Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-07-2019] “Tôi bị trói và bị đưa đến trại lao động. Tại đó, họ cởi áo khoác của tôi, trói hai tay tôi ra sau lưng và còng tôi vào khung cửa sổ trong bốn ngày đêm. Tôi không được nhắm mắt. Nếu tôi nhắm mắt, họ sẽ giật đầu tôi và đập vào khung cửa sổ, còn đấm đá tôi. Họ dùng chiến thuật tra tấn khi thẩm vấn tôi khiến tôi bị ngất hai lần; tóc của tôi bị giật rơi ra và tay sưng phồng đến mức tê liệt…”
Minh hoạ tra tấn: Còng tay và treo lên
Những trải nghiệm đau đớn này chỉ là một phần mà những gì bà Đàm Hiểu Dung, 53 tuổi, ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên chịu đựng trong năm 2004 khi bà bị bắt chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 1997, bà Đàm đã hướng bản thân trở thành một người tốt bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Bà đã thay đổi từ một người phách lối và cáu kỉnh, và mắc những căn bệnh như hội chứng Meniere, loét miệng và các bệnh phụ khoa, trở thành một người trầm tĩnh, khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng.
Tuy nhiên, bà Đàm đã bị bắt và bị giam giữ nhiều lần sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Sau đây là sự bức hại mà bà phải chịu đựng:
Sự bức hại vô nhân đạo tại trung tâm tẩy não
Vào ngày 23 tháng 2 năm 2000, tôi cùng một số học viên đến một hội chợ ở trấn Bảo Thăng. Người của Đồn Công an Nam Cường đã bắt chúng tôi. Chúng tôi bị giam ba ngày trong một căn phòng đầy phân. Chúng tôi đã không ngủ trong ba ngày này.
Vài tuần sau, vào ngày 4 tháng 3, trong thời gian diễn ra Hội nghị quốc gia của đảng cộng sản, khi tôi và chồng trở về nhà sau khi đi làm thì bị người của Đồn Công an Nam Cường và các viên chức làng chặn chúng tôi lại và yêu cầu tôi phải đến một “cuộc họp” tại đồn. Khi tôi từ chối đi cùng họ, vài người trong số họ đã nhét tôi vào một chiếc xe hơi và đưa tôi đến một trung tâm tẩy não.
Có hơn 20 học viên trong trung tâm và một số được thả sau khi viết các tuyên bố từ bỏ tu luyện, chỉ còn lại 16 học viên ở lại, trong đó có tôi. Trong số những người ở lại, có 10 nữ và 6 nam, lớn tuổi nhất là độ tuổi 70, trẻ tuổi nhất là độ tuổi 30.
Vào mỗi bữa ăn, chỉ có 500gr nước gạo cho 16 người uống và những ai ngồi phía sau sẽ không còn gì khi đến lượt họ. Họ phải uống nước lọc để giảm bớt cơn đói. Chúng tôi bị yêu cầu trả 10 tệ phí sinh hoạt mỗi ngày trong khi các quan chức ăn uống tuỳ thích.
Ngày hôm sau, Khang Gia Lương, Bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật, đã đến nói chuyện với chúng tôi.
Ông ta nói: “Các vị bị bắt theo chỉ đạo của Giang Trạch Dân và không được tập Pháp Luân Công. Các người phải làm theo nội quy và không được tập kể từ khi ở đây. Chúng tôi sẽ chuyển hoá các người bằng mọi giá, bao gồm cả đánh đập hay bỏ đói. Chúng tôi sẽ bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và huỷ hoại thân thể của các người; các người phải đưa chúng tôi tiền sau khi bị chúng tôi đánh. Có một chính sách từ bên trên: đánh đến tàn tật nhưng không đánh đến chết. Những ai bị đánh đến chết sẽ được xem là tự sát và được hoả thiêu. Các người sẽ không thể kiện chúng tôi; chúng tôi nhận tiền của Giang và làm những gì ông ta yêu cầu. Nếu muốn kiện, hãy đến Bắc Kinh và kiện Giang.”
Thân Trường Hân, giám đốc trại lao động nói: “Không ai quan tâm nếu các người bắt trộm một con gà hay con vịt, nhưng các người sẽ bị trừng phạt vì tập Pháp Luân Công.”
