[MINH HUỆ 01-10-2011]
11. Chiếc micro, cảnh quay rõ nét, trực diện Vương Tiến Đông
Khi quan sát kỹ cảnh Vương Tiến Đông ngồi đả tọa, chúng ta có thể thấy một chiếc micro ghi âm chợt nhô ra ở góc trái của khung hình. Chiếc micro này ở ngay trước mặt của Vương Tiến Đông. Góc quay nhanh chóng dịch sang bên phải để giấu đi chiếc micro đó. Với quan sát này, có thể khẳng định rằng máy quay đã được đặt ở ngay trước mặt Vương Tiến Đông – vị trí lý tưởng nhất để ghi hình. Dựa vào chi tiết tiếng hô to và rõ ràng của Vương Tiến Đông, chắc hẳn người quay hình phải đứng rất gần ông ta, vì nếu không thì sẽ không thể thu được âm thanh có chất lượng tốt như trong đoạn băng. Điều này cũng minh chứng rằng ngoài người mang túi đựng camera và quay hiện trường từ xa, còn có một người khác cũng đang ghi hình Vương Tiến Đông.
Những từ Vương Tiến Đông hô lên vào thời điểm ông ta tự thiêu được phát trên CCTV được ghi âm rõ ràng đến mức khoảng cách ghi hình chắc chắn phải trong phạm vi không quá 10 mét. Trừ phi các camera đã được đặt sẵn ở nơi xảy ra sự việc, bằng không, âm thanh và các cảnh quay chi tiết đã không thể ghi được hoàn hảo như vậy, vì từ đầu đến cuối sự việc kéo dài không quá một phút, theo các bản tin chính thức.
Một điểm đáng chú ý khác là, khi một phóng viên muốn phỏng vấn một người ở ngoài trời thì phải giữ chiếc micro ở ngay sát miệng người được phỏng vấn để tiếng của người đó nghe rõ hơn. Trên tivi, tiếng nói của Vương nghe rất to và rõ ràng.
12. Vài người khác nhau đóng vai Vương Tiến Đông
“Vương Tiến Đông” trong đoạn phim phát trên CCTV (Ảnh #2) không giống với Vương Tiến Đông trong ảnh chụp (Ảnh #1). Quan sát kỹ bức ảnh của Vương: dái tai sát đầu hơn và dáng tai dài, trong khi tai của người trