Bài viết của Trí Chân
[MINH HUỆ 20-03-2012] Có câu cổ ngữ rằng: “Từ xưa cơ mưu sâu thì họa cũng sâu, chớ tham phú quý mà trái lương tâm. Như giọt nước mái hiên rơi không sai lệch, báo ứng rõ ràng từ xưa đến nay.” Một số gian thần trong lịch sử làm bại hoại kỷ cương triều chính, hoặc hãm hại bậc trung lương, hoặc thu vén vơ vét, cũng thường có những kẻ làm tất cả những việc như vậy, khiến người dân oán hận sôi sùng sục. Kết quả của những kẻ đó đều không có hậu. Ví như Thái Kinh và Nghiêm Tung năm xưa quyền hành nghiêng ngả quốc gia, xa hoa ham dục cùng cực, cuối cùng đều đến bước nghèo khổ đói khát mà chết. Hai thái cực trước và sau sai khác quá mạnh mẽ, so sánh quả là một trời một vực, bất giác khiến người ta nghĩ đến Thiên lý nhân quả báo ứng.
Sách “Hạc lâm ngọc lộ” của La Đại Kinh đời Tống ghi chép: “Có sỹ đại phu mua một người thiếp ở kinh thành, người này nói rằng là người ở bếp làm bánh bao của phủ thái sư Thái Kinh. Hôm sau lệnh cho người thiếp này làm bánh bao thì từ chối nói là không biết làm. Hỏi thì nói rằng: ‘Thiếp là người thái hành ở bếp làm bánh bao’.”
Thái sư Thái Kinh này chính là gian thần Thái Kinh đời Bắc Tống, đứng đầu trong “lục tặc” (6 tên giặc) trong triều đình Tống Huy Tông. Từ ghi chép của La Đại Kinh có thể thấy, trong bếp của phủ thái sư, có người chuyên thái hành. Ngay cả gia vị nấu ăn mà cũng có người chuyên làm như thế này thì có thể thấy phân công chuyên nghiệp chi tiết như thế nào. Từ đó có thể suy ra có không biết bao nhiêu là đầu bếp, phụ bếp, mua thực phẩm, tạp vụ. Có thể thấy Thái Kinh khi nắm quyền bính triều chính đã hủ bại trụy lạc, xa hoa dâm loạn đến mức như thế nào.
Khi Tống Huy Tông mới lên ngôi, vì danh tiếng Thái Kinh không tốt nên đã từng bị cách chức về cư trú ở Hàng Châu. Đúng lúc hoạn quan Đồng Quán đi xuống phương nam sưu tầm những tác phẩm thư họa quý hiếm, Thái Kinh bèn dốc sức lung lạc ông ta. Thái Kinh giỏi thư họa, đương thời rất có danh tiếng. Ông ta đem những bức thư họa và các bức vẽ bình phong, vẽ trên quạt của mình ra nhờ Đồng Quan tặng cho Tống Huy Tông, các cung tần và các hoạn quan. Ông ta đã dựa vào a dua xu nịnh như thế này để lại được làm tể tướng trở lại.
Thời kỳ Thái Kinh nắm triều chính 23 năm, là giai đoạn đen tối nhất của triều Bắc Tống. Việc xấu xa gì ông ta cũng làm, từ việc đón ý xu nịnh và đặt điều dựng chuyện, xây dựng các tuyến giao thông chuyên chở kỳ hoa dị thạch cho hoàng đế. Xây dựng cung Diên Phúc, đắp núi Vạn Thọ, tiêu phí rất nhiều tiền của công sức. Lập ra chế độ quản lý ruộng công “Tây thành quát điền sở”, trắng trợn vơ vét cướp ruộng đất của dân. Để bù đắp thiếu hụt tài chính, ông ta đã sửa đổi luật muối và luật trà, đúc 10 loại tiền lớn dẫn đến chế độ tệ nạn hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi. Đồng thời trong triều đình nạn mua quan bán tước, hối lộ công khai thịnh hành, dùng cân cân vàng để thăng quan, mọi người lưu truyền câu “3.000 xâu tiền được chức mật các, 500 quan tiền được chức thông phán”. Vì vậy phong tục trở nên suy đồi bại hoại, tham quan ô lại khắp thiên hạ, dân không biết dựa vào đâu mà sống.
