Bài viết của một học viên hải ngoại

[MINH HUỆ 03-07-2019] Vài tháng trước, tôi may mắn có cơ duyên được xem bộ phim “Đến vì các bạn”. Mỗi lần xem đều chạm tới tận đáy lòng tôi. Trong một lần bộ phim được chiếu ở khu vực chúng tôi, mặc dù tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng nhưng lần xem này đã giúp tôi có được thể ngộ sâu sắc hơn. Tôi cảm nhận được sự từ bi vô lượng của Sư phụ cũng như thể hội được là một đệ tử Đại Pháp trước năm 1999 thì nhất định phải trân quý Đại Pháp, trân quý con đường mà chúng ta đã đi qua.

Trong phim có một phân cảnh từ kiếp trước, một vị Giác Giả biết được rằng cơ duyên vạn cổ khó gặp cuối cùng cũng đã đến. Cảnh tượng này dường như đã thức tỉnh một vùng ký ức xa xôi bị chôn sâu trong tâm khảm tôi. Tôi thực sự cảm nhận được khoảnh khắc khi đệ tử Đại Pháp từ bỏ hào quang của Thần, phát nguyện cùng Sư tôn hạ thế hoàn thành sứ mệnh Chính Pháp. Trong tâm tôi cảm nhận được cảnh tượng ấy quá đỗi thần thánh và uy nghiêm.

Còn có một phân cảnh khi nhân vật chính và tất cả đệ tử trong nước cùng tập trung ở một chung cư ở Bắc Kinh trước ngày đi đến Thiên An Môn, mọi người dùng tiếng hát để giãi bày tiếng lòng của bản thân. Nhìn thấy cảnh tượng này, những ký ức trong quá khứ lại hiện ra trước mắt tôi: Tôi đắc Pháp năm 7 tuổi, 10 tuổi đến Thiên An Môn chứng thực Pháp. Sau sự kiện đó, gia đình tôi bị bức hại trong một thời gian dài. Khi lên đại học, cuộc sống của người thường đã làm tôi bị mất phương hướng trong một khoảng thời gian dài. Sau khi ra nước ngoài, tôi lại một lần nữa quay trở về con đường tu luyện. Trải qua nhiều lần khảo nghiệm, tôi đã ngày càng trưởng thành hơn. Tất cả những đắng cay trong quãng thời gian đó lại triển hiện sống động trước mắt tôi.

Sâu thẳm trong sinh mệnh tôi như được thức tỉnh: Từng bước đi của đệ tử Đại Pháp đều không thể tách khỏi sự bảo hộ của Sư phụ. Trên con đường tu luyện, các học viên dường như là đang chịu đựng ma nạn, nhưng trên thực tế là được lấp đầy bằng sự từ bi vô lượng của Sư phụ. Trong tâm tôi vô cùng cảm kích mà không thể cất thành lời, những giọt nước mắt sớm đã ướt đẫm áo sơ mi. Thật đúng là:

“Sư đồ bất giảng tình

Phật ân hóa thiên địa”. (Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)

Tạm dịch:

“Thầy trò đâu giảng tình

Phật ân hóa trời đất”. (Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)

Chuyến đi chứng thực Pháp tại Bắc Kinh

Cuối năm 1999, nhân lúc không có cảnh sát trực ban ca đêm, tôi cùng bố mẹ và một số đồng tu cùng quê tập trung tại nhà ga. Chúng tôi bắt chuyến tàu đêm đến Thiên An Môn ở Bắc Kinh để chứng thực Pháp.

Trên những chuyến tàu đường dài, sau vài ngày thì chúng tôi cũng đã đến được Bắc Kinh. Chúng tôi tiếp tục đi thêm vài chuyến xe buýt, khi lên xuống xe rất khó khăn vì xe buýt ở Bắc Kinh luôn chật kín người. Lại thêm việc không quen đường đã khiến chúng tôi rất nhiều lần gần như suýt để lạc mất nhau.

