[MINH HUỆ 24-07-2019] Tư Mã Thiên là nhà sử học nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cuốn “Sử Ký” của ông được liệt vào hàng đầu trong “Nhị thập tứ sử”. Đây là bộ thông sử đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ghi chép tổng cộng hơn 3.000 năm lịch sử từ thời đại Hoàng Đế trong những truyền thuyết thượng cổ cho đến năm Thái Sơ thứ tư thời Hán Vũ Đế.

Rất nhiều người đều biết đến “Sử Ký”. Năm đó đang trong lúc chuyên tâm bền chí viết Sử Ký, Tư Mã Thiên đã phạm tội với Hán Vũ Đế nên ông bị xử cung hình. Dưới sự chịu đựng thống khổ và đầy phẫn nộ, ông nhiều lần muốn đập đầu vào tường chết cho xong, kết thúc hết mọi đau khổ dằn vặt. Nhưng nghĩ đến bộ “Sử Ký” chưa hoàn thành nên ông đã bỏ đi ý định tự tử để sống tiếp.

“Cái chết đối với một người có khi nặng tựa Thái Sơn, có khi nhẹ tựa lông hồng. Nếu như ta cứ thế này mà chết đi chẳng phải nhẹ tựa lông hồng sao? Ta nhất định phải sống tiếp! Ta nhất định phải hoàn thành xong bộ sử sách này!”

Với cách nghĩ như vậy, Tư Mã Thiên đã làm hết sức khắc chế bản thân, chôn giấu tận đáy lòng mình mọi thống khổ và khuất nhục, lấy thẻ tre ra viết xuống từng dòng chữ Lệ thư thật ngay ngắn và gọn gàng. Cứ như thế, trong lúc nhẫn chịu đau khổ và tủi nhục, Tư Mã Thiên đã dùng toàn bộ thời gian 18 năm để biên soạn bộ sử sách. Vào năm 60 tuổi, cuối cùng ông đã hoàn thành bộ “Sử Ký” hoàn chỉnh bao gồm 520.000 chữ.

Rốt cuộc vì sao Tư Mã Thiên đã phải hao tốn hết thảy tâm huyết và dùng sinh mệnh của bản thân để hoàn thành bộ “Sử Ký” này? Nếu dùng lời của bản thân ông, mục đích chính là vì “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn” (Dịch nghĩa: Xem xét tìm hiểu mối quan hệ giữa trời và con người, thông hiểu biến hóa từ xưa đến nay, hình thành nên học thuyết của một gia). (Hán Thư Tư, Truyện Mã Thiên)

Cái gọi là “cứu thiên nhân chi tế” chính là xem xét tìm hiểu mối quan hệ giữa đạo Trời và con người. Kỳ thực, đây không chỉ là mục tiêu lớn nhất của Tư Mã Thiên và những nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cổ đại, mà còn là một tuyến chính và chủ đề lớn nhất quán xuyến xuyên suốt từ đầu đến cuối trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Ví như, Đổng Trọng Thư trong lúc đáp lại đối sách xử lý vấn đề của Hán Vũ Đế, ông nói: “Thần không dám khinh suất, trong “Xuân Thu”, xem sự việc đời trước mà biết được mối tương hỗ giữa trời và con người, ấy cũng là biết kính sợ vậy.”

“Mối tương hỗ giữa trời và con người” cũng chính là mối quan hệ giữa đạo Trời và con người, đây chính là nội dung cơ bản trong đối sách của Đổng Trọng Thư.

Cùng thời với Đổng Trọng Thư còn có Tể tướng Công Tôn Hoằng thời Xuân Thu. Lúc kiến nghị Hán Vũ Đế mở trường học dạy Nho giáo, ông nói: “Chiếu thư mệnh lệnh cho bề tôi cần phải biết rõ giới hạn giữa trời và con người, thông hiểu ý nghĩa cổ kim, văn chương tao nhã, khuyên bảo sâu sắc.” (Sử Ký, Truyện Nho Lâm)

Tuy nhiên, sử quan bình thường không thể hiểu những điều này nên mới cần bồi dưỡng nhân tài Nho học. Thông hiểu giới hạn giữa trời và con người cũng chính là mối quan hệ giữa trời và con người. Điều này đã tạo nên phương hướng cơ bản của học vấn Nho gia.

Những năm cuối thời Tây Hán, học giả Nho gia nổi tiếng tên là Dương Hùng cũng từng nói: “Thánh nhân biết bồi dưỡng rèn luyện tinh thần tố chất, trở thành Đạo của thiên hạ, mang đến lợi ích cho bàng dân thiên hạ, làm hài hòa quan hệ giữa trời và con người, ấy là không còn gián cách nữa.” (Pháp Ngôn)

Đến thời Tam quốc Hán Ngụy, Hà Yến khen ngợi Vương Bật rằng: “Người này có thể cùng đàm luận về mối quan hệ giữa trời và con người.” (Thế Thuyết Tân Ngữ)

Hà Yến có cuốn sách “Luận Ngữ Tập Giải”, ông cũng là người dẫn đầu trường phái Nho lâm đương thời.

Thời Bắc Tống có triết học gia tên là Thiệu Ung từng nói: “Học mà không biết quan hệ giữa trời và con người thì không đủ để gọi là học.” (Hoàng Cực Kinh Thế Thư)

Hàng nghìn năm qua, nhân loại đã xem xét và tìm hiểu trong một thời gian lâu dài xoay quanh mối quan hệ giữa đạo Trời với con người. Nó cấu thành nên thể hệ quan niệm tư tưởng của văn hóa Trung Hoa. Người ta thường gọi là “thiên mệnh quan”, hay cũng nói là “thiên mệnh tư tưởng”. Thời đại thượng cổ ba nhà Hạ, Thương, Chu được xem là thời kỳ sớm nhất có lưu lại tài liệu văn chương xác thực về lịch sử phát triển “thiên mệnh quan” của Trung Quốc; cũng có thể nói là khởi nguồn của “thiên mệnh quan” thời Trung quốc cổ đại.

Rốt cuộc, người Trung Quốc thời đó làm thế nào để đối đãi quan hệ giữa trời và con người? Mời các bạn xem tiếp ở các phần sau.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/7/24/390471.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/26/180060.html

Đăng ngày 07-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share