Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-04-2020] Một cựu giáo viên tiếng Anh đã qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 2019, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Khi đó bà 53 tuổi.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

978c5b8f74d0d59c3c25a2902f54d29e.jpg

Bà Lý Phượng Mỹ quá cố

Bà Lý Phượng Mỹ sống tại thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, đã nhiều lần bị bắt giữ vì đức tin của mình. Sau lần bị bắt vào tháng 7 năm 2002, khi đó bà đang mang thai ở tháng thứ hai, mặc dù đã kháng cự mạnh mẽ nhưng bà vẫn bị đưa đến một bệnh viện để phá thai. Bà đã cố trốn thoát được khỏi bệnh viện trước khi phẫu thuật, nhưng đứa con lại bị chết lưu do không chịu được điều kiện khắc nghiệt khi bà liên tục phải chuyển chỗ ở để trốn chạy. Chồng bà đã ly dị bà sau khi bà bị kết án bốn năm tù và bị đuổi việc.

Trong thời gian bà Lý đang trốn chạy, cảnh sát còn bắt giữ hai chị gái của bà vì họ cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Bị tổn thương tinh thần vì ba cô con gái đều bị bắt, bà Vương Phúc Cần đã bị đột quỵ và qua đời vào tháng 3 năm 2004 ở tuổi 69.

Chồng bà, ông Lý Khôn Liên, bị suy sụp tinh thần sau cái chết của vợ. Hàng ngày, cứ mỗi khi trời sẩm tối, ông lại thường cầm một con dao hoặc cây gậy để xua đuổi những kẻ xấu mà ông tưởng tượng ra, những người mà ông nghĩ rằng họ đang đến để cướp đi những người thân yêu của ông. Ông qua đời năm năm sau, ở tuổi 71.

2013-9-24-minghui-torture-beating--ss.jpg

Bà Vương Phúc Cần và ông Lý Khôn Liên quá cố

Một giáo viên tiếng Anh đáng kính

Bà Lý Phượng Mỹ từng gặp các vấn đề về sức khỏe và luôn khổ sở vì mối quan hệ căng thẳng với bố mẹ chồng.

Cuộc sống của bà thay đổi vào năm 1997, khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Các bài công pháp nhẹ nhàng đã giúp cải thiện sức khỏe của bà, và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn đã biến bà từ một người nóng tính trở thành người tốt bụng và chu đáo hơn.

Nhờ những thay đổi này mà gia đình bà đã sống hòa thuận và hạnh phúc. Kết quả công tác ở trường cùng đạo đức của bà Lý đã khiến bà được tôn trọng và giành được danh hiệu giáo viên gương mẫu.

Tránh được việc bị ép phải phá thai, thì lại bị sảy thai trong thời gian chạy trốn

Ngày 20 tháng 7 năm 2002, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, cảnh sát địa phương đã đưa bà Lý đến Trung tâm Tẩy não Doanh Khẩu. Một cảnh sát cho biết họ bắt giữ bà Lý vì tài hùng biện và danh tiếng của bà – và lập luận rằng nếu có thể khiến bà từ bỏ đức tin thì sau đó họ có thể sử dụng bà để chuyển hóa các học viên khác.

Bà Lý đã từ chối hợp tác. Cảnh sát đã lên kế hoạch để đưa bà vào một trại lao động nhưng lại phát hiện rằng bà đã mang thai được hai tháng. Họ yêu cầu một bác sỹ đến tiến hành phá thai, nhưng bác sỹ đã từ chối. Ngày 25 tháng 7, bà bị đưa đến một bệnh viện để phá thai, chính vì thế mà bà đã buộc phải chạy trốn vào tối hôm đó.

Nhưng cảnh sát không bỏ cuộc. Vì không thể tìm được bà Lý, họ đã bắt giữ hai chị gái của bà, là bà Lý Phượng Trân và Lý Phượng Chi, cũng là học viên Pháp Luân Công. Hai người chị cũng bị buộc phải sống lưu lạc, và ngay khi trở về nhà họ lại bị bắt đến một trung tâm tẩy não.

Vì bà Lý thường xuyên phải chuyển chỗ ở và phải sống một cuộc sống chật vật nên thai nhi đã bị chết lưu không lâu sau đó.

