Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-1-2019] Sang đầu năm 2019 này, cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc. Năm 2018 đã có ít nhất 931 học viên đã bị kết án tù chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin, nhiều học viên khác bị bắt giữ và quấy rối.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Các học viên Pháp Luân Công không phải là nạn nhân duy nhất khi cuộc bức hại xảy ra vào tháng 7 năm 1999. Nhiều người nhà của họ, dù không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị ảnh hưởng và cuộc sống của họ cũng gặp nhiều khốn khó. Tình cảnh của một gia đình được viết trong bài báo này là một ví dụ.

Ông Lý Khôn Liên, một cư dân của thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào tháng 11 năm 2009, sau nhiều năm bị suy sụp tinh thần sau cái chết của vợ ông vào tháng 3 năm 2004.

Vợ ông, bà Vương Phúc Cần, và ba người con gái của họ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Các con gái của họ lần lượt bị bắt trong năm 2004 vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công; người con út bị bốn năm tù giam. Bà Vương đã cố gắng đến thăm con gái út tới bảy lần, nhưng đều bị từ chối. Bà bị tổn thương tâm lý nặng nề vì các con bị bắt giữ, đến mức bà bị đột quỵ và qua đời ở tuổi 69.

Chồng bà không sao chịu đựng được nên đã phát điên. Hàng ngày, cứ lúc chạng vạng tối, ông lại cầm con dao hoặc gậy để đuổi “những kẻ xấu mà ông tưởng tượng ra”, những người mà ông nghĩ là đang đến để bắt giữ người thân của ông. Ông mất năm năm sau đó, ở tuổi 71.

9baf761145827711ba7378361fb177bd.jpg

Bức ảnh gần đây của ông Lý Khôn Liên và bà Vương Phúc Cần

Dưới đây là câu chuyện về người con gái út của hai ông bà.

Một giáo viên tiếng Anh đáng kính

Người con gái út, cô Lý Phượng Mỹ, là một giáo viên tiếng Anh ở Trường Trung học Hùng Nhạc. Cô từng mắc nhiều bệnh tật và bất hòa, căng thẳng với bố mẹ chồng.

Cuộc đời của cô thay đổi vào năm 1997, khi cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Những bài công pháp nhẹ nhàng đã cải thiện sức khỏe của cô, và nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đã biến cô từ một người nóng tính thành một người tốt bụng hơn, chu đáo hơn.

Với những thay đổi đó, gia đình cô Lý sống hòa thuận và hạnh phúc. Công tác và đạo đức ở trường của cô cũng khiến cô được tôn trọng và giành được danh hiệu giáo viên gương mẫu.

Trở thành mục tiêu bắt giữ trước khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu

Vào ngày 23 tháng 4 năm 1999, gần ba tháng trước khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc chính thức phát động cuộc bức hại, một số học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ ở thành phố Thiên Tân. Cô Lý đã đến Bắc Kinh để kháng cáo hai ngày sau vụ bắt giữ ở Thiên Tân. Sau khi trở về, cô đã gặp các học viên khác ở địa phương để thảo luận về chuyến đi Bắc Kinh của cô. Các quan chức địa phương đã lừa họ đến chính quyền thị trấn, tại đây, cảnh sát đã thẩm vấn họ. Cô Lý đã phản đối việc thẩm vấn và đã bị theo dõi sau khi được thả ra.

Lần thứ hai cô Lý bị bắt giữ là ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày cuộc bức hại bắt đầu xảy ra. Cô đã bị tạm giam khoảng 8 tiếng tại Phòng Cảnh sát Hùng Nhạc.

