Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-02-2020] Nửa đêm, cảnh sát đã trèo qua hàng rào và đột nhập vào nhà để bắt giữ bà Trần Bình Trân, khiến cha mẹ già của bà run rẩy sợ hãi. Cha bà đã qua đời sau đó một tháng.

Cư dân huyện Nhạc Xương, tỉnh Quảng Đông này sau đó đã bị kết án năm năm tù chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Hiện bà đang bị giam riêng và chính quyền từ chối tiết lộ cho gia đình về địa điểm giam giữ bà.

Người cha qua đời trong đau khổ, hai con trai nhỏ bị cảnh sát vũ trang đe dọa

Ngày 23 tháng 7 năm 2019, một toán cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Trần và lục soát nhà bà mà không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lệnh khám xét.

Cảnh sát đã cấm chồng bà Trần được hỏi về địa điểm giam giữ bà. Vì ông vẫn đang hồi phục sau một ca đại phẫu nên người mẹ già 77 tuổi của bà Trần đã phải vật lộn để chăm sóc cho hai cháu ngoại mới chỉ 7 và 8 tuổi.

Việc bà Trần bị bắt đã giáng một cú sốc nặng nề lên cha bà, khiến ông ăn không ngon ngủ không yên và sức khỏe nhanh chóng xấu đi. Ông qua đời vào ngày 29 tháng 8 năm 2019.

Cảnh sát còn ba lần đến trường tiểu học của hai con trai bà Trần. Hơn 20 cảnh sát vũ trang đã xuất hiện vào ngày 18 tháng 10 năm 2019 và chất vấn xem liệu các cậu bé có tập Pháp Luân Công hay không. Cảnh sát cũng ghi hình các cậu bé trong suốt cuộc nói chuyện.

Gia đình bị ngăn cản không được biết về tình hình hiện tại của bà Trần

Tháng 12 năm 2019, chồng bà Trần nhận được cuộc gọi của một người nào đó và được thông báo rằng bà Trần đã bị kết án năm năm tù.

Khi nghe tin này, bà Hoàng Tiên Quý, mẹ bà Trần đã vội đến Viện Kiểm sát địa phương để hỏi về trường hợp của con gái. Một viên chức họ Lâm đã tiếp bà và nói với bà rằng con gái bà bị kết án vì đã viết thư cho trưởng Phòng 610 địa phương là Chu Huy Quần vào năm 2017 và 2018 và dán thông tin về Pháp Luân Công ở nơi công cộng.

Phòng 610 là một cơ quan ngoài vòng pháp luật được tạo lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công.

Tiếp đó bà Hoàng đã tới toà án địa phương và tại đó một viên chức đã cho bà số điện thoại của thẩm phán Khâu, người phụ trách vụ việc của con gái bà.

Khi bà Hoàng gọi cho thẩm phán Khâu, ông ta đã từ chối nói chuyện với bà và nói họ sẽ thông báo cho bà nếu có diễn biến mới về trường hợp của con gái bà.

Viên chức ở tòa án cũng nói với bà Hoàng rằng con gái bà đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Nhạc Xương và chưa bị kết án.

Bà Hoàng sau đó đã đến trại tạm giam Nhạc Xương vào ngày 6 tháng 1 năm 2020 để gửi tiền cho con gái. Nhưng lính canh ở đó cho biết bà Trần đã bị chuyển đến trại tạm giam Thiều Quan vào ngày 7 tháng 11 năm 2019.

Với những thông tin mâu thuẫn từ chính quyền, gia đình bà Trần không biết rõ về tình trạng của bà hiện ra sao. Tại thời điểm viết báo cáo này, họ vẫn chưa được thông báo về nơi giam giữ của bà Trần. Họ cũng rất lo lắng không biết liệu bà có bị ngược đãi vì kiên định đức tin của mình hay không.

Bức hại trước đó

Vì tu luyện Pháp Luân Công mà bà Trần đã liên tục bị nhắm đến trong suốt 20 năm qua. Bà từng bị bắt và bị kết án ba năm tù vào năm 2001. Chỉ một năm sau khi được thả, bà lại tiếp tục bị bắt và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy vào năm 2005.

Bà bị bắt thêm một lần nữa và bị giam giữ ở trung tâm tẩy não vào năm 2015 vì đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/4/400703.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/8/183149.html

Đăng ngày 04-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share