Ông ta kết bè đảng mưu lợi cá nhân, hãm hại trung thần. Những người đến làm môn hạ của ông ta đều được thăng quan phát tài, thế nên một số kẻ cơ hội, loại vô liêm sỉ, a dua xu nịnh quyền thế đã tranh nhau đến xin làm môn hạ của ông ta. Những người không bè phái, không câu kết thì bị hãm hại vu cáo tội danh, hoặc bị giáng chức, hoặc bị giết hại. Như Thái miếu Trai lang Phương Chẩn dâng thư: “Thái Kinh làm nghiêng ngả xã tắc, trong lòng vô Đạo. Từ những năm Nguyên Phù đến nay, những trung thần nghĩa sỹ trong triều bị Thái Kinh hãm hại giáng chức lưu đày nhiều không đếm xuể. Có thể nói không ngày nào không xảy ra việc khiến người ta phẫn nộ. Nên khẩn cấp bãi quan phế truất để an quốc an dân.”
Phương Chẩn lập tức bị lưu đày. Thái Kinh bãi bỏ Giảng nghĩa ty, từ đó trở đi ông ta có thể độc đoán chuyên quyền, không cần giảng giải nghĩa lý, đạo lý gì nữa. Ông ta xúi dục Tống Huy Tông, ra chiếu lệnh đốt các bức tranh chân dung của Tư Mã Quang, Văn Ngạn Bác, Phạm Thuần Nhân v.v.. ở Cảnh Linh Cung, nơi triều đình Bắc Tống trưng bày chân dung các công thần. Ngoài ra còn cấm lưu hành văn tập của Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt và Phạm Tổ Vũ, Hoàng Đình Kiên v.v..
Năm 1125, quân Kim mang đại quân xâm lược xuống phía Nam, tiến quân đến thành Khai Phong, Tống Huy Tông truyền ngôi cho Tống Khâm Tông. Lúc này toàn quốc dâng tấu chương hạch tội Thái Kinh, nhiều như tuyết rơi. Thái học sinh Trần Đông dâng thư lên Tống Khâm Tông bản tấu chương có rất nhiều người cùng ký tên: “Hiện nay quân Kim sở dĩ thế mạnh như chẻ tre, áp sát thành Khai Phong, hoàn toàn là do Thái Kinh đã gây họa loạn cho quốc gia gây tai ương cho người dân mà ra, nên lập tức nghiêm khắc trừng trị gian thần Thái Kinh và đồng bọn.”
Tống Khâm Tông liền bãi chức Thái Kinh, lưu đày đến Thiều Quan vùng Lĩnh Nam, vĩnh viễn không được tái sử dụng.
Sách “Huy thần hậu ký” của Vương Thanh Minh đời Tống có ghi chép: “Ban đầu khi Nguyên Trường (tức Thái Kinh) bị đuổi đi, những người bán đồ ăn uống trong chợ, trên đường đều không muốn bán, thậm chí còn nhục mạ, không nơi nào không nguyền rủa. Cuối cùng đói khổ mà chết.”
Khi mới bị đi lưu đày Thái Kinh còn rất huênh hoang, ông ta đem những tài sản tiền của vơ vét được chất đầy một chiếc thuyền lớn, cho rằng chỉ cần có tiền là việc gì cũng có thể làm được. Nhưng ông ta đã nghĩ nhầm rồi. Đối với kẻ gian đại tham đại ác như ông ta thế này, trên đường từ Khai Phong đến Trường Sa dài 3.000 dặm, mọi người đều không ai bán cho ông ta đồ ăn uống, mà còn chửi rủa ông ta, không nơi nào không nguyền rủa. Đến Trường Sa không có chỗ nghỉ ngơi, đành phải vào một ngôi miếu hoang phía nam thành. Vừa bệnh tật vừa mệt nhọc, vừa đói lại vừa rét, đến lúc đó ông ta mới nói: “Thái Kinh ta đã bị mất lòng mọi người rồi, sao lại đến nông nỗi này.” Nói rồi ông ta viết: “81 năm chuyện cũ, 3 nghìn dặm không nhà, một thân một mình, người thân ruột thịt mỗi người một phương trời, ngóng trông đất Thần Châu mà rơi lệ. Kim Điện 5 lần bái tướng, Ngọc Đường 10 bận tuyên ma, nghĩ lại chuyện xưa những vinh hoa, đến nay đều thành mộng ảo.” Cuối cùng đến bước “đói khổ mà chết”.
Tương truyền Tứ đại gia thư pháp đời Tống là “Tô, Hoàng, Mễ, Thái” thì Thái chính là Thái Kinh, nhưng vì ông ta gian tà nên mọi người đổi thành Thái Tương.