Sau đó, các quan chức thường xuyên quấy nhiễu cô Lý và gây áp lực buộc trường học ép cô từ bỏ đức tin. Cô đã viết một tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, trái với ý muốn, nhưng ngay sau đó đã viết một tuyên bố khác để vô hiệu hóa những gì cô đã viết. Ngày 24 tháng 9 năm 2001, cảnh sát lại bắt giữ cô tại trường và tạm giam cô ở trại tạm giam Cái Châu. Cô đã tuyệt thực và được thả ra năm ngày sau. Gia đình cô cũng bị buộc phải nộp 3.500 tệ.

Chạy trốn để tránh bị ép phá thai, sảy thai trên đường đi trốn

Vào ngày 20 tháng 7 năm 2002, ngày đầu của kỳ nghỉ hè, cảnh sát địa phương đã đưa cô Lý đến Trung tâm Tẩy não Doanh Khẩu. Một cảnh sát nói rằng họ bắt giữ cô Lý vì tài hùng biện và danh tiếng của cô – nếu cô có thể từ bỏ đức tin, cảnh sát có thể sử dụng cô để chuyển hóa các học viên khác.

Cô Lý từ chối hợp tác. Cảnh sát lên kế hoạch để đưa cô đến trại tạm giam nhưng phát hiện rằng cô đã mang thai hai tháng. Họ yêu cầu một bác sỹ đến phá thai, nhưng bác sỹ từ chối vì sức khỏe của cô Lý không đảm bảo. Cô Lý cũng kiên quyết từ chối. Cô bị đưa đến một bệnh viện vào 25 tháng 7 để phá thai, cô buộc phải chạy trốn vào tối hôm đó.

Nhưng cảnh sát không bỏ cuộc. Vì không tìm thấy cô Lý, họ toan bắt giữ hai chị gái của cô, là cô Lý Phượng Trân và Lý Phượng Chi, cũng là học viên Pháp Luân Công. Hai người chị cũng bị buộc phải sống lưu lạc, và bị bắt đến Trung tâm Tẩy não ngay khi họ trở về nhà.

Vì cô Lý phải chuyển chỗ ở thường xuyên và cuộc sống khó khăn, thai nhi đã chết trong bụng cô không lâu sau đó. Cảnh sát đã tập kích nơi cô thuê trọ vào ngày 10 tháng 2 năm 2003, hai ngày trước Tết Nguyên đán. Cô và các học viên khác phải nhảy qua cửa sổ để chạy trốn. Cô Lý bị bất tỉnh khi nhảy xuống đất.

Bốn tiếng sau, cô tỉnh dậy và thấy xương đòn bên vai phải cô bị gãy. Mặt cô cũng bị một vết thương dài khoảng 5cm. Cảnh sát bắt cô đến đồn cảnh sát, nhưng sau đó, cô đã trốn thoát.

Bị tra tấn ở trại tạm giam

Cô Lý và một học viên khác bị bắt vào ngày 21 tháng 8 năm 2003. Một cảnh sát đã đánh và thẩm vấn cô. Cô từ chối trả lời các câu hỏi trừ khi còng tay cô được mở. Thấy cô không chịu còng tay lại, ba cảnh sát đã trùm cô bằng chăn và đánh cô thậm tệ.

Sau đó, cô bị giữ ở trại tạm giam Bá Ngư Khuyên trong 13 tháng và bị tra tấn tàn bạo. Vào ngày bị chuyển đến đó, cô Lý đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ trái pháp luật. Lính canh Triệu Vỹ tát mạnh vào mặt cô. Tai trái của cô bị chảy máu nặng.

Ba ngày sau, một phó giám đốc và vài nhân viên từ Phòng An ninh Nội địa đến thẩm vấn cô. Bởi vì cô Lý không hợp tác, những người này và lính canh Châu Quyển Giáo đã tra tấn cô: ép vai cô sát vào tường, thúc mạnh đầu gối vào bụng, kéo tóc, và tát vào mặt cô hơn 30 lần, khiến cô Lý choáng váng, ho, và đau khắp người. Cô cũng bị nổi mề đay khắp cơ thể.