Chẳng mấy chốc trời đã tối, khi ấy tôi vừa đói vừa mệt, một loại cảm giác cô độc bỗng ập tới. Các đồng tu tại Bắc Kinh cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm, vì vậy đoàn chúng tôi dừng lại ở bên đường để đứng đợi họ đến đón. Một lúc sau, từng đoàn người đến đón các đồng tu, còn tôi và bố mẹ đợi đoàn người cuối cùng đến. Sau vài tiếng chờ đợi thì gia đình tôi được sắp xếp ở một căn hộ chung cư. Trong phòng có rất nhiều học viên đến từ nhiều nơi khác nhau. Mặc dù đây là lần đầu tiên gặp mặt nhưng mọi người đều cảm thấy rất đỗi thân quen. Có một vài đồng tu mang theo bánh từ quê lên, đến giờ ăn tối họ gắp những chiếc bánh màn thầu ra bàn, rồi mời các đồng tu khác thưởng thức. Mặc dù lúc ấy trong miệng nhai chiếc bánh vừa cứng vừa lạnh, nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy ấm áp hơn bao giờ hết. Khi nhìn thấy mọi người vui vẻ cùng nhau trò chuyện, tôi cảm thấy yên bình trở lại.

Lúc ấy có một đồng tu nhìn thấy tôi rồi hỏi: “Bạn nhỏ à, cháu còn bé như vậy mà cũng tới đây sao?” Trong đầu tôi không nghĩ gì cả, buột miệng trả lời: “Cháu đến đây là để chứng thực Pháp!” Mọi người trong phòng cười phá lên khi nghe thấy tôi nói như vậy. Các đồng tu nghĩ đến việc ngày mai sẽ đi đến Thiên An Môn là thao thức không thể yên giấc. Khi ấy, tôi ngủ trên đùi một cô đồng tu, chúng tôi có một cuộc trò chuyện rất vui vẻ. Không có sự khác biệt về tuổi tác, về vùng miền; tôi cùng cô cổ vũ lẫn nhau, tiếp thêm năng lượng cho chuyến đi ngày mai.

Sáng sớm hôm sau, cha mẹ tôi bắt một chiếc taxi đến quảng trường Thiên An Môn. Trước khi rời quê lên Bắc Kinh, cha đã giấu tấm biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” cùng với bản Kinh văn chép tay trong áo khoác của tôi. Trên đường đi, cha ra hiệu tôi không được nói chuyện và tránh tiết lộ danh tính.

Đến quảng trường Thiên An Môn, tôi mới thấy được sự căng thẳng đang phủ kín khắp mọi nơi. Đặc biệt là có rất nhiều cảnh sát mặc quân phục ở gần cầu Kim Thuỷ. Để đến được khu vực đó thì bắt buộc phải nói những lời lăng mạ Đại Pháp. Một lúc sau, cha mẹ tôi và các đồng tu cùng quê khác đã đến gần cầu Kim Thuỷ. Đoàn chúng tôi tách ra để đi mua chút bánh bao và nước uống tránh đói, rồi cùng nhau thảo luận về nơi đặt tấm biểu ngữ.

Sau một hồi, chúng tôi quyết định sẽ đặt tấm biểu ngữ ở dưới cột đá cẩm thạch trước quảng trường Thiên An Môn. Rất may là cảnh sát không nhìn thấy hành động của chúng tôi và xung quanh cũng rất ít người qua lại. Cha tôi cầm một đầu của tấm biểu ngữ bằng một tay rồi băng qua hàng rào bảo vệ, ông đứng dưới cây cột cẩm thạch. Còn mẹ thì đứng ở đầu bên kia thuận theo cha bắt đầu giăng tấm biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Các đồng tu khác thì đứng dưới tấm biểu ngữ bắt đầu làm động tác “đầu tiền bão luân” của bài công pháp thứ hai.

Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đó, cả không gian dường như cố định lại tại thời khắc này, còn thời gian thì như ngưng đọng lại! Bầu trời khi ấy thật trong xanh, tất cả chúng tôi lặng lẽ đứng ở đó ôn hoà, bình thản để bày tỏ lòng mình với thế giới: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp!”, “Sư phụ của chúng tôi bị oan!”

Không đến một phút sau, chúng tôi nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát từ phía xa. Có vài cảnh cảnh sát lập tức chạy đến, một cảnh sát đã quật ngã cha tôi xuống đất, còn các cảnh sát khác thì bắt đầu đi bắt người. Tôi và cha bị bắt đầu tiên rồi bị áp giải lên một chiếc xe tải. Khuôn mặt của cha tôi không ngừng chảy máu, từng giọt từng giọt chảy xuống đất. Qua cửa sổ ô tô tôi nhìn thấy cô đồng tu chăm sóc tôi tối qua đang kiếm tìm chúng tôi. Khi nhìn thấy cha con tôi ở trên xe, cô hướng tới hợp thập và gật đầu. Mặc dù giữa chúng tôi không nói một lời nào, nhưng khi ấy tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa.

