Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-03-2019] Chúng ta đã phải trùng trùng nguy hiểm khi hạ xuống thế gian con người này để được trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Vì thế, chúng ta phải dùng hết khả năng, toàn tâm toàn sức để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng này.

Tôi biết một đồng tu lớn tuổi có nhà riêng và sống thoải mái bằng đồng lương hưu của mình. Bà rất tốt bụng và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ các đồng tu khác. Các con của bà đều đã kết hôn và có nhà riêng. Tuy nhiên, bà có một chấp trước mạnh mẽ vào các cháu.

Mặc dù đã về hưu, nhưng trong một thời gian dài bà vẫn bận rộn với những sự việc nơi người thường. Bà vội vã đi đến chỗ này chỗ kia và có trạng thái tu luyện không tốt. Bà không học Pháp đầy đủ và thường xuyên không thanh tỉnh khi đả tọa. Bà hiếm khi phát chính niệm và rất khó giữ thẳng tay. Thậm chí bà ít khi ra ngoài giảng chân tướng.

Vị đồng tu này có một giấc mơ thấy mình đi bắt tôm tuy nhiên bà chỉ bắt được một vài con. Những đồng tu khác nghĩ rằng đây là điểm hóa của Sư phụ, nhắc nhở bà không nên bận rộn với những sự việc nơi người thường, thay vào đó bà nên làm những việc cần phải làm (trong tiếng Trung, cụm từ bắt tôm “zhua xia” đồng âm với “tự mình bận rộn trong khi đánh mất điều quan trọng”). Tuy nhiên, bà đã bỏ ngoài tai những lời khuyên này và nói rằng đây là một giấc mơ tốt và rằng bà đã thu hoạch được rất nhiều từ đó.

Một vị đồng tu lớn tuổi khác có chồng là cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu. Họ có khoản lương hưu hơn 10,000 Nhân Dân Tệ/ 1 tháng và sống khá thoải mái. Chưa bằng lòng với những gì đã có, họ mua thêm một căn hộ lớn và tốt hơn. Tuy nhiên, chồng bà đã không động chân động tay vào việc gì và cũng không có hứng thú với việc sửa chữa lại căn hộ, vì thế vị học viên ngoài 60 tuổi này đã chịu trách nhiệm trong việc sửa căn hộ. Vài tháng sau, bà kiệt sức và trải qua quan nghiệp bệnh. Trong suốt khoảng thời gian này, bà hiếm khi tham gia nhóm học Pháp. Việc sửa chữa căn hộ cuối cùng cũng hoàn thành và họ chuyển đến sống tại đây. Sau đó, mọi người vô cùng bất ngờ khi bà đột nhiên qua đời.

Một vài học viên khác không có điều kiện tài chính nhưng lại vay nợ dài hạn để mua bất động sản trong khi đã có nhà. Họ cũng không ngần ngại chi nhiều tiền cho con cái học ở những ngôi trường nổi tiếng. Do đó, họ phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tận đêm khuya để chi trả cho những khoản nợ, cũng như những khoản học phí đắt đỏ chăm sóc và giáo dục con cái. Kết quả là, họ hiếm khi có thời gian học Pháp luyện công, hoặc phát chính niệm, giảng chân tướng. Con cái họ trước đây đã theo họ học Pháp và luyện công khi còn nhỏ, thì nay đã không còn tiếp tục tu luyện nữa do bận rộn với việc học tập ở trường và học thêm. Khi có chút thời gian rảnh rỗi, chúng đều dành cho việc chơi điện thoại di động.

Một vài học viên khác thì có năng lực, có cuộc sống tốt và thường được thăng tiến. Bản thân những điều này không phải là xấu, nhưng họ lại mất phương hướng và bắt đầu theo đuổi danh lợi. Họ có ít thời gian dành cho bản thân và cư xử càng ngày càng giống người thường, càng ngày càng rời xa Đại Pháp. Cuối cùng, họ từ bỏ việc học Pháp và luyện công.

