Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-03-2020] Gần đây Minh Huệ Net xác nhận một phụ nữ ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào ngày 11 tháng 2 năm 2019, sau nhiều năm bị bức hại vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Trước đó một năm, chồng bà cũng đã qua đời vì bệnh ung thư gan sau khi sức khỏe của ông ngày càng xấu đi vì chịu áp lực tinh thần to lớn từ việc vợ ông bị bức hại.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

2020-3-13-yu-chun-lan_01--ss.jpg

Bà Vu Xuân Lan

Bà Vu Xuân Lan đã nghỉ hưu ở Nhà máy Dệt Giai Mộc Tư, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997 và bà tin rằng tu luyện pháp môn này đã giúp bà khỏi rất nhiều bệnh tật.

Sau khi chính quyền cộng sản ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Vu đã bị bắt giữ năm lần và bị tra tấn ở trong tù. Gia đình bà bị chính quyền tống tiền 15.000 Nhân dân tệ.

Bà Vu bị bắt giữ lần đầu tiên vào cuối tháng 9 năm 2000. Công an tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà và một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ trong một trại tạm giam trong hơn 20 ngày. Trước khi bà được trả tự do, công an đã tống tiền gia đình bà 1.600 Nhân dân tệ.

Tháng 7 năm 2001, bà Vu bị bắt một lần nữa sau khi công an phát hiện bà cùng sáu học viên khác đang học các bài giảng của Pháp Luân Công. Trần Vạn Hữu, một nhân viên Phòng 610 Giai Mộc Tư, đã tống tiền gia đình bà 3.000 Nhân dân tệ.

Tháng 11 năm 2001, bà Vu tới Bắc Kinh và trưng biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện cho đức tin của mình. Công an bắt giữ và đưa bà tới Đồn Công an Trạm Tiền.

Bà bị chuyển tới một nhà tù khác ở ngoại ô và bị nhiều công an vũ trang thẩm vấn vì bà từ chối tiết lộ tên của mình. Hàng chục học viên khác cũng bị bắt giữ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn, họ từ chối tiết lộ tên của mình và cũng bị đưa tới nhà tù đó để thẩm vấn.

Công an không cho bà Vu ngủ thậm chí họ còn không cho bà nhắm mắt. Họ buộc bà phải cúi người xuống trong một thời gian dài và bị treo lên bằng cổ tay với hai tay bẻ ngoặt ra sau lưng. Thỉnh thoảng, công an còn kéo còng tay để khiến bà thêm đau đớn.

Các học viên khác bị đưa ra ngoài trời trong thời tiết lạnh giá. Công an còn đổ nước lên quần áo của họ để khiến họ bị lạnh cóng nhanh hơn.

2004-8-15-kuxing-fei_rxosaaa.jpg

Mô phỏng tra tấn: Uốn cong

Sau vài ngày tra tấn, bà Vu đã nói với công an tên và địa chỉ của mình. Sau đó, bà bị đưa tới một trại tạm giam ở Bắc Kinh. Bà bị giám sát cả ngày lẫn đêm, bà sẽ bị đánh đập nếu bà luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Trại không cung cấp giường ngủ cho bà, do đó bà phải ngủ trên sàn bê tông.

Ba tuần sau, công an của Đồn Công an Anh Tuấn ở Giai Mộc Tư đã tới Bắc Kinh và đưa bà về nhà. Gia đình bà bị tống tiền 5.000 Nhân dân tệ để chi trả cho chi phí đi lại của công an.

Tháng 5 năm 2007, bà Vu bị bắt lần thứ tư vì treo biểu ngữ mang thông tin Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Giai Mộc Tư và buộc phải làm hơn 1.000 chiếc tăm xỉa răng mỗi ngày. Nếu bà không hoàn thành sản lượng bà sẽ không được ngủ. Các nhà chức trách đã tống tiền gia đình bà 4.000 Nhân dân tệ.

Ngày 12 tháng 2 năm 2009, công an của Đồn Công an Anh Tuấn đã sách nhiễu gia đình bà. Họ lục soát nơi ở và tịch thu tài liệu Pháp Luân Công vì bà không có mặt ở nhà tại thời điểm đó.

Ngày 30 tháng 7 năm 2015, bà đã bị bắt lần thứ năm vì đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản, tội phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà tuyệt thực ba ngày trong trại tạm giam và sau đó bà được trả tự do.

Bởi bà liên tục bị bắt giữ và sách nhiễu trong nhiều năm, chồng và mẹ chồng của bà đã bị tổn thương nặng nề. Mẹ chồng của bà run sợ mỗi khi nghe nhắc đến hai từ “công an”.

Nỗi thống khổ tinh thần đã khiến sức khỏe của chồng và mẹ chồng bà bị tổn hại nghiêm trọng. Họ đã lần lượt qua đời.

Cái chết của họ khiến bà Vu suy sụp và sức khỏe của bản thân bà cũng bị suy giảm. Sau khi chồng mất được một năm, bà đã qua đời ở tuổi 69 vào ngày 11 tháng 2 năm 2019.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/14/402435.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/15/183649.html

Đăng ngày 24-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share