Bài viết của một cư dân của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây
[MINH HUỆ 19-08-2019] Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn”. Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động một chiến dịch bức hại pháp môn này vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, giam giữ, và thậm chí là tra tấn vì kiên định đức tin của mình.
Dưới đây là lời tự thuật của bạn của ông Thẩm Hoành Kỳ, một học viên Pháp Luân Công và là một thương nhân ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây. Nhân viên của Phòng 610 cùng người của Đồn Công an Phượng Minh và Mạch Hòa Doanh đã bắt giữ ông Thẩm vào ngày 22 tháng 7 năm 2019. Ban đầu, ông bị giam trong khách sạn Tân Kỳ Ngũ (Thứ Sáu), ở đó, ông bị tra tấn suốt bốn ngày bốn đêm trên ghế sắt trước khi bị chuyển tới trại tạm giam huyện Kỳ Sơn.
Mô phỏng phương thức tra tấn: ghế sắt
* * *
Tôi là bạn của ông Thẩm Hoành Kỳ. Gần đây, tôi để ý thấy tiệm sửa chữa của ông ấy luôn đóng cửa và sau khi nghe ngóng, tôi mới hay ông ấy đã bị cảnh sát bắt vào ngày 22 tháng 7 năm 2019 vì tu luyện Pháp Luân Công. Hiện ông ấy đang bị giam trong một trại tạm giam.
Ông Thẩm là một người bạn tuyệt vời, và những người biết ông ấy đều sẽ đồng ý với tôi rằng ông ấy là người tốt. Ông ấy sửa giúp đồ gia dụng của người dân trong thôn chúng tôi, có hiểu biết về nhiều phương diện. Ở đây, tôi muốn chia sẻ về nhân cách cao thượng và câu chuyện tu luyện của ông ấy, hy vọng rằng ông sẽ sớm được trả tự do.
Ông Thẩm từng nói với tôi rằng ông ấy đã bắt đầu học Pháp Luân Công từ trước khi cuộc bức hại xảy ra, và rằng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công rất tuyệt vời, là điều mà con người ngày nay khuyết thiếu. Ông ấy luôn nghiêm khắc yêu cầu bản thân chiểu theo tiêu chuẩn này để làm người, thân thể ông ấy được cải thiện rất nhiều và ông ấy đã khỏi bệnh dạ dày và chảy máu cam.
Một người vị tha
Tôi ấn tượng sâu sắc với câu chuyện của con gái ông Thẩm. Khi cô bé học đại học, mặc dù nhiều sinh viên thuộc diện được nhận tiền trợ cấp sinh hoạt dành cho những sinh viên có gia cảnh khó khăn, nhưng vì khoản tiền đó có hạn, nên mỗi năm nhà trường phải phân phát luân phiên cho các sinh viên. Cuối cùng, khi đến lượt cô bé được nhận trợ cấp 3.000 tệ sinh hoạt phí (trong một năm), nhưng vì thấy thương cảm cho một bạn học khác, người đã từng nhiều lần nhận được trợ cấp trước đó, nhưng lần này, nếu không có trợ cấp, cô bé sẽ phải nghỉ học.
Khi nghe câu chuyện, ông Thẩm không do dự thuyết phục con gái từ bỏ lượt nhận trợ cấp của mình để giúp cô nữ sinh kia, người đang rất cần khoản tiền đó của trường. Được ông Thẩm giáo dục tốt, cô bé rất hiểu chuyện, liền đồng ý, bởi qua cha mình cô bé biết rằng Pháp Luân Công dạy mọi người biết cảm thông, suy nghĩ cho người khác. Cô bé cố gắng xoay sở để học xong và tìm được một công việc như ý sau khi tốt nghiệp.
Đây là một câu chuyện khác cho thấy sự rộng lượng của ông Thẩm. Một hôm, khi đang trên đường về nhà, ông ấy bị một chiếc xe tải nhỏ đâm vào, xe máy của ông bị đổ xuống đường. Ghi-đông xe máy, gương chiếu hậu bị vỡ tan, và ông Thẩm cũng ngã lăn ra đất. Ông vựng dậy và thật thần kỳ vì ông ấy không bị thương ở đâu hết, ngoại trừ vài vết xước ngoài da ở tay và chân do bị chà xuống đường.
Người qua đường chặn chiếc xe lại, yêu cầu người lái xe phải chịu trách nhiệm và đưa ông Thẩm đến bệnh viện, nhưng ông Thẩm nói: “Chúng ta không ai bị thương nặng ở đâu cả, đó đã là đại phúc rồi. Các anh đi đi, chúng ta đều cần phải sửa xe của mình.” Người tài xế muốn bồi thường tiền sửa xe cho ông Thẩm, nhưng ông đã từ chối. Người tài xế vô cùng cảm kích và nói: “Tôi thật sự có phúc lớn khi gặp một người như anh; bằng không, tôi có lẽ đã gặp rắc rối lớn rồi.”
Một thành viên có trái tim nhân hậu của cộng đồng
Ông Thẩm chăm sóc chu đáo cho người cha già của mình cho đến khi ông cụ qua đời ở tuổi ngoài 90 cách đây hai năm. Ông Thẩm là một người con trai tận tụy và luôn hết lòng đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của cha mình. Người dân trong thôn đều ca ngợi ông ấy, họ còn nói rằng ngày nay không nhiều bậc cha mẹ được may mắn như cha ông.
Vài năm trước, thôn ông Thẩm trở thành một khu du lịch thu hút du khách của huyện Kỳ Sơn. Nếu có thời gian rảnh, ông Thẩm lại tham gia nghiên cứu về lịch sử, danh nhân và các tích cổ của thôn, cũng như gia phả của các thôn dân. Bài viết của ông được tuyển biên và ghi vào Niên giám Kỳ Sơn 2018.
Thật không thể tin nổi một người thiện lương, thông minh như vậy lại đang bị giam giữ vì kiên định tín ngưỡng của mình. Tôi không tài nào lý giải được. Tôi thành tâm hy vọng ông Thẩm sớm được tự do trở về.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/19/391646.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/14/179839.html
Đăng ngày 22-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.