Bài viết của Chương Vận, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 27-04-2020] 21 năm sau sự kiện ngày 25 tháng 4 tại Bắc Kinh, các học viên Pháp Luân Công ở khu vực Toronto đã tham gia một số hoạt động kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa lịch sử năm 1999. Các học viên tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto để phản đối cuộc bức hại đang diễn ra. Nhiều học viên không đến được lãnh sự quán đã gọi điện trò chuyện với người dân ở Trung Quốc về Pháp Luân Công.
Chính phủ Canada, cũng như các chính phủ ở nhiều quốc gia khác, đang khuyến cáo người dân thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế virus corona lây lan. Các học viên giữ khoảng cách tối thiểu 2m trước Lãnh sự quán Trung Quốc trong buổi thắp nến tưởng niệm.
Ý nghĩa của sự kiện ngày 25 tháng 4
Ngày 25 tháng 4 năm 1999, gần 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung trước Văn phòng Kháng cáo Quốc vụ viện Bắc Kinh để yêu cầu thả hàng chục học viên bị bắt ở Thiên Tân trước đó hai ngày. Cuộc tập trung này là tự phát bởi các học viên cảm thấy họ nên đến văn phòng kháng cáo để giải thích tình huống của họ sau khi biết vụ bắt giữ các học viên ở Thiên Tân.
Ba tháng sau, ngày 20 tháng 7 năm 1999, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại trên toàn quốc nhắm vào môn tu luyện này. Cuộc bức hại ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong hơn hai thập kỷ qua.
Các học viên Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto ngày 25 tháng 4 năm 2020.
Cô Phan là một trong những học viên thắp nến tưởng niệm bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc. Cô nói rằng khi đối mặt với đại dịch hiện giờ, xã hội quốc tế đã thấy ĐCSTQ kiểm duyệt và bóp méo thông tin như thế nào trước công chúng.
Cô nói: “Việc giữ vững nguyên lý và sự kiên định của chúng tôi có ý nghĩa quan trọng, ngay cả khi đối mặt với một chính quyền chuyên chế. Đó là những gì các học viên Pháp Luân Công đã làm vào ngày 25 tháng 4 năm 1999.”
Cô Phan nói nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công phù hợp với các giá trị truyền thống và đối nghịch với hệ tư tưởng giả ác đấu của ĐCSTQ nên chính quyền này không thể dung nạp Pháp Luân Công.
Cô Phan tiếp tục: “Nhiều người lái xe ngang qua đã thể hiện sự ủng hộ của họ. Có người chụp ảnh, có người hạ cửa sổ xuống và gọi với ra: ‘Cảm ơn! Hãy tiếp tục nhé!’”
Vì nhiều nơi áp dụng chính sách giãn cách xã hội và ở nhà nên các học viên đã tổ chức lễ thắp nến kỷ niệm ngày 25 tháng 4 năm nay qua mạng để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc bức hại kéo dài 21 năm ở Trung Quốc.
Học viên trẻ: Giữa chính và tà
Học viên trẻ Jack thường nhắn tin với những người từ Trung Quốc Đại lục qua mạng để nói với họ về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Anh đã thấy 20 năm tuyên truyền vu khống của ĐCSTQ đã khiến nhiều người Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công như thế nào. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bị tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ tẩy não mà viết những lời thù địch trong các nhóm chat.
Anh Jack nói: “Một số học viên đã làm việc này [giảng chân tướng về Pháp Luân Công] suốt 10, 20 năm qua. Tôi thực sự ngưỡng mộ sự bền bỉ và từ bi của họ.”
Anh Jack cũng thấy rất nhiều phản hồi tích cực từ cư dân mạng Trung Quốc. Đội quân internet của ĐCSTQ, còn được gọi là “Đội quân 50 xu”, được đặt tên theo số tiền nhận được trên mỗi bài đăng, cũng hoạt động trong các nhóm chat này. Một lần, họ nhắn tới tấp những lời dối trá trên một diễn đàn, nhưng một độc giả viết: “Các vị [Đội quân 50 xu] càng làm ráo riết, mọi người sẽ càng hiểu rõ rằng các học viên [Pháp Luân Công] là phi phàm và chân chính.”
