Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (một học viên khác ghi chép lại từ lời kể của tác giả)

[MINH HUỆ 04-11-2009]

Kính chào Sư phụ [tôn kính]!

Chào các đồng tu!

1. Đắc Pháp

Năm nay tôi 90 tuổi. Từ thời ông bà tổ tiên của tôi đều đã tín Phật nên tôi luôn tin tưởng vào sự tồn tại của Phật và Đạo. Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, tôi từng là Phật tử tại gia trong 4 năm. Tôi là kiểu người luôn muốn làm [mọi việc] tốt nhất có thể. Vì vậy, khi còn là Phật tử tại gia, tôi đã cố gắng tu luyện tốt. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều thầy tu thay vì tu luyện, họ thực chất lại đang làm kinh doanh. Chỉ khi những người đến bái lạy trả tiền cho họ thì họ mới cho phép những người này được bái Phật. Nếu không, họ sẽ chẳng để người ta bái Phật. Một số hành xử của thầy tu thậm chí biểu hiện còn tệ hơn người thường. Vì những lý do này mà tôi cảm thấy vô cùng thất vọng về các thầy tu. Tuy nhiên, niềm tin của tôi vào Phật và Đạo chưa bao giờ lay động.

Vào thời kỳ rất phổ biến của khí công, bạn bè đã bảo tôi rằng khí công có thể chữa bệnh. Họ hỏi tôi có muốn học không. Tôi nói với họ rằng tôi không học bởi vì tôi tin rằng tín Phật tốt hơn bất cứ điều gì khác. Sau đó, có người đã nói với tôi về Pháp Luân Công. Tôi cảm thấy hơi xúc động khi lần đầu nghe nói đến Pháp Luân Công. Tôi đã hỏi anh ấy Pháp Luân Công là gì. Anh ấy bảo tôi rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện Phật gia. Khi biết đó là một môn tu Phật, tôi đã rất muốn tập thử bởi vì lúc đó tôi cảm thấy không còn chút hy vọng nào vào Phật giáo và dù đã tu Phật tại gia trong bốn năm, tôi vẫn thấy bản thân chẳng có được chút đề cao nào trong tu luyện.

Gần nhà tôi có một điểm luyện công. Khi quan sát một nhóm người đang luyện các bài công pháp, đọc sách và chia sẻ kinh nghiệm, tôi cảm nhận được trường năng lượng ở đó thật mạnh mẽ. Tôi lập tức bị thu hút bởi môn tu luyện này. Tôi lập tức đi tới chỗ của họ. Không một chút ngần ngại, họ bắt đầu hướng dẫn tôi luyện các bài công pháp. Tôi đã hoàn thành bài công pháp thứ hai dài 40 phút một cách dễ dàng và các học viên đã khen ngợi sự kiên trì của tôi. Người phụ đạo viên đã tới hỏi tôi có thực sự quan tâm đến môn tu luyện này không. Tôi nói với anh ấy rằng tôi thực sự rất quan tâm và tôi hỏi anh ấy liệu có thể đưa cho tôi một quyển sách hay không. Sau khi có được quyển sách, tôi đã đọc nó mỗi ngày. Dù có rất nhiều thắc mắc, nhưng tôi nghĩ đây là một cuốn sách hay và tôi không thể buông nó xuống được. Khi đọc đến đoạn giảng về “Tu luyện phải chuyên nhất”, tôi lập tức hiểu ra tính nghiêm túc của việc tu luyện chuyên nhất, và tôi bắt đầu bỏ đi tất cả những thứ mà tôi đã học trong Phật giáo. Tôi đã hạ quyết tâm thực sự tu luyện trong Pháp Luân Công. Đây là trải nghiệm của tôi trên con đường phản bổn quy chân lúc tôi 77 tuổi.

Tôi nhớ rằng các học viên đều đang xem các băng hình giảng Pháp của Sư phụ. Khi tôi xem bài giảng, Sư phụ đã tịnh hóa thân thể cho tôi. Tôi đã phải chịu đựng những cơn đau nửa đầu trong nhiều năm qua. Khi đang xem băng hình, tôi đã ngủ thiếp đi, những tôi vẫn có thể nghe được tất cả những điều Sư phụ dạy. Sau trải nghiệm đó, những cơn đau nửa đầu đã biến mất. Bệnh viêm bàng quang cũng trở nên tốt hơn. Tôi cảm thấy rất khỏe và tràn đầy năng lượng. Vì sống một mình, nên tôi có thể toàn tâm toàn ý dành cho việc học Pháp, luyện các bài công pháp và giới thiệu Pháp cho mọi người. Tôi cảm thấy cuộc sống như thế thật tuyệt và tôi thấy mình trẻ lại mỗi ngày.

