Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-11-2019] Một cựu sỹ quan cảnh sát cấp cao ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, một lần nữa bị bắt khi đang đọc sách Pháp Luân Công tại nhà riêng vào ngày 15 tháng 8 năm 2019. Hiện bà đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Số 2 Thạch Gia Trang.

Trước lần bị bắt gần đây nhất, bà Trương Vân, 64 tuổi, đã từng bị bắt giữ và tù giam trong tổng cộng chín năm và ba tháng chỉ vì kiên định đức tin của mình sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.

Bà Trương đã phải chịu sự tra tấn khủng khiếp và tẩy não tăng cường, khiến bà nhiều lần gần như chết đi sống lại.

Sau đây là tóm tắt về những gì bà đã trải qua.

Lần đầu tiên bị giam cầm và tra tấn

Bà Trương bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2001 tại nơi làm việc và bị đưa thẳng tới Khu số 4 của Trại Lao động Thạch Gia Trang để thụ án một năm. Các lính canh đã tra tấn bà hòng buộc bà phải từ bỏ đức tin của mình.

1. Bị trói trong tư thế đau đớn

Vào ngày bà đến trại lao động, lính canh trại đã buộc bà phải viết một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối làm như vậy, bà đã bị ba lính canh tra tấn.

7eb3038a2938d87186b130a7fc95aeac.jpg

Minh hoạ cảnh tra tấn: Bị trói trong tư thế đau đớn

Các lính canh bắt bà Trương phải cởi áo khoác, trói bà lại và buộc bà phải quỳ xuống sàn. Sau đó, họ vặn tay bà và kéo ra sau lưng, rồi buộc chúng lại hướng lên đầu bà. Đau đớn khiến bà gần như bất tỉnh. Các lính canh tiếp tục quấn dây quanh vai bà, từ trên xuống. Trong khi vừa thắt dây, họ vừa hỏi về việc bà ký vào biên bản tuyên bố từ bỏ. Bà Trương từ chối tuân thủ.

Tiếp theo, các lính canh nhét dùi cui điện vào sợi dây trên lưng bà. Sợi dây trở nên chặt đến nỗi bà Trương gần như nghẹt thở; chiếc áo sơ mi của bà ướt đẫm mồ hôi.

Một trong số lính canh nói: “Bà mạnh mẽ lắm cơ mà? Bà chỉ mới phải chịu như thế này trong 4 phút và 20 giây thôi. Những người khác còn lâu hơn rất nhiều.”

Khi đang nói chuyện, linh canh nới lỏng sợi dây. Bà Trương lúc này bắt đầu bị ho và nôn.

“Bà có biết tại sao chúng tôi không cho bà ăn trưa không? Bà sẽ nôn hết mọi thứ nếu bà ăn nó. Chúng tôi không muốn bà làm bẩn nơi này.”

Sau khi cho bà nghỉ một lúc, ba lính canh tiếp tục dúi mặt bà xuống sàn và bắt đầu đánh bà dữ dội bằng gậy cao su (gậy cao su chứa lõi sắt có thể gây tổn thương bên trong cơ thể). Họ liên tục hỏi bà có muốn ký vào tuyên bố từ bỏ không. Bà Trương đã cắn vào mu bàn tay của mình để giữ cho mình không nói.

Sau đó, bà Trương đã không đứng dậy nổi. Ba lính canh lôi bà lên và sốc điện vào cổ, tay, cánh tay và chân bà bằng dùi cui điện trước khi họ ra ngoài nghỉ ngơi.

Khoảng nửa giờ sau, lính canh quay lại và bắt đầu màn tra tấn khác. Hai lính canh ghì bà xuống bàn trong khi người lính thứ ba đánh vào vùng hông đang bị thương của bà. Bà chỉ còn biết la lên trong đau đớn. Toàn thân bà run rẩy.

