Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tân Cương
[MINH HUỆ 25-07-2019] Bài viết này nói về một trung tâm tẩy não ở Khu tự trị Tân Cương đã được sử dụng để giam giữ những người bất đồng chính kiến và các nhóm tôn giáo bị đàn áp, bao gồm các học viên Pháp Luân Công. Trung tâm này nằm bên trong Trung tâm cai nghiện ma túy Thạch Hà Tử ở phía bắc Tân Cương. Được thành lập vào năm 2014, nó từng giam giữ gần 800 người, hai phần ba trong số họ thuộc các nhóm tôn giáo bị đàn áp.
Vào tháng 3 năm 2018, trung tâm này bắt đầu giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Khoảng 80 học viên, người già nhất gần 90 tuổi, đã bị giam giữ tại đây vào những thời điểm khác nhau.
Bốn học viên bao gồm Liên Tú Lệ, Tề Lan Chí, Vương Nghĩa và một học viên tên là Bái nằm trong nhóm các học viên đầu tiên bị đưa đến trung tâm. Lưu Đào và Tiết Thành Lập, một cặp vợ chồng đã được đưa đến đó vào tháng 7 năm 2018. Loan Xảo cũng bị đưa đến đó vào thời điểm này. Cô tiếp tục bị đưa đến trung tâm tẩy não này sau khi mãn hạn tù ba năm vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Mã Thục Đình đã bị bắt vào năm 2017 và bị giam giữ tại Đồn cảnh sát Lao Cai và sau đó là một nhà tù địa phương trước khi được chuyển đến trung tâm này.
Vào thời điểm viết bài, gần 100 người vẫn đang bị giam giữ tại đây, và khoảng một chục trong số họ là các học viên Pháp Luân Công, bao gồm Cung Nhuận Trung, Dương Hồng, Tiết Thành Lập, Lữ Minh Hà, Mã Thục Đình, Loan Xảo và Đặng Diễm Linh, đã bị giam giữ ở đó trong hơn một năm.
Vương Vĩnh Khang, Phó Giám đốc Phòng 610 Thạch Hà Tử, là người phụ trách trung tâm tẩy não. Các sĩ quan chủ chốt khác bao gồm Giả Quý Kiến, Trần Hồng Vệ và Chu Đức Xuân. Những người giữ vững chính tín, không từ bỏ đức tin đều bị bức hại dã man, rất nhiều người còn bị mất tích trong một thời gian dài, người nhà không hay biết về việc này. Vương Vĩnh Khang là người chỉ huy các cuộc bức hại tàn bạo này.
Phòng 610 là một cơ quan được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập, có quyền đứng trên cả pháp luật, được giao nhiệm vụ phối hợp việc đàn áp Pháp Luân Công, chỉ huy các cơ quan thực thi pháp luật, tư pháp và các cơ quan chính phủ khác. Trong những năm gần đây, vai trò của nó đã được mở rộng để đàn áp các nhóm tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến khác dưới các chiến dịch “ổn định xã hội” của chế độ Trung Cộng.
Ngoài Trung tâm tẩy não Thạch Hà Tử, nhiều trại cải tạo đã được thành lập tại Tân Cương sau khi Trần Toàn Quốc trở thành Bí thư Đảng ủy của khu vực này vào tháng 8 năm 2016. Có tới 1000 người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các nhóm tôn giáo khác đã bị giam giữ tại đây để tẩy não. Các học viên Pháp Luân Công Lý Văn Thắng và Từ Lệ Diễm, một cặp vợ chồng đến từ Khách Thập địa khu (Kashgar) ở phía tây nam Tân Cương, đã bị bắt vào ngày 18 tháng 4 năm 2018 và bị giữ trong một trại cải tạo như vậy.
Sỉ nhục và tẩy não
Khi một người bị dẫn đến Trung tâm tẩy não Thạch Hà Tử, thì bước đầu tiên là họ bị lấy mẫu máu và kiểm tra thể chất tại Bệnh viện Tâm thần Lục Châu hoặc Bệnh viện Mong Hi, cả hai bệnh viện này đều được kết nối với quân đội. Những người có sức khỏe kém sau đó được gửi đến Bệnh viện Tâm thần Lục Châu, trong khi những người có sức khỏe tốt được gửi đến trung tâm tẩy não. Việc di chuyển này thường diễn ra vào buổi tối. Khi đến trung tâm tẩy não, mọi người bị yêu cầu cởi bỏ quần áo và ngồi xổm xuống. Một số tù nhân đã kêu hét vì lối sỉ nhục như thế.