Hơn 400 năm sau, gian thần Nghiêm Tung cũng nắm giữ triều chính hơn 20 năm, cũng làm chức tể tướng, cũng giỏi thư họa, và cũng có kết cục vận mệnh như vậy. Nghiêm Tung thân bại danh liệt, danh tiếng thư pháp của ông ta cũng bị chôn vùi vì ô danh gian ác của ông ta. Tương truyền sau này ông ta muốn đề biển tên cho các cửa hàng cửa hiệu đều bị cự tuyệt, ông ta đành nói tự trào lộng bản thân rằng: “Nhớ năm xưa khi ta viết chữ đề danh cho người, người người đến cầu xin mà không được, lấy làm vinh hạnh lắm. Còn hôm nay người ta chỉ sợ tránh ta không kịp, đau buồn làm sao.”
Nghiêm Tung là gian thần triều Minh, do giỏi a dua xu nịnh nên liên tiếp thăng quan tiến chức, làm thượng thư bộ lại, rồi đến tể tướng. Ông ta trộm quyền vơ lợi, dốc sức bài trừ người bất đồng, còn ăn chặn bòn rút quân lương, bỏ bê phòng thủ biên giới. Sau khi 70 tuổi ông ta đem quyền hành trong triều giao cho con trai là Nghiêm Thế Phiên xử lý. Hai cha con ông ta giúp kẻ ác, mua quan bán tước, nắm giữ việc tuyển chọn bổ nhiệm thăng chức các quan lại trong triều, quan tước bất kể lớn nhỏ đều có giá cả. Không xem danh tiếng năng lực quan lại ra sao, tất cả đều lấy tiền hối lộ của quan lại ra làm tiêu chuẩn. Kẻ hối lộ tiền tài lớn thì lập tức thăng quan hiển đạt. Các khoa, đạo, nha môn đều là tay chân tâm phúc của ông ta. Hoành hành bá đạo, vơ vét báu vật dẫn đến người ta nhà tan người chết vẫn cam lòng, khiến cho mọi người phẫn nộ.
Trong chương “Gian thần truyện” của “Minh sử” có ghi chép danh sách rất dài các đại thần bị Nghiêm Tung bức hại. Trong những đại thần này có người bị mất chức, có người bị bức hại đến chết, đều là do bất bình với hành vi cha con họ Nghiêm tham lam hối lộ bẻ cong phép nước nên đã bị ông ta hạch tội. Ví dụ như Binh bộ viên ngoại lang Dương Kế Thịnh, người được ca ngợi là đệ nhất trực ngôn can gián, đã dâng sớ “Xin giết tặc thần” hạch tội Nghiêm Tung, đã nghiêm khắc vạch tội Nghiêm Tung “5 gian 10 đại tội” rằng: “Làm bại hoại phép nước của tổ tông”, “trộm đại quyền của hoàng thượng”, “làm hỏng chuyện quân cơ quốc gia”, bài trừ trung lương, dùng người gian nịnh, tham ô nhận hối lộ, đố kỵ ghen ghét người hiền năng… Kết quả Dương Kế Thịnh bị Nghiêm Tung vu cáo giết hại. Tể tướng Hạ Ngôn là người chính phái, lòng dạ quang minh lỗi lạc, xử lý công việc nghiêm túc cẩn thận, rất có uy tín trong triều đình. Nghiêm Tung vừa hận vừa sợ ông vì ông đã nhiều lần vạch rõ bộ mặt chân thực hại nước hại dân của Nghiêm Tung. Nghiêm Tung thấy lôi kéo ông không được nên đã hãm hại ông đến chết.
Về sự tham lam thô bỉ của Nghiêm Tung, Vương Tông Mạo đời Minh đã viết trong sách “Hoàng Minh kinh thế văn biên” rằng:
“Tung nắm quyền bộ Lại, mỗi lần tuyển chọn ông ta đòi 20 người. Châu phán 300 lạng bạc, thông phán 500 lạng bạc. Các khu vực danh tiếng trong thiên hạ nghe theo sự lựa chọn của ông ta. Tung nắm quyền bộ Binh, mỗi lần tuyển chọn cũng đòi hơn chục người. Quản sự chỉ huy 300 lạng bạc, Đô chỉ huy 700 lạng bạc. Từ chỉ huy trở lên đến tổng binh thì ra giá hàng nghìn lạng bạc.”
