Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-01-2020] Một phụ nữ 66 tuổi ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam gần như không thể sống qua được những năm tháng bị cầm tù chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Khi được trả tự do, bà bị thiếu cân trầm trọng và bị vỡ giác mạc do bị đánh đập.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện có tác dụng cải thiện sức khỏe, đã bị bức hại tại Trung Quốc từ năm 1999.
Bà Dương Thiên Liễu bị bắt giữ tại nhà vào tháng 9 năm 2016. Bà bị Toà án Huyện Trường Sa xét xử bí mật và kết án ba năm tù vào ngày 3 tháng 3 năm 2017. Ngày 21 tháng 6 năm 2017, gia đình bà đã cố gắng đến thăm bà tại Trại tạm giam Số 4 Trường Sa, chỉ để được thông báo rằng bà đã bị chuyển tới Nhà tù Nữ Trường Sa một tuần trước đó.
Bà Dương đã kháng án, nhưng tòa phúc thẩm chưa bao giờ phản hồi về vụ việc của bà.
Bà Dương bị tước quyền thăm thân và bị tra tấn ở trong tù vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Cân nặng bị sụt giảm gần một nửa sau ba tuần bị bỏ đói
Bà Dương bị chuyển tới một khu an ninh nghiêm ngặt ở trong tù, nơi được lập ra để tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Tại đây bà bị sáu tù nhân giám sát cả ngày lẫn đêm và bà không được cung cấp thức ăn vì từ chối nói: “Tôi là phần tử phản cách mạng.”
Lính canh nói bà đang tuyệt thực nên đã ra lệnh cho các tù nhân bức thực bà mỗi ngày. Các tù nhân ghì người bà xuống rồi dùng thìa cạy miệng bà. Họ kéo mạnh ngực bà. Khi bà hét lên trong đau đớn thì các tù nhân đã cố tống thức ăn xuống cổ họng của bà.
Trong thời gian bị bỏ đói, hàng ngày bà Dương vẫn bị bắt phải đứng yên từ 6 giờ sáng đến nửa đêm. Các tù nhân không cho bà dùng nhà vệ sinh. Khi bà không nhịn được thêm nữa và phải đi vệ sinh trong quần của mình thì các tù nhân liền kéo bà vào nhà vệ sinh, đánh đập và nhét bàn chải cọ nhà vệ sinh vào miệng bà.
Việc tra tấn như thế đã kéo dài ba tuần khiến cân nặng của bà sụt từ 65 kg xuống còn 36 kg. Bà gầy rộc, chỉ còn da bọc xương và nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.
Các tù nhân cũng đi theo bà vào bệnh viện. Họ tát vào mặt bà và đổ lỗi cho bà đã phá hỏng cơ hội được giảm án của họ, bởi vì nếu có thể khiến một học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin thì thông thường các tù nhân sẽ được coi là đã lập được công và thường được thưởng bằng việc giảm án.
Bị bức thực bằng thuốc không rõ nguồn gốc và tẩy não
Vì thể trạng rất yếu nên bà Dương đã phải nhập viện trong tám tháng. Trong thời gian đó, bà phải uống và bị tiêm nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bà rơi vào trạng thái không còn tỉnh táo và chỉ có thể làm theo một số chỉ dẫn đơn giản.
Sau khi bà bị đưa trở lại nhà tù, các tù nhân tiếp tục gây áp lực để bắt bà từ bỏ đức tin của mình. Họ thường xuyên đánh đập bà và bắt bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ đến khi phần thịt ở mông bà bị nứt và mưng mủ. Hàng ngày, bà phải xem các băng hình phỉ báng Pháp Luân Công và không được dùng nhà vệ sinh. Khi bà nộp đơn khiếu nại, những kẻ ngược đãi bà đã không hề bị trừng phạt ở tù.
Bị đánh đập tàn nhẫn đến vỡ giác mạc và toàn thân không thể cử động
Năm tháng trước thời hạn được thả, hàng ngày bà Dương bị bắt phải học thuộc nội quy của nhà tù. Các tù nhân sẽ bắt bà phải chép tay nội quy đó 100 lần nếu bà phạm bất kỳ một lỗi nào trong lúc học thuộc. Đôi lúc bà còn phải thức trắng cả đêm để chép nội quy nhà tù hay các tài liệu tẩy não khác.
Một đêm, vì không trả lời đủ nhanh khi bị gọi điểm danh nên các tù nhân đã không cho bà dùng nhà vệ sinh. Khi bà nói lớn tiếng: “Tôi cần dùng nhà vệ sinh”, họ đã nhét một miếng giẻ bẩn vào miệng bà, nhéo miệng bà đến khi chảy máu, đánh đập và liên tục nhéo vào mắt bà đến tận 3 giờ sáng.
Ngày hôm sau, toàn thân bà Dương bị sưng tấy vì những vết thương. Bà vô cùng đau đớn đến mức không thể cử động hay thậm chí là mở mắt. Bà yêu cầu được gặp bác sỹ nhưng cũng bị từ chối. Khi con gái bà đưa bà đến bệnh viện sau khi bà được thả, bác sỹ đã xác nhận bà bị vỡ giác mạc.
Lính canh còn đe dọa sốc điện bà Dương bằng dùi cui điện và không cho bà tắm trong hơn 20 ngày trong mùa hè nóng bức vào tháng Bảy.
Báo cáo liên quan:
Một phụ nữ ở Trường Sa bị xét xử vì treo các biểu ngữ Pháp Luân Công
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/19/399190.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/2/183051.html
Đăng ngày 27-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.