Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-06-2019] Gần đây tôi đã thay vòi nước ở nhà, vì cái cũ đã bị hỏng. Khi lần đầu tiên sử dụng chiếc vòi mới, tôi vô thức ấn nó xuống để mở nước vì đó là cách mà vòi cũ hoạt động. Còn [với chiếc vòi] hiện tại tôi phải kéo nó lên. Tôi cảm thấy khó chịu. Là một học viên Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), tôi nhận ra rằng một chấp trước đã được hình thành từ việc tôi trường kỳ ấn vòi để mở nước.

Thể ngộ sâu hơn về các chấp trước

Tôi rất ngạc nhiên sau khi phát hiện ra thói quen này đã hình thành một chấp trước trong tiềm thức của tôi. Điều này khiến tôi nhớ lại một chuyện đã xảy ra từ lâu.

Khoảng 10 năm trước, tôi đã gặp một cô gái mê mẩn một bộ phim truyền hình (TV) nổi tiếng. Tôi yêu cầu kiểm tra cô ấy bằng cách không để cô ấy xem bộ phim trong 20 phút khi nó được phát sóng.

Khi bộ phim truyền hình bắt đầu chiếu, tôi đề nghị cô ấy quay lại và ngồi quay lưng về phía TV. Sau đó, tôi tắt tiếng TV. Cô ấy ở trạng thái bình thường trong năm phút đầu tiên. Sau đó, cô bắt đầu cảm thấy lo lắng, khó chịu và cựa quậy xung quanh. Tôi khích lệ cô ấy giữ vững [bản thân]. Năm phút sau, cô bỏ cuộc. Cô ấy nói với tôi rằng cô sắp phát điên. Cô quay lại bật tiếng TV lên và bắt đầu xem chương trình.

Qua việc quan sát cô ấy, [tôi thấy] cô ấy dường như giống một người nghiện ma tuý mà đã vài ngày không được hút. Cuối cùng khi nhìn thấy chúng, cô đã dùng nó một cách thèm khát.

Bây giờ khi nghĩ về câu chuyện này, tôi cảm thấy rằng chấp trước là một sinh mệnh sống có thể kiểm soát con người. Khi chúng ta liên tục lặp lại một loại hành vi hoặc tăng cường một loại suy nghĩ, một sinh mệnh sẽ sản sinh từ đó mà chúng ta không nhận ra.

Sau đó tôi nhớ lại việc nhìn thấy các học viên có chấp trước xem chương trình của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) và nghĩ rằng hành vi của họ không phù hợp với Pháp. Bất cứ khi nào những học viên này nói về các chương trình của NTDTV, tôi lại bất tri bất giác tăng cường quan niệm của mình về họ. Trong tiềm thức, những quan niệm này được hình thành vững chắc khi tôi không ngừng tăng cường chúng. Tôi nghĩ rằng quan niệm của mình là dựa trên Pháp.

Sau đó, tôi phát cáu khi thấy họ xem các chương trình của NTDTV. Đôi khi, tôi thậm chí muốn TV bị hỏng và cho rằng các học viên này đang tự hủy đi bản thân. Sau đó, tôi nhận ra rằng phản ứng của mình là sai.

Tôi bắt đầu hướng nội. Tôi nhìn thấy chấp trước của mình: Tôi coi thường những học viên đó; tôi chấp trước vào việc muốn thay đổi họ. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy những chấp trước này không phải là nguyên nhân gốc rễ của việc tôi hay cáu kỉnh. Khi Sư phụ thấy tôi không thể ngộ được, Ngài đã điểm hoá cho tôi bằng cách triển hiện những lời giảng của Ngài trong tâm trí tôi:

“Ý niệm người ta đặt tại nơi đâu, [qua] một thời gian lâu, thì sẽ kết đan.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng định kiến của mình về những học viên này đã hình thành một vật chất chấp trước, một sinh mệnh hữu hình. Chính sinh mệnh này khiến tôi cảm thấy khó chịu, đó không phải chân ngã của tôi. Tôi ngay lập tức phát chính niệm để giải thể chấp trước này.

Tất nhiên, là người tu luyện, họ không nên chấp trước vào việc xem NTDTV. Tuy nhiên, vì tôi thường xuyên nghĩ về nó, tăng cường nó nên chấp trước này đã hình thành và trở thành một sinh mệnh.