2. Đi bộ tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp xảy ra. Nhiều học viên đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền. Một số học viên đã bị bắt và một số học viên đã không dám ra ngoài nữa. Bỗng nhiên tôi mất hết liên lạc với các học viên. Cảm thấy lo lắng, nên tôi cũng muốn đến Bắc Kinh để “duy hộ Pháp”. Nhưng tôi không biết làm thế nào để đến được đó. Vì quá lo lắng nên tôi ăn ngủ không yên. Tôi đã gọi một chiếc taxi lại và đưa cho anh tài xế 100 Nhân dân tệ. Nhưng anh ấy lại không sẵn lòng chở tôi đi vì anh ấy nghĩ tôi quá lớn tuổi. Có lẽ Sư phụ nhìn thấy tâm tôi thực sự muốn đi nên Ngài đã an bài cho một học viên khác đi cùng tôi. Đó là vào ngày 1 tháng 10 năm 1999. Lúc đó, tôi sống ở ngoại ô Bắc Kinh. Vì cảnh sát đứng gác ở tất cả các giao lộ dẫn đến Bắc Kinh và yêu cầu hành khách xuất trình chứng minh thư nên chúng tôi không còn lựa chọn khác bèn phải đi đường vòng. Học viên đi cùng tôi rất ngạc nhiên. Cậu ấy hỏi: “Bác thật sự muốn đi ạ?” Lúc đó, tôi đã 80 tuổi. Tôi nói: “Tất nhiên rồi, sẽ không có vấn đề gì hết. Miễn là tâm bác kiên định, Sư phụ sẽ giúp bác. Đi thôi cháu.” Thế rồi chúng tôi bắt đầu đi.

Nhà tôi cách Bắc Kinh tầm 40 đến 50 cây số. Chúng tôi khởi hành vào khoảng 8 giờ sáng. Chúng tôi vượt qua các điểm kiểm tra an ninh và tới Bắc Kinh tầm 6 giờ tối. Tôi biết rằng trên đường đi tôi được Sư phụ giúp đỡ. Tôi không hề cảm thấy mệt. Càng đi tôi càng trở nên nhanh hơn. Tôi đã không ăn uống gì và cũng không phải sử dụng nhà vệ sinh. Tôi thực tâm mong muốn được duy hộ Pháp và tôi ước mình có đôi cánh để có thể bay thật nhanh đến Bắc Kinh. Tôi cảm thấy rất buồn mỗi khi nghĩ đến sự bất công mà Sư phụ và Đại Pháp phải gánh chịu. Lúc đó, tôi 80 tuổi và tôi đã buông bỏ được sinh tử từ lâu. Tôi chỉ muốn tới Quảng trường Thiên An Môn để nói đôi lời công bằng cho Đại Pháp. Trên đường tới Bắc Kinh, người học viên đi cùng sợ rằng tôi có thể bị mệt nên bảo tôi hãy nghỉ một chút. Tôi từ chối và bảo với cậu ấy rằng chúng ta phải đi nhanh hơn vì trời sẽ mau tối.

Khi chúng tôi gần tới Bắc Kinh, chúng tôi bắt xe buýt đến Quảng trường Thiên An Môn. Lúc đó, trời đã tối và không có ai đi lại trên Quảng trường. Khi ấy, tôi không hiểu duy hộ Pháp nghĩa là thế nào. Tôi nghĩ rằng có lẽ Sư phụ đang quan sát các học viên từ trên trời. Vì thế tôi đã ngước lên trời và nói: “Sư phụ, con xin lỗi! Con đến muộn và đã bỏ lỡ mất cơ hội duy hộ Pháp rồi.” Nước mắt lăn dài trên mặt tôi và tôi ước mình có thể đến sớm hơn.

Chúng tôi nghỉ qua đêm tại Bắc Kinh. Đêm hôm đó, tôi không tài nào ngủ được và gần như cả đêm tôi phải vào nhà vệ sinh vì chứng viêm bàng quang xuất hiện. Nhưng tôi không sợ. Tôi biết nó sẽ ổn hơn trước khi trời sáng. Sáng hôm sau, tôi thực sự thấy rất khỏe. Kể từ đó, tôi không còn bị chứng bệnh này làm phiền nữa.

