Bài viết của Xuất Phàm
[MINH HUỆ 22-02-2012] Sử Ngọc Hàm đời Thanh biên soạn cuốn “Đức dục cổ giám” có thu thập những câu chuyện chân thực do La Trinh đời Minh giảng thuật trong cuốn “Tịnh ý thuyết”. Nhân vật chính trong câu chuyện là Du Đô, người thiện lương triều Minh, những năm cuối đời đã sửa chữa lầm lỗi, tịnh hóa tâm hồn, nên đã thay đổi hoàn cảnh, cuối cùng được thiện báo.
Những năm Gia Tĩnh triều Minh vùng Giang Tây có một người họ Du tên Đô, tên tự là Lương Thần. Khi học tư thục, ông cùng hơn 10 người nữa sáng lập ra một xã đoàn gọi là Văn Xương, thề làm những việc thiện như trân quý chữ, phóng sinh, giới cấm sát sinh, trừ bỏ tà dâm, không phạm lỗi nói năng ác ý, đồng thời đã thực hiện được vài năm. Nhưng 7 lần thi hương ông đều trượt.
Vợ Du Đô sinh được 5 người con trai và 4 người con gái. Bốn người con trai chết yểu, chỉ còn lại một. Cậu con trai này rất thông minh, lòng bàn chân trái có hai nốt ruồi, hai vợ chồng coi cậu như châu báu, cực kỳ yêu quý. Nhưng khi cậu bé lên 8 tuổi chơi đùa trong làng rồi đi lạc mất, từ đó bặt vô âm tín. Bốn cô con gái thì 3 cô chết yểu, chỉ còn lại một. Người vợ cũng bởi vì các con chết yểu, mất tích nên thường khóc lóc, cuối cùng làm cho mù hai mắt. Du Đô bất đắc chí, càng ngày càng nghèo khổ. Khi nhàn rỗi thường tự phản tỉnh, ngẫm nghĩ mình không có lỗi lầm gì lớn, không biết tại sao lại bị Trời trừng phạt thảm hại thế này.
Từ tuổi 40 trở đi, vào dịp năm hết Tết đến hàng năm, Du Đô thường viết sớ văn rồi đốt, cầu xin Táo Quân có thể tấu bẩm tình cảnh của ông. Cứ như vậy 7 năm liền mà không có bất kỳ linh nghiệm nào. Đêm giao thừa năm ông 47 tuổi, trong nhà trống không chỉ có 4 bức vách, ông ngồi với người vợ mù và đứa con gái nhỏ.
Bỗng nhiên nghe thấy có tiếng gõ cửa. Du Đô cầm nến đứng lên mở cửa. Ngoài cửa là một cụ già đầu đội khăn xếp, mặc bộ đồ đen, tóc bạc hết nửa. Sau khi bước vào chắp tay chào vấn an xong, cụ ngồi xuống ghế, tự xưng họ Trương, từ phương xa đến. Nghe nói cả nhà Du Đô sầu khổ nên đã đến thăm an ủi.
Du Đô thấy người này ăn mặc nói năng khác với người thường nên tiếp đãi vô cùng cung kính. Trong lúc hai người trò chuyện, Du Đô nói về chuyện mình cả đời đọc sách hành thiện nhưng đến nay công không thành danh không toại, con trai con gái chết yểu, không đủ cơm ăn áo mặc. Đồng thời ông đọc cho cụ già nghe sớ văn chính ông viết nhiều năm nay cúng Táo Quân hy vọng Táo Quân sẽ tấu trình lên Ngọc Đế.
Cụ già họ Trương nói: “Ta biết chuyện gia đình ông đã nhiều năm rồi. Trong ý thức của ông, niệm ác quá nặng, chuyên môn truy cầu hư danh. Cái gọi là sớ văn đó cũng chứa đầy oán vọng, khinh nhờn Ngọc Đế, e rằng những trừng phạt phải chịu không chỉ có như thế này đâu.”