Sau khi đánh đập, một cảnh sát báo với vị phó giám đốc kia rằng không thẩm vấn được gì. Ông ta trả lời: “Các trường hợp liên quan đến Pháp Luân Công rất dễ xử lý. Anh cứ viết những gì anh muốn là xong.”

Trong bảy ngày cô Lý tuyệt thực, bác sỹ phẫu thuật trưởng của trại tam giam, ông Cao Nhật Chính, đã bức thực cô Lý trong khi các lính canh Triệu Vỹ và Trương Tinh Cường ghì chặt cô vào ghế. Cao cố tình cho thêm nhiều muối vào hỗn hợp sữa và nước muối để khiến cô bị đau hơn. Vì ống thông xuyên qua lỗ mũi trái gây thương tích nên họ đã thông qua lỗ mũi phải, khiến cô buồn nôn, sau đó bị chảy máu ở bụng dưới, kèm theo đau bụng.

Có lần, cô Lý bị đau bụng dữ dội và sốt trên 40oC. Cô vã mồ hôi vì đau, toàn thân run lên bật bật. Một bác sỹ ở Bệnh viện Bá Ngư Khuyên nói cô đang trong tình trạng thập tử nhất sinh và yêu cầu Cao thông báo cho gia đình cô Lý. Tuy nhiên, Cao vẫn phớt lờ cảnh báo của bác sỹ. Một lần khác, khi Cao đang tiêm tĩnh mạch cho cô Lý, một bác sỹ nhìn thấy liền hỏi: “Sao anh lại dùng liều cao như vậy? Không may cô ấy chết thì sao?” Một giám đốc bệnh viện biết được điều này bèn yêu cầu phải siêu âm. Cao phớt lờ và bí mật đưa cô Lý trở lại trại tạm giam trong lúc cô đang sốt cao. Từ đó, cô Lý bị mất trí nhớ, khiến nhiều người tin rằng thuốc mà Cao dùng trước đó có thể là thuốc phá hủy thần kinh.

Sau khi vụ ngược đãi cô Lý bị vạch trần trên trang Minghui.org, các lính canh và cảnh sát đã chỉ đạo tù nhân tra tấn cô Lý. Thịnh Oánh, một tù nhân bị giam lần thứ hai tại trại tạm giam này, đã tát mạnh vào mặt cô Lý vào ngày 24 tháng 9 năm 2003, gây ra vết bầm tím trên mặt cô và rách màng nhĩ tai trái.

Bị đánh đập liên tiếp và các hình thức tra tấn khác khiến cô Lý bị sưng ở đầu, mặt, và hệ bạch huyết. Cô bị sốt thường xuyên kèm theo buồn nôn, ho, và chóng mặt. Việc bức thực cũng khiến cô nội tạng của hệ thống tiêu hóa của cô bị tổn thương, gây tắc nghẽn đường ruột, khiến cô gần chết. Mặc dù cô Lý được đưa đến Bệnh viện Bá Ngư Khuyên bốn lần để cấp cứu, các viên chức vẫn giấu tin và cấm gia đình cô đến thăm.

Nhiều lần bị nhà tù từ chối do sức khỏe kém

Các viên chức ở Tòa án Bá Ngư Khuyên bí mật kết án cô Lý bốn năm tù giam vào đầu tháng 3 năm 2003 mà không có chứng cứ. Sau khi bị bắt giữ, cô Lý từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát hay ký bất kỳ hồ sơ nào. Gia đình cô không biết về phiên tòa xử cô cho đến khi bản án được tuyên. Họ thuê luật sư để kháng cáo, nhưng các viên chức đe dọa luật sư không được chấp nhận trường hợp này. Ngay sau đó, Tòa án Trung cấp Doanh Khẩu tuyên bố giữ nguyên bản án của cô.

