Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-02-2020] Bà Lý Tú Cần đã khỏi bệnh tim sau khi tu luyện Pháp Luân Công, nhưng lại liên tục bị bắt vì kiên định đức tin của mình. Bà bị tái phát bệnh tim và xuất hiện thêm các triệu chứng bệnh khác trong khi thụ án tám năm tù. Bà đã qua đời vào ngày 15 tháng 9 năm 2018, ba tháng sau khi được thả, ở tuổi 58.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Lý Tú Cần trước khi bị bức hại
Bà Lý tại bệnh viện sau khi bị ngược đãi trong lúc bị giam giữ
Bệnh tim được chữa lành nhờ tu luyện Pháp Luân Công
Bà Lý Tú Cần ở huyện Thang Nguyên, tỉnh Hắc Long Giang, là giám đốc của một nhà máy rượu địa phương. Bà mắc bệnh tim bẩm sinh từ khi còn nhỏ và thường bất tỉnh đột ngột.
Mỗi lần lên cơn đau, bà thường tự cào hay giật tóc của mình vì quá đau đớn. Chồng bà phải giữ tay bà để ngăn bà tự làm tổn thương thân thể mình.
Vì bị đau đớn thể xác, bà thường mất bình tĩnh và quát tháo chồng. Chồng bà nhớ lại: “Dù bà ấy đối xử với tôi như thế nào, tôi cũng không thể bỏ bà ấy, nếu không bà ấy sẽ tự làm tổn thương mình thậm chí còn tệ hơn.”
Sau khi họ tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bệnh tim của bà Lý đã được chữa lành và bà không còn nóng tính nữa. Gia đình bà ngập tràn trong hạnh phúc và rất hòa thuận.
Một năm sau, mẹ bà Lý bị phù toàn thân và ở trong tình trạng nguy kịch. Làm theo lời khuyên của vợ chồng bà Lý, mẹ bà cũng học Pháp Luân Công và bệnh phù nề đã biến mất trong hai tháng. Bệnh viêm phế quản và khí phế thũng đã hành hạ bà trong hai thập niên cũng được chữa khỏi. Nhiều người trong gia đình họ cũng bước vào tu luyện Pháp Luân Công sau khi chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của bà Lý và mẹ bà.
Bốn năm lao động cưỡng bức và ngược đãi trong Trại tạm giam
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Lý đã bị bắt vào ngày 30 tháng 12 năm 2001 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị bệnh tim trong khi bị giam tại trại tạm giam Huyện Thang Nguyên, nhưng Lữ Văn Cách, đội phó của trại, đã đá và lăng mạ bà.
Bà đã bị kết án một năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc. Lúc đầu, trại này từ chối tiếp nhận vì tình trạng sức khoẻ của bà, nhưng ngay khi bà vừa mới phục hồi được một chút, công an đã đưa bà vào trại để thụ án.
Ngày 4 tháng 1 năm 2003, không lâu sau khi được thả, bà lại bị bắt giữ. Hai mươi ngày sau, công an đã bắt bà và giam giữ bà thêm ba năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc.
Ngày 27 tháng 5 năm 2005, vài tháng sau khi được thả, năm công an đã chặn bà tại lối vào phân khu nơi bà sinh sống. Họ giật ví của bà và ép bà mở cửa căn hộ. Họ lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng tài liệu liên quan của bà mà không có lệnh khám xét.
Họ đã thẩm vấn bà tại đồn công an và đưa bà đến trại tạm giam Huyện Thang Nguyên. Bà đã hai lần bị lên cơn sốc và hôn mê trong vài ngày sau khi bệnh tim tái phát vì bị ngược đãi ở trong trại.
Tuy nhiên, thay vì chữa trị cho bà thì Lưu Kiếm, một đội phó khác của trại, lại lăng mạ và buộc tội bà là “giả bệnh” và “gây phiền phức” cho ông ta.
Sau 48 ngày ở trại tạm giam, bà Lý trở nên hốc hác và không thể tự mình đi lại. Bất chấp tình trạng của bà, công an dự mưu giam giữ bà thêm một năm ở trại lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, trại lao động lại từ chối nhận bà. Khi chồng bà đến trại để đón bà về, ông phải cõng bà vì bà quá yếu không thể đi lại.
Bà Lý trở nên hốc hác sau 48 ngày bị giam cầm vào năm 2006
Bị kết án tám năm tù
Ngày 1 tháng 7 năm 2010, bà Lý bị bắt sau khi bị báo với chính quyền vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.
Bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại và bị bức thực. Bà bị bức hại đến không còn khả năng tự chăm sóc cho bản thân và bị nằm liệt giường. Đến khoảng ngày 23 tháng 8, trong hai tháng sau khi bị bắt, bà phải nhập viện hai lần để cấp cứu.
Khi chồng bà đến đồn công an để đề nghị thả bà, công an đã cố bắt ông nhưng không thành công do ông kháng cự mạnh mẽ.
Chu Kim Triết, phó chính ủy của phòng công an, từng nói với chồng bà Lý: “Tôi đây chính là đao phủ. Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo tôi trảm, tôi sẽ trảm.”
Viện Kiểm sát Huyện Thang Nguyên đã phê chuẩn việc bắt bà Lý vào cuối tháng 7 năm 2010 và sau đó truy tố bà.
Ngày 2 tháng 12 năm 2010, bà bị khiêng vào Toà án Huyện Thang Nguyên với một chiếc mũ trùm màu đen trên đầu. Luật sư đã biện hộ vô tội cho bà. Khi luật sư chỉ ra rằng thẩm phán và công tố viên không có cơ sở pháp lý để định tội thân chủ của ông, thì Lô Lâm, thẩm phán chủ tọa, đã gào lên với luật sư: “Tôi sẽ đưa ông ra khỏi toà án nếu ông tiếp tục tranh luận [với tôi].”
Sau đó thẩm phán đã kết án bà Lý tám năm tù.
Mạng sống bị đe doạ do bị ngược đãi liên tục
Tại Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, bà Lý bị ép ngồi trên một ghế đẩu nhỏ 21 giờ mỗi ngày, từ 5 giờ sáng [hôm nay] đến 2 giờ sáng [ngày hôm sau]. Mỗi ngày bà hầu như không được ngủ vì hễ hơi khẽ chợp mắt là sẽ bị gọi dậy và bị tra tấn. Tù nhân và lính canh thường xuyên đánh đập và lăng mạ bà nếu bà khẽ động đậy khi đang ngồi trên ghế.
Tra tấn ngồi kiểu này khiến thịt ở phần mông của bà bị mưng mủ và dính vào quần. Mỗi khi bà cởi quần hay tắm rửa đều rất đau đớn.
Thậm chí sau khi bà bị bệnh tim, nhà tù [vẫn] tiếp tục ép bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ.
Một lính canh cố gắng dụ dỗ bà từ bỏ đức tin bằng cách hứa ngừng tra tấn bà nhưng bà đã từ chối hợp tác.
Sau đó, bà Lý bị bệnh gan nặng và có nhiều máu trong phân. Bà cũng bị chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Mỗi khi chồng đến thăm bà trong tù, bà đều khóc không ngừng. Chồng bà nói rằng ông rất đau khổ khi thấy bà khóc và có thể cảm nhận nỗi đau vô hạn và sự thống khổ mà bà đang chịu đựng.
Tháng 7 năm 2015, bà Lý bị sốt kéo dài và tình trạng trở nên nguy hiểm. Nhà tù phải đưa bà đến một bệnh viện, nơi đây các bác sỹ đã phẫu thuật cắt bỏ lượng mủ thừa ở trong gan của bà. Vì quá yếu, nên vết mổ của bà vẫn không hoàn toàn lành khi được thả ba năm sau đó.
Khi được ra tù vào ngày 30 tháng 6 năm 2018, cân nặng của bà đã giảm từ 64kg xuống 48kg. Chỉ 10 ngày sau khi được thả, bà đã ở trong tình trạng nguy hiểm và phải nhập viện.
Vết thương từ cuộc phẫu thuật ba năm trước đã bị nhiễm trùng và bác sỹ đã thực hiện một ca phẫu thuật khác để loại bỏ lượng mủ thừa trong gan của bà và điều trị vết nhiễm trùng.
Bà Lý sau khi được thả vào tháng 6 năm 2018
Bà Lý được điều trị trong bệnh viện không lâu trước khi qua đời
Bà Lý rất đau đớn trong những ngày cuối đời. Bà không thể ngủ và ăn vào liền bị nôn ra. Gia đình đã ở bên bà và chăm sóc cho bà cả ngày trong bệnh viện.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 14 tháng 9 năm 2018, bà Lý bị đột quỵ và rơi vào hôn mê. Bà qua đời vào khoảng 7 giờ 40 phút sáng hôm sau, hưởng dương 58 tuổi.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/25/401647.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/29/183451.html
Đăng ngày 26-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.