Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh An Huy, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-06-2019] Nhà tù Túc Châu, thuộc tỉnh An Huy, là một cơ sở cải tạo của tỉnh có truyền thống giam giữ những nam tù nhân hình sự phạm trọng tội. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, hàng ngàn nam học viên ở tỉnh An Huy đã bị cầm tù tại đây.

“Chuyển hóa” các học viên

Phòng 610 tỉnh Anh Huy và các chức trách nhà tù đã thiết lập một bộ phận trong Khu số 13 với mục đích nhằm “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ thành những người không còn tín ngưỡng. Cho đến cách đây vài năm, tất cả các học viên mới bị đưa đến nhà tù thì trước tiên đều bị đưa vào bộ phận này trong ba tháng để tăng cường tẩy não. Tại đó họ cũng bị biệt giam, bị bắt đứng thời gian dài và nhiều hình thức tra tấn khác. Nhiều người đã từ bỏ Pháp Luân Công vì áp lực phải chịu quá khủng khiếp.

Kết thúc thời hạn ba tháng, các học viên được chuyển đến các bộ phận khác để thực hiện lao động khổ sai cùng các tù nhân hình sự. Họ phải lao động nhiều giờ trong sáu ngày một tuần và bị theo dõi cả ngày lẫn đêm. Các học viên bị ngược đãi về thể chất và bị các lính canh và tù nhân hình sự ức hiếp. Trước khi được thả, họ bị đưa trở lại Khu số 13 để lặp lại quá trình “chuyển hóa”.

Hoàng Khải Tuấn, trưởng Khu số 13, đã sử dụng nhiều chiến thuật tâm lý để gieo rắc nỗi sợ hãi, đồng thời lừa dối, đe dọa và tống tiền các học viên để họ buộc phải đồng ý ngừng tu luyện Pháp Luân Công. 20 năm kinh nghiệm trong việc “chuyển hóa” các học viên đã giúp ông Hoàng đạt được một vị trí cao trong Nhà tù Túc Châu và trở nên nổi tiếng trong các đồng nghiệp trên toàn quốc.

Mặc dù quá trình “chuyển hóa” ở Nhà tù Túc Châu đã được sửa đổi kể từ năm 2016 nhằm tránh sự chú ý không mong muốn từ bên ngoài do việc ngược đãi vô nhân đạo đối với các học viên Pháp Luân Công, nhưng sự tra tấn về thể xác và tinh thần vẫn tiếp diễn ở tất cả các khu giam giữ.

Tẩy não và ngược đãi thể chất

Khi một học viên bị đưa đến Nhà tù Túc Châu, trước tiên người đó sẽ bị giam ở Khu số 13 trong ba tháng để tăng cường tẩy não. Từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, các học viên bị bắt phải ngồi trên sàn và xem các chương trình truyền hình phỉ báng Pháp Luân Công. Đôi khi, họ bị bắt phải đọc các văn bản của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ hoặc các kinh sách của các tín ngưỡng Phật giáo khác.

Các học viên phải viết các báo cáo tư tưởng để thể hiện cho “những người tiến hành chuyển hóa” thấy họ đã đạt được những gì trong quá trình “chuyển hóa”. Những người đã từ bỏ tu luyện và bị “chuyển hóa” sẽ được làm người giám sát và gây tác động lên những người từ chối bị chuyển hóa. Đôi khi các học viên bị “chuyển hóa” đã dùng sức túm tay các học viên kiên định và cưỡng ép họ in dấu vân tay lên bản đồng ý ngừng tu luyện. Những ai kháng cự lại sẽ bị đánh đập.

Đối với các học viên kiên định, các cai ngục đã gọi điện đến các đồn cảnh sát ở quê nhà họ và yêu cầu cử các cảnh sát đến nhà riêng của các học viên này để sách nhiễu và đe dọa gia đình họ phải gây áp lực buộc các học viên phải “chuyển hóa”.

Ngay cả khi một học viên đã bị “chuyển hóa”, người đó vẫn bị đưa đến Khu số 13 vào cuối thời hạn tù để trải qua quá trình này một lần nữa trước khi được thả. Người đó sẽ bị đe dọa không được nói cho bất cứ ai về những gì đã trải qua ở nhà tù hay gửi bất kỳ thông tin nào đến trang Minghui.org, nếu không Phòng 610 địa phương sẽ lại tiến hành bắt giữ họ.

Biệt giam và bắt đứng trong thời gian dài

Các học viên phải trải qua tẩy não tăng cường suốt cả ngày, sáu ngày một tuần. Vào ban đêm và các ngày Chủ nhật, họ bị giam cầm riêng rẽ trong các buồng giam nhỏ và bị bắt đứng trong nhiều giờ đồng hồ.