Màn tra tấn diễn ra trong suốt buổi chiều. Các lính canh đánh mạnh vào hông của bà, cả hai chân của bà đều chuyển sang bầm đen khiến bà bị tê liệt trong hai tháng ròng. Mãi sau hai năm, hông của bà mới hoàn toàn hồi phục.

2. Trói và nhốt trong buồng nhỏ

Trại lao động ngăn không cho các học viên Pháp Luân Công không chịu từ bỏ đức tin của mình gặp nhau. Mỗi người bị nhốt trong buồng của mình, nhỏ hơn rất nhiều so với các buồng giam tiêu chuẩn.

Lính canh đã không cho các học viên ngủ nhiều ngày đêm, và còn ép họ phải đứng yên trong thời gian rất dài.

Trong suốt mùa hè nóng nực, muỗi và tiếng ồn phát ra từ việc đánh đập các học viên khác khiến họ gần như không ngủ.

Vào một buổi sáng sớm, bà Trương bị đưa đến một gara. Bà bị còng tay và treo người lên, chỉ có ngón chân chạm đến mặt đất. Trong khi đó, một lính canh dùng gậy cao su đánh vào mông của bà, trong khi người còn lại sốc điện bà bằng dùi cui điện.

3. Bị ép viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công

Trại lao động là một nơi đáng sợ với bà Trương, lính canh ra vào các phòng giam mọi lúc với các dụng cụ tra tấn trong tay, họ đi lại xung quanh để đe doạ mọi người.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 2001, bà Trương bị đưa đến một căn phòng với các gậy cao su, dùi cui điện, dây thừng, còng tay và một mẫu tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được đặt trên bàn.

Linh canh Hành Quân nói, “Nếu bà không muốn tự viết, bà chép của người khác cũng được.” Khi bà từ chối, lính canh đã tát mạnh vào mặt bà và đe doạ sẽ tra tấn bà. Rồi lính canh sốc điện lên tay phải của bà bằng dùi cui điện.

Khi bà Trương không thể chịu đau thêm nữa, bà đã viết một bản cam kết trái với ý muốn của mình.

Vô cùng đau buồn và dằn vặt về cam kết mà bà đã viết, trái với lương tâm của bà, mái tóc của bà Trương đã ngả bạc chỉ trong vài ngày.

Vào ngày 18 tháng 8, bà đã viết một tuyên bố để rút lại cam kết từ bỏ tu luyện của mình. Lính canh đe doạ sẽ áp dụng các phương pháp tra tấn tàn bạo hơn đối với bà, nhưng bà không hề nao núng.

4. Tra tấn trong Trại lao động Khai Bình

Vào ngày 26 tháng 12 năm 2001, bà Trương bị chuyển tới Trại lao động Khai Bình ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, nơi bà phải chịu đựng sự bức hại thậm chí còn vô nhân đạo hơn trước đây.

Bà bị ép phải đứng yêu trong suốt 17 đến 20 giờ mỗi ngày trong suốt bốn tháng. Toàn thân của bà sưng lên. Khăn và bàn chải đánh răng của bà cũng bị lấy đi. Bà cũng bị đánh đập rất nhiều lần.

Một lính canh đã đánh vào vùng thái duơng và mặt cho đến khi bà bất tỉnh. Trong một lần khác, một lính canh đã tát vào mặt bà. Bà cảm thấy rất chóng mặt và không thể nghe rõ mọi thứ.

Vào ngày 12 tháng 2 năm 2002, một lính canh đã ra lệnh cho bà Trương đứng ngoài trời từ 6:00 giờ sáng đến tận nửa đêm mà không mặc quần áo ấm hoặc đi giày. Các ngón chân của bà bị tê cóng nghiêm trọng và bà bị tê chân trong suốt tám tháng.

