Bài viết của Trịnh Niệm Hành

[MINH HUỆ 14-07-2011]

1. Đường Huyền Tông viết thư biểu dương cảm tạ Thứ sử

Khi Nghê Nhược Thủy đảm nhiệm chức Thứ sử Biện Châu, Đường Huyền Tông đã phái quan thái giám tới Hoài Nam bắt các loài thuỷ cầm.

Nghê Nhược Thủy dâng tấu khuyên can rằng: “Hiện nay đúng lúc quan lại coi sóc việc nhà nông đang bận rộn, nông dân các nơi cũng đều đang làm lụng vất vả. Nông phu làm ruộng, phụ nữ hái dâu, nuôi tằm. Lúc này, nếu bắt chim lạ thú hiếm, cung cấp cho ao vườn để mua vui, lại chuyển từ một nơi xa xôi như Giang Lĩnh tới kinh thành e rằng sức chúng không chịu đựng nổi, còn phải cho chúng ăn thịt cá, đôi khi cả thóc gạo, lương thực nữa. Nếu người qua đường nhìn thấy, không ai sẽ không nói bệ hạ coi nhẹ con người mà lại xem trọng loài chim. Bệ hạ nên coi phượng hoàng như loài chim bình thường, coi kỳ lân như loài thú phổ thông, vậy thì loài chim quý sao có thể đáng quý nữa đây? Thuở xưa bệ hạ kinh qua bao gian nan, nguy hiểm nơi đất Phiên; hiện nay coi như mầm mống tai họa đã tiêu tan, bệ hạ ngồi ở ngôi cao, ngọc ngà, tơ lụa, mỹ nữ đầy ắp hậu cung, cống vật và vật phẩm quý hiếm khắp bốn phương, chất đầy trong nội phủ. Ngoài những điều quý giá hơn hẳn những thứ này ra, bệ hạ còn cầu gì nữa đây?”

Sau khi xem xong tấu chương của Nghê Nhược Thủy, Đường Huyền Tông đích thân mình viết chiếu thư đáp lại rằng: “Trẫm mới bắt đầu sai người đi bắt một vài loài chim mọn, người được cử đi không hiểu ý trẫm, đã bắt hơi nhiều chim một chút. Tấu thư của khanh, ngôn từ thành khẩn, rất hợp ý trẫm. Khanh tài cao học rộng, làm người chính trực. Hơn nữa, khanh còn buông bỏ sự vụ trọng yếu còn dang dở, chỉ để viết tấu thư này nhắc nhở trẫm. Khanh có thể xua đuổi điều xấu, giữ lòng thành khẩn, kiên định tiết tháo, trung thành son sắt, khi sự việc xảy ra không che giấu điều chi, lời lẽ trung thành, chính trực, khiến người khác thấy vui vẻ mà khoan dung. Trẫm ban thưởng cho khanh 40 cuộn tơ lụa để đáp lại những đạo lý vàng ngọc chí lý của khanh.”

2. Minh quân như vậy, thần tử dám can gián như vậy, thật hiếm có lắm thay!

Phòng Huyền Linh và Cao Sĩ Liêm đang đi cùng nhau thì gặp thiếu phủ thiếu giám (tên một chức quan) Đậu Đức Tố, bèn hỏi ông ta rằng: “Cung điện hoàng gia gần đây lại xây dựng gì sao?”

Đậu Đức Tố báo cáo lại với Đường Thái Tông về chuyện hai người hỏi han.

Đường Thái Tông nói với Phòng Huyền Linh và Cao Sĩ Liêm rằng: “Các khanh chỉ cần quản tốt sự vụ nơi Nam nha (thời nhà Đường, trước điện thiên tử gọi là “nha”) là được rồi, trẫm ở phía Bắc xây dựng đôi chút thì liên can gì tới các khanh?”

Phòng Huyền Linh lập tức bái tạ Thái Tông, tỏ ý hối lỗi.

Sau khi Ngụy Trưng biết được việc này, bèn nói với Đường Thái Tông rằng: “Thần không lý giải được cớ sao bệ hạ lại trách cứ Phòng Huyền Linh và Cao Sĩ Liêm. Thần cũng không hiểu được cớ sao Phòng Huyền Linh lại hối lỗi? Phòng Huyền Linh đảm nhiệm chức đại thần, là tay chân tai mắt của bệ hạ. Việc xây dựng phòng ốc, cớ sao lại không thể cho họ biết? Họ tra hỏi bộ phận chủ quản, cớ sao không được? Thần không thể hiểu được. Nếu việc bệ hạ làm là việc tốt thì các đại thần đều nên hỗ trợ bệ hạ hoàn thành chúng; nếu việc bệ hạ làm mà không đúng thì các đại thần nên khẩn cầu xin bệ hạ dừng lại. Đây chính là nguyên tắc mà một người thần tử dùng để thờ phụng bậc quân vương! Phòng Huyền Linh hỏi một chút cũng không được coi là có tội, cớ sao bệ hạ lại chê trách họ? Người như Phòng Huyền Linh không biết sự tình xảy ra trong phận sự của mình, mới là không làm tròn chức trách. Thần quả thực không sao hiểu được.”

Đường Thái Tông suy ngẫm nghiêm túc một hồi, vui vẻ tiếp nhận ý kiến của Ngụy Trưng.

(Theo “Đại Đường Tân Ngữ” của Lưu Túc đời nhà Đường)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/7/24/244083.html

Đăng ngày 27-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share