó.

Chỉ trong mấy phút, chúng tôi đã đưa ra được một kế hoạch tốt. Chúng tôi fax bức thư tới các cơ quan báo chí, thông báo với họ rằng vào lúc 10 giờ sáng, chúng tôi sẽ đến Tân Hoa Xã để đưa thư.

Một buổi tối khảo nghiệm

Bởi vì đó là đêm cuối cùng của chúng tôi ở Bắc Kinh, chủ khách sạn nài nỉ chúng tôi ở lại khách sạn của anh ấy và ăn tối với anh. Anh ấy mong có thời gian ngồi với chúng tôi. Tôi nghĩ cuối cùng, chúng tôi có thể thư giãn vì đã có một kế hoạch tốt và chúng tôi có thể thưởng thức gì đó ngoài bánh bao và khoai tây chiên. Người chủ nói với chúng tôi rằng anh một người ăn chay, một Phật tử và một người phóng sinh cứu những con chó khỏi bị giết. Tôi cứ nghĩ anh thậm chí có thể là một học viên Đại Pháp và chờ đợi xem liệu chúng tôi có thể tâm sự với anh không. Sau đó, anh ấy hỏi chúng tôi đã gặp nhau như thế nào và chúng tôi đang làm gì ở Trung Quốc.

Chúng tôi nhìn nhau và quyết định nói với anh. Ngay khi chúng tôi làm vậy, thái độ của anh thay đổi. Anh bỗng nổi đóa lên và thô lỗ, bảo chúng tôi rằng chúng tôi không biết tình hình ở Trung Quốc. Anh nói xấu Đại Pháp và la chúng tôi vì can thiệp vào chính trị của đất nước anh. Lúc trước, anh ấy còn bảo chúng tôi rằng anh ấy không thích chế độ chính trị của Trung Quốc và không đồng ý với chính sách của chính quyền nhưng đã cố gắng hết sức để kiếm lời từ tình hình này. Chúng tôi nói với anh ấy các học viên đã bị tra tấn ra sao chỉ vì cố gắng bảo vệ nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng anh không chịu nghe.

Anh yêu cầu chúng tôi không được gửi thư cho chính quyền, ngụ ý rằng anh có thể mất sự nghiệp triệu đô vì chúng tôi. Chúng tôi nói với anh rằng việc gửi thư là toàn bộ mục đích của chuyến đi của chúng tôi. Sau khi anh ấy đọc bức thư, chúng tôi đã nói thêm về Đại Pháp và Đại Pháp có ý nghĩa thế nào đối với chúng tôi. Giọng anh dịu lại một chút.

Sau đó, anh nói anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc tố giác chúng tôi với cảnh sát. Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi phải từ bỏ việc đưa bức thư cho Tân Hoa Xã chỉ vì tự mãn khi có một kế hoạch tốt. Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng cho dù có chuyện gì xảy ra thì cũng sẽ ổn thôi, và lại chuẩn bị tinh thần đón nhận những điều không mong đợi. Chủ khách sạn bảo chúng tôi trở về phòng và sắp xếp hành lý để có thể sẵn sàng rời đi với cảnh sát ngay sáng hôm sau. Chúng tôi trao đổi địa chỉ và đi sắp xếp hành lý. Anh ấy nói rằng có thể một ngày nào đó anh ấy cũng sẽ trở thành một học viên Đại Pháp.

Ngay khi chúng tôi chuẩn bị đi ngủ, anh ấy đến phòng của chúng tôi và yêu cầu chúng tôi rời đi ngay lập tức. Lúc đó đã nửa đêm, chúng tôi chẳng có nơi nào để đi. Anh nói rằng anh đã gọi cho bạn mình tại đồn cảnh sát, và người ta bảo anh phải làm vậy. Anh thấy buồn cười vì chúng tôi bỗng xuất hiện trong cuộc sống của anh, rồi lại mang đến cho anh bao nhiêu xáo trộn, nhưng cũng thừa nhận rằng đó chẳng phải là lỗi của ai cả bởi anh cứ năn nỉ chúng tôi ở lại với anh. Tôi nói với anh rằng đó là vì nhân duyên.

Anh ấy đã viết một mẩu tin nhắn nhờ tài xế taxi đưa chúng tôi đến một khách sạn giá rẻ. Đêm đó là khảo nghiệm lớn nhất của chúng tôi, nhưng ít nhất chúng tôi vẫn có cơ hội đưa thư cho Tân Hoa Xã và có thể là gặp gỡ các phóng viên vào buổi sáng.