Sau đó, có thêm hai lần nữa các học viên đề nghị chúng tôi đi cùng họ tới Bắc Kinh. Lần thứ ba thì tôi đi một mình. Khi tôi lên tàu, tôi nói chuyện cởi mở với hành khách và giảng chân tướng cho họ về cuộc bức hại Đại Pháp. Một số người hiểu chân tướng đã rất lo lắng cho tôi. Họ đã giúp tôi xách hành lý.

Khi đến Quảng trường Thiên An Môn, tôi đã ngồi ở gần cổng. Tôi nhẩm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân – Thiện – Nhẫn hảo” lặp đi lặp lại trong tâm. Một lúc sau, một cảnh sát đến và hỏi: “Sao bà lại ngồi đây?“ “Tôi đang ngồi nghỉ.” “Bà có phải là học viên Pháp Luân Công không?” Tôi đáp: “Pháp Luân Công không có gì xấu cả. Thực tế, môn tu luyện này hết sức tốt.” Viên cảnh sát không nói lời nào và rời đi.

Ngẫm lại ba lần đi Bắc Kinh của mình, tôi đều cảm nhận được Sư phụ luôn bên cạnh và bảo hộ tôi. Lúc đó, vì cảnh giới của tôi có hạn, tôi lại không thể liên lạc với học viên khác và cũng không thể tiếp cận được những kinh văn mới của Sư phụ, nên tôi không biết làm thế nào để có thể duy hộ Pháp. Mặc dù đã ba lần đi Bắc Kinh, nhưng tôi cảm thấy mình không thể chứng thực Pháp. Vì việc này mà tôi vẫn cảm thấy hối tiếc.

3. Giảng chân tướng về cuộc bức hại và cứu độ chúng sinh

Sau khi cuộc bức hại xảy ra, chúng tôi đã mất đi môi trường luyện công và học Pháp chung. Một số học viên mà tôi biết, có người bị bắt và có người không dám bước ra vì tâm sợ hãi. Nhưng tôi chưa bao giờ buông lơi việc luyện công hay học Pháp. Tôi kiên trì ra ngoài để nói với mọi người về cuộc bức hại. Lúc đó, tôi không có tài liệu giảng chân tướng. Tôi sẽ nói mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, và “vụ tự thiêu giả mạo” là do ĐCSTQ dàn dựng. Sau đó tôi ngộ ra rằng làm như thế thôi thì chưa đủ và tôi phải liên lạc với các học viên khác; nếu không tôi sẽ không biết liệu Sư phụ đã ra kinh văn mới hay không. Vì thế tôi đã tới một trị trấn nhỏ để tìm một học viên mà tôi từng biết nhưng tôi lại không nhớ cụ thể nhà cô ở đâu. Tôi tự nhủ: “Tôi tin vào Sư phụ và Ngài sẽ giúp tôi.” Ngay sau khi ý niệm này xuất hiện, tôi đã tình cờ gặp được học viên này. Tôi rất kinh ngạc và vô cùng cảm tạ Sư phụ.

Kể từ đó, không những tôi đã có thể vào đọc được các bài kinh văn mới của Sư phụ và Tuần báo Minh Huệ mà tôi còn có thể tiếp cận được các tài liệu khác nữa. Tôi đã phối hợp cùng các học viên địa phương và phát chính niệm để giải cứu các đồng tu bị bắt. Chúng tôi ra ngoài treo áp phích. Miễn là việc liên quan đến Đại Pháp, tôi sẽ tích cực tham gia. Vào những lúc gặp hoàn cảnh căng thẳng và nguy cấp, các học viên sẽ đưa tài liệu tới nhà tôi. Tôi sẽ cất giữ chúng cẩn thận và nếu có thời gian tôi sẽ đi phân phát cho các chúng sinh. Tôi không bao giờ trễ nải trong việc cứu chúng sinh. Có những lúc tôi đã phát một mạch hết hàng trăm tờ rơi. Dù túi tài liệu rất nặng, nhưng tôi có thể xách chúng một cách dễ dàng. Sau đó, môi trường trở nên bớt căng thẳng hơn, nên tôi đã lập một nhóm học Pháp tại nhà tôi. Sau khi tài liệu được chuyển đến, tôi sẽ phân phát cho các học viên. Cảnh sát đã hai lần đến nhà để sách nhiễu tôi. Tôi đã không hợp tác với họ. Tôi không sợ họ. Tôi đứng ngay ngưỡng cửa và họ đã không dám bước vào.