Các phòng biệt giam tại Nhà tù Túc Châu có trần cao đến tậng tầng hai. Các phòng giam này không có cửa sổ mà chỉ có các lỗ nhỏ trên trần. Khi bên ngoài trời có tuyết, những bông tuyết này sẽ rơi vào trong các buồng giam. Các tù nhân hình sự được giao nhiệm vụ giám sát các học viên Pháp Luân Công được bố trí ở các vị trí ở các hành lang trên tầng hai, nơi họ có thể nhìn vào trong các buồng giam.

Đôi khi, các buồng giam nhỏ này còn được dùng để giam giữ những tù nhân vi phạm nội quy nhà tù, cũng như các học viên đã bị chuyển đến các bộ phận khác nhưng bị bắt gặp đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công hay nói chuyện với những người khác về môn tu luyện.

ebfe8dfb02a08f3ad9a56104836630d0.jpg

Các học viên bị bắt đứng trong một thời gian dài trong các buồng giam nhỏ

Bị bắt đứng trong thời gian dài gây ra rất nhiều đau đớn về thể xác và cũng là hình thức khó chịu đựng nhất. Khi một học viên đứng được một giờ, người đó sẽ được phép ngồi xuống sàn trong nửa giờ rồi lại tiếp tục đứng như vậy. Cứ hết giờ này đến giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhiều người đã bị kiệt sức và bỏ cuộc vì không thể chịu đựng được thủ đoạn ngược đãi về thể chất này.

Điều kiện sống khắc nghiệt khiến sức khỏe suy yếu

Trong khi bị giam giữ trong các buồng giam nhỏ, nguồn nước duy nhất của các học viên là từ bệ vệ sinh ngồi xổm nơi nước chảy thành một dòng nhỏ đều đều. Họ đã dùng một chiếc khăn tay để chặn nước chảy ở phía sau của bệ vệ sinh dài và tạo thành một chỗ nhỏ chứa nước. Họ phải lấy nước ở đó để uống và vệ sinh cá nhân. Để tránh làm nhiễm bẩn phía sau bệ vệ sinh, khi sử dụng nhà vệ sinh họ phải chú ý sử dụng rất cẩn thận ở phía trước không để nước tiểu hoặc phân bị dính ra phía sau.

Mỗi bữa ăn các học viên được cấp một chiếc bánh hấp và một ít dưa chua. Dưa chua thường rất mặn và có mùi khó chịu. Các học viên phải rửa sạch dưa chua ở bệ vệ sinh ngồi xổm đó trước khi ăn chúng.

Ga trải giường thường ẩm ướt và bẩn thỉu. Nó được trải ra trên sàn xi măng vào ban đêm để ngủ. Trong những tháng mùa đông, nhiệt độ thường dưới mức đóng băng khiến họ không thể ngủ được. Thời tiết khắc nghiệt, bị thiếu ngủ kèm theo dinh dưỡng kém và phải đứng trong thời gian dài là những nguyên nhân khiến sức khỏe của các học viên giảm sút. Sau một thời gian, một số người đã không thể đi lại được và một số người thậm chí còn bị bất tỉnh.

Học viên và gia đình khiếp sợ trước những thủ đoạn lừa đảo

Ông Hoàng Khải Tuấn là trưởng Khu số 13. Trợ lý trưởng Diêu Tùng và Vương Đại Lượng đã từng là trưởng khu này. Ngay cả sau khi đã được thay thế, họ vẫn được giữ ở bộ phận này với tư cách là những người chủ chốt giám sát quá trình “chuyển hóa”.

Hoàng Khải Tuấn rất hung ác – đến nỗi những tên cai ngục cũng phải cảnh báo các học viên về ông ta. Ông ta đã sử dụng các thủ đoạn để tìm kiếm thông tin cá nhân về các học viên cũng như gia đình họ, rồi sau đó sử dụng thông tin này làm đòn bẩy để đe dọa và tống tiền các học viên.

Ông Hoàng thường đưa gia đình các học viên vào một phòng riêng sau những chuyến thăm thân của họ. Ông ta phỉ báng Pháp Luân Công để dò xét xem liệu những người thân này có phải là học viên Pháp Luân Công hay không.

Nếu họ cũng là học viên, ông ta sẽ sử dụng điều đó để đối với các học viên bị cầm tù và đe dọa sẽ bắt người nhà của họ nếu họ không từ bỏ tu luyện. Ngay cả khi các thành viên gia đình không phải là học viên, ông ta làm mọi cách khiến họ biết về quyền lực của mình đối với người nhà đang bị giam giữ của họ để họ phải dùng tiền hối lộ ông.

