[MINH HUỆ 29-05-2019] Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng tải bài báo có tiêu đề “Bắc Triều Tiên bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công” của phóng viên Jieun Kim trong chương trình tiếng Hàn của RFA hôm 17 tháng 5 năm 2019. Bài báo này do Leejin Jun dịch và được Eugene Whong viết bản tiếng Anh.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, do Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc vào ngày 13 tháng 5 năm 1992. Đến nay, môn tu luyện này đã được hồng truyền đến hơn 100 quốc gia.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), coi sự phát triển mạnh mẽ của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ nên đã ra lệnh cấm Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Bài báo của RFA cho biết: “ Bên ngoài Trung Quốc, môn tu luyện này được coi là vô hại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Môn tu luyện này thường được xem là một điển hình về tình trạng bức hại tôn giáo ở Trung Quốc, còn các học viên và những người ủng hộ quyền tự do tín ngưỡng thì tổ chức các cuộc kháng nghị ở các thành phố lớn để kêu gọi sự quan tâm tới cảnh ngộ mà các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đang phải đối mặt.

“Theo thông tin có được từ Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công khi số học viên tăng mạnh trong cư dân nơi đây.”

Bài báo còn nêu chi tiết về cuộc đàn áp ở Bắc Triều Tiên bắt đầu vào tháng Tư. “Các cơ quan tư pháp của Triều Tiên đang lúng túng, vì sự truyền bá của Pháp Luân Công tại Bình Nhưỡng đã vượt xa dự tính của họ”, một nguồn tin từ Bình Nhưỡng cung cấp cho chương trình tiếng Hàn của RFA trong một cuộc phỏng vấn hôm 11 tháng 5, cho hay.

Dựa trên nguồn tin này, bài báo viết: “Hồi đầu tháng 4, công an ban hành công văn yêu cầu công dân phải tự nguyện báo cáo bản thân có phải là học viên Pháp Luân Công hay không. Họ uy hiếp sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người không ra trình báo mà bị phát hiện [là học viên] sau thời hạn trình báo.”

Bài báo cho biết hành động đàn áp Pháp Luân Công của chính phủ trở nên phản tác dụng vì chính sự tuyên truyền tiêu cực về Pháp Luân Công lại khiến môn tu luyện này trở nên phổ biến hơn.

Nguồn tin cho biết: “Sau tuyên bố này rồi đến cuộc đàn áp, mọi người đột nhiên hết sức quan tâm đến Pháp Luân Công; trước kia, Pháp Luân Công đã được âm thầm truyền bá [trong xã hội Bình Nhưỡng]. Pháp Luân Công ở đây được gọi là một tín ngưỡng kết hợp giữa thiền định và các bài tập thể chất, nên người ta hiện rất hiếu kỳ về Pháp Luân Công.”

Về việc Pháp Luân Công đã vào Triều Tiên như thế nào, nguồn tin cho biết, Pháp Luân Công được các quan chức thương mại tại Bình Nhưỡng truyền bá vào nước này.

Theo nguồn tin này: “Trụ sở của các tổ chức thương mại trung ương tập trung tại Bình Nhưỡng. Khi quan hệ thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc gần đây sôi nổi hơn, Pháp Luân Công cũng bắt đầu được truyền bá vào Bình Nhưỡng thông qua các cán bộ thương mại.”

Theo nguồn tin này, trong đợt đàn áp đầu tiên, chính quyền đã bắt giữ 100 học viên Pháp Luân Công tại Bình Nhưỡng.

“Nhiều học viên Pháp Luân Công bị bắt tại các khu vực khác [của Bình Nhưỡng], họ bị kết án cưỡng bức lao động khổ sai hoặc lao động cải tạo tùy theo tội của từng người”, nguồn tin bổ sung thêm.

Bài báo cũng trích dẫn một nguồn tin khác, cũng từ Bình Nhưỡng, rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Triều Tiên không khác gì một cuộc chiến tranh tôn giáo, đồng thời liên hệ tình huống này với những phương thức đàn áp trước đây của chính quyền nước này đối với tín đồ của các tôn giáo khác.

Nguồn tin thứ hai cho biết: “Ban Trung ương [Đảng Công nhân Triều Tiên] cho rằng Cơ đốc giáo giống như thuốc phiện hay ma túy và đã trừng phạt nặng nề [những người theo Cơ Đốc giáo]. Giờ đây, với Pháp Luân Công, mọi người đang quan sát sát sao xem chính quyền sẽ phản ứng thế nào.”

“Bài báo nêu rằng hiến pháp của Bắc Triều Tiên cho phép tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhưng trên lãnh thổ này không tồn tại tự do tín ngưỡng thực sự, tất cả nhà thờ và chùa chiền đều do quốc gia vận hành.“

Bài báo đề cập đến trang web Tự do tại Triều Tiên (Liberty in North Korea – LiNK) có trụ sở tại California; trang web này cho biết hoạt động tôn giáo có tổ chức bị chính quyền coi như sự uy hiếp. Ngoài những nhà thờ và ngôi chùa được xây dựng mang tính biểu trưng để thể hiện sự tự do tôn giáo, người Triều Tiên phải thực hành tín ngưỡng của mình một cách bí mật, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tống giam, hoặc tệ hơn là bị xử bắn.

Trang web này cũng chỉ ra rằng: “Trong lịch sử Triều Tiên, hàng nghìn tín đồ Phật giáo và Cơ Đốc giáo đã bị thanh trừng và bức hại.”

Bài báo kết luận bằng cách nêu rằng một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2014 đã dẫn các số liệu của chính quyền Bắc Triều Tiên cho thấy tỷ lệ tín đồ tôn giáo trong toàn dân đã giảm từ gần 24% vào năm 1950 xuống còn 0,016% vào năm 2002.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/29/177819.html

Đăng ngày 31-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share