Vì lo sợ cô Lý sẽ chết, các nhân viên ở trại tạm giam gửi yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế thay cho cô. Nhưng bác sỹ Cao đã chặn lại yêu cầu này. Ông bỏ thuốc hủy hoại thần kinh vào thức ăn của cô Lý cũng như tiêm vào tĩnh mạch cô, khiến cô Lý bị mất trí nhớ, rụng tóc, khó thở, không đi lại được, mất khả năng kiểm soát vệ sinh và mất chức năng của các giác quan. Cô đã mấy lần đứng bên bờ vực cái chết.

Cao và một lính gác đã đưa cô Lý đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào 5 giờ sáng ngày 15 tháng 5 năm 2004. Trong đêm trước, Cao tiêm tĩnh mạch cho cô Lý bằng một loại thuốc không biết tên. Nhà tù từ chối tiếp nhận cô Lý, nghi ngờ rằng cô bị lao hạch bạch huyết. Cao không còn lựa chọn khác, đành đưa cô Lý đi kiểm tra, và cô đã được chẩn đoán mắc bệnh lao. Sau khi Cao đưa cô Lý trở lại trại tạm giam, thuốc tiêm ngày hôm trước bắt đầu khởi tác dụng, khiến cô Lý nằm bẹp trên giường, bị khó thở, mất trí nhớ, và suy nội tạng nặng hơn.

Chín ngày sau, ngày 24 tháng 5, Cao và hai nhân viên khác lại đưa cô Lý đến bệnh viện. Nhưng lần này, cô Lý hầu như không đứng dậy hay đi lại được. Các viên chức nhà tù lại từ chối tiếp nhận cô Lý do sức khỏe của cô, trừ khi bác sỹ có thể khẳng định cô không bị bệnh lao. Cao đến một bệnh viện đại học để yêu cầu một giấy xác nhận đó là hạch bạch huyết chứ không phải lao. Một giáo sư khẳng định rằng đó là bệnh lao. Cuối cùng, Cao phải đưa cô Lý quay trở lại, cô bị bất tỉnh sau khi ra khỏi bệnh viện vài bước.

Sức khỏe cô Lý ngày càng tệ hơn. Cô không thể tự chăm sóc bản thân, chỉ uống được nước và ăn cháo. Nhận thấy có chất lạ được bỏ vào cháo, cô không ăn nữa. Yêu cầu bảo lãnh y tế của trại tạm giam được chấp thuận, nhưng Cao vẫn từ chối thả cô. Thay vào đó, hắn và hai nhân viên khác đưa cô Lý vào nhà tù lần thứ ba vào ngày 22 tháng 9 năm 2014, và thông qua quan hệ cá nhân đã tìm được cách giữ cô Lý lại trong tù.

Tra tấn tàn bạo trong tù

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, đã ban hành chỉ thị “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” các học viên. Chính sách này đã được thực thi đầy đủ ở Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Các lính canh và tù nhân kiểm soát nghiêm ngặt việc đi vệ sinh của các học viên. Khi các học viên sử dụng nhà vệ sinh mà không được phép, các lính canh thường không cung cấp thức ăn hoặc nước uống cho họ nữa.

Ngoài ra, các học viên không được nói chuyện với người nào ngoài người được chỉ định theo dõi họ. Họ cũng bị cấm thăm thân, gọi điện thoại, viết thư, hay mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Dù bị cấm đoán như vậy, họ vẫn bị bắt lao động. Những tù nhân ngược đãi hay báo cáo các học viên thì được thưởng, trong khi những người giúp đỡ các học viên bị cảnh cáo trước mọi người hoặc các loại hình phạt khác.