Bị tra tấn trong trại tạm giam

Bà Lý và một học viên khác bị bắt vào ngày 21 tháng 8 năm 2003. Một cảnh sát đã đánh đập và thẩm vấn bà. Bà từ chối trả lời các câu hỏi, trừ khi bà được tháo còng tay. Thấy bà không chịu còng tay lại, ba cảnh sát đã lấy chăn trùm lên bà rồi đánh đập bà thậm tệ.

Sau đó, bà bị giam giữ tại trại tạm giam Bá Ngư Quyển trong 13 tháng và bị tra tấn tàn bạo ở đó. Vào ngày bị chuyển đến đó, bà Lý đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ tùy tiện. Lính canh Triệu Vỹ đã tát mạnh vào mặt bà, khiến tai trái của bà bị chảy máu đầm đìa.

Ba ngày sau, một phó phòng cùng vài nhân viên của Phòng An ninh Nội địa đã đến thẩm vấn bà. Bởi vì bà Lý không chịu hợp tác nên những cảnh sát này và một lính canh họ Chu đã luân phiên tra tấn bà. Họ đập mạnh vai bà vào tường, dùng đầu gối thúc mạnh vào bụng bà, rồi kéo tóc, và tát vào mặt bà hơn 30 lần, khiến bà Lý choáng váng, ho, và toàn thân đau nhức. Bà còn bị nổi mẩn toàn thân.

Sau khi đánh đập, một cảnh sát báo với phó phòng rằng họ không thẩm vấn được gì. Phó phòng trả lời: “Các trường hợp liên quan đến Pháp Luân Công rất dễ xử lý. Các anh cứ viết những gì các anh muốn là xong.”

Trong bảy ngày bà Lý tuyệt thực, bác sỹ phẫu thuật trưởng của trại tam giam, ông Cao Nhật Chính, đã bức thực bà Lý trong khi các lính canh Triệu Vỹ và Trương Tinh Lập ghì chặt bà vào ghế. Cao cố tình cho thêm nhiều muối vào hỗn hợp sữa và nước muối để gia tăng đau đớn trong quá trình bức thực. Vì ống dẫn thực thông qua lỗ mũi trái gây ra thương tích nên sau đó lại họ sử dụng lỗ mũi phải, khiến bà buồn nôn, sau đó bị chảy máu ở phần thân dưới, kèm theo đau bụng.

Có lần, bà Lý bị đau bụng dữ dội và bị sốt. Bà vã mồ hôi vì đau đớn, toàn thân run lên bần bật. Một bác sỹ ở Bệnh viện Bá Ngư Quyển cho biết bà đã rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh và yêu cầu ông Cao thông báo cho gia đình bà Lý. Tuy nhiên, ông Cao vẫn phớt lờ cảnh báo của bác sỹ này.

Một lần khác, khi Cao đang tiêm tĩnh mạch cho bà Lý, một bác sỹ đã nhìn thấy và hỏi: “Sao anh lại có thể dùng liều cao như vậy chứ? Nhỡ đâu bà ấy chết thì làm sao?” Một giám đốc bệnh viện biết được điều này bèn yêu cầu phải siêu âm. Cao phớt lờ và bí mật đưa bà Lý, đang trong tình trạng sốt cao, trở lại trại tạm giam. Từ đó, bà Lý bị mất trí nhớ, khiến nhiều người tin rằng thuốc mà Cao dùng trước đó có thể là thuốc phá hủy thần kinh.

Sau khi việc ngược đãi bà Lý bị vạch trần trên website Minh Huệ, các lính canh và cảnh sát đã chỉ đạo tù nhân tra tấn bà Lý. Ngày 24 tháng 9 năm 2003, Thịnh Dĩnh, một tù nhân bị giam lần thứ hai tại trại tạm giam này, đã tát mạnh vào mặt bà Lý, gây ra những vết bầm tím trên mặt bà và khiến màng nhĩ tai trái của bà bị rách.