Sau đó, họ cưỡng chế nhét chúng tôi vào một chiếc xe cảnh sát. Họ lấy một cái lưới sắt từ cốp sau của ô tô ra rồi cuộn tròn chúng tôi lại như để cải trang chúng tôi thành chó nghiệp vụ vậy. Khi xe dừng lại, tôi bị dẫn đến hành lang của một đồn cảnh sát. Sau đó, tôi cùng các đồng tu cùng quê khác bị giải đến một căn phòng. Cha tôi cùng một đồng tu là sinh viên đại học thì bị nhốt riêng trong một phòng khác. Một lúc sau, từ căn phòng ấy phát ra tiếng roi da cứ từng đợt từng đợt đánh xuống kèm theo âm thanh chói tai của những tiếng hét đầy đau đớn.

Còn căn phòng nơi tôi và các đồng tu khác ở thì không có một ai đến. Có lẽ họ muốn chúng tôi nghe thấy tiếng roi từ phòng kia trước để chúng tôi cảm thấy sợ hãi. Rất lâu sau, một vài cảnh sát tới, đầu tiền họ hỏi chúng tôi từ đâu đến; chúng tôi đều không trả lời. Rồi lại một tốp cảnh sát khác tới, họ thậm chí còn uy hiếp rồi hăm doạ. Một trong số họ giơ nắm đấm lên để đe doạ một bé gái mười mấy tuổi. Nhưng lại thấy cô bé không chút sợ hãi liền hạ nắm đấm xuống.

Một viên cảnh sát khác bắt đầu bắt mẹ tôi đọc “Hồng Ngâm”; sau đó anh ta ném giấy lau mũi vào mặt mẹ tôi. Mẹ tôi không những không tức giận mà còn nhặt tờ giấy bẩn ấy lên. Một lúc sau, lại có một nữ cảnh sát khác tới bắt một chị đồng tu viết “tuyên bố ăn năn”. Nữ cảnh sát ấy đã rất tức giận khi xem xong tờ giấy vì nội dung bên trong chị viết đều là những lợi ích khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chữ ký thì dùng hóa danh. Chứng kiến cảnh tượng các đồng tu không chịu khuất phục trước cảnh sát thật khiến tôi kính phục họ vô cùng.

Đến nửa đêm, cảnh sát bắt đầu trừng phạt các học viên. Họ cấm một người già và một trẻ em không được đi vệ sinh, mẹ tôi cùng một cô đồng tu cùng quê bắt đầu bị “còng tay sau lưng” (hai tay bị trói chặt trong tư thế một cánh tay bị vặn ngược ra sau lưng và bị còng vào cùm, cánh tay còn lại bị vòng qua vai). Hình thức tra tấn này trong thời gian dài sẽ gây ra tàn phế. Thân hình cô đồng tu ấy rất mảnh khảnh mà lại bị còng tay lâu như vậy trong thời gian dài. Tôi thấy khuôn mặt cô ấy tái nhợt, còn trạng thái tinh thần thì ngày càng tồi tệ. Mẹ tôi cũng bị còng tay rất khổ sở, từng giọt mồ hôi trên gương mặt bà cứ từng giọt từng giọt rỏ xuống đất. Nhưng họ vẫn kiên định không nói họ từ đâu đến với cảnh sát.

Tôi bị đưa thẳng đến một ngôi nhà có hàng rào sắt nơi các đồng tu đang ngồi lặng lẽ ở phía trong. Đến nửa đêm, tôi và mẹ bị cảnh sát trong ngôi nhà đó đưa đến đồn cảnh sát. Những cảnh sát địa phương thường xuyên theo dõi chúng tôi đã phát hiện chúng tôi không ở nhà nên nửa đêm họ đã nhanh chóng bay tới Bắc Kinh để bắt chúng tôi về. Tôi còn nhớ lúc ấy có đến 4 đến 5 viên cảnh sát khiêng tôi và mẹ lên một chiếc xe, mẹ tôi hô to với họ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Sau đó, cảnh sát không thể khiêng được mẹ tôi nữa. Cuối cùng, họ phải điều vài người đàn ông to lớn đến nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khiêng được mẹ tôi lên xe.