Sư phụ giảng:

“Tôi nói với chư vị rằng, chẳng quan trọng chút nào; chư vị mà nghĩ nhiều thì đó là tâm chấp trước. Chư vị mà nghĩ nặng [về nó], thì chẳng phải chư vị chấp trước truy cầu là gì?” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Trạng thái tu luyện của tôi

Viết đến đây, tôi thể ngộ sâu sắc hơn về lời giảng của Sư phụ:

“Tầng khác nhau có Pháp của tầng khác nhau” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Là người tu luyện, chúng ta sẽ ngộ ra những Pháp lý khác nhau khi tu luyện ở các tầng thứ khác nhau. Nhưng cho dù chúng ta nhìn nhận những Pháp lý mà mình ngộ ra tốt đến đâu, chúng ta cũng không thể bám cứng vào nó, chúng ta cũng không thể sử dụng chúng để áp đặt lên người khác.

Khi chúng ta bám cứng vào những gì mình đã ngộ ra, tăng cường nó và coi đó là chân lý tuyệt đối, một loại vật chất lệch khỏi Pháp sẽ hình thành và trở thành chướng ngại đối với sự đề cao của chúng ta. Chỉ khi chúng ta không chấp trước vào thể ngộ của bản thân, chúng ta mới có thể liên tục đề cao trong Pháp.

Tại sao chấp trước đó lại hình thành được? Đó là vì tôi có tâm hiển thị, muốn cải biến người khác, và hướng ngoại. Nhưng tôi đã tìm thấy một lý do khác mà tôi chưa bao giờ ngộ tới hay nhận ra trước đó, chính là tôi chưa thực sự lý giải được hình thức và trạng thái tu luyện trong Đại Pháp, do đó mới dẫn đến chấp trước này.

Sư phụ giảng:

“Đó chính là [những gì] các đệ tử Đại Pháp đối mặt hôm nay, và [là] hình thức tu luyện do cựu thế lực, v.v. Can nhiễu tạo thành; do đó trong quá trình tu luyện của chư vị, chư vị hễ có phía tu đã xong kia rời đi, cách khai ra, thì hết thảy những gì chưa tu xong của chư vị vẫn sẽ phản ứng xuất lai, nhân tâm vẫn sẽ phản ứng xuất lai, những nhân tố bất hảo vẫn sẽ phản ứng xuất lai.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thủ đô Mỹ quốc [2006])

“Vậy là hôm nay tôi đã giảng rõ cho mọi người hơn thêm nữa về hình thức tu luyện và trạng thái tu luyện, thì trong phối hợp giữa các học viên, chư vị không được còn cái tâm ‘phòng bị’ người khác nữa. (vỗ tay) Trách cứ lẫn nhau, dùng tâm con người bài xích nhau, tất cả trạng thái các loại [như thế], tôi nói với chư vị rằng, đó đều là không lý giải được hình thức tu luyện [dẫn đến] nảy sinh ra chấp trước mới; đúng vậy không? Đúng vậy! Do đó không được [chỉ] vì không lý giải trạng thái tu luyện mà sinh ra chấp trước mới. Bản thân chấp trước ấy cũng là trở ngại rất to lớn ngăn cản chư vị tiến lên, vậy nên chủng loại tâm ấy cũng phải vứt bỏ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thủ đô Mỹ quốc [2006])

Tôi thể ngộ rằng việc các học viên còn có thiếu sót là điều bình thường. Chúng phản ánh trạng thái tu luyện của họ, không phải thể hiện rằng họ không tu tốt. Vậy mà, tôi lại chấp trước vào trạng thái tu luyện của học viên khác thay vì tu bản thân. Khi tôi ôm giữ chấp trước của mình, chính tôi mới là người đi lệch khỏi Pháp chứ không phải những học viên kia. Chấp trước của tôi được sinh ra là do tôi đã không minh bạch hình thức tu luyện mà Sư phụ cấp cho chúng ta. Dù tôi có chỉ ra thiếu sót của những học viên này, thì họ cũng sẽ không chấp nhận ý kiến của tôi.