Hai ngày sau, chín nữ học viên và tôi bị nhốt trong một căn phòng và bị đánh đập. Khi tôi cố bảo vệ một học viên khác, tôi bị lôi ra ngoài mưa với đôi chân trần và bị đấm đá. Sau đó, tôi bị lôi từ tầng trệt lên tầng ba.
Đồng thời, sáu học viên nam, người ít tuổi nhất là độ tuổi 50 và già nhất là độ tuổi 70, bị ép đứng dưới mưa với chân trần và run lẩy bẩy trong gần ba giờ.
Vào ngày 9 tháng 3, công an đã thuê hai côn đồ đến hành hạ chúng tôi. Họ lôi hai học viên, bà Dương Tư Trân và bà Trương Tú Dung ra ngoài mưa và đá họ lăn quay như một trái bóng trong hơn một giờ. Sau đó họ lôi hai người lên tầng ba và đánh đập hơn ba giờ.
Một công an đá vào bụng và đấm vào miệng tôi, khiến răng cửa bị lung lay và môi tôi bị rách.
Tôi bị giam tại trung tâm tẩy não trong 23 ngày trước khi được thả. Tôi bị ép phải trả 230 tệ chi phí sinh hoạt và bị tịch thu thêm 1.200 tệ.
Bị bắt vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện
Vào một ngày tháng 4 năm 2000, khi tôi đi ra ngoài thì công an của Đồn Công an Nam Cường đã đến nơi làm việc của chồng tôi và yêu cầu ông trở về nhà để họ lục soát nhà chúng tôi. Họ đã lấy đi một cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, và một máy ghi âm dùng để mở nhạc luyện công.
Ba tháng sau, vào ngày 18 tháng 7, người của Đồn Công an Nam Cường và nhiều viên chức làng đã xông vào nhà tôi và bắt tôi. Họ đưa tôi đến trung tâm tẩy não. Tôi bị giam ở đó năm ngày, trong thời gian này tôi tuyệt thực ba ngày và phải trả 50 tệ phí sinh hoạt.
Vào ngày 20 tháng 12, nhiều học viên và tôi quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công. Khi chúng tôi đến trấn Yến Giao vào ngày 31 tháng 12, công an đã bắt chúng tôi và đưa đến Cục Công an Tam Hà. Ở đó, chúng tôi bị lột quần áo và bị khám xét thân thể.
Sau đó, công an đã đưa chúng tôi và nhiều học viên bị bắt khác đến một nơi xa xôi ở Thiên Tân và bỏ chúng tôi ở đó. Chúng tôi phải đi bộ một đêm trước khi đến Bắc Kinh, và bị công an bao vây ở Công viên Trung Sơn. Công an đã ra lệnh cho chúng tôi phải lăng mạ Sư phụ Lý, nhưng chúng tôi làm ngơ. Chúng tôi bị bắt và bị giam hơn 10 giờ ở Đồn Công an Tây Đan.
Vào ngày 7 tháng 1 năm 2000, chúng tôi bị đưa trở về đồn công an địa phương, và bị Trần Huy ở bộ phận quân đội đánh đập, chửi bới. Ngày hôm sau chúng tôi bị đưa đi giam hai tháng ở trại tạm giam Ngô Gia Loan.
Bị kết án một năm trong trại lao động
Ngày 23 tháng 2 năm 2001, tất cả nhân viên của các cục công an khác nhau đã được huy động để đưa 40 học viên, gồm có tôi, từ trại tạm giam đến một nơi mà người của Cục Tư pháp và các cơ quan chính quyền khác, cùng với một số học sinh trung học đã ngồi đợi sẵn.
Chúng tôi bị trói lại, với một tấm bảng bề ngang 60cm treo vào cổ có dòng chữ “Cuồng tín Pháp Luân Công” và tên chúng tôi được viết trên đó. Chúng tôi bị đưa lên những xe tải với hai cảnh sát vũ trang giám sát mỗi học viên và xe đi qua các con đường để mọi người nhìn thấy trước khi đưa chúng tôi đến một nơi có những tấm bảng lăng mạ Pháp Luân Công treo xung quanh toà nhà.
Phương thức bức hại: Bị diễu hành qua các con đường với tấm bảng treo trên cổ
Tất cả chúng tôi, gồm những người độ tuổi thất tuần bị đưa ra xét xử và kết án. Tôi bị kết án một năm lao động cưỡng bức.