Chúng tôi bị tạm giam trong một tứ hợp viện ở Bắc Kinh. Mẹ tôi bị còng hai tay, tôi cùng mẹ ngồi trên sàn bê tông lạnh cóng và không được ăn. Một cảnh sát đưa tôi vào nhà vệ sinh để khám xét và bắt tôi cởi hết quần áo ra. Đêm thứ ba bị bắt là đêm giao thừa, cảnh sát cho tôi húp một nửa bát cháo. Tôi đợi họ rời đi rồi ngồi lên chiếc ghế của họ để nghỉ ngơi. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi chính thức bị áp giải từ Bắc Kinh trở về quê. Trên đường đi tôi nghĩ về cha tôi, không biết bây giờ ông đang ở đâu. Nghĩ đến điều đó là lòng tôi lại tê tái đến thê lương, cũng không biết còn điều gì đang đợi chúng tôi ở phía trước.

Trong cuộc bức hại không ngừng giảng chân tướng

Sau khi trở về nhà, cha mẹ tôi đều bị kết án rồi bị bỏ tù phi pháp. Nhà của chúng tôi cũng bị tịch thu, cảnh sát đã đến lục soát nhà như những kẻ cướp, thậm chí tiền ở trong két sắt cũng bị họ cướp đi. Ngày hôm sau, khi trên đường đến trường, tôi nghĩ rằng sau này cuộc sống của tôi không được như trước nữa, gia đình tôi giờ chỉ còn trông cậy vào mỗi mình tôi. Khi ở trong lớp, tôi luôn bị cảnh sát gọi lên văn phòng để hỏi chuyện. Thấy vậy cô giáo thắc mắc, sau giờ học đã gọi hỏi tôi: “Pháp Luân Công có tốt không?” Tôi trả lời: “Tốt lắm ạ! Bố mẹ em đều là những người tốt!” Cô giáo nói: “Cô hiểu rồi, em về đi”.

Mặc dù không có cha mẹ bên cạnh nhưng là một đệ tử Đại Pháp tôi cũng đã trải qua nhiều cuộc khảo nghiệm khác nhau. Có một năm, vào ngày lễ Tết, tôi đến nhà cậu út để chúc mừng năm mới. Khi ấy tôi đạp xe và mang theo một hộp quà đến tặng cậu. Mới bước vào cửa cậu nói: “Hôm nay cậu hỏi con một câu, Pháp Luân Đại Pháp có tốt không?” Tôi đáp lại: “Tốt ạ”. Mặt cậu ngay lập tức sầm lại: “Nếu mà tốt thì sao bố mẹ con còn bị bắt đi?” Tôi nói tiếp: “Đó không phải là lỗi của bố mẹ con, là cảnh sát đã bắt những người tốt. Hơn nữa, cậu cũng biết kể từ khi bố mẹ con tu luyện, sức khoẻ của họ đã được cải thiện rất nhiều”.

Cậu tiếp tục nói: “Những điều đó cậu không quan tâm, hôm nay con nói Pháp Luân Đại Pháp là tốt thì con hãy đi đi, kể từ nay, ta coi như không biết con nữa. Đổi lại nếu con nói Pháp Luân Đại Pháp không tốt thì con hãy ở lại đây, cậu đã chuẩn bị cho con rất nhiều đồ ăn ngon”. Tôi không một chút do dự lập tức trả lời ngay: “Pháp Luân Đại Pháp rất tốt”. Nghe xong cậu không nói một lời nào, rồi kéo tôi và chiếc xe đạp cùng cả món quà ra khỏi nhà. Mặc dù bị cậu đuổi ra khỏi nhà, nhưng trong tâm tôi lại rất vui vẻ, vì tôi nghĩ đây là khảo nghiệm sự tín tâm của tôi vào Đại Pháp và tôi đã vượt qua được một cách suôn sẻ.