Du Đô vô cùng kinh ngạc nói với cụ già rằng: “Con nghe nói trong cõi hư vô kia thì thiện ác đều được ghi chép lại, không mảy may sai một ly. Con cùng các Nho sinh trong xã đoàn đã thề phải làm việc thiện, đồng thời cẩn thận thực hiện, sao lại có thể nói là chuyên môn cầu hư danh được?”
Cụ già họ Trương nói: “Vậy ông hãy nghe ta nói từng việc nhé. Ông nói là ‘trân quý chữ’, nhưng ông cùng các Nho sinh động tý lại dùng giấy đã viết dán phòng, bọc gói đồ và lau bàn ghế. Giấy có vết bẩn liền đem đốt. Ông nói là ‘phóng sinh’ thì cũng là văn vẻ bề ngoài, ở trong bếp trong nhà không lúc nào là không có tôm cua. Còn tội lỗi do ác khẩu thì không thể nào ghi chép hết. Ông nói năng sắc sảo, chê cười châm chọc, miệng lưỡi sắc như dao, xúc phạm quỷ Thần mà không tự biết. Còn chuyện tà dâm tuy không có việc thực như vậy, nhưng khi ông thấy phụ nữ xinh đẹp thì tâm nghiêng ngả khó kiểm soát, chỉ là chưa có tà duyên để thành sự thực thôi. Thế mà ông lại tự coi mình giản đơn chất phác, lấy cuồng vọng coi là chân. Ông thề làm nhiều việc thiện, mà còn như vậy thì những cái khác khỏi cần phải nói. Những sớ văn năm này qua năm khác ông đốt đó, tất cả đều trình lên Ngọc Đế cả rồi. Ngọc Đế đã lệnh cho Nhật Du sứ giả tra xét xem thiện ác của ông. Nhưng bao nhiêu năm chẳng có một việc thiện thực tế nào đáng được ghi chép. Trái lại thấy ông tâm niệm tham lam, dâm loạn, đố kỵ triền miên không dứt. Đề cao mình mà hạ thấp người, nhớ chuyện xưa, ngóng chuyện nay, ân oán thù địch chồng chất trong lòng. Những ý niệm ác độc như thế e rằng trốn tránh tai họa cũng không tránh kịp, thế mà vẫn còn cầu phúc báo gì nữa đây?”
Du Đô nghe xong kinh hoàng sợ hãi lắm phủ phục xuống đất nước mắt tuôn rơi cầu xin: “Cụ đã biết chuyện chốn u minh thì nhất định là Thần rồi. Cầu xin cụ rủ lòng cứu độ.”
Cụ già họ Trương nói: “Căn cơ tín Thần tín Phật của ông không sâu, những việc hành thiện không kiên trì bền lòng. Thế nên cả đời lời thiện việc thiện đều là qua quýt cho xong chuyện. Còn ác ý đầy lòng, vọng niệm loạn khởi, triền miên không dứt, không lúc nào không có những thứ ấy trong tâm thì lại rất chân thực. Như thế này mà vẫn hy vọng có phúc báo cũng giống như trồng cây gai mà lại hy vọng có lúa thơm, quả là quá mức hoang đường. Mong ông từ nay trở đi trừ bỏ những ý niệm tham lam, tà dâm, kiềm chế tính đố kỵ, trừ bỏ các loại vọng niệm, không mưu cầu được báo đáp danh vọng. Bất kể việc to nhỏ, không phân biệt khó dễ, hãy dốc sức thực hiện, cứ thực hiện kiên trì bền bỉ, cứ làm như thế lâu dài thì tự sẽ có hiệu nghiệm bất ngờ. Nhà ông rất thành kính với ta, do đó ta bảo với ông những ý này.”
Nói xong cụ đi vào nhà trong, đến chỗ đặt bếp thì bỗng nhiên biến mất. Du Đô ngộ ra cụ già vừa nãy chính là Thần tư mệnh, liền thắp hương khấu đầu bái tạ.