Người thân của một viên chức ĐCSTQ cấp cao: Pháp Luân Công thật tuyệt vời
Học viên Pháp Luân Công Lý Chân đã gọi điện cho người dân ở Trung Quốc để nói về tội ác của ĐCSTQ và đề nghị họ làm tam thoái.
Gần đây, bà đã trò chuyện với một thanh niên có chú là một quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Anh nói: “Các quan chức cấp cao ở đây quan tâm đến người dân rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng cháu biết được quyết định [phong tỏa] 15 ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa. Gia đình cháu có nhiều thực phẩm, thuốc men và cả thiết bị y tế.”
Khi bà Lý đề cập đến Pháp Luân Công, anh cho biết một trong những người chú của anh là một học viên. Anh kể: “Chú ấy đã bị kết án hơn 10 năm tù [vì đức tin của mình], nhưng chú vẫn rất kiên định. Khi được thả ra, chú chẳng còn gì, vợ chú thậm chí đã ly dị. Chú ấy là người rất tốt bụng và cháu thực sự tôn trọng chú ấy.”
Chàng trai trẻ cũng nói rằng anh biết ĐCSTQ nói dối từ lâu, và anh thường tranh luận với một giáo viên về điều đó trong lớp.
Sau đó, bố mẹ anh về nhà và bảo anh không được nhận các cuộc gọi từ hải ngoại. Chàng trai đề nghị bà Lý gọi lại cho anh sau, rồi cúp máy.
Hôm sau, khi bà Lý gọi lại, anh hỏi: “Dì ơi, dì thật tốt bụng và kiên nhẫn. Cháu chỉ tò mò – Chính phủ Hoa Kỳ có trả tiền để dì làm việc này không? Nhiều người nói dì có nhận tiền để làm.”
Bà Lý giải thích rằng bà tự bỏ tiền túi để thực hiện các cuộc điện thoại quốc tế. Chàng trai nói rằng anh tin điều đó. Anh nói: “Pháp Luân Công thật sự rất tuyệt vời!” Rồi anh tiếp tục: “Cháu sẽ trở thành một viên chức chính phủ trong nay mai, và cháu nhất định sẽ đối xử tốt với các học viên.”
Nhân chứng cho sự kiện ngày 25 tháng 4: Mảnh đất tịnh độ
Bà Cam Na, đến từ Bắc Kinh, đã tham gia sự kiện ngày 25 tháng 4 năm 1999. Bà nhớ lại: “Ai cũng hòa ái, tốt bụng. Có những người tình nguyện giữ gìn trật tự. Cho nên giao thông hầu như không bị ảnh hưởng.”
Bà Cam kể lại, suốt ngày hôm đó và cả khi rời đi, trên mặt đất không có rác. “Tất cả chúng tôi đều là học viên Pháp Luân Công và chúng tôi cố gắng làm người tốt mọi lúc mọi nơi. Đó giống như mảnh đất tịnh độ vậy.”
Mặc dù Pháp Luân Công mang lại nhiều lợi ích, nhưng vì cuộc bức hại đang diễn ra và chiến dịch vu khống lừa dối của ĐCSTQ nên nhiều người ở Trung Quốc vẫn không hiểu được Pháp Luân Công. Bà Cam quyết định tham gia nỗ lực gọi điện về Trung Quốc và kể cho mọi người câu chuyện chân thực về Pháp Luân Công.
Gần đây, bà đã trò chuyện với một bí thư đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh. Khi bà Cam đề cập đến việc làm tam thoái, ông đã đồng ý và cảm ơn bà.
Bà lịch sự gọi ông bằng chức danh “Bí thư” và đề nghị nói thêm về Pháp Luân Công. Người đàn ông đồng ý lắng nghe nhưng nói: “Nhưng xin đừng gọi tôi là ‘Bí thư’ nữa. Tôi không còn thuộc về nó nữa.”
Đến cuối cuộc trò chuyện, sau khi biết nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công đã khiến xã hội thăng hoa như thế nào, ông đã rất cảm kích. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đây là những gì tôi vẫn hằng chờ đợi.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/27/404446.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/29/184254.html
Đăng ngày 02-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.