Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[MINH HUỆ 06-07-2019] Hai vợ chồng tôi đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chúng tôi phối hợp với nhau rất tốt trong các hạng mục liên quan tới chứng thực Pháp, nhưng lại thường có xung đột và tranh cãi bởi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Một chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt và rất đỗi bình thường lại có thể khiến sự bất đồng của chúng tôi kéo dài.

Thí dụ, mỗi lần vợ tôi chỉ ra vấn đề hoặc lỗi sai của tôi, tôi thường đáp lại cô ấy bằng những lời như: “Thái độ của em kiểu gì vậy, có cần phải phát hỏa lên như thế chỉ vì cái chuyện cỏn con này không? Chẳng phải anh đang cố gắng cải thiện bản thân rồi đó sao. Em không thấy sự đề cao của anh à?” Có lúc tôi lại giữ im lặng, nhưng điều đó không phải là tôi biết bản thân mình sai, mà là tôi không phục.

Khi bình tĩnh lại và suy ngẫm, tôi cảm giác mình đang làm điều không đúng: Đây chẳng phải là tôi không thể tiếp nhận lời chỉ trích sao. Tôi muốn tu bỏ đi cái tật xấu này; tuy nhiên, chưa được mấy ngày tật xấu này lại tái phát. Tôi không hiểu nổi tại sao loại bỏ cái tâm này lại khó khăn đến vậy.

Sau khi học kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019” của Sư phụ, cuối cùng tôi đã hiểu ra. Từ khi bước vào tu luyện đến nay, tôi căn bản là không có chân chính hướng nội vô điều kiện. Mỗi khi mâu thuẫn phát sinh, thì theo thói quen, tôi sẽ nghĩ rằng việc này là ai đã làm sai và phàn nàn người đó. Mặc dù tu luyện Đại Pháp, nhưng tôi không thực sự đối đãi với bản thân như một người tu luyện, cái tâm của tôi kỳ thực vẫn là tâm của người thường.

Những năm trước đây, khi tôi làm cán bộ quản lý ở đơn vị công tác, phụ trách kiểm tra đôn đốc công việc của người khác. Tôi rất ít nghe người khác chỉ trích, phê bình mình. Vả lại, do ảnh hưởng của văn hóa đảng, tôi đã bất tri bất giác mà sản sinh một số chấp trước và quan niệm bất hảo.

Chẳng hạn như, đột nhiên bị phê bình, tôi không chịu nổi. Tôi có tâm ưa thể diện, và bác bỏ những lời chỉ trích, phê bình. Tôi công tác trong ngành này nhiều năm, và phải cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty khác, do đó, tôi đã dưỡng thành tâm tranh đấu, tâm tật đố. Thấy người khác có gì tốt tôi thấy ấm ức. Tôi luôn tìm chỗ thiếu sót của người khác. Do đó, khi vợ tôi chỉ ra vấn đề của tôi, tôi thường phản bác và chỉ ra vấn đề của cô ấy.

Tôi cũng không nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Tôi luôn nghĩ rằng những vấn đề quan trọng tôi có thể xử lý được tốt, huống hồ là những chuyện nhỏ nhặt. Bởi vậy, tôi thuận tiện nằm trên ghế sofa ngủ hoặc xem tin tức trên Internet, đã lãng phí rất nhiều thời gian quý báu có thể dùng vào các hạng mục Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

”Gặp mâu thuẫn, mặc kệ lỗi của ai, trước hết tìm [ở] mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Khi tôi hướng nội tìm một cách vô điều kiện, tôi nghĩ những điều mà vợ tôi thường cố gắng nhắc nhở tôi, tôi chợt nhận ra tất cả những lời oán trách trước kia thoáng cái biến mất như mây khói. Tôi thực sự cảm nhận được thiện ý của cô ấy. Cô ấy là muốn tốt cho tôi, muốn tôi đề cao nhanh hơn.

Trên đây là một chút thể hội của tôi về hướng nội tìm sau khi học kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019” của Sư phụ, hy vọng các đồng tu trường kỳ ở trong mâu thuẫn gia đình có thể tham khảo đôi chút.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/6/389588.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/26/178587.html

Đăng ngày 31-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share