Hôm sau là ngày mồng một Tết, Du Đô cầu khấn Trời Đất, thề sẽ sửa chữa hết những lỗi lầm trước kia, dốc sức hành thiện. Ông tự đặt tên hiệu cho mình là Tịnh Ý Đạo nhân, lập chí trừ bỏ các loại vọng niệm. Từ đó trở đi mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ, mỗi ý niệm ông đều cẩn trọng như có quỷ Thần ở bên, không dám lừa dối, phóng túng. Hễ việc gì có lợi ích cho người khác, việc gì giúp ích cho sự vật, không phân biệt việc lớn nhỏ, không quản lúc bận rộn hay nhàn rỗi, không cần biết là có người hay biết hay không, không suy nghĩ sức mình có làm nổi hay không, tất cả ông đều đích thân thực hiện, làm cho đến khi nào thành công mới thôi. Ông thường dùng thuyết nhân quả báo ứng để giáo hóa mọi người. Đôn hậu, cần mẫn, khiêm nhường và nhẫn nại, thực hiện hết ngày này tháng khác. Dần dần đạt đến cảnh giới động thì vạn thiện kéo theo, tĩnh thì một niệm không động.
Cứ như thế 3 năm, Du Đô đã 50 tuổi rồi, đúng vào năm Vạn Lịch thứ 2 đời Minh, quan đầu triều là Thủ phụ Trương Cư Chính chuẩn bị tuyển chọn thầy dạy cho con trai, mọi người đều tiến cử Du Đô. Sau khi được tuyển chọn, Du Đô dắt vợ con đi Nam Kinh. Trương Cư Chính kính trọng phẩm đức của ông đã cho ông dạy ở trường Quốc học. Năm Bính Tý, tức năm Vạn Lịch thứ tư, Du Đô lên kinh dự thi khoa cử, năm sau đỗ tiến sỹ.
Một hôm Du Đô đến thăm Đại nội Thái giám Dương Công. Dương Công gọi 5 con nuôi ra bái chào. Một người trong đó tuổi 16, Du Đô xem mặt thấy cảm giác rất quen thuộc, bèn hỏi quê quán. Cậu thiếu niên đó nói: “Con là người Giang Hựu, thuở nhỏ đi nhầm xuống thuyền lương thực, lạc mất gia đình. Giờ đây chỉ còn nhớ được tên họ và tên làng thôi.”
Cậu bé nói tên họ và tên làng, Du Đô kinh ngạc bảo cậu tháo giày trái ra, lòng bàn chân trái vẫn còn hai nốt ruồi. Du Đô nói lớn: “Thì ra con là con trai của ta.”
Thái giám Dương Công cũng cực kỳ kinh ngạc. Lúc từ biệt Dương Công tiễn con nuôi cho theo Du Đô về nơi ông đang ở trong kinh thành. Về đến nhà, Du Đô vội vàng vào nhà trong nói với vợ. Vợ ông ôm con khóc lớn, nước mắt hòa máu rơi. Cậu con trai cũng vừa vui vừa buồn khóc, hai tay nâng mặt mẫu thân rồi liếm hai mắt mẹ. Hai mắt mẹ cậu liền sáng trở lại. Du Đô cũng vừa vui vừa buồn, chẳng muốn làm quan nữa, dâng sớ xin từ chức về quê cũ Giang Lăng. Trương Cư Chính ngưỡng mộ phẩm đức và đạo nghĩa của ông nên cũng tặng Du Đô rất nhiều tiền bạc để ông về quê.
Sau khi Du Đô về quê sinh sống, ông càng nỗ lực làm việc thiện hơn nữa. Con trai ông sau khi lấy vợ sinh liền 7 người con trai, đều nuôi dưỡng nên người, kế thừa truyền thống cày cấy đọc sách của nhà họ Du. Du Đô đã viết lại chuyện ông gặp Táo quân và việc sửa chữa lỗi lầm hành thiện của mình để giáo dục con cháu. Sau này ông thọ đến 88 tuổi. Người đương thời đều nói tất cả là kết quả do Du Đô chăm làm việc thiện được Trời báo đáp.
(Theo “Đức dục cổ giám” của Sử Ngọc Hàm đời Thanh)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2012/2/22/神傳文化-意淨無染-君子有終-253366.html
Đăng ngày 22-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.