Bài viết của một học viên Đại Pháp tại Thiên Tân, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-10-2019] Tôi là con út trong gia đình. Khi còn nhỏ, tôi khá hư hỏng; tôi dễ dàng tức giận và thường xuyên có cảm giác ganh tỵ dữ dội. Lớn lên một chút, tôi nhận ra bản thân cũng không hạnh phúc trong hôn nhân. Tôi có cảm giác rằng số phận đã đối xử bất công với mình, và tôi thường xuyên khóc lóc. Đầu những năm 1990, sức khỏe tôi bắt đầu có vấn đề nghiêm trọng và tôi có ý định tự tử, nhưng tôi đã không làm nổi vì còn con trai mới ba tuổi và tôi không muốn cháu lớn lên mà không có mẹ.
Mùa Xuân năm 1997, tôi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên. Ngay lập tức, thế giới quan của tôi hoàn toàn thay đổi. Thời khắc đó, tôi nhìn lại quãng đời ba mươi bảy năm của mình và cảm thấy xấu hổ vì mình đã từng ích kỷ như thế nào. Không lâu sau đó, sức khỏe tôi cải thiện và tôi đã trở thành một học viên Đại Pháp.
Bố mẹ chồng
Bố mẹ chồng tôi có ba người con trai và một người con gái, chồng tôi là con út trong nhà. Gia đình anh trai thứ hai của chồng tôi bị chính quyền phạt sau khi sinh con thứ hai vì vi phạm chính sách một con. Kết quả là, anh chồng tôi bị giảm lương và phụ cấp còn vợ anh ấy bị mất việc. Để giúp đỡ anh ấy, bố mẹ chồng tôi đã đưa họ về ở chung và thậm chí còn cho họ nhà cửa. Điều này làm cho anh em trong gia đình tức giận, ngay cả tôi cũng thấy bất công khi bố, mẹ chồng cho một đứa con trai mọi thứ mà không hề hỏi những đứa con khác.
Tuy nhiên, sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi bắt đầu nhìn nhận mọi việc theo cách khác. Dĩ nhiên là cha mẹ thì lúc nào cũng muốn giúp đỡ đứa con khó khăn nhất. Quan hệ giữa con người là dựa trên nghiêp lực luân báo. Mẹ chồng tôi ắt hẳn đã nợ anh trai thứ hai vào đời trước, và họ không nợ tôi thứ gì cả. Chủ nghĩa bình quân là một phần của văn hóa Đảng, và rốt cuộc nó biểu hiện là nguồn gốc sơ khởi của tâm tật đố.
Mẹ chồng tôi sống đến chín mươi ba tuổi, tuy vậy bà phải nằm liệt giường trong mười lăm năm cuối đời. Bố chồng tôi đã qua đời mười năm trước. Trong mười lăm năm đó, vào mùa Đông, mẹ chồng tôi sống với anh trai thứ hai ở nhà mẹ và sống với gia đình tôi khoảng thời gian còn lại trong năm. Bà chỉ có thể cử động được duy nhất phần đầu. Tôi thực sự thương xót bà, cố gắng làm mọi thứ để bà có thể dễ chịu hơn. Tôi xoay trở cho bà thường xuyên. Tôi cho bà ăn trước khi gia đình tôi ăn. Mỗi sáng, chồng tôi và tôi lau rửa cho bà bằng nước ấm. Buổi tối, tôi ngủ cùng bà để chăm sóc bà tốt hơn.
Thời gian đó thật không dễ dàng gì, nhưng tôi coi nó như là một cơ hội tốt để tiêu nghiệp, đặc biệt là chấp trước vào sợ bẩn. Có lẽ vào đời trước, bà đã giúp đỡ tôi cũng tương tự như thế này, tôi nghĩ vậy.
Chứng kiến cách tôi đối đãi tốt với mẹ chồng trong hoạn nạn, những thành viên khác của gia đình, họ hàng và bạn bè đều thấy rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Mẹ chồng tôi luôn nói với họ hàng rằng tôi quá tốt với bà, thậm chí còn tốt hơn cả con gái của bà. Bố chồng tôi đã từng nói: “Con dâu của tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là người tốt nhất trên đời!” Thậm chí những người hàng xóm cũng lan truyền rằng tôi là cô con dâu hiếu thuận nhất trong tỉnh này.
Khi tôi bị bắt giam một cách bất hợp pháp trong cuộc bức hại, cả bố và mẹ chồng đều bật khóc. Cả hai đều hiểu rằng Đại Pháp là tốt; mẹ chồng tôi thậm chí còn nghe những bài giảng của Đại Pháp.