Những người bị giam giữ trong trung tâm tẩy não bị yêu cầu phải thức dậy lúc 6 hoặc 7 giờ sáng. Họ phải gấp chăn màn theo kiểu quân đội. Công việc hàng ngày bao gồm chạy bộ, diễn tập quân sự và tẩy não trong các lớp học. Họ sẽ không được ngủ trước 11 giờ đêm hoặc nửa đêm. Những người bị giam giữ thay phiên nhau trực đêm, bao gồm đi bộ qua lại để kiểm tra xem mọi người có đang ngủ không. Mỗi ca kéo dài một hoặc hai giờ.
Một buổi lễ chào cờ diễn ra vào thứ Hai, trong thời gian đó, những người bị giam giữ buộc phải thề và đọc các tuyên bố từ bỏ đức tin của mình (một quá trình gọi là “hét lên và biểu thị uy quyền”). Những tuyên bố này thường bao gồm việc cảm ơn ĐCSTQ đã cứu họ và việc thề nguyện sẽ đi theo ĐCSTQ. Trước mỗi bữa ăn, những người bị giam giữ bị yêu cầu phải hát các bài hát ủng hộ ĐCSTQ. Các phiên tẩy não bao gồm đọc các quy định chống chủ nghĩa cực đoan và xem các video về trò lừa bịp tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn cũng như các bộ phim ủng hộ ĐCSTQ. Những người bị giam giữ phải viết báo cáo suy nghĩ hàng tuần về việc từ bỏ niềm tin của họ, việc này do lính canh giám sát và ghi điểm.
Trừng phạt tập thể và bí mật
Camera giám sát phủ mọi khu vực của trại. Ngoài các lính canh, ba tù nhân cùng phòng giam được chỉ định theo dõi từng học viên Pháp Luân Công và không được phép nói chuyện. Dù đi vệ sinh hay tắm, người bị giam vẫn luôn bị lính canh theo dõi mọi lúc. Các lính canh nam có quyền truy cập vào tất cả các video mà không bị hạn chế quyền riêng tư. Các vật dụng cá nhân được kiểm tra mỗi tuần một lần để xem có hàng lậu hay không hoặc kiểm tra giấy tờ.
Trung tâm tẩy não tự cho mình là một cơ sở giáo dục hướng dẫn luật pháp và các kỹ năng. Nó cũng tuyên bố sẽ diệt trừ tận gốc, vô hiệu hóa những người bị giam giữ và chuẩn bị để cho họ trở lại xã hội. Trên thực tế, các sĩ quan xúi giục những người bị giam giữ phải báo cáo và giám sát lẫn nhau. Ai hạ gục được người bị giam giữ kiên định với đức tin của họ sẽ được thưởng là giảm thời hạn tù.
Bất cứ ai bị cho là không nghe lời sẽ bị trừng phạt bằng cách bắt đứng một thời gian dài, chạy bộ hoặc quét dọn vệ sinh. Tước đoạt thức ăn và giấc ngủ, đánh đập, hoặc tra tấn trên ghế hổ (một cách tra tấn tù nhân được sử dụng ở Trung Quốc rất độc ác) cũng được áp dụng cho những người bị giam giữ, kể cả người già. Hình phạt tập thể được thực hiện với tất cả những người bị giam liên đới trong cùng một phòng giam để trừng phạt những cá nhân không nghe lời. Những người bị bệnh do bị ngược đãi sau đó được gửi đến Bệnh viện Tâm thần Lục Châu.
Khi được thả ra khỏi trung tâm tẩy não, những người bị giam giữ phải ký thỏa thuận không được nói cho người khác biết bất cứ điều gì ở bên trong trung tâm. Ngay cả sau khi được thả, họ cũng vẫn không có tự do thực sự. Ví dụ, họ bị yêu cầu phải trình báo với chính quyền địa phương mỗi ngày vào tháng đầu tiên và mỗi tuần một lần sau đó. Các quan chức địa phương cũng hàng ngày theo dõi và quấy rối họ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/25/390587.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/4/178732.html
Đăng ngày 06-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.