“Như năm Kỷ Dậu (Năm Gia Tĩnh thứ 28), vì có người hạch tội, tự biết khó thoát tội nên Nghiêm Tung đã ngầm chuyển gia quyến về quê, các tài sản và đồ quý hiếm khác không thể đếm xuể. Nhưng nghe nói lúc xếp hàng, có người nhà xin kiểm đồ vàng bạc để ghi số liệu nhập kho. Phía trước để mấy chục chiếc bàn, Tung ngồi ở sau. Càng đem ra càng còn dư. Chỉ thấy tăng thêm bàn phía trước, còn ghế Tung ngồi cứ lùi lại phía sau, đến khi hết chỗ thêm bàn, do đó cũng không biết được con số là bao nhiêu.”
Sách này còn ghi chép:
“Cha con Tung quê gốc ở Viên Châu, có mua nhiều ruộng tốt nhà đẹp ở Nam Kinh, Dương Châu, tổng cộng mấy chục nơi, cho nô bộc Nghiêm Đông đứng ra làm chủ. Hai cha con Tung ức hiếp, chèn ép, vòi tiền, xâm chiếm, cưỡng đoạt khiến người dân oán hận đến xương tủy.”
“Con thứ của Vĩnh Thọ Cộng Hòa Vương là Duy Ý tranh ngôi đoạt vị với cháu là Hoài Tăng, nên đã hối lộ Tung 3000 lạng bạch kim.”
Khi gia đình Nghiêm Tung bị tịch thu tài sản, tổng cộng có bao nhiêu?
Sách “Thế tông thực lục” có chép: “Vàng có 32.960 lạng vẫn còn dư, bạc có 2.027.090 lạng vẫn còn dư, bộ khay chén bằng ngọc có 857 chiếc, vòng ngọc hơn 200 chiếc, vòng vàng đồi mồi hơn 120 chiếc, vòng vàng ngọc trai 33 chiếc, ấm chén bát đũa vàng hơn 2810 chiếc, bình long noãn 5 chiếc, mũ ngọc trai 63 chiếc, phủ đệ phòng ốc trên 6600 gian, ở 57 nơi, ruộng đất núi ao trên 27300 mẫu…”
Chỉ 2 mục đầu tiên đã tương đương với tổng thu nhập quốc dân của quốc gia trong 1 năm thời đó rồi. Thế nên người đương thời đều nói Nghiêm Tung nắm quyền quốc gia thực ra là “con buôn ở ngôi vị cao”.
Năm 1562 Minh Thế Tông căn cứ vào lời bản hạch tội cha con Nghiêm Tung của quan ngự sử Trâu Ứng Long, đại học sỹ Từ Giai và nhiều đại thần khác đã cách chức Nghiêm Tung, Nghiêm Thế Phiên bị xử trảm, tịch thu toàn bộ tài sản, gia tài. Nghiêm Tung không còn nhà trở về đành ăn xin ở nghĩa địa, chịu đói chịu rét, sau 2 năm thì bệnh chết.
Sách “Tứ khố toàn thư” đời Minh có chép: “Tung chết khi ăn xin ở nhờ nơi nghĩa địa, không có quan tài, cũng không người viếng.”
Nghìn vạn tiền tài nay ở đâu, ô danh còn lại vạn thu sầu. Kết cục vận mệnh của Thái Kinh, Nghiêm Tung để người đời lấy làm gương. Ác có ác báo, nhân quả khó thoát. Mọi người đều thấy khó thoát khỏi hình phạt và họa hoạn chốn thế gian, còn hình phạt của Thần linh thì không nhìn thấy được. Người làm quan cần tu thân tự giác kỷ luật, cần mưu cầu phúc lợi cho người dân, cần biết lẽ Trời, lương tâm mới là quan trọng nhất.
Một số quan chức Trung Cộng ngày nay không chỉ tham ô hủ bại, tham tiền tài bẻ cong pháp luật, họ còn theo bè lũ Giang Trạch Dân, La Cán cầm đầu bức hại học viên Pháp Luân Công. Những người này không hối cải thì kết cục còn thảm hại hơn Thái Kinh và La Cán nhiều. Ác báo của nhóm Vương Lập Quân và Bạc Lai Hy đã bắt đầu, còn có ác báo lớn hơn đang ở phía trước.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2012/3/20/文史漫談-從奸臣蔡京、嚴嵩的結局看因果-254423.html
Đăng ngày 25-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.