Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-04-2019] Trong số các đồng nghiệp của tôi, không có ai là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Một mặt, tôi phải phù hợp tối đa với người thường và thỉnh thoảng phải giữ sự cân bằng trong quan hệ với người thường. Mặt khác, bản thân là một học viên, tôi cảm giác rằng tôi cần phải phân định rõ ràng giữa đúng và sai. Vì thế, trong một thời gian dài, tôi đã không biết nên giải quyết vấn đề này như thế nào.

Gần đây, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Tôi nhận ra rằng, là một người tu luyện, tôi không nên lờ mờ về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn như vậy.

Lời nói nhất quán cũng chính là thể hiện của “Chân”. Ví dụ, để tránh mâu thuẫn, tôi thường hay giả vờ tỏ ra lịch thiệp và tốt bụng bề ngoài, dù có những lúc trong lòng tôi lại uỷ khuất. Khi tôi làm việc nhóm với người khác thì tôi làm việc chăm chỉ và nghiêm túc nhưng khi làm việc một mình thì tôi thường bê trễ. Ở nhà, tôi thực tâm đối xử tốt với con cái của mình nhưng tôi lại chỉ xã giao trên bề mặt với con dâu và con rể.

Tôi nhận ra rằng nhiều đồng tu cũng có vấn đề tương tự. Họ đều bị ảnh hưởng bởi các nguyên lý bị bóp méo trong xã hội hiện nay. Một số đồng tu không thể bình tĩnh khi đối mặt với mâu thuẫn nhưng vì cố gắng quan tâm đến cảm giác của người khác nên bề mặt không thể hiện ra bản thân đang khó chịu. Loại nhẫn vì nghĩ đến người khác này tôi nghĩ vẫn có thể coi là đáng khen nhưng hiện tượng mà tôi muốn nói đến thì không nằm trong phạm vi này. Tôi muốn nói đến những người cố tình che dấu bản chất thật sự của bản thân vì một mục đích nào đó. Dưới đây tôi muốn kể lại một việc nhỏ như sau.

Mâu thuẫn tại nơi làm việc bộc lộ chấp trước của tôi

Hai người quản lý ở công ty tôi có rất nhiều mâu thuẫn với nhau. Họ luôn chỉ trích lẫn nhau trong các cuộc họp. Một trong hai người họ thường xuyên gọi chúng tôi vào họp kín và yêu cầu chúng tôi phải đứng về phía của anh ấy để gây áp lực đến người quản lý còn lại.

Lúc đầu, tôi cảm thấy đây là mâu thuẫn của người thường và không liên quan gì đến tôi cả nên tôi tránh né. Khi người quản lý nói chuyện với tôi thì tôi cũng không bình luận gì thêm. Đồng nghiệp của tôi thì khác, một số thì hai mặt, trước mặt người này nói xấu người kia và ngược lại. Có những người thì tỏ rõ họ ở phe nào.

Lúc đó, tôi cảm thấy mình hành xử thật đúng. Không tham gia vào mâu thuẫn của người thường và không làm hại đến ai cả. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì người quản lý trực tiếp của tôi tỏ rõ thái độ không vừa ý với tôi. Anh ấy cảm thấy rằng bình thường bản thân đối xử tốt với tôi, luôn ủng hộ tôi trong công việc nhưng tôi thì không đứng về phía anh ấy trong sự việc này.

Thời điểm đó trong lòng tôi vô cùng bối rối, cảm thấy rằng làm người tốt sao mà khó thế, không tham gia cũng có thể đắc tội với người khác.

Khi tôi đọc đoạn Pháp sau của Sư phụ:

“Chúng ta mở miệng nói, đều [cần] chiểu theo tâm tính của người luyện công mà nói, không nói những lộng ngữ thị phi, không nói những lời bất hảo. Là người tu luyện cần chiểu theo tiêu chuẩn của Pháp mà nhận định bản thân mình, [lời] nào nên nói [lời] nào không. [Lời] nào nên nói, dùng Pháp nhận định thấy phù hợp với tiêu chuẩn tâm tính người luyện công thì không thành vấn đề; vả lại chúng ta còn phải giảng Pháp, tuyên truyền Pháp, do đó không nói nữa cũng không được“. (Bài giảng thứ Tám, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra sự né tránh của tôi không hẳn là đúng và có thể tạo ra rất nhiều sự hiểu lầm. Sự im lặng của tôi thực sự là một dạng tâm lý tự bảo vệ bản thân. Tôi đã cố hoà hợp với các đồng nghiệp và hạn chế tối đa những gì xấu có thể ảnh hưởng đến tôi. Tôi đã không “Chân”.