Việc liên tục bị đánh đập và phải chịu những hình thức tra tấn khác đã khiến bà Lý bị sưng ở đầu, mặt, và hệ bạch huyết. Bà bị sốt thường xuyên kèm theo buồn nôn, ho, và chóng mặt. Việc bức thực cũng khiến các cơ quan nội tạng của hệ thống tiêu hóa của bà bị tổn thương, gây tắc nghẽn đường ruột, khiến bà suýt nữa thì chết. Mặc dù bà Lý được đưa đến Bệnh viện Bá Ngư Quyển bốn lần để cấp cứu, nhưng các quan chức vẫn che giấu thông tin và ngăn cấm gia đình bà vào thăm.

Nhà tù từ chối tiếp nhận do sức khỏe yếu

Các viên chức ở Tòa án Bá Ngư Quyển đã bí mật kết án bà Lý bốn năm tù vào đầu tháng 3 năm 2003. Sau khi bị bắt giữ, bà Lý đã từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát hay ký bất cứ văn bản nào. Gia đình bà không hề biết về phiên tòa xét xử bà cho đến khi bản án được tuyên bố. Họ đã thuê luật sư để kháng cáo, nhưng các viên chức đã đe dọa luật sư không được tiếp nhận trường hợp này. Ngay sau đó, Tòa án Trung cấp Doanh Khẩu đã tuyên bố giữ nguyên bản án.

Vì lo sợ bà Lý sẽ có thể chết, các nhân viên ở trại tạm giam đã thay bà yêu cầu bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế. Nhưng bác sỹ Cao đã chặn lại yêu cầu này. Ông đã cho thêm thuốc hủy hoại thần kinh vào thức ăn của bà Lý cũng như tiêm vào tĩnh mạch bà, khiến bà Lý bị mất trí nhớ, rụng tóc, khó thở, không thể đi lại, đi vệ sinh mất kiểm soát và bị mất chức năng của các giác quan. Bà đã vài lần rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh.

Năm giờ sáng ngày 15 tháng 5 năm 2004, bác sỹ Cao và một lính canh đã đưa bà Lý đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Đêm hôm trước, Cao đã cưỡng ép tiêm tĩnh mạch cho bà Lý bằng một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Nhà tù đã từ chối tiếp nhận bà Lý vì nghi ngờ rằng bà bị lao hạch bạch huyết. Cao không còn lựa chọn nào khác, đành phải đưa bà Lý đi kiểm tra, và bà đã được chẩn đoán mắc bệnh lao. Sau khi Cao đưa bà Lý trở lại trại tạm giam, thuốc tiêm ngày hôm trước bắt đầu khởi tác dụng, khiến bà Lý nằm bẹp trên giường, khó thở, mất trí nhớ, và suy nội tạng nặng hơn.

Chín ngày sau, ngày 24 tháng 5, Cao cùng hai nhân viên khác lại đưa bà Lý vào tù. Nhưng khi đó, bà Lý gần như không thể đứng dậy hay đi lại được. Các viên chức nhà tù một lần nữa lại từ chối tiếp nhận bà Lý do tình trạng sức khỏe của bà, trừ khi bác sỹ có thể xác nhận bà không bị bệnh lao. Cao đã đến bệnh viện của một trường đại học để hỏi lấy một giấy xác nhận đó là bệnh hạch bạch huyết chứ không phải bệnh lao. Một giáo sư sau đó đã xác nhận rằng đó là bệnh lao. Cuối cùng, Cao đã phải đưa bà Lý quay trở lại, bà bị bất tỉnh sau khi vừa bước ra khỏi bệnh viện được vài bước.

Sức khỏe bà Lý ngày một xấu đi. Bà không thể tự chăm sóc bản thân, chỉ có thể uống nước và ăn một ít cháo. Nhận thấy có chất lạ bị bỏ vào cháo, bà đã không ăn nữa. Yêu cầu bảo lãnh y tế của trại tạm giam đã được chấp thuận, nhưng Cao vẫn từ chối thả bà. Thay vào đó, Cao cùng hai nhân viên khác lại đưa bà Lý vào nhà tù lần thứ ba vào ngày 22 tháng 9 năm 2014, và thông qua quan hệ cá nhân đã tìm được cách giữ bà Lý lại trong tù.

Tra tấn tàn bạo trong tù

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, đã ban hành chỉ thị “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” các học viên. Chính sách này đã được thực thi đầy đủ ở Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Các lính canh và tù nhân kiểm soát nghiêm ngặt việc đi vệ sinh của các học viên. Khi các học viên sử dụng nhà vệ sinh mà không được phép, các lính canh thường sẽ ngừng cấp thức ăn hoặc nước uống cho họ.