Từ bi với tất cả mọi người
Thời kỳ cuộc bức hại mới bắt đầu, phần lớn gia đình và họ hàng tôi đều tin vào Chính phủ và phản đối tôi tiếp tục tu luyện Đại Pháp. Khi tôi bị bắt, chị chồng tôi đã cố gắng ngăn cản người nhà đến thăm tôi. Tôi không ôm giữ tâm oán hận với chị ấy. Tôi biết rằng họ đang bị những hoang ngôn của ĐCSTQ lừa dối, và tôi cần đối đãi tử tế với họ bất kể là họ có đối xử với tôi như thế nào đi nữa. Cuối cùng, chị ấy đã dịu lại và xúc động khi chứng kiến tôi tận tụy chăm sóc người mẹ liệt giường của chị, nói rằng chị ủng hộ việc tôi tu luyện.
Bởi vì tôi từ chối từ bỏ tu luyện Đại Pháp, anh cả tôi đã đánh đập, phỉ báng và nguyền rủa tôi. Anh ấy nói rằng anh ấy ước gì tôi có thể chết đi. Sau đó, khi anh ấy gặp vấn đề về sức khỏe, tôi đã cố gắng hết sức để giúp đỡ chị dâu chăm sóc cho anh trai. Tôi cho anh ấy xem một biên bản của một luật sư bảo vệ học viên Pháp Luân Đại Pháp. Anh tôi đã hiểu được chân tướng và đã thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Thậm chí anh ấy còn nói với mọi người rằng Đại Pháp là tốt.
Tương tự như vậy, bố ruột của tôi cũng đã không nói chuyện với tôi trong 5 năm bởi vì cuộc bức hại và vì tôi là một học viên Đại Pháp. Nhưng tôi vẫn đều đặn về thăm bố và mua quà cho ông như thường lệ. Ông cũng bắt đầu hiểu được chân tướng và thoái các tổ chức của Đảng Cộng sản.
Mặc dù chị dâu cả chưa bao giờ chăm sóc mẹ chồng nằm liệt của chúng tôi, tôi cũng không phàn nàn. Tôi vẫn đối xử tốt với chị và giúp chị chăm sóc gia đình của chị khi cần thiết.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi đã bị bắt nhiều lần, bị phạt và bị mất việc. Hơn nữa, nhà ở của tôi bị lục soát, và tôi bị đưa vào trung tâm tẩy não. Tôi không ôm giữ tâm oán hận với những người đã bức hại tôi, vì tôi biết rằng họ đã bị ĐCSTQ lừa dối. Tôi coi họ như người nhà. Tôi giảng chân tướng về Đại Pháp cho họ và luôn lịch sự với họ. Đổi lại, họ cũng lịch sự với tôi. Sau năm 2010, nhiều người trong số họ, gồm lãnh đạo của cơ quan cũ của tôi và cảnh sát địa phương đã giúp tôi đề xuất lên cán bộ cấp cao cho phép tôi trở lại làm việc. Chính là Đại Pháp đã dạy tôi có một trái tim rộng lớn và từ bi với tất cả mọi người.
Con trai tôi
Tôi có chấp trước mạnh mẽ vào danh và lợi. Từ lúc còn nhỏ, tôi thường muốn đứng đầu trong tất cả mọi việc. Tôi là học sinh tốp đầu của trường. Trong thời gian làm giáo viên, lớp của tôi được vinh danh là “lớp hình mẫu” ở địa phương. Tôi luôn được tán dương và tôi sợ làm không tốt thì sẽ bị mất mặt. Trớ trêu thay, cuộc đời lại cho tôi một vố đau. Con trai tôi lại có chỉ số IQ thấp hơn mức trung bình, luôn thua kém bạn bè trong mọi việc. Tôi trở nên thất vọng cho đến khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1997.
Khi đó con trai tôi đang học lớp hai. Tôi ôm con tôi vào lòng và hứa rằng tôi sẽ không ghét bỏ cháu cho dù điểm số của cháu như thế nào đi nữa.
Thỉnh thoảng cháu khóc khi về đến nhà vì bị bạn bè trêu chọc. Tôi giải thích rằng nghiệp lực đang chuyển hóa ra sao. “Nếu một ai đó trêu chọc con, có lẽ là trong đời trước con đã trêu chọc họ,” tôi nói. “Bây giờ họ đang cấp đức cho con.” Điều đó luôn luôn an ủi cháu và làm cho cháu mỉm cười.