Khi phát tài liệu, tâm thái tôi thường rất bình hòa. Bất kể trong hoàn cảnh nào, tôi cũng không bao giờ động tâm hay sợ hãi. Tôi biết Sư phụ luôn bên cạnh và bảo hộ tôi. Trong những năm phát tài liệu giảng chân tướng, tôi đã gặp đủ loại người. Có người rất nóng tính. Có người thì muốn chửi rủa hoặc đánh tôi. Có người còn đe dọa báo tôi cho cảnh sát. Khi gặp những tình huống này, tôi đã không rời khởi chỗ đó ngay mà mỉm cười lại với họ. Tôi sẽ đợi cho cơn giận của họ qua đi. Tôi sẽ tiếp tục giảng chân tướng cho họ nếu họ nguyện ý nghe. Nếu không, lúc đó tôi mới rời đi.

Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội Boston 2002:

“Tà ác không dám phản đối việc giảng rõ chân tướng và cứu độ chúng sinh, điểm then chốt là ở chỗ tâm thái khi làm công tác không có sơ hở cho chúng dùi vào.”

Vào tháng 7, để giải cứu các học viên bị bắt, một đồng tu đã gửi cho tôi sáu tấm áp phích tự dính lớn. Vào giờ cao điểm lúc 4 giờ chiều, tôi đã đi ra ngoài để dán các tấm áp phích này. Tôi đã chọn một địa điểm mà nhiều người có thể thấy chúng. Hôm đó, trước khi tôi ra ngoài, tôi đã phát chính niệm và sửa lại các mép của các tấm áp phích (để làm chúng dễ bóc hơn). Sau khi chọn được vị trí muốn dán tấm áp phích, không hiểu vì lý do gì, dù có cố gắng thế nào, tôi cũng không trải nó ra được. Tôi đã cố gắng một lần nữa nhưng cũng không được. Lúc đó, ngộ tính tôi không tốt. Sau này, tôi mới nhận ra rằng đó chính là cảnh báo của Sư phụ rằng có một cảnh sát tuần tra đang đứng ngay sau tôi. Đúng lúc tôi đang cố gắng để trải tấm áp phích ra, tôi nghe tiếng ai đó nói từ phía sau: “Bà đang làm gì vậy?” Tôi không quay đầu lại, chỉ trả lời: “Tôi đang cứu người”. Sau khi dán xong tấm áp phích đầu tiên, tôi bắt đầu dán tấm thứ hai. Sau đó, tôi thấy có người đang giật tấm áp phích mà tôi vừa dán xuống. Tôi nhanh chóng cố gắng ngăn anh ta lại, và nhận ra anh ta là một cảnh sát. Tôi quay lại và thấy một xe cảnh sát đã đỗ ở phía sau tôi. Bên cạnh chiếc xe còn có hai cảnh sát khác nữa.

Tôi nói: “Ồ, vì các anh đã ở đây rồi, nào lại đây, tôi sẽ cho các anh xem thứ này.” Lúc đó, tôi đã cố gắng ngăn họ giật các tấm áp phích xuống nhưng vô ích. Họ nói với tôi rằng đó là công việc của họ. Tôi nói với họ Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Tôi nói: Vì tôi không thể dán chúng ở đây nên tôi sẽ đi nơi khác. Tôi đã bước đi. Họ lên xe và đi theo tôi. Tôi không để tâm nhiều tới họ. Tất cả những gì tôi biết đó là tôi vẫn còn bốn tấm áp phích nữa và tôi phải dán chúng lên. Ngay sau đó, tôi tìm được một vị trí tốt khác và đã dán hai tấm nữa lên. Họ bước xuống xe và chạy vội tới, cố gắng giật chúng xuống. Tôi cố gắng ngăn cản họ và nói với họ rằng việc tôi đang làm là để cứu người. Tôi nghiêm túc hỏi họ: “Ở đằng kia hay ở đây thì các anh đều không cho tôi dán những tấm áp phích này, vậy các anh muốn tôi dán chúng ở đâu?” Trong lúc đó, tôi bắt đầu cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Cuối cùng, họ đã không giật các tấm áp phích xuống nữa và lái xe đi.