Đồng hoá với Pháp

Đôi khi, tôi đã hướng nội trước, sau đó chia sẻ những thể ngộ của mình với các học viên khác mà không ôm giữ tâm muốn cải biến họ. Nhưng mà họ vẫn không đồng ý, tôi cảm thấy tồi tệ. [Lúc ấy] tôi tự nhủ rằng mình không thể ép buộc họ tu luyện, nhưng [tôi] lại quên hướng nội và tìm ra vấn đề tại sao họ không lắng nghe mình.

Mặc dù mục đích của tôi là giúp đỡ họ và tôi đã làm điều đó một cách bình tĩnh, nhưng ẩn giấu sau thiện chí của tôi chính là tư tâm. Ý muốn giúp đỡ người khác của tôi là dựa trên quan điểm, tiêu chuẩn và mong muốn của tôi, nói cách khác là sự ích kỷ của tôi. Điều đó thậm chí không hề phù hợp với những gì Đại Pháp yêu cầu – hoàn toàn muốn tốt cho người khác mà không có chút mục đích nào. Tại sao mọi người không lắng nghe khi chúng ta giảng chân tướng về Đại Pháp? Đây có thể là nguyên nhân chính.

Cách đây không lâu, người nhà tôi, cũng là một học viên đã khen tôi là người tốt. Tôi rất vui vì mình đã tu luyện tốt và được công nhận. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ nhiều hơn, tôi nhận ra rằng có điều gì đó không đúng – mình chỉ là một người tốt bình thường sau bao nhiêu năm tu luyện, đây chẳng phải là mình hoàn toàn chưa tu sao!

Không có gì ngạc nhiên khi gần đây trong tu luyện, nội tâm tôi căn bản là không có cải biến. Tôi chỉ làm mọi việc theo tiêu chuẩn của Đại Pháp một cách hời hợt. Chẳng hạn như khi gặp mâu thuẫn, tôi chỉ muốn giải quyết mâu thuẫn và tìm lối thoát, chứ không hề hướng nội vô điều kiện và tu chính mình. Tôi đã cố gắng dùng Pháp để giải quyết vấn đề của bản thân.

Sư phụ giảng:

“người thế gian nào có thể phù hợp với Ông thì đúng là người tốt, đồng thời sẽ mang đến thiện báo và phúc thọ; làm người tu luyện, mà đồng hoá với Ông thì chư vị chính là bậc đắc Đạo: Thần.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi không hiểu thế nào là “phù hợp”, thế nào là “đồng hoá.” Bây giờ, tôi ngộ được rằng khi chúng ta làm các việc [bề mặt] theo tiêu chuẩn của Đại Pháp, nhưng trong tâm vẫn ôm giữ chấp trước thì chúng ta vẫn chưa “đồng hoá” với Đại Pháp. Chỉ có không ôm giữ bất kể tâm nào mà làm các việc chiểu theo Pháp thì mới là thực sự “đồng hoá” với Đại Pháp. Khi đó chúng ta sẽ trở thành một phần của Pháp tại tầng thứ đó và có thể chính lại những thứ bất chính xung quanh mình.

Làm thế nào các diễn viên Shen Yun dù không dùng ngôn từ gì mà vẫn có thể cho khán giả thấy được chân tướng và vẻ đẹp của Đại Pháp? Chính là bởi nội tâm thuần tịnh và thiện lương cũng như chân nguyện muốn chứng thực Pháp của họ. Vì vậy Pháp đã có thể triển hiện chân tướng cho khán giả thông qua màn biểu diễn của họ.

Ở Trung Quốc, sau khi chúng tôi đệ đơn kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân, hầu như mọi người xung quanh đều biết rằng chúng tôi là những học viên Pháp Luân Công. Những hành động và lời nói hàng ngày của chúng ta đang cho mọi người biết về những người tu luyện [là như thế nào] và chân tướng của Đại Pháp. Nếu chúng ta coi hoàn cảnh của mình giống như sân khấu diễn xuất, từng giây từng phút trong tâm nghiêm khắc chiểu theo Pháp yêu cầu chính mình, từng giây từng phút đồng hoá với Pháp giống như các diễn viên Thần Vận, khi đó tất cả những gì chúng ta triển hiện ra đều là uy lực của Pháp.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/24/388636.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/19/178494.html

Đăng ngày 31-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share