Tôi cũng dạy con trai tôi kiên nhẫn và nghĩ đến người khác trước. Có lần khi cháu học cấp hai, bạn trai ngồi cạnh cháu đã lấy 25 Tệ của cháu. Cháu bảo tôi báo việc này cho giáo viên. Tôi đề xuất rằng trước hết cháu hãy nói chuyện với bạn trai ấy. Nếu có những học sinh khác biết rằng bạn ấy ăn cắp thì việc học hành ở trường của bạn ấy sẽ rất khó khăn. Chẳng lâu sau, con trai tôi nói rằng chúng đã có cuộc trò chuyện tốt đẹp, trở thành bạn tốt của nhau và giúp đỡ lẫn nhau.
Khi con tôi gặp khó khăn trong việc học ở trường tiểu học, tôi luôn luôn nhắc cháu rằng học hành chăm chỉ sẽ luôn luôn có được kết quả. Kết quả là, cháu đã làm các bài tập toán ba lần trong khi các bạn của cháu chỉ làm một lần. Khi cháu học trung học, tôi chưa bao giờ ép buộc cháu học, bởi vì tôi nhìn thấy rằng cháu đã tự học hành chăm chỉ. Tôi thường xuyên nói với con trai không cần cảm thấy áp lực về kỳ thi đại học vì cháu đã cố gắng hết sức. Ngày cháu nhận thư chấp thuận vào trường đại học, cháu nói rằng cháu rất tự hào có một người mẹ như tôi. Cháu nói rằng cháu sẽ không vào được đại học nếu không có sự khích lệ của tôi. Tôi nhắc cháu rằng đó là do Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) đã chăm sóc cháu mọi thời khắc.
Có lần một người bạn của tôi hỏi con trai tôi rằng liệu cháu có muốn vào trường đại học lớn thông qua mối quan hệ cá nhân không. Trước khi tôi trả lời, con trai tôi đã nói: “Mẹ, con sẽ không lấy những gì không thuộc về con. Con sẽ vào học ở trường đại học mà điểm số của con đạt.” Tôi rất vui mừng với sự chọn lựa của cháu.
Sáu tháng sau khi kết hôn, cháu phàn nàn rằng vợ của cháu thiếu kiên nhẫn và rằng cháu không chịu đựng cô ấy nổi nữa nên cháu muốn ly hôn. Tôi bảo cháu không nên làm thế. Điều đó sẽ có hại cho cô gái ấy vì một người phụ nữ đã ly hôn thì khó mà tìm được người đàn ông khác. Ly hôn không phải là hành vi tốt của con người và hôn nhân là một phần trong số phận của con người.
Đến nay con trai tôi đã kết hôn sáu năm. Cả hai vợ chồng cháu đều được hưởng lợi rất nhiều từ Đại Pháp. Gia đình chúng tôi luôn hòa ái. “Điều may mắn nhất trong đời tôi là tôi có một bà mẹ chồng là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp,” con dâu nói với những bạn học cũ của cháu. “Nếu các cậu đang tìm một gia đình chồng tốt, hãy cố gắng tìm mẹ chồng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp!”
Chồng tôi
Chồng tôi đã từng làm việc ở Ủy Ban quận. Ông ấy thường đi công tác ở những thị trấn và miền quê khác nhau. Những nơi ông ấy đến người ta thường cho quà ông ấy mang về. Sau khi tôi tu luyện Đại Pháp, tôi nói với chồng tôi về nguyên lý “bất thất, bất đắc” và rằng ông ấy không nên nhận miễn phí thứ gì từ người khác, vì ông ấy sẽ phải đổi lấy đức của mình. Từ đó trở đi, ông ấy luôn từ chối nhận những thứ cho không. Trong một số trường hợp bất khả kháng, ông ấy chắc chắn sẽ tìm cách trả lại sau đó. Một số người thậm chí còn gửi cả tiền mặt đến nhà chúng tôi, và chúng tôi đều hoàn trả lại tất cả. Một số còn muốn tặng cho chồng tôi những căn nhà mới; chúng tôi cũng đều từ chối. Một số người thì nghĩ rằng chắc là chồng tôi bị tôi ảnh hưởng nên đã điên rồi. Chúng tôi có thể đã có hàng chục căn nhà mới nếu chúng tôi không từ chối, nhưng Đại Pháp đã dạy chúng tôi biết đúng biết sai, và điều đó là quan trọng hơn.
Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hơn hai mươi năm rồi. Không chỉ bản thân tôi đạt được trạng thái thân thể khỏe mạnh, mà nhiều người chung quanh tôi cũng thu được nhiều lợi ích. Tôi cố gắng dẫn dắt những người chung quanh tuân theo nguyên lý của Đại Pháp và luôn luôn cân nhắc đến người khác trước. Tôi thực sự đã trải nghiệm lời dạy của Sư phụ, “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh” (Chuyển Pháp Luân)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/11/390979.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/6/180619.html
Đăng ngày 23-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.