Sau đó, dưới sự an bài của Sư phụ, vào cuối tuần tôi đạp xe đến một nhà đồng tu A rất tinh tấn học Pháp và xem “Tuần báo Minh Huệ”. Các đồng tu còn dạy thêm cho tôi cách giảng chân tướng. Một lần, khi đến trại lao động thăm mẹ, nhân lúc cảnh sát không chú ý, tôi lấy ra một tập “Tuần báo Minh Huệ” được giấu kỹ trong túi đưa cho mẹ. Tôi hy vọng bà sẽ có đủ kiên định để bước tiếp. Trong những năm mẹ tôi bị bắt giữ phi pháp vì từ chối bị chuyển hoá, bà đã bị tiêm thuốc độc. Cảnh sát đã tìm tới tôi, nói mẹ tôi đã tuyệt thực. Họ hy vọng tôi có thể đến thuyết phục bà ấy.

Khi tôi đến trại lao động, từ xa đã thấy mẹ tôi chậm rãi tiến đến vì bà đã tuyệt thực trong một thời gian dài nên trông bà gầy đến mức chỉ còn da bọc xương. Chứng kiến cảnh tượng này, tôi vô cùng buồn bã, tôi không nỡ để mẹ phải chịu khổ. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi không thể vì tình thương mà bức bách mẹ từ bỏ Đại Pháp. Tôi biết bà coi Đại Pháp còn quan trọng hơn cả sinh mệnh mình. Tôi còn chưa kịp mở miệng thì mẹ đã nói với cảnh sát: “Tôi sẽ không thay đổi quyết định của mình, cảm ơn lòng tốt của các cô”. Sau đó mẹ đến bên cạnh tôi, nhìn thấy tôi đang sống rất tốt, bà rất yên tâm.

Cha tôi bị giam cầm và bị tra tấn trong một thời gian dài. Tôi không có cách nào đến thăm ông ấy. Mặc dù thời gian thi hành án của ông đã kết thúc nhưng vì các quan chức địa phương tuần tra thấy cha tôi vẫn nói về chân tướng Pháp Luân Đại Pháp nên ông tiếp tục bị đưa đến trại lao động thêm một thời gian dài. Khó khăn lắm cha tôi mới ra ngoài được mấy tháng, vậy mà ông lại phải tiếp tục chịu bức hại. Khi cảnh sát đến nhà bắt ông đi chịu án, hàng xóm vây quanh theo dõi tình hình, có một người đàn ông rất trượng nghĩa không đồng ý trước hành động ngang ngược của cảnh sát cũng bị họ bắt đi.

Sau đó, tôi sống cùng với mẹ tôi, bà cũng mới được thả ra không lâu sau đó. Mặc dù gia đình tôi gặp phải rất nhiều ma nạn nhưng mẹ không bao giờ quên việc cứu người. Cứ đến cuối tuần bà lại đưa tôi đi phát tài liệu, mỗi người chúng tôi mang theo một tập tài liệu để ở sau lưng rồi cùng nhau đi giảng chân tướng. Vì để tiết kiệm tiền nên chúng tôi rất hiếm khi đi xe buýt, hầu hết là đi bộ, khi đói thì lót dạ bằng dưa chuột và cà chua. Chúng tôi thường phát tài liệu trong suốt một ngày, từ sáng đến tận tối muộn mới trở về nhà.

Nhiều đêm chúng tôi đi qua những con ngõ, có rất nhiều lần đi đến ngõ cụt thì đột nhiên một con chó lao ra khiến tôi vô cùng sợ hãi. Mẹ nói tôi đừng sợ hãy niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để con chó đó ngừng sủa. Quả nhiên, con chó đó như hiểu được những lời mẹ nói vậy! Nó ngoan ngoãn quay đầu im lặng chạy đi chỗ khác.

Dù là đêm giao thừa thì vẫn như thường lệ, tôi cùng mẹ đi phát tài liệu. Chúng tôi đi đến rất nhiều nơi vì ngày mai là sang năm mới nên mẹ muốn phát thêm tài liệu. Nên cho dù đã rất muộn, chúng tôi vẫn tiếp tục phát tài liệu. Vì muốn được sớm trở về nhà, đã đôi lần tôi làm qua loa, khi đến nơi không có vị trí tốt để đặt tài liệu là tôi không muốn phát ở đó. Mẹ tôi nói với tôi rằng khi phát tài liệu phải thật nghiêm túc không được bỏ sót một gia đình nào. Có những lúc quãng đường đi quá dài, mẹ sẽ bóp chân cho tôi. Nhìn thấy tôi thật sự đã thấm mệt, để khích lệ tôi, có lúc mẹ còn cõng tôi mặc dù tôi đã không còn bé bỏng nữa. Nằm trên lưng mẹ, tôi cảm giác mình là một đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian này! Tôi thật may mắn vì có một người mẹ tốt đến vậy. Mặc dù cha tôi vẫn đang chịu bức hại nhưng điều hạnh phúc nhất là gia đình ba người chúng tôi đều tu luyện Đại Pháp!

