Bài viết của Nhất Ngôn

[MINH HUỆ 09-02-2018] Hơn 300 năm trước công nguyên, Mạnh Tử đã khuyên răn người đời: Sinh nơi hoạn nạn, chết trong an lạc. Nhưng con người hiện đại thường bị khống chế bởi tính lười nhác, tham thú hưởng lạc mà tránh né khổ nạn. Kết quả sẽ bỏ lỡ cả cuộc đời.

Trong cuốn “Cáo Tử Hạ – Mạnh Tử” có chép rằng: Một trong số những vị Ngũ Đế thời thượng cổ là vua Thuấn được phát hiện trên cánh đồng hoang nơi nông thôn. Phó Duyệt, bậc hiền thần nổi tiếng thời Ân Thương cũng xuất thân từ một người thợ xây. Giao Cách, một trọng thần do Chu Văn Vương tiến cử cho Trụ Vương, cũng xuất thân từ quầy hàng bán muối và cá. Bào Thúc Nha tiến cử Quản Di Ngô (Tên thực là Quản Trọng, tên tự là Di Ngô) cho Tề Hoàn Công, vốn được phóng thích từ tay cai ngục, sau này ông cũng trở thành một trong những vị tể tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tôn Thúc Ngao, một danh tướng nước Sở Thời Xuân Thu cũng được đề bạt khi ẩn cư ven bờ biển (Khi cha bị giết, Tôn Thúc Ngao cùng mẹ lánh nạn nơi vùng biển phương xa). Thời Tần Mục Công có Bách Lý Hề vốn là một nô lệ, được chuộc về từ chợ nô lệ, sau này ông cũng rất được trọng dụng. (Bách Lý Hề bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt lại và giam giữ. Tần Mục Công nghe nói Bách Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước. Nhưng sợ rằng người nước Sở biết ông là người tài giỏi mà không cho chuộc, nên chỉ dùng năm tấm da dê mà chuộc ông về. Người đời do đó gọi ông là Ngũ Cổ Đại Phu nghĩa là Quan lớn năm tấm da dê).

Mạnh Tử nói khi Thiên thượng muốn giao trọng trách lên thân một người, chắc chắn trước tiên phải khiến nội tâm người ấy thống khổ, khiến họ lao tâm khổ tứ, khiến họ đói khát mà thân thể tiều tuỵ, khiến họ thiếu thốn tiền bạc, phải chịu đựng cảnh nghèo khó, khiến những việc họ làm không được thuận lợi, làm việc sai sót, rối ren, dùng những điều này khiến họ chấn động trong tâm, khiến tính cách họ thêm kiên cường, phát triển những tài năng mà trước đây họ không có.

Mạnh Tử cho rằng một người thường phạm phải sai lầm, như vậy sau đó mới có thể quy chính lại, tâm ý nghi hoặc, tư duy bế tắc, sau đó mới có thể nỗ lực phát triển. Tâm tình thể hiện trên nét mặt, biểu đạt trong giọng nói, mới có thể được người khác thấu hiểu. Lo nghĩ tai ương khiến con người phát triển, an dật hưởng lạc khiến con người diệt vong.

Ngày nay ở Trung Quốc, đời sống vật chất đã được nâng cao, rất nhiều người từ khi sinh ra hầu như không phải chịu chút khổ gì. Đa số đều là con một và đều lớn lên trong mật ngọt, dần dần dưỡng thành tính ích kỷ, bá đạo, ép buộc, lại càng không thể hiểu được đạo lý “Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”. Trong quan niệm của rất nhiều người, truy cầu hưởng lạc là điều đương nhiên. Họ coi những quan niệm như “Không làm mà hưởng”, “Một đêm thành danh”, “Hưởng thụ xa xỉ, phóng túng dục vọng cùng cực” thành xu hướng cho giá trị của con người. Rất nhiều người trẻ không muốn nỗ lực cống hiến mà thường oán trách. Khi gặp chút khó khăn trong cuộc sống hay phải làm thêm một chút việc, họ liền cảm thấy bất bình, cảm thấy rằng bản thân đang chịu thiệt thòi rất lớn.

Kỳ thực chịu khổ không phải là việc xấu. Trên thực tế, khổ nạn có thể giúp mài giũa ý chí của con người, giúp nội tâm trở nên mạnh mẽ, có thể thành đại sự.

Những việc hữu ích cho con người đa phần lại khiến họ không quá thoải mái. Ví dụ như dậy sớm tập thể dục dẫu vất vả nhưng lại có thể khiến thân thể khỏe mạnh. Khi cấp trên nghiêm khắc với cấp dưới, có thể khiến lòng người không vui, nhưng lại có thể giúp ta dưỡng thành thói quen làm việc nghiêm túc, hiệu quả cao. Quả là thuốc tuy đắng, nhưng dã tật, sự thật tuy mất lòng nhưng lại có lợi cho con người.

Tìm hiểu sâu xa hơn nữa, thì con người đều có nghiệp lực. Có nghiệp lực nên mới gặp khổ nạn, người ta trong khi chịu khổ mới có thể tiêu nghiệp. Nếu một người sống trên đời chỉ hưởng phúc, xưa nay không phải chịu bất kỳ nỗi khổ nào, đa phần kết cục đều rất thê thảm. Có câu nói vui rằng: “Có nạn sớm tiêu, có bệnh sớm trị, có khổ sớm chịu”, là việc tốt chứ không phải việc xấu.

Nguyên văn “Cáo Tử Hạ – Mạnh Tử”:

“Thuấn phát ư quyến mẫu chi trung, Phó Duyệt cử ư bản trúc chi trung, Giao Cách cử ư ngư diêm chi trung, Quản Di Ngô cử ư sĩ, Tôn Thúc Ngao cử ư hải, Bách Lý Hề cử ư thị. Cố thiên tương giáng đại nhiệm vu thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở y, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng. Nhân hằng quá, nhiên hậu năng cải; khốn vu tâm, hành vu lự, nhi hậu tác; trưng vu sắc, phát vu thanh, nhi hậu dụ. Sinh vu ưu hoạn, nhi tử vu an lạc dã.” (Đoạn này là thuộc về một chương trong sách Mạnh Tử, phần Hạ, trong chương Mạnh Tử Cáo Tử Thượng – Hạ. Cáo Tử là người đặt câu hỏi và thảo luận với Mạnh Tử trong các chương này)

Dịch nghĩa:

“Vua Thuấn xuất thân nơi đồng ruộng, Phó Duyệt được tiến cử từ khi còn là thợ xây, Giao Cách được tiến cử từ quầy bán cá muối, Quản Di Ngô (tức Quản Trọng) được tiến cử khi còn là binh sỹ, Tôn Thúc Ngao được cất nhắc từ vùng ven biển; Bách Lý Hề được tiến cử từ nơi chợ búa. Nên khi trời giao sứ mệnh trọng đại cho những người ấy, trước hết ắt phải làm khổ tâm chí họ, làm nhọc gân cốt họ, khiến thân xác họ đói khát, hao tổn thân họ, nhiễu loạn việc họ làm. Cho nên người ấy mới động tâm mà học cách nhẫn nại, làm giàu thêm những tài năng người ấy chưa có. Người ta thường lầm lỗi rồi sau đó mới có thể sửa đổi; thống khổ trong lòng, mới biết cân nhắc, toan tính về sau, vậy mới làm nên việc; biểu lộ trên nét mặt, phát ra trong tiếng nói, sau người khác mới thấu hiểu họ. Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/2/9/生于忧患-死于安乐-360603.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/3/8/168984.html

Đăng ngày 20-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share