Ngày cuối cùng ở Trung Quốc

Sáng hôm sau, khi đến Tân Hoa Xã, chúng tôi thấy các phóng viên của ABC tại Úc và Associated Press (AP). Phóng viên ABC đã hỏi ngắn gọn những việc chúng tôi sẽ làm, ghi lại tên của chúng tôi và nói rằng anh sẽ đợi bên ngoài để đảm bảo chúng tôi được an toàn. Anh cũng muốn chúng tôi kể cho anh những gì đã xảy ra sau đó.

Chúng tôi đến gặp phòng tiếp tân của Tân Hoa Xã ở cổng. Không ai nói tiếng Anh, và người làm nhiệm vụ nhìn chúng tôi với vẻ khó chịu, có thể anh ấy cho rằng chúng tôi là du khách đi lạc. Chúng tôi muốn đưa bức thư cho một người phụ trách thay vì người gác cổng, nhưng anh cứ đuổi chúng tôi đi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, đành phải đưa cho anh lá thư đã được dịch sang tiếng Trung Quốc. Ngay khi chúng tôi nói cụm từ Pháp Luân Công và đưa cho anh lá thư, anh lập tức nhấc điện thoại lên. Chẳng mấy chốc, phòng tiếp tân đã chật kín đủ loại người đặt câu hỏi cho chúng tôi. Một nhóm người rời đi rồi một nhóm người khác đến.

Cuối cùng, một nhóm cảnh sát mặc đồng phục bước vào. Người phụ trách hỏi chúng tôi nói tiếng Anh rất tốt. Anh ấy lấy hộ chiếu và vé của chúng tôi và yêu cầu chúng tôi nói cho anh biết chúng tôi đã gặp ai ở Trung Quốc, có biết họ sống ở đâu không, đã làm gì với họ và đã đi đến đâu nữa. Chúng tôi nói với anh ấy tất cả mọi thứ trừ tên của những người chúng tôi gặp.

Sau vài giờ thẩm vấn, anh ấy bảo chúng tôi đến văn phòng của họ để cung cấp thêm thông tin. Trên đường đi, anh quay lại và nói với chúng tôi rằng vì chúng tôi không còn nhiều thời gian trước giờ bay về, nên họ sẽ đưa chúng tôi đến văn phòng của họ tại sân bay. Ở đó, chúng tôi đã được hỏi lại những câu hỏi đó một lần nữa.

Họ viết bản tường trình và muốn chúng tôi ký vào. Biên bản đó bằng tiếng Trung, và một cảnh sát đảm bảo với chúng tôi rằng những gì anh ta viết là sự thật và những câu trả lời của chúng tôi. Tôi chỉ ra rằng về mặt pháp lý chúng tôi không thể ký bất cứ điều gì mà chúng tôi không hiểu được. Bảy, tám người trong số họ phát cáu nhưng chẳng thể làm gì.

Chúng tôi giải thích rằng chúng tôi đến Trung Quốc vì các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới không tiếp nhận thư của các học viên. Chúng tôi cũng muốn cho họ thấy Đại Pháp không đe dọa ai, cũng không có hại gì cho sức khỏe của ai. Tôi nói chúng tôi tới Trung Quốc làm nhân chứng cho các học viên phương Tây để cho họ thấy chúng tôi khỏe mạnh và hạnh phúc như thế nào. Chúng tôi cũng giải thích rằng người dân ở hơn 30 quốc gia đã tu luyện Đại Pháp và chẳng có chính phủ nào khác nhận định các học viên là mối đe dọa cả.

Cuối cùng, viên cảnh sát trẻ chỉ nói rằng công việc của anh là thi hành pháp luật và chúng tôi đã vi phạm luật pháp. Chúng tôi lại giải thích chúng tôi chẳng làm gì bất hợp pháp mà chỉ muốn trao đổi với chính phủ Trung Quốc với hy vọng làm sáng tỏ những hiểu lầm. Các cảnh sát ở lại với chúng tôi cho đến khi chúng tôi lên máy bay và chỉ đưa hộ chiếu cho chúng tôi khi chúng tôi đã đặt chân lên máy bay. Họ không cho chúng tôi thực hiện bất kỳ cuộc điện thoại nào báo với người nhà rằng chúng tôi vẫn ổn.