Vài học viên khác có nhiều thời gian nhưng lại thiếu trách nhiệm. Họ không phải chịu gánh nặng gia đình và sống khá thoải mái. Một vài trong số họ còn trẻ và không cần phải làm việc để kiếm sống. Tuy nhiên, họ lại không dụng tâm trong việc học Pháp và luyện công. Một trong số họ thì duy trì việc học Pháp và luyện công nhưng hiếm khi tham gia vào việc giảng chân tướng. Vài học viên khác học Pháp luyện công tương đối tốt và cũng tham gia làm tài liệu giảng chân tướng, nhưng cách họ sử dụng thời gian của bản thân cũng như làm việc rất chậm và kém hiệu quả. Họ sử dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại của chính Pháp để sống an dật.

Tập trung vào việc kiếm tiền, vài học viên dường như bị kiệt sức. Họ bận rộn từ sáng sớm đến đêm khuya cho bố mẹ và con cái. Vì mục tiêu hưởng thụ ngắn ngủi trước mắt, họ làm việc đến kiệt sức nhưng vẫn tự gọi mình là “đệ tử Đại Pháp”.

Liệu chúng ta có bị hạn cuộc trong những giá trị của cuộc sống người thường? Nếu chúng ta không coi trọng sứ mệnh thiêng liêng trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh như đáng lẽ chúng ta phải toàn tâm toàn sức để làm, thì sau đó chúng ta phải tự hỏi bản thân tại sao chúng ta lại từ bỏ thế giới thánh khiết trên thiên thượng để chấp nhận rủi ro trùng trùng hạ xuống thế giới con người hiểm ác này.

Là đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp, chúng ta có sứ mệnh thần thánh trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Dựa vào việc tu luyện bản thân và làm tốt ba việc, chúng ta sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của bản thân, tồn vong của thế giới, cũng như sự tồn vong của chúng sinh. Làm sao chúng ta lại coi như trò đùa trẻ con cho được? Hãy xả bỏ và làm hết sức mình trong thời kỳ Chính Pháp, các đệ tử Đại Pháp! Chúng ta phải làm ba việc và phải làm cho tốt. Chỉ bằng cách làm cho tốt, chúng ta mới có thể nói rằng bản thân đã hoàn thành tốt những việc cần làm.

Dĩ nhiên, tôi không nói rằng chúng ta nên đi tới cực đoan và tự yêu cầu bản thân làm những việc bất hợp lý. Hoàn cảnh của từng người là khác nhau, và chúng ta không thể rập khuôn. Tuy nhiên, một vài học viên lại khá tiêu cực hoặc nảy sinh tâm an dật, hoặc có thái độ kiểu như chúng ta nên “làm tốt nhất trong khả năng”, “không nên đi sang cực đoan’, hoặc “phù hợp với người thường” để bào chữa cho việc họ đã không làm hết sức và đã không toàn tâm toàn ý làm. Họ làm ba việc một cách bề mặt và căn bản họ chỉ bảo vệ lợi ích cá nhân mình. Họ vẫn tự hài lòng sau khi không thể đột phá qua một tầng thứ, cũng như không sẵn sàng để đề cao bản thân.

Trạng thái tu luyện, môi trường tu luyện, cũng như trạng thái làm ba việc của chúng ta tốt đến đâu cũng phản ánh ra bản thân chúng ta đang tìm kiếm điều gì, phản ánh ra căn nguyên hành động, cũng như cho thấy chúng ta sắp đặt việc chính Pháp ở đâu trong tâm.

Thần chỉ nhìn nhận nhân tâm. Những người nói tin vào Chúa Jesus không nhất định được lên thiên đàng. Họ phải thực sự chiểu theo những lời Chúa Jesus nói – đó mới là thực sự tin vào Chúa Jesus. Đệ tử Đại Pháp cũng nói về tín Sư tín Pháp, và chúng ta cũng nói về niềm tin vững chắc như kim cương. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể hành động chiểu theo Pháp, liệu chúng ta đã thực tự tín Sư tín Pháp hay chưa, và liệu chúng ta đã đạt yêu cầu hoặc có thể trở về thiên thượng được không.