Sư phụ giảng:

“…khi [thấy] người khác có nảy sinh mâu thuẫn, [dẫu] là người thứ ba [ngoài cuộc] thì chư vị đều nên suy xét xem: ‘Tôi nên làm như thế nào cho tốt, đối với sự việc này nếu tráo đổi sang là tôi thì có thể giữ vững bản thân được không, có được như người tu luyện đối diện với phê bình và ý kiến hay không? (Giảng Pháp tại Los Angeles)

Tôi nhận ra rằng tôi luôn cố gắng thoát khỏi các mâu thuẫn nảy sinh trong người thường. Trên bề mặt là tôi không muốn tham gia nhưng thực ra tôi lại bị động tâm. Tôi cảm thấy cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn là hãy tự bảo vệ bản thân và không tham gia vào đó. Khi tôi hướng nội tìm, tôi nhận thấy mình thật ích kỷ – chỉ muốn bảo vệ bản thân mà thôi.

Sư phụ giảng:

“Tôi thường nói, cái tâm chư vị thật sự vì tốt cho người khác, không có chút nào tâm vị tư, thì lời chư vị nói ra có thể khiến người ta rơi lệ”. (Giảng Pháp tại Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới)

Là một người tu luyện, tôi sợ gì chứ? Chả lẽ tôi lại sợ “tình”?

Người quản lý lại tìm tôi nói chuyện. Tôi vứt bỏ hết tất cả mọi nỗi băn khoăn, lo lắng và chân thành nói với anh ấy: “Nếu anh và mọi người cứ như thế này thì sẽ rất dễ bị người khác lợi dụng mâu thuẫn để gây bất lợi. Anh đối đầu với người khác như thế này không những không cao minh mà ngược lại còn làm cho các đồng nghiệp đều cảm thấy khó xử. Nếu như mục tiêu của anh là vì làm tốt công việc thì chúng ta có thể cùng thảo luận việc nào ra việc đó. Nếu anh đúng thì chúng tôi sẽ ủng hộ anh. Nếu cô ấy đúng, thì tôi sẽ ủng hộ cô ấy. Nếu anh yêu cầu chúng tôi ủng hộ anh ngay cả anh sai, thì dù chúng tôi ngoài mặt có ủng hộ thì trong lòng cũng cảm thấy bất mãn”.

Lúc đó, nhìn thấy vẻ mặt của người quản lý không tốt lắm, có lẽ anh ấy cũng không nghĩ tôi sẽ thẳng thắn như vậy. Tôi thấy anh ấy ngồi trầm ngâm một lát rồi sau đó nói tôi cứ đi làm việc đi. Tôi nghĩ rằng cho dù những lời này khiến anh ấy không hài lòng thì tôi cũng sẽ không hối hận vì tôi chính là thực tâm vì muốn tốt cho anh ấy. Thay vì nói những lời phô diễn, chi bằng cứ nói vài lời từ đáy lòng, lý giải được hay không là ở anh ấy. Kết quả là, anh ấy đã cảm kích và nói lời cảm ơn tôi. Từ đó về sau, anh ấy thực sự rất trân trọng tôi, có việc gì cũng đều đến chia sẻ để nghe ý kiến của tôi.

Qua việc này, tôi ngộ ra rằng: đối đãi với người khác cần phải có tâm ý chân thật, cho dù xung quanh chỉ toàn người thường thì cũng không thể vì giữ hòa khí mà nói những lời trái với lòng mình, khẩu bất đối tâm. Như thế không những làm người khác không lý giải được mà ngược lại còn rơi vào cái bẫy phô diễn, không phù hợp với chữ “Chân” của người tu luyện.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/19/376136.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/3/177909.html

Đăng ngày 23-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share