5. Sử dụng con gái để ép bà Trương từ bỏ đức tin

Ngày 17 tháng 4 năm 2002, ba ngày trước khi mãn hạn tù. Phòng 610 Thành phố Lộc Tuyền đã chuyển bà đến trung tâm tẩy não và gia hạn án phạt của bà thêm bốn tháng.

Bà Trương đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ kéo dài và bà phải chịu bức thực tàn bạo, một trong những thủ đoạn tra tấn khác.

Thủ phạm còn đưa cô con gái 16 tuổi của bà tới để thúc giục bà phải từ bỏ đức tin của mình. Tiếng khóc nức nở của con gái đã khiến bà Trương bật khóc.

Con gái bà là một học sinh trung học, nhưng đã phải tự nấu ăn, giặt giũ cùng với bài tập ở trường. Sức khoẻ kém của cô bé được phản ánh qua đôi chân sưng phồng cũng như việc phải ở lại lớp. Trong chuyến thăm kéo dài hai tiếng, cô bé chỉ nói với mẹ một điều: “Mẹ ơi mẹ về nhà đi, con nhớ món mì ngon của mẹ.”

Bà Trương động viên con gái của mình hãy trở nên mạnh mẽ và nói với cô bé rằng bà đã không làm gì sai khi tu luyện Pháp Luân Công, và một ngày nào đó công lý sẽ được thực thi.

6. Bức hại gia tăng tại Trung tâm Tẩy não Tỉnh Hà Bắc

Ngày 9 tháng 8 năm 2002, bà Trương bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tỉnh Hà Bắc để chịu án thêm tám tháng. Các học viên bị ép phải xem các video bôi nhọ công kích Pháp Luân Công. Các thủ phạm không cho các học viên ngủ đồng thời sử dụng các học viên đã bị chuyển hoá tham gia vào việc tẩy não trong suốt cả ngày lẫn đêm.

Ngày 3 tháng 9 năm 2002, bà Trương bị thiếu ngủ trong hai tuần do bị buộc phải đi bộ liên tục mà không được nghỉ ngơi. Bà đã bất tỉnh sau nửa đêm và ngã xuống đất. Khi bà tỉnh lại, miệng của bà đầy máu. Răng cửa của bà bị lung lay và bà bị tụt lợi.

Bà Trương hỏi lính canh, “Anh sẽ nói gì với gia đình tôi nếu tôi chết vì bị thiếu ngủ?” Một người trả lời, “Dễ thôi. Chúng tôi sẽ nói bà chết vì bị đột quỵ“ Một lính canh khác nói, “Chúng tôi có thể làm một phóng sự trên TV và nói rằng bà đã tự tử.”

Để buộc bà Trương từ bỏ Pháp Luân Công, một số lính canh ép bà phải dẫm lên và ngồi lên trên bức tranh của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Họ còn ấn bút vào tay bà và ép bà phải viết những lời xúc phạm về nhà sáng lập. Bà đã không thể ăn bất cứ thứ gì trong ba ngày liền.

Cuối cùng, bà Trương được trả tự do vào ngày 4 tháng 4 năm 2003, sau khi chịu đựng tra tấn trong hai năm.

Trại lao động thứ hai

Ngày 10 tháng 8 năm 2006, bà Trương bị bắt trở lại khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công trên đường phố. Lần này, bà bị buộc tội hai năm lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Trạch Gia Trang.

Bà Trương bắt đầu tuyệt thực từ ngày 1 tháng 5 năm 2007. Hai tuần sau đó, cảnh sát truyền một thứ vào tĩnh mạch của bà, và gọi nó là “dinh dưỡng”. Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên, chân của bà đã sưng lên và bà bắt đầu nôn mửa. Tình trạng đó diễn ra trong năm ngày và sức khoẻ của bà ngày một yếu đi. Bà trở nên chóng mặt và khó thở. Cả chân và bàn chân của bà đều bị phù đến mức bà không thể đi giày.