Chưa đầy 2 năm sau, khi đi phát tài liệu mẹ đã bị người khác tố cáo, lúc cảnh sát tìm thấy mẹ, họ đã rất kích động và tát bà. Mẹ tôi một lần nữa lại bị bắt giữ phi pháp. Những ngày tháng tiếp theo chỉ còn lại một mình tôi. Tôi thường hay nhớ lại khoảnh khắc mẹ cõng tôi trên lưng, nhớ lại cảnh tượng những buổi tối hai mẹ con cùng nhau đi phát tài liệu.

Cuối tuần, tôi lại tới nhà của đồng tu A, anh ấy gợi ý tôi viết thư giảng chân tướng. Tôi thử viết một vài bức thư giảng chân tướng. Lúc đầu, khi quyết định sẽ viết thư giảng chân tướng, tôi nghĩ hay là mình nhịn ăn sáng, làm vậy tôi sẽ tiết kiệm được chút tiền làm phí gửi thư. Thế là hôm đó tôi đã nhịn ăn bữa sáng, vậy mà bụng tôi lại không đói một chút nào. Tôi hiểu rằng Sư phụ đã nhìn thấy tâm muốn cứu người của tôi nên đã gia trì cho tôi. Con xin cảm tạ Sư phụ tôn kính!

Trên con đường tu luyện, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ đồng tu A. Một năm nọ khi tôi về quê chúc Tết, đồng tu A đã giúp tôi chuẩn bị rất nhiều tài liệu. Tôi nhớ những lời giảng chân tướng mà đồng tu A đã chỉ bảo, trong tâm tôi rất muốn đi cứu người. Trên đường về quê, tôi cùng anh họ ngồi trên một chiếc xe, tôi không để ý đến người bên cạnh mà nhanh chóng đưa cho anh một cuốn sách nhỏ giảng chân tướng. Lúc đầu, thái độ của anh ấy không được vui rồi hỏi tôi: “Bố mẹ em đều đã bị bắt đi rồi, đứa nhóc như em còn dám nói về vấn đề này nữa hay sao?”

Tôi trả lời anh: “Pháp Luân Công vốn dĩ là bị oan, bố mẹ em đã trở nên tốt hơn kể từ khi tu luyện Pháp Luân Công, những lời em nói đều là sự thật; nếu có thời gian anh hãy thử xem xem, điều này rất tốt cho anh”. Tôi không ngờ rằng anh ấy nói: “Được rồi”, tôi lại đưa thêm cho anh ấy một cuốn nữa nhờ anh ấy đưa cho bố mẹ anh xem; anh ấy đã vui vẻ nhận lấy. Trên đường đi, mặc dù ngồi trên chiếc xe lắc lư chòng chành nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi thầm nghĩ tôi đã bắt đầu cứu được người rồi, tôi cũng đã có thể giảng chân tướng!

Dần dần, tôi ngày càng biết cách giảng chân tướng hơn. Thỉnh thoảng vào buổi tối khi cùng anh chị họ tập các dụng cụ thể dục ngoài quảng trường. Khi nói chuyện với anh chị về Pháp Luân Công tôi cố ý nói thật to như: “Pháp Luân Công thật ra rất tốt, các tin tức trên truyền hình phát sóng đều là nói dối. Những người tu luyện Pháp Luân Công mà em quen sức khoẻ của họ rất tốt”. Có lần, một dì ở bên cạnh nghe thấy rất thích thú đã chạy sang hỏi chuyện tôi. Có lúc thì tôi chủ động nói chuyện với người bên cạnh, rồi từ từ giảng chân tướng cho họ. Mỗi lần giảng chân tướng xong tôi lại ngước mắt lên nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời.