Tôi đi tiếp và chuẩn bị dán hai tấm áp phích còn lại. Sau khi dán một tấm xong, tôi vẫn còn lại một tấm. Lúc tôi đang đi bộ xung quanh để chọn một vị trí để dán, cảnh sát lại quay trở lại. Một cảnh sát đến và nói: “Tôi vừa nói với bà là không được dán những thứ này. Sao bà lại không nghe?” Tôi nói: “Đây là tấm cuối cùng. Tôi muốn dán chúng ở đây.” Sau khi dán xong, tôi rời đi. Họ đi theo tôi rồi hỏi: “Bà còn tấm nào nữa không?” Tôi bảo: “Tôi không còn tấm nào nữa.” Họ đã lái xe đi và tôi trở về nhà.

Sau khi về đến nhà, tôi nhận thấy những việc đã xảy ra thật kỳ diệu. Một lần nữa tôi lại được chứng kiến uy lực của Đại Pháp. Tôi đã dán sáu tấm áp phích ngay trước mặt cảnh sát. Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002:

“Tuy rằng có sự tồn tại của cựu thế lực, nhưng chư vị không có cái tâm ấy, thì chúng cũng không có chiêu [nào cả]. Chính niệm của chư vị rất đủ, [thì] cựu thế lực không có cách [nào cả].”

Thực sự đúng là như vậy. Mỗi lần ra ngoài dán áp phích, tôi đều chọn lúc giờ cao điểm để nhiều người có thể thấy chúng hơn. Tôi không để tâm đến việc liệu tôi có thể bị bắt hay không. Tôi biết tôi không có gì phải sợ, vì tôi đã có Pháp trong tâm. Tôi đã buông bỏ được chấp trước vào sinh tử từ lâu.

Nhìn lại, tôi đã nhận ra rằng tôi đã không giảng chân tướng về cuộc bức hại cho cảnh sát. Bởi tôi có tâm tranh đấu nên họ mới gỡ ba tấm áp phích và phạm tội ác. Tôi cảm thấy rất buồn vì điều này. Nếu gặp lại họ, tôi sẽ giảng chân tướng cho họ. Tôi sẽ tặng họ tài liệu giảng chân tướng để cứu họ.

Gần đây, tôi vừa mới học các bài kinh văn mới của Sư phụ và tôi cảm thấy mình đã đề cao lên rất nhiều. Tôi thấy tôi càng ngày càng gần với trạng thái đắc đạo. Tôi đã có thể coi nhẹ những chuyện của người thường, như thể “nhìn mà chẳng thấy, nghe mà chẳng theo”. Tôi không nghe thấy những gì các con tôi nói dù chúng nói rất to. Tuy nhiên, khi các học viên nói chuyện với tôi, tôi lại có thể nghe họ nói rất rõ, đặc biệt là khi họ chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của bản thân dựa trên Pháp. Tôi không bao giờ phải đeo kính khi đọc các sách Đại Pháp và các chữ nhìn rất rõ ràng. Nhưng tôi lại không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì nếu đó là thứ của người thường. Tôi không biết liệu rằng thời gian này có phải là những năm Sư phụ đã kéo dài sinh mệnh cho tôi hay không, tôi cũng không để tâm đến điều đó. Tất cả những gì tôi quan tâm là cố gắng tu luyện tinh tấn tiến về phía trước và cứu độ nhiều chúng sinh hơn nữa.

Tôi vẫn tự sống độc lập một mình. Thay vì ăn uống và ở nhà của con trai, tôi tự chăm lo tất cả việc nhà và không bao giờ phải nhờ bất kỳ ai giúp đỡ. Tôi sẽ tu luyện bản thân thật tốt và trở nên thuần tịnh hơn để có thể giúp nhiều chúng sinh hơn nữa được cứu độ. Vì tôi có giọng địa phương khá nặng, nên việc thuyết phục mọi người thoái xuất khỏi ĐCSTQ chưa có được hiệu quả tốt. Tôi biết sau này mình cần nỗ lực hơn nữa.

Mặc dù đã 90 tuổi, nhưng tôi vẫn rất có niềm tin. Bất kể chính Pháp phải mất bao nhiêu năm đi nữa, tôi vẫn sẽ làm tốt ba việc và đợi Sư phụ trở về. Tôi không chấp trước vào thế gian con người. Song, tôi chỉ có một tâm nguyện, đó là, dành dụm một ít tiền (cho chi phí đi lại) để có thể đi gặp Sư phụ khi Ngài trở lại [Trung Quốc].


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/11/4/211753.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/11/23/112562.html

Đăng ngày 11-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share