Thông qua các cuộc trò chuyện riêng tư với những người thân trong gia đình và bạn bè đến thăm, ông Hoàng đã thu thập thêm được thông tin về các học viên bị giam giữ. Ông ta cũng chặn thư của các học viên và cắt đứt liên lạc của họ với thế giới bên ngoài. Ông ta tạo ra một giả tưởng như thể ông ta biết mọi thứ về các học viên, bao gồm cả gia đình và công việc của họ.

Trước khi để một học viên vào phòng thăm viếng, ông Hoàng thường đe dọa người học viên này và bảo họ có thể nói những gì. Ông ta yêu cầu các lính canh lắng nghe cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa các học viên và gia đình họ. Ngay khi họ đề cập đến các các nội dung nhạy cảm, lính canh sẽ cắt đứt liên lạc và kết thúc cuộc trò chuyện.

Đôi khi trong các cuộc viếng thăm, ông Hoàng đứng sau những vị khách, đối mặt với các học viên và đe dọa họ, theo đó, họ không dám nói bất cứ điều gì khác ngoài việc nói rằng mọi việc điều ổn và bảo gia đình họ không phải lo lắng gì cả.

Một số gia đình thậm chí còn liên tục cảm ơn ông Hoàng trước khi rời đi, nhờ ông ta chăm sóc người nhà của họ. Song, sự thật lại khác xa so với những gì người thân của họ đã nói để họ yên lòng; thực ra, các học viên bị giam trong các phòng biệt giam, bị tra tấn và không được phép mua các nhu yếu phẩm hàng ngày, chẳng hạn như một bánh xà phòng.

Kẻ bức hại chính: Hoàng Khải Tuấn

Ông Hoàng đến từ huyện Vũ Uy, tỉnh An Huy. Ông sinh năm 1963 và tốt nghiệp Học viện Cảnh sát An Huy năm 1986.

Ông đã viết một cuốn sổ tay 500 nghìn chữ Trung Quốc về chủ đề chuyển hóa các học viên Pháp Luân Công và hiện cuốn sổ tay này đang được sử dụng rộng rãi tại các trung tâm tẩy não trên toàn Trung Quốc. Ông Hoàng đã hợp tác với một nữ lính canh và họ đã đi đến nhiều thành phố để giúp thành lập các trung tâm tẩy não. Ông ta đã đến thành phố Hợp Phì tất cả tám lần.

Khi Nhà tù Túc Châu vẫn còn một khu giam giữ dành cho nữ tù nhân, ông Hoàng đã chuyển hóa nhiều nữ học viên bằng cách giả vờ quan tâm đến họ. Một số nữ học viên đã bị mất liên lạc với gia đình và bị cầm tù trong nhiều năm; ở trong một môi trường biệt lập quá lâu, họ trở thành mục tiêu dễ dàng đối với ông Hoàng.

Ông Hoàng đặc biệt tàn bạo đối với những học viên kiên định. Một tù nhân bị giam giữ tại Nhà tù Túc Châu hơn một thập kỷ đã chứng kiến ông Hoàng và một tù nhân hình sự đánh đập và đá các học viên Lưu Kê Hoành (từ thành phố Hợp Phì) và Cát Hỷ Lượng (từ huyện Mông Thành) đến chết. Khi thi thể của họ được đưa ra khỏi tòa nhà, ông Hoàng tuyên bố họ đã chết vì bệnh tật. Vị tù nhân giúp ông Hoàng đã được giảm án và được thả ngay sau đó.

Ông Hoàng còn bố trí gián điệp trong tất cả các bộ phận để theo dõi các học viên sau khi họ được chuyển khỏi Khu số 13. Nếu họ bị bắt gặp đọc các sách Pháp Luân Công, luyện các bài công pháp hay nói chuyện với nhiều người về môn tu luyện, họ sẽ bị đưa trở lại Khu số 13, tại đó họ bị đánh đập hoặc bị tra tấn. Họ bị còng tay, bị xiềng và bị giam giữ trong các phòng biệt lập. Nhiều học viên đã qua đời vì bị tra tấn trong khi các gián điệp lại được giảm án tù.

Ông Hoàng đã quyên góp vài trăm nhân dân tệ cho trẻ em nghèo và cho huyện Vũ Uy, quê hương của ông, khi ở đó xảy ra một thảm họa tự nhiên. Đi đến bất cứ đâu, ông ta cũng khoe khoang về thành tích của mình và được trao tặng danh hiệu một trong “10 người tốt nhất ở Túc Châu”

Lao động cưỡng bức

Sau ba tháng đầu bị tăng cường tẩy não, cuối cùng một học viên sẽ được chuyển sang một bộ phận khác ngay cả khi người đó không bị “chuyển hóa”, bởi vì người đó sẽ bị sử dụng để thực hiện lao động khổ sai cùng với các tù nhân khác.