Có một lần, tôi đứng ở ngoài cửa đợi cắt tóc, khi tôi ngồi trên ghế chuẩn bị cắt, lại nhìn thấy bên trong quán cắt tóc có rất nhiều người. Tôi muốn nhanh chóng vào giảng chân tướng cho các cô ấy. Tôi khen một bà lão được thợ cắt cho kiểu tóc thật đẹp làm bà rất vui vẻ. Sau đó, tôi bắt đầu giảng chân tướng cho bà. Lúc đầu, bà ấy có chút ngập ngừng nghĩ sao một đứa bé như tôi lại biết được nhiều chuyện đến vậy. Sau một hồi giảng chân tướng, bà đã chú ý lắng nghe, có lúc còn hỏi tôi một số vấn đề và tôi đều có thể giải đáp. Tôi thấy trong suốt quá trình nghe chân tướng, ánh mắt của bà từ hoài nghi rồi chuyển sang tin tưởng. Mọi người trong tiệm cắt tóc cũng yên lặng lắng nghe tôi nói. Sau khi rời quán cắt tóc, tôi cảm thấy khắp cơ thể tôi có một loại cảm giác hết sức nhẹ nhõm và thư thái.

Vậy là một năm nữa lại trôi qua, cha tôi đã ra khỏi trại lao động. Cha bắt đầu làm hỗ trợ kỹ thuật tại địa phương. Cuối tuần tôi không phải đi học, cha sẽ đưa tôi đến một nơi rất xa để mua vật liệu cho các đồng tu. Cha mang theo chính niệm thuần chính khi đến các cửa hàng điện tử, mỗi lần giảng chân tướng cho chủ cửa hàng xong, ông còn tặng họ đĩa CD giảng chân tướng. Đi tới nơi đâu, ông cũng nói chuyện với mọi người về Đại Pháp, tôi đi theo ông cũng học được rất nhiều kinh nghiệm trong việc giảng chân tướng. Cha cũng thường hay đưa tôi đi phát tài liệu ở những khu chung cư. Buổi tối mùa đông tuyết rơi rất lạnh lẽo, cha con tôi đi bộ qua từng khu vực, rồi phân công nhau đi phát tài liệu.

Mỗi lần phát tài liệu, tôi cảm thấy rất hồi hộp khi đi từ tầng trên xuống tầng dưới, tôi căng thẳng đến mức toàn thân toát mồ hôi lạnh, cho đến khi ra khỏi toà nhà tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, cha chia sẻ với tôi trước khi phát tài liệu thì phải có chính niệm, và đừng sợ hãi. Nhờ sự giúp đỡ của cha, tôi dần dần không còn sợ hãi mỗi khi phát tài liệu ở khu chung cư nữa. Cha thường chia sẻ với tôi những thể ngộ của ông trong Pháp, và khuyến khích tôi học Pháp nhiều hơn. Khi Cửu Bình được phát hành, tôi học theo mọi người chọn những khu vực quanh hồ để giảng chân tướng và phát tài liệu. Vì buổi tối trong tiết trời mùa thu thời tiết rất dễ chịu nên có nhiều người đến hồ để đi dạo và hóng gió. Khi giảng chân tướng tôi không sợ hãi một chút nào vì tôi tin rằng khi tôi mang theo chính niệm, mang tâm muốn cứu người thì Sư phụ nhất định sẽ bảo hộ tôi. Vì vậy, trong những tháng ngày ở Trung Quốc, tôi chưa từng bị bắt trong khi đi giảng chân tướng, phát tài liệu.

Quay trở về con đường tu luyện

Khi ở Trung Quốc, tôi luôn tu luyện cùng với cha mẹ và một vài đồng tu nên thật ra nhận thức về Pháp của tôi không thật sự sâu sắc. Thời gian không ngừng trôi, tôi ngày một trưởng thành, khi lên đại học vì không còn sống cùng cha mẹ nữa nên tôi đã mất đi môi trường tu luyện tốt. Dần dần, tôi bị dẫn động bởi xã hội người thường. Vì công việc nên tôi chuyển đến ở nơi khác. Mỗi lần về nhà, cha mẹ tôi đều dặn dò rất cẩn thận, khuyên tôi nên học Pháp thật nhiều nhưng tôi lại không nghe lời họ. Đối với một người tu luyện mà nói, không học Pháp trong một thời gian dài thì dần dần sẽ bị cựu thế lực lôi kéo.