Các tù nhân cũng tra tấn cô Lý. Một buổi tối, một lính canh chỉ đạo ba tù nhân – gồm hai kẻ sát nhân và một kẻ đốt nhà – đưa cô vào phòng tắm để bức thực bằng loại thuốc không biết tên. Họ cũng đọc cho cô các sách bôi nhọ Pháp Luân Công và túm tay cô để ép cô ký tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công đã chuẩn bị trước. Ngoài ra, họ còn bắt cô đứng bất động đến tận 4 giờ sáng hôm sau. Khi cô Lý kháng cự và cố gắng quay lại phòng giam, một lính canh khác chặn và đưa cô trở lại phòng tắm để tiếp tục tra tấn. Để khiến cô Lý không kêu lên, các tù nhân đã dán miệng cô lại bằng băng dính và cô Lý bị ngất khi chống lại. Đến 5 rưỡi sáng, khi đến giờ lao động khổ sai, các tù nhân đã kéo lê cô trên cả đoạn đường đến chỗ làm việc.

Mặc dù bị ngược đãi, cô Lý luôn cố gắng giải thích về Pháp Luân Công cho lính canh và tù nhân, đồng thời phơi bày tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ. Cô cũng giúp các học viên khác cũng đang bị bức hại trong tù.

Trại lao động cưỡng bức

Trong một lần khám sức khỏe vào năm 2006, cô Lý được chẩn đoán thiếu máu cơ tim nặng. Bác sỹ đề xuất nhập viện. Bởi vì bị ngược đãi và chịu áp lực trong thời gian dài, sức khỏe cô Lý đã sa sút. Toàn thân cô đau đớn và khó mà làm việc được.

Song, cô Lý vẫn bị ép lao động hàng ngày, việc chế tạo thẻ IC (hay thẻ thông minh). Một kỹ thuật viên từ nhà cung cấp có lần từng nói rằng loại công việc này có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với phụ nữ. Bên trong nhà tù, tù nhân thường bị bất tỉnh vì mất sức tại nơi làm việc.

Sau đó, cô Lý bị sưng hạch bạch huyết và mẩn đỏ khắp người. Ngoài ra, cô bị đau xương toàn thân. Cô được chẩn đoán bị ung thư hạch, hạch bạch huyết sưng lên khắp mình. Một lần nữa, cô rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Cuộc bức hại còn gây thiệt hại đến tài chính của cô Lý. Ngay sau khi bị bắt, trường học đã chấm dứt hợp đồng và ngừng trả lương cho cô. Dưới áp lực đó, chồng cô đã ly dị, không để lại gì cho cô. Sau khi cô Lý được ra tù, nhà trường từ chối tuyển dụng lại cô và không trả cho cô một xu nào. Cô Lý phải dựa vào sự hỗ trợ từ người thân và kiếm tiền bằng việc gia sư.

Nỗi khổ của cha mẹ

Khi cô Lý bị tra tấn ở Trại Lao động Cưỡng bức Bá Ngư Khuyên, mẹ cô, bà Vương Phúc Cần, vô cùng lo lắng. Ngoài ra, hai người chị của cô cũng bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức. Áp lực tinh thần cực độ đã gây ra cơn đột quỵ, dẫn đến cái chết của mẹ cô vào ngày 21 tháng 3 năm 2004. Khi đó, bà 69 tuổi.

Trước khi chết, bà Vương đã cố gắng bảy lần đến thăm cô Lý ở trại tạm giam, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Sau khi bà chết, gia đình đã nói chuyện với các viên chức ở trại tạm giam với hy vọng cô Lý được nhìn mặt mẹ trước khi chôn. Một lần nữa, yêu cầu lại bị phớt lờ.

Chuỗi bi kịch khiến chồng của bà Vương, ông Lý Khôn Liên, phát điên. Ông bị hoảng loạn cả ngày. Cứ đến chập tối, ông chạy ra ngoài nhà la hét, vung dao hoặc gậy để đuổi những người xấu mà ông tưởng tượng ra là đến làm hại gia đình ông. Mỗi lần như vậy, người nhà phải an ủi và đưa ông vào nhà.

Ông Lý đã qua đời vào ngày 22 tháng 11 năm 2009, hưởng thọ 71 tuổi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/9/380182.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/16/174654.html

Đăng ngày 25-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share