Bài viết của Lục Văn
[MINH HUỆ 23-04-2011] Năm Đường Hiến Tông thứ 4, miền Nam gặp đại hạn trăm năm chưa từng có, người dân không có lương thực, đã xảy ra một nạn đói nghiêm trọng. Đường Hiến Tông liền lệnh cho Tả tư Lang trung Trịnh Kính Đẳng lần lượt đến các vùng như Giang Hoài (lưu vực sông Trường Giang và Hoài Thủy), Lưỡng Chiết (Chiết Đông và Chiết Tây), Kinh Hồ (Kinh Châu và Hồ Nam), Tương Ngạc (Tương Dương và Hồ Bắc), đảm nhiệm chức Tuyên úy sử, cứu tế người dân trong nạn đói. Trịnh Kính Đẳng phụng mệnh, chuẩn bị xuất hành và cáo biệt các đại thần trong triều đình. Đường Hiến Tông khuyên răn ông rằng: “Những thứ mà trẫm dùng ở trong cung, dù là một súc vải cũng phải đăng ký sổ sách, chỉ sợ lãng phí. Duy có đồ cứu tế bách tính thì có thể không tính toán chi phí. Các khanh cần phải thể hội tâm ý của triều đình, nhất định không được học theo Phan Mạnh Dương (người này sẽ được nói rõ ở dưới) là sau khi ra khỏi triều đình đã thừa cơ phóng túng tư dục, chỉ uống rượu hưởng lạc, du sơn ngoạn thủy mà quên hết bổn phận.”
Đại thần triều Minh là Trương Cư Chính đã thuật lại đoạn lịch sử này, sau đó nói: “Tại sao Đường Hiến Tông lại khẩn thiết răn dạy Trịnh Kính Đẳng như thế? Đó là vì: gốc rễ quốc gia là ở nhân dân, mà dân coi cái ăn là trời. Giả sử bác tính bị nạn đói, triều đình không đi cứu tế vỗ về, thế thì người chết sẽ rất nhiều. Càng quan trọng hơn là sẽ khiến lòng dân ly tán, thế thì lấy gì để lập quốc đây? Đường Hiến Tông xem xét điều này, do đó đã tiết kiệm tiêu dùng cá nhân, nhưng rộng rãi đối đãi với người dân. ĐIều này quả thực có thể nói rằng: Ông biết đạo sử dụng tài vật, nắm đúng gốc rễ bảo vệ quốc gia. Ông quả xứng đáng là đế vương hiền minh đời Đường.”
Đường Hiến Tông là vị hoàng đến có khá nhiều thành tựu trong lịch sử. Những thành tích của ông trong thời gian tại vị được ghi chép trong sử sách chủ yếu có 2 phương diện: cải cách chính trị và bình định phiên trấn. Ông tuyên bố rằng: thu và nộp thuế thì tất cả phải chiểu theo tiêu chuẩn quy định của trung ương. Để giảm nhẹ gánh nặng của nhân dân, ông quy định rằng: quan sát sử cần trước tiên thu thuế chợ mà các châu quản lý, nếu không đủ thì có thể trưng thu ở các châu trực thuộc. Ông lại xuống chiếu giảm tô thuế, từ chối cống tiến, cấm miền Nam cướp và bán nô tì, và tinh giảm quan lại. Ông còn dùng tài lực đời trước để lại, trọng dụng các đại thần liêm khiết công minh, xuất binh chinh phạt phiên trấn, và đã giành được thắng lợi nhất định. Người đời sau ca ngợi ông là “Trung hưng chi chủ” (bậc quân chủ trung hưng) của đời Đường.
Ở đây còn cần phải nói đến Phan Mạnh Dương mà câu chuyện đề cập đến. Phan Mạnh Dương là con trai của Thị lang Bộ Lễ Phan Viêm. Do phụ thân ông đã đảm nhận các chức Lang trung Bộ Binh, Phó sứ vận chuyển muối, sắt Giang Hoàng, Đại lý khanh, Tiết độ sứ Kiếm Nam Đông Xuyên, đỗ Bác học Hoằng từ khoa năm Khai Nguyên, do đó Phan Mạnh Dương ban đầu cũng được Đường Hiến Tông rất trọng dụng. Khi mới lên ngôi, Đường Hiến Tông đã ủy phái Phan Mạnh Dương làm đặc sứ đến vùng Giang Hoài thị sát công việc. Nhưng Phan Mạnh Dương hoàn toàn không để tâm đến mệnh lệnh của hoàng đế, không coi sự việc quốc gia là đại sự cần chấp hành. Mỗi lần đến một nơi nào đó, ông ta chỉ để ý đến uống rượu, yến tiệc, du ngoạn đến các nơi núi sông đẹp. Tương truyền rằng, chỉ là những người hầu theo ông ta cũng đã là hơn 300 người. Ông ta thường xuyên nhận hối lộ của một số quan lại địa phương, tự ý bổ nhiệm sử dụng quan lại. Sau này sự tình của ông ta bị bại lộ, bị Đường Hiến Tông bãi chức quan, không còn trọng dụng nữa.
Đường Hiến Tông đối với cá nhân người như thế này thì mãi mãi không quên, và thường xuyên lấy ông ta ra để răn dạy đại thần. Mãi 4 năm sau, Đường Hiến Tông vẫn không quên khuyên răn một viên quan khác đi sứ, khuyên ông ta nhất định phải lấy quốc gia làm trọng“, chớ học theo Phan Mạnh Dương, chỉ biết uống rượu và du ngoạn sơn thủy mà thôi”.
(Theo “Đế giám đồ thuyết” của Trương Cư Chính đời Minh)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/4/23/文史漫談-賑濟百姓-不計所費-239413.html
Đăng ngày 11-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.