Sau đó, khi cha mẹ chuẩn bị hồ sơ cho tôi xuất ngoại thì thị thực của tôi bị trì hoãn, thậm chí cơ thể tôi còn xuất hiện những giả tướng nghiệp bệnh. Khi đó tôi mới bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc tu luyện, tôi đã không còn là tiểu đệ tử năm nào. Con đường tu luyện sau này của tôi, nhất định phải dựa vào chính mình để bước tiếp, tôi phải hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi bắt đầu đọc các cuốn Kinh văn của Sư phụ vào mỗi tối, trong quá trình đọc tôi không ngừng khóc vì hiểu ra tôi đã bỏ lỡ rất nhiều điều.

Tôi phát tâm cầu xin Sư phụ: “Sư phụ, xin Ngài hãy giúp đệ tử, con muốn làm một đệ tử trong thời kỳ Chính Pháp! Con phải hoàn thành thuệ ước cứu người!” Ngày hôm sau, tôi đã có được thị thực để xuất ngoại.

Tôi một mình ra nước ngoài sống, thời gian đầu đối với tôi vô cùng cực khổ. Tôi thức dậy vào lúc 5 giờ sáng rồi đi làm thêm kiếm tiền đến 3 giờ chiều, từ 4 đến 9 giờ tối là thời gian đi học. Sau khi trở về phòng, tôi bắt đầu gọi điện thoại giảng chân tướng đến 1-2 giờ sáng. Một ngày, tôi chỉ ngủ từ ba đến bốn tiếng, mặc dù rất cực khổ nhưng trong tâm tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi đã có thể trở lại trạng thái tu luyện như ngày trước rồi!

Cho đến nay, tôi đã ở nước ngoài được 5 năm. Trong 5 năm này, tôi đã trải qua rất nhiều khảo nghiệm, thật đúng là:

“Quan quan đô đắc sấm

Xứ xứ đô thị ma

Bách khổ nhất tề giáng

Khán kỳ như hà hoạt

Cật đắc thế thượng khổ

Xuất thế thị Phật Đà”. (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm I)

Tạm dịch:

“Cửa nào cũng phải qua

Chỗ nào cũng là ma

Trăm khổ cùng giáng xuống

Xem sẽ sống ra sao

Nếm đủ khổ trên đời

Xuất thế là Phật Đà”. (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm I)

Bộ phim “Đến vì các bạn” làm tôi nhớ lại những đồng tu năm đó cùng tôi đến quảng trường Thiên An Môn để chứng thực Đại Pháp, không biết bây giờ còn bao nhiêu người tu luyện Đại Pháp?”

Sư phụ giảng:

“Từ 20 tháng Bảy năm 1999 vượt qua [đến nay], chư vị nên trân quý chính mình, chư vị rất xuất sắc. Chúng Thần đều đang trân quý chư vị. Hy vọng chư vị bước đi cho tốt [đoạn] đường sau này. Nhất là [những ai] chưa làm được tốt, cần vô cùng cẩn thận, cần quý tiếc thời gian còn lại”. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

Thời gian tôi chia sẻ cũng đã nhiều rồi! Hỡi các đồng tu, hãy nhớ lại khi chúng ta hạ thế xuống nhân gian vì để cứu độ chúng sinh mà từ bỏ Thần thể, đồng hoá cùng Đại Pháp. Chúng ta lần lượt đắc Pháp tại cõi người này. Trong khi Đại Pháp bị bức hại, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn để cùng nhau đi đến quảng trường Thiên An Môn chứng thực Đại Pháp. Và tại thời khắc lịch sử cuối cùng trong tiến trình Chính Pháp, chúng ta nhất định phải tu luyện thật tinh tấn!

“Tôi đã vượt qua núi cao

Băng qua trùng dương

Tìm đến nơi mà tôi cần đến

Tôi hiểu rằng đó là nơi chân chính

Mặc dù có lúc còn mê lạc

Nhưng cuối cùng tôi đã tìm được nơi tôi cần đến

Đó là thiên đường nơi chúng ta thuộc về

Chân-Thiện-Nhẫn

Nơi ấy hiện hữu trong tâm tôi

Từ nay về sau tôi không còn mê lạc nữa”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/3/389362.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/3/179168.html

Đăng ngày 24-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share