Phần lớn các sản phẩm được làm ra tại Nhà tù Túc Châu là quần áo và hành lý. Một ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 7 hoặc 8 giờ tối. Các tù nhân có một tiếng nghỉ trưa. Nếu các tù nhân không đạt được lượng sản phẩm được giao hàng này, họ sẽ phải làm việc thêm giờ và phải hoàn lại một số lợi ích mà họ đã tích lũy được. Các học viên Pháp Luân Công không bị yêu cầu phải đạt được một định mức sản phẩm nhất định nào nhưng họ vẫn phải làm việc trong cùng một thời gian như vậy và thực hiện một công việc như vậy.

Cũng như những người khác, các học viên dậy sớm và sau đó phải lao động trong 13-14 tiếng đồng hồ cho đến khi họ quá mệt và đói đến mức không thể làm bất cứ việc gì khác ngoài việc ăn và lên giường đi ngủ.

Mỗi học viên có nhiều tù nhân được chỉ định theo dõi họ suốt cả ngày lẫn đêm và họ không được phép nói chuyện với bất kỳ ai. Bởi vì họ không nguyền rủa hay đánh trả khi bị tấn công nên một số tù nhân hình sự đã lấy việc bắt nạt các học viên làm trò tiêu khiển.

Mọi người luân phiên nhau mang những thùng đồ ăn lớn đến từng bộ phận trong giờ ăn. Những người già hoặc người ốm yếu không thể mang được những thùng lớn như vậy nên cần sự giúp đỡ của những người khác và thường bị đánh đập trừ khi họ trả tiền. Một số học viên lớn tuổi không có tiền nên đã phải chịu khổ rất nhiều.

Chi phí cho đồ ăn là 140 nhân dân tệ mỗi tháng và các tù nhân thường phải ăn các loại rau rẻ như giá đỗ, dưa hấu và bắp cải. Rõ ràng là chi phí sinh hoạt 300 nhân dân tệ cho một học viên một tháng do Phòng 610 địa phương chi trả đã không được sử dụng hết cho các học viên.

Điều này cũng tiết lộ một vấn đề rằng mặc dù các học viên đã bị kết án tù, nhưng trên thực tế họ không phải là các tù nhân chính thức. Họ được Phòng 610 địa phương đưa đến đó để “chuyển hóa”. Đây có thể là nguyên nhân của việc các học viên không có định mức sản phẩm lao động và không được trả thù lao cho việc lao động này.

Tiếp tục bị sách nhiễu và theo dõi sau khi được thả

Trước khi các học viên được thả, Khu số 13 sẽ thông báo cho Phòng 610 địa phương, Đảng ủy địa phương và Phòng Quản lý Tổng hợp đón các học viên đó từ nhà tù. Tuy nhiên, gia đình các học viên không được thông báo theo đúng quy định của pháp luật.

Tiến trình chuyển hóa các học viên, hành vi và thậm chí cả thái độ của gia đình họ đều được báo cáo bằng văn bản và sao lưu vào một đĩa CD, sau đó được giao cho chính quyền địa phương khi họ đón các học viên với mục đích là để có thể tiếp tục thực hiện quá trình “chuyển hóa”.

Trước khi một học viên được thả, một lính canh chuẩn bị sẵn một bức thư và yêu cầu học viên này đăng ký tại phòng đăng ký thường trú địa phương ngay khi họ trở về nhà. Thực ra làm như vậy là học viên đang thông báo cho cảnh sát ở khu vực mình rằng anh ấy đã được thả và như vậy họ sẽ để mắt đến anh ấy.

Những học viên không thực hiện việc đăng ký thường trú vẫn có thể sử dụng thẻ căn cước cũng như các phương tiện công cộng. Tình trạng đăng ký thường trú của họ không bao giờ bị chuyển đổi hay thay đổi, không giống như các tù nhân hình sự. Tình trạng cư trú của các tù nhân hình sự sẽ bị treo khi họ bị vào tù.

Có nhiều trường hợp các học viên kiên định bị mắc trọng bệnh ngay sau khi được thả khỏi Nhà tù Túc Châu và một số học viên thậm chí đã qua đời. Điều này được suy đoán rằng họ đã bị cho những loại thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn hoặc đồ uống trước khi được thả, tuy nhiên điều này hiện vẫn chưa được xác minh chính xác.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/18/178487.html

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/18/388818.html

Đăng ngày 02-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share