Vài tuần sau, vào ngày 9 tháng 3, tôi và bảy học viên bị đưa đến Trại Lao động Nam Mộc Tự ở tỉnh Tứ Xuyên. Ở đó, chúng tôi bị lột đồ và lục soát; tóc của chúng tôi bị cắt thô bạo và các lính canh cùng những tù nhân đã cười khi thấy kiểu tóc dị hợm của chúng tôi.
Các lính canh ép chúng tôi phải úp mặt vào tường mỗi ngày với hai tay giơ lên từ năm giờ sáng trong hơn 10 tiếng cho đến khi các công an hết giờ.
Công an sách nhiễu
Nửa đêm ngày 26 tháng 9 năm 2002, người của Đồn Công an Nam Cường đã xông vào nhà tôi và lôi tôi ra khỏi giường. Nhà tôi bị lục soát. Họ rời đi khi không tìm thấy gì để tịch thu.
Vào ngày 31 tháng 10, trong thời gian Đại hội Đảng lần thứ 16, các viên chức làng đã đến nhà tôi vào buổi trưa với một vài biên bản có danh sách những việc tôi không được làm và yêu cầu tôi ký vào. Họ hăm doạ nếu tôi từ chối và nói tôi sẽ bị bắt vào tối hôm đó. Vì sợ hãi, tôi đã ký trái với ý nguyện của mình.
Tuy nhiên, vào năm giờ sáng hôm sau, công an và các viên chức làng đã xông vào nhà tôi và bắt tôi. Họ lại đưa tôi đến trung tâm tẩy não. Tôi bị giam 13 ngày, và chồng tôi bị ép phải dùng “sổ đỏ” của nhà chúng tôi ra để bảo đảm rằng tôi sẽ không đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, hoặc nhà chúng tôi sẽ bị tịch thu.
Vào ngày 17 tháng 4, khi tôi đang ở nhà một mình thì hơn 20 công an và các viên chức làng trong năm xe ô tô đã đến sân nhà tôi và yêu cầu tôi mở cửa.
Khi tôi từ chối, một công an đá cửa và đe doạ phá cửa nếu tôi vẫn từ chối mở cửa.
Tôi nói: “Nếu dám làm hư cửa, tôi sẽ gọi công an và kiện các người vì xông vào nhà tôi để ăn cướp.”
Nghe điều này, họ dịu lại và cố lừa tôi mở cửa. Sau đó tôi đã khóa các cửa trên tầng hai và tầng ba và thấy sự hỗn loạn đã thu hút nhiều người tụ tập thành một đám đông xung quanh nhà tôi. Một số dân làng thậm chí còn mắng công an vì bức hại người tốt.
Tôi ngồi trên bậu cửa sổ và bắt đầu nói với dân làng về Pháp Luân Công và việc tôi đã bị bức hại trong nhiều năm chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Sau một giờ trôi qua, một công an đã gọi cho cấp trên xin chỉ đạo, sau đó có thêm hơn một chục công an nữa đã đến.
Tôi đã bị bao vây trong nhà hơn năm giờ.
Khi công an rời đi lúc nửa đêm, chỉ còn lại 7-8 công an canh gác, tôi đã nhảy qua tường và rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.
Bị kết án bốn năm tù
Vào ngày 29 tháng 11 năm 2004, khi tôi không có ở nhà, thì công an đã mở cửa căn nhà thuê của tôi. Khi tôi trở về nhà và định mở cửa, họ đã chạy ra từ nhà hàng xóm và bắt tôi. Chồng tôi đến sớm để cung cấp tiền sinh hoạt cho tôi, đã bị hai công an bắt quỳ trên nền nhà. Sau khi bắt tôi, một công an gọi cho cấp trên để thông báo rằng tôi đã bị bắt.
Không lâu sau, hơn chục công an đến bao vây, còng tay tôi lại và đấm đá tôi. Một nữ công an đã giật tóc và tát vào mặt tôi, khiến mũi miệng bị chảy máu và mặt sưng phồng. Máu ướt đẫm quần áo tôi. Tất cả việc này đều được làm trước mặt chồng tôi để ông ấy chứng kiến.