Sau đó, bà được biết quá trình truyền dịch đã được trộn với một loại thuốc để điều trị bệnh tim, nhưng bà không hề có vấn đề về tim. Tiếp theo, bà đã phát sinh các triệu chứng phù nề, tim đập nhanh và tức ngực. Bà đã kiểm tra ba lần, nhưng không tìm thấy vấn đề về tim. Rõ ràng là việc truyền vào tĩnh mạch của bà là để làm tổn hại sức khoẻ của bà.

Khi kỳ hạn tù của bà kết thúc vào ngày 24 tháng 8 năm 2008, thay vì trả tự do cho bà, các nhà chức trách của trại lao động đã chuyển bà đến một trung tâm tẩy não ở Thạch Gia Trang trong khi thể trạng của bà cực yếu, với cái cớ Bắc Kinh sắp đăng cai Đại hội Thể thao Olympic 2008. Mãi đến tháng 9, bà mới được trả tự do.

Trại lao động thứ 3

Bà Trương đã bị bắt thêm một lần nữa tại nơi làm việc vào tháng 6 năm 2009. Sau đó, bà bị kết án 1 năm 9 tháng lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại Lao động Nữ Tỉnh Hà Bắc.

Khi bà Trương từ chối từ bỏ đức tin của mình, cảnh sát đã yêu cầu với các tù nhân theo dõi bà 24 giờ mỗi ngày. Các tù nhân bịt miêng bà bằng băng keo và cắt tóc của bà nham nhở. Do bị ngược đãi, bà Trương đã không thể ăn gì trong một thời gian dài và nôn ra hết những gì đã ăn. Bà đã yếu đến nổi khó có thể đi lại được.

Ba năm rưỡi trong tù

Bà Trương đã bị bắt sau khi bị báo cáo vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công vào ngày 10 tháng 11 năm 2013. Sau đó, bà bị kết án ba năm rưỡi và bị đưa đến Nhà tù Nữ Hà Bắc vào ngày 16 tháng 12 năm 2014.

Bà Trương đã bị cấm tắm trong nhiều tháng liên tiếp. Mặc dù sức khoẻ của bà rất yếu do bị bức hại trước đó, bà vẫn bị buộc phải tham gia các đợt tẩy não trong nhiều giờ.

Để tra tấn bà về mặt tinh thần, các lính canh đã ép đặt dấu vân tay của bà lên một tờ giấy viết toàn những lời lẽ vu khống chống lại nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Những thống khổ về tinh thần kéo dài và lao động nặng nhọc khiến sức khoẻ của bà ngày càng trở nên xấu đi.

Danh sách các cơ quan và cá nhân tham gia vào việc bức hại:

Bạch Nghị (白毅), Trưởng Phòng Cảnh sát Quận Lộc Tuyền: + 86-311-82180166, + 86-13633111212

Phong Lập Quân (封立军), Trưởng Đồn Cảnh sát Thành Quan: + 86-13803213288

Cao Minh Phương (高明芳), Trưởng Phòng Tư pháp Lộc Tuyền: + 86-311-85138008, + 86-13932198586

Lương Kim Hội (梁金会), Phó Trưởng phòng: + 86-311-85138188, + 86-13831116679

Khích Lập (郄 立), Nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Lộc Tuyền: + 86-311-82016529, + 86-13503215086

An Thiếu Phong (安少峰), nhân viên Viện Kiểm sát Quận Lộc Tuyền: + 86-311-82105888, + 86-13903218

Kỷ Lan Sinh (纪兰生), Chánh án Tòa án Quận Lộc Tuyền: + 86-311-83893600, + 86-18531157666

Lưu Lê Bình (刘黎平), Giám đốc trại tạm giam Số 2 Thạch Gia Trang: + 86-311-8778202432, Văn phòng: + 86-311-87755202

Dương Tố Kim (杨素金), chính ủy của trại tạm giam: + 86-311-8775520


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/31/392106.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/20/180790.html

Đăng ngày 11-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share