Sư phụ giảng,

“ Giảng chân tướng, cứu chúng sinh, đó chính là điều chư vị cần làm, trừ đó ra thì không có điều chư vị cần làm, trên thế gian này không có điều chư vị cần làm. Điều chư vị cần làm chính là những việc này, nhưng một số người đã coi nhẹ việc tu luyện của bản thân mình, đã coi trọng những việc người thường, đối với chư vị mà nói, thì đó chẳng phải là đi lệch khỏi con đường tu luyện của đệ tử Đại Pháp hay sao?“ (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Thực tế là, trong công việc và trong cuộc sống, chúng ta duy trì trạng thái của xã hội người thường chỉ để tu luyện và cứu độ chúng sinh. Nếu chúng ta trở nên chấp trước vào những sự việc nơi người thường như danh, lợi và tình. Như thế chẳng phải là chúng ta đang đi ngược lại với ý nguyện ban đầu khi chúng ta đến thế giới con người này hay sao. Điều gì khiến chúng ta bận rộn trong thế giới người thường, để cuối cùng chỉ thấy dường như chúng ta đang vội vã tìm cách che đậy những thiếu sót của bản thân?

Con người bị đầu độc bởi những lời dối trá, và những đồng tu vẫn đang bị tra tấn và giết hại. Làm sao chúng ta lại hoàn thành những việc phải làm một cách ung dung tự tại?

Sư phụ giảng:

“Chư vị phải dùng [Pháp] lý siêu thường mà nhận định; [nhưng nếu] chư vị thấy [việc] sát nhân phóng hỏa mà không quản thì đó lại là vấn đề tâm tính; nếu không thì thể hiện người tốt sao được? Sát nhân phóng hỏa mà chư vị cũng chẳng quản, thì hỏi chư vị quản việc gì nữa đây?” (Chuyển Pháp Luân)

Nếu đến kết thúc tu luyện và vẫn còn “vị tư”, hãy thử nghĩ xem chúng ta còn cách bao xa yêu cầu “tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ). Sư phụ giảng cho chúng ta:

“Nếu là chính bản thân học viên [Đại Pháp] làm không tốt, thì không chỉ cựu thế lực, mà tất cả chư Thần trong vũ trụ đều không lượng thứ. Thời gian đối với chư vị, đối với vô lượng chúng sinh vũ trụ đều là khẩn bách rồi; có lẽ lời này của Sư phụ nói ra là nặng, nhưng những học viên hồ đồ thời gian lâu ấy, chư vị thật sự suy nghĩ nghiêm túc cho kỹ là đi đâu về đâu chưa?” (Gửi Pháp hội Châu Âu [2009])

Sư phụ cũng giảng:

“Dù sao đi nữa, làm đệ tử Đại Pháp mà giảng, tôi chính là muốn bảo chư vị này, chư vị cần phải biết trách nhiệm của chư vị trọng đại ngần nào, chứ không phải trò đùa trẻ con đâu. Việc này là đã tới cuối cùng rồi, cả tôi còn sốt ruột lắm, chư vị lại không coi ra sao cả, nhưng mà, cuối cùng dù khóc cũng đã muộn.”(Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Tôi không có ý phê phán bất kỳ đồng tu nào, và bản thân tôi cũng còn có nhiều thiếu sót. Tôi hy vọng chúng ta có thể làm mọi việc tốt hơn, như thế chúng ta sẽ ít bị tổn thất, ít ân hận và không để Sư phụ, chúng sinh cũng như bản thân phải thất vọng. Và như thế, chúng ta mới xứng đáng với thời khắc lịch sử huy hoàng này.

Xin vui lòng chỉ là những điều không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/30/384489.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/25/176617.html

Đăng ngày 24-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share