Minh hoạ tra tấn: Đánh đập và đá
Công an lôi tôi từ tầng sáu xuống tầng trệt và đưa tôi đến Đồn Công an Dục Tài Lộ. Ở đó, công an dùng dây thừng dày để trói tôi vào một cái ghế với mỗi tay trói vào đầu mỗi băng ghế và lục soát tôi. Khi tôi từ chối cho chụp hình, một công an đã giật tóc tôi.
100 tệ và một chùm chìa khoá trong giỏ xách của tôi đã bị lấy đi.
Sau đó, tôi bị trói và bị đưa đến trại lao động. Tại đó, họ cởi áo khoác của tôi, trói hai tay tôi ra sau lưng và còng tôi vào khung cửa sổ trong bốn ngày đêm. Tôi không được nhắm mắt. Nếu tôi nhắm mắt, họ sẽ giật đầu tôi và đập vào khung cửa sổ, còn đấm đá tôi. Họ dùng chiến thuật tra tấn trong khi thẩm vấn tôi khiến tôi bị ngất hai lần; tóc của tôi bị giật rơi ra và tay sưng phồng đến mức tê liệt.
Chồng tôi, người không tu luyện Pháp Luân Công, đã bị đưa đến trại tạm giam Ngô Gia Loan và bị giam một đêm. Công an sợ rằng ông ấy sẽ trở về nhà và liên lạc với các học viên khác để thông báo về vụ bắt giữ tôi. Vì thế, hôm sau ông ấy bị đưa đến trại tạm giam Linh Tuyền Tự và giam ông ấy ở đó bảy ngày. Họ cũng lấy đi 1.100 tệ mà ông dự định đưa cho tôi làm chi phí sinh hoạt.
Vào ngày 1 tháng 12, tôi bị đưa đến trại tạm giam và bị giam 1,5 năm. Trong khi giam cầm, tôi bị tra tấn: công an giật tóc tôi và đánh tôi gần nửa giờ, khiến chân phải của tôi bầm tím hơn một tháng; tôi bị bức thực hai lần và gần như ngạt thở vì ống dẫn ăn; tôi bị ép phải ngồi hai lần trên “ghế hoàng đế,” một dụng cụ tra tấn, một lần sáu ngày và lần khác bốn ngày. Tôi cũng phải tắm bằng nước lạnh trong mùa đông.
Minh hoạ tra tấn: Bức thực
Ngày 23 tháng 2 năm 2006, tôi bị xét xử trong trại tạm giam. Ngày hôm sau, tôi được thông báo bị kết án bốn năm tù.
Vào ngày 17 tháng 4 năm 2006, khi đang trên đường đến Nhà tù nữ Thành Đô, tôi hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Để trả thù, lính canh ra lệnh cho sáu tù nhân dùng giấy vệ sinh nhét vào miệng tôi và đưa tôi đến phòng giam. Tuy nhiên, nhà tù đã từ chối nhận tôi vì tôi không đủ sức khoẻ.
Công an đã mắng tôi trong khi đưa tôi về lại trại tạm giam. Khi về đến nơi, một công an tát vào mặt tôi vài lần và đá tôi trước khi còng tôi vào ghế “hoàng đế” trong bốn ngày.
Tôi lại bị đưa đến Nhà tù nữ Thành Đô vào ngày 8 tháng 5. Trong 43 ngày, tôi không được phép ra khỏi xà lim, nói chuyện với người khác, không được dùng nhà vệ sinh, không được mua nhu yếu phẩm hàng ngày hay mặc quần áo của mình. Tôi chỉ được tắm hai tuần một lần và chịu đựng các phương thức tẩy não cả ngày lẫn đêm.
Tôi cũng bị ép phải làm việc trong điều kiện tồi tệ từ 8 giờ sáng đến tận 12 giờ đêm. Vì áp lực to lớn, tôi bắt đầu mất trí nhớ và thậm chí không thể đếm đúng. Tôi chỉ hồi phục sau khi về nhà được một năm.
Kết quả sau nhiều năm bị đàn áp, gia đình tôi đã rơi vào cảnh khánh kiệt và con trai tôi phải bỏ học khi mới 13 tuổi. Tuy nhiên, những gì tôi trải qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/11/389766.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/16/178914.html
Đăng ngày 27-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.