Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Thụy Sỹ

[MINH HUỆ 26-07-2019] Ngày 22 tháng 7 năm 2019, Báo Zurich mới (Neue Zürcher Zeitung, NZZ), một trong những tờ báo lớn nhất của Thụy Sỹ, đã đăng một bài viết về Pháp Luân Công nhân dịp kỷ niệm 20 năm từ khi cuộc bức hại môn tu luyện này bắt đầu ở Trung Quốc. Bài báo có tựa đề “Nỗi thống khổ của các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc”, trong đó mô tả những trải nghiệm của một học viên Hồng Kông trong 20 năm qua.

5efbbdf5866286d0ca7fa248d46b7b0e.jpg

Báo Zurich mới, tờ báo bằng tiếng Đức ở Thụy Sỹ, đăng bài viết về những thống khổ mà một học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng trong cuộc bức hại kéo dài 20 năm ở Trung Quốc.

Báo Zurich mới là một tờ nhật báo bằng tiếng Đức được thành lập vào năm 1780 tại Thụy Sỹ. Theo công bố trên trang web của tờ báo này, Báo Zurich mới có 257.000 độc giả cho cả báo giấy và báo mạng. Tờ báo này nổi tiếng về tính khách quan và đưa tin chi tiết về các vấn đề quốc tế.

Bài báo mở đầu: “Phong trào tu luyện Pháp Luân Công đã bị Bắc Kinh cấm vào năm 1999. Chính quyền Trung Quốc đã không ngừng bức hại các học viên của pháp môn này, được thể hiện qua bằng chứng bức hại của một phụ nữ ngoài 40 tuổi.”

Cuộc đàn áp bắt đầu

Bài báo cho hay, Pháp Luân Công được truyền giảng ra công chúng vào tháng 5 năm 1992. Các học viên được hướng dẫn thực hành năm bài công pháp khoan thai và hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Bằng cách đọc cuốn sách chính Chuyển Pháp Luân, được xuất bản năm 1995, các học viên có thể lý giải sâu sắc hơn về các nguyên lý của Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công trở nên phổ biến vì môn tu luyện này đề cao các giá trị truyền thống và lòng khoan dung. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970, quốc gia này đã có những thay đổi căn bản và mất đi nhiều giá trị gia đình truyền thống. Nhiều người đã gặp được Pháp Luân Công trong khi đang tìm kiếm con đường tâm linh giúp họ hạnh phúc.

Thời kỳ đầu, ngay cả các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng ca ngợi Pháp Luân Công. Nhiều quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quân đội thực hành môn tu luyện này. Ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công vào cuối những năm 1990.

ĐCSTQ không dung thứ cho bất kỳ tư tưởng nào không tuân theo mệnh lệnh của nó. Theo đó, vào tháng 4 năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu bôi nhọ Pháp Luân Công thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước. Điều này dẫn đến một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, với khoảng 10.000 học viên tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Trung Ương ở Bắc Kinh.

Tra tấn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Cô Lục Hoằng, khi đó mới 22 tuổi, đã biết đến Pháp Luân Công từ một người bạn vài ngày trước đó. Cô Lục đã học các bài công pháp và bắt đầu đọc những cuốn sách của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Cô trở nên tốt hơn, điều đó khiến em gái cô cũng bước vào tu luyện.

Cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999 là một bước ngoặt lớn. Ngày 25 tháng 7 năm 1999, cảnh sát đã đến nhà cô và cảnh báo cô ngừng luyện công tại nơi công cộng. Vì quyết tâm giữ vững đức tin của mình, vào tháng 10 năm 2000, cô Lục và em gái đã đến Bắc Kinh và giương biểu ngữ Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau khi họ và các học viên khác bị giam giữ, cô Lục đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. 10 ngày sau cô được đưa về quê.

Ba tháng sau, cô Lục quyết định đi Bắc Kinh một lần nữa để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Ngay sau khi lên tàu, cô bị bắt và tạm giam trong 15 ngày. Họ xích cô xuống sàn để ngăn không cho cô luyện công. May mắn là những người bị giam khác đã cho cô đồ ăn và giúp cô mỗi khi cô cần đi vệ sinh.

Rồi cô bị mất liên lạc với em gái, em gái cô cũng đã bị bắt và bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức trong một năm. Ngoài việc bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, cô ấy còn bị buộc phải đọc các bài viết vu khống Pháp Luân Công. Cuối cùng, em gái cô buộc phải ký một bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình, điều mà đến giờ cô ấy vẫn thấy hối hận.

Cô Lục cũng bị giam trong 18 tháng. Vài năm trước, cô và em gái đã đến Hồng Kông để sống cùng với bố mẹ. Mặc dù các điệp viên của ĐCSTQ cũng thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông, nhưng ít nhất ở đó vẫn an toàn hơn ở Đại lục.

Theo Báo Zurich mới, những gì hai chị em cô Lục trải qua không đáng kể gì so với cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phải chịu đựng trong suốt 20 năm qua.

Đầu năm nay, một tòa án nhân dân độc lập do ngài Geoffrey Nice chủ trì, đã kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác tại Trung Quốc đã bị sát hại để lấy nội tạng. Tội ác này hiện vẫn đang diễn ra.

Con gái bị bỏ rơi

Cuộc đàn áp không chỉ ảnh hưởng tới bản thân cô Lục mà gia đình và người thân của cô cũng phải chịu đựng. Cô gặp chồng cô vào năm 2004. Chồng cô, cũng là một học viên, sau đó đã bị kết án đến tám năm tù vì truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công qua WeChat, một phương tiện truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Anh hiện đang ở trong một nhà tù Trung Quốc. Lần cuối cùng cô Lục nhìn thấy anh là hơn hai năm trước, và từ đó trở đi cô không biết anh bị giam giữ ở đâu.

Cùng ngày chồng cô bị bắt, con gái cô cũng bị mất tích trong vài tiếng. Sau đó, gia đình cô được các cảnh sát thông báo đến đưa con cô về. Vì chồng cô bị cầm tù nên con gái cô không được phép rời Trung Quốc. Cô Lục không có lựa chọn nào khác ngoài việc để họ hàng chăm sóc con gái mình.

Hiện giờ, cứ khoảng hai hoặc ba tháng cô Lục lại về thăm con gái của mình. Mỗi lần cô về họ hàng của cô đều rất lo lắng vì sợ cảnh sát theo dõi, nhưng cô Lục luôn bình tĩnh. Cô cười và nói: “Có thể đó là vì tôi đã phải chịu đựng quá nhiều rồi.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/26/390638.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/10/178821.html

Đăng ngày 14-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share