Một khởi đầu mới

Về đến Melbourne, ở đó đang xảy ra cơn sốt truyền thông. Khi cha của hai anh em đón chúng tôi tại sân bay, ông ấy cầm một tờ báo trên tay, và trên trang nhất là bức ảnh ba chúng tôi đi vào Tân Hoa Xã. Tiêu đề nói rằng chúng tôi đã mất tích, và tin này đã được đăng trên tất cả các phương tiện truyền thông. Tôi nhớ lại rằng phóng viên ABC đã muốn gặp chúng tôi sau khi đưa bức thư cho Tân Hoa Xã. Vì chúng tôi không trở ra, nên có lẽ anh ấy cho rằng chúng tôi đã mất tích.

Khi một trong hai anh em nhìn thấy tờ báo và phát hiện cha họ lo lắng như thế nào, anh nói có lẽ chúng ta đã không làm đúng mọi việc. Trước khi rời Melbourne, chúng tôi đã bàn với nhau, nếu hành xử của chúng tôi phù hợp với Đại Pháp, chuyến đi của chúng tôi sẽ có kết quả tốt. Nhưng dù phản ứng của cha anh ấy như thế nào, tôi nhận ra rằng đó là cơ hội hiếm có để chúng tôi nói chuyện với giới truyền thông và cho nhiều người biết về tình hình ở Trung Quốc. Cuối cùng, chúng tôi đã có cơ hội để làm sáng tỏ những hiểu lầm của giới truyền thông về Pháp Luân Đại Pháp.

Mẹ tôi, cũng là một học viên, đã vượt qua một khảo nghiệm lớn về tình. Một số nhà báo hỏi bà có lo lắng cho tôi không. Bà ấy đã hành xử như một học viên chân chính và trấn an họ rằng chúng tôi có lẽ sẽ an toàn thôi. Cha tôi đang làm việc trong rừng và kỳ diệu là không tiếp xúc với bất kỳ phương tiện truyền thông nào, vì vậy ông đã không hay tin gì nên chẳng phải lo lắng gì.

Cha của hai anh em cũng thay đổi thái độ. Mặc dù ông không đồng ý với việc chúng tôi sang Trung Quốc, ông nói với truyền thông rằng ông không nhận ra chúng tôi nghiêm túc như thế nào với bức thư cho đến khi ông nhìn thấy bức ảnh trên mặt báo. Cả hai anh em đã nói chuyện rất lâu với bạn bè và mọi người trong cộng đồng về Đại Pháp và lý do chúng tôi đến Trung Quốc.

Sau khi trở về, tôi đã dành hai ngày để nói chuyện với giới truyền thông từ sáng đến tối. Vì có nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài phát thanh, nên những gì tôi bày tỏ không thể bóp méo được. Tôi lại được nhắc nhở rằng an bài của Sư phụ hoàn hảo đến mức nào.

Một học viên Melbourne trở về từ Trung Quốc sau đó còn kể với chúng tôi rằng, ngay cả khi cô tới thăm cha mẹ ở miền Nam, các học viên cũng biết có ba người nước ngoài đã đến Trung Quốc để gửi thư ủng hộ Đại Pháp. Tại Canberra, chúng tôi cũng đã gặp người học viên mà chúng tôi từng gặp tại quán trà ở Tây An. Cô ấy nói với chúng tôi rằng sau chuyến đi đến Tây An, nhiều học viên ân hận vì đã không gặp chúng tôi ở đó, họ đã bắt đầu tu luyện tinh tấn hơn và lại gặp nhau. Chồng cô lúc ấy đang giải đãi trong tu luyện, cũng bắt đầu tu luyện và đọc sách Đại Pháp nhiều hơn.

Chúng tôi cảm ơn Sư phụ Lý đã cho chúng tôi cơ hội để duy hộ và bảo vệ Đại Pháp và đã dẫn dắt chúng tôi hoàn hảo đến vậy trong hành trình thăng hoa chính mình. Cũng như những việc khác, chúng tôi vẫn cần ngộ ra được nhiều điều đã xảy ra với chúng tôi ở Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng trải nghiệm này hữu ích đối với các học viên khác và chúc mọi người thành công trong việc giảng chân tướng và buông bỏ những chấp trước cuối cùng. Xin chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/13/184018.html

Đăng ngày 21-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share