Ngoài ra, các học viên không được nói chuyện với bất cứ ai ngoài những người được chỉ định theo dõi họ. Họ cũng bị cấm thăm thân, gọi điện thoại, viết thư, hay mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Dù bị cấm đoán như vậy, họ vẫn bị bắt phải lao động. Những tù nhân tham gia ngược đãi hay báo cáo các học viên thì được thưởng, trong khi những người giúp đỡ các học viên lại bị cảnh cáo trước mọi người hoặc phải chịu các loại hình phạt khác.

Các tù nhân cũng tra tấn bà Lý. Một buổi tối, một lính canh chỉ đạo ba tù nhân – gồm hai kẻ sát nhân và một kẻ đốt nhà – đưa bà vào phòng tắm để bức thực bằng loại thuốc không rõ nguồn gốc. Họ cũng đọc cho bà các sách bôi nhọ Pháp Luân Công và túm tay bà để ép bà ký tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công đã được chuẩn bị trước.

Ngoài ra, họ còn bắt bà phải đứng bất động đến tận 4 giờ sáng ngày hôm sau. Khi bà Lý kháng cự và cố gắng quay lại phòng giam, một lính canh khác đá chặn bà lại và đưa bà trở lại phòng tắm để tiếp tục tra tấn. Để khiến bà Lý không kêu lên được, các tù nhân đã dán miệng bà lại bằng băng dính và bà Lý đã bị ngất trong khi chống cự lại. Đến năm rưỡi sáng, khi đến giờ lao động khổ sai, các tù nhân đã kéo lê bà trên cả đoạn đường đến chỗ làm việc.

Mặc dù bị ngược đãi, bà Lý vẫn luôn cố gắng giải thích chân tướng về Pháp Luân Công cho lính canh và tù nhân, đồng thời phơi bày tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ. Bà cũng giúp các học viên khác đang bị bức hại ở trong tù.

Lao động cưỡng bức

Trong một lần khám sức khỏe vào năm 2006, bà Lý được chẩn đoán thiếu máu cơ tim nặng. Bác sỹ đề xuất nhập viện. Sức khỏe bà Lý sa sút do ăn uống không đầy đủ và chịu áp lực trong thời gian dài. Toàn thân bà đau đớn và khó mà làm việc được.

Song, bà Lý vẫn bị ép phải lao động hàng ngày, phải sản xuất thẻ IC (thẻ thông minh). Một kỹ thuật viên của nhà cung cấp đã từng nói rằng loại công việc này có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với phụ nữ. Bên trong nhà tù, tù nhân thường bị bất tỉnh vì mất sức tại nơi làm việc.

Sau đó, bà Lý bị sưng hạch bạch huyết và mẩn đỏ khắp người. Ngoài ra, xương cốt toàn thân bà đau nhức. Bà được chẩn đoán bị ung thư hạch, hạch bạch huyết sưng lên khắp mình. Một lần nữa, bà rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Cuộc bức hại còn gây thiệt hại đến tài chính của bà Lý. Ngay sau khi bị bắt, trường học đã chấm dứt hợp đồng và ngừng trả lương cho bà. Dưới áp lực đó, chồng bà đã ly dị, không để lại gì cho bà.

Sau khi bà Lý được ra tù, nhà trường đã từ chối tuyển dụng lại bà và không trả cho bà một xu nào. Bà Lý phải sống dựa vào sự giúp đỡ từ người thân và kiếm tiền bằng việc gia sư.

Báo cáo liên quan:

Hai vợ chồng qua đời cách nhau năm năm sau khi ba con gái bị bắt giữ chỉ vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công

Báo cáo liên quan tiếng Anh:

Prison Doctor Gao Rizheng Injects Unknown Drugs into Practitioner Li Fengmei

An Outstanding Teacher in Yingkou City Is Persecuted in Liaoning Provincial Women’s Prison

Ms. Li Fengmei Barbarically Persecuted at the Women’s Prison of Liaoning Province

Persecution of Model Teacher Li Fengmei at Gaizhou City, Liaoning Province


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/14/403819.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/16/184066.html

Đăng ngày 27-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share