[MINH HUỆ 11-10-2019] Trong vài tháng vừa qua, các học viên Pháp Luân Công đã đệ trình danh sách thủ phạm bức hại các học viên tới chính phủ các quốc gia phương Tây để giúp đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những đối tượng vi phạm nhân quyền đang cư trú ở Trung Quốc. Một bản danh sách cũng được đệ trình lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2019, và các danh sách bổ sung cũng đã được đệ trình vào tháng 9 vừa qua tới chính phủ các nước Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Australia.

Đàm Tương Khiêm là cựu nhân viên của Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bạch Mã Lũng ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam. Trước khi trại lao động này bị bãi bỏ, Đàm Tương Khiêm là đội trưởng Đội Đặc cảnh và đã lãnh đạo các thuộc hạ bức hại các học viên Pháp Luân Công. Để ép các học viên phải từ bỏ đức tin của mình, Đàm đã cùng cấp dưới sử dụng hàng chục phương thức tra tấn khác nhau để bức hại các học viên. Trong vòng vài năm dưới sự chỉ đạo của Đàm, có đến khoảng 100 học viên đã bị thương tổn, bị tàn phế hoặc thậm chí là mất đi mạng sống.

Ví dụ, vào năm 2001, Đàm đã chỉ thị cho đội phó Đội Đặc cảnh là Phan Hướng Đông, cùng sáu cảnh sát khác bức hại cô Hồ Nguyệt Huy (42 tuổi). Họ đánh đập cô một cách tàn nhẫn và dùng dùi cui sốc điện toàn thân cô Hồ, thậm chí vào cả mí mắt và lông mày. Sự việc này tiếp diễn đến tận nửa đêm, và khi các tù nhân kéo cô Hồ trở lại phòng giam, cô đã hoàn toàn bất tỉnh nhân sự. Sau khi các tù nhân khiêng cô vào giường, một nữ tù nhân đã giúp cô thay quần áo và phát hiện rằng quần áo mặc bên trong và đồ lót của cô Hồ bị dính chặt vào người vì máu khô. Tù nhân này đã phải dùng kéo để cắt bỏ quần áo và sau đó thấy máu từ những vết bầm tím trên thân chảy ra khắp người cô Hồ, đặc biệt là nửa người bên dưới của cô. Ngay cả những kẻ nghiện ma túy hung ác nhất trong phòng giam cũng phải rơi lệ khi chứng kiến cảnh tượng thê thảm này.

Một lần khác vào tháng 3 năm 2001, khi Đàm cùng các nhân viên khác đánh đập bà Tào Tĩnh Trân, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Nguyên Giang. Bà Tào đã nôn ra máu và bị gãy ba xương sườn. Sau khi được đưa tới phòng khám của trại lao động, bà bị tiêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc và một bác sỹ đã thông báo rằng bà bị ung thư phổi. Bà Tào qua đời không lâu sau khi được gia đình đưa về nhà.

Năm 2003, Hoàng Bình, vợ của Đàm và cũng là quản lý Phân khu 1 của trại lao động, đã gọi điện bảo Đàm tới phân khu của cô. Khi thấy học viên Lý Yến hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, Đàm đã đánh đập bà Lý một cách tàn nhẫn và đẩy bà xuống sàn. Đàm dẫm đạp lên đầu bà và tiếp tục đánh bà Lý một cách tàn bạo. Sau đó, Đàm và đội phó Phan đã nhấc bà Lý lên và quăng mạnh bà Lý vào một thanh kim loại ở trên sàn. Ngay lập tức, xương hông của bà Lý bị gãy.

Thông tin cá nhân của thủ phạm tham gia bức hại:

Tên: Đàm Tương Khiêm (谭湘谦)
Giới tính: Nam
Ngày tháng năm sinh: Ngày 14 tháng 10 năm 1963
Đơn vị công tác hiện tại: Phòng Quản lý và Giáo dục của Trung tâm Cai nghiện Bạch Mã Lũng
Địa chỉ: trong cơ sở dữ liệu của Minh Huệ

Tên: Hoàng Bình
Giới tính: Nữ
Thông tin cụ thể: Vợ của Đàm Tương Khiêm, nguyên quản lý Phân khu 1, Trại Lao động Nữ Bạch Mã Lũng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/11/394453.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/13/180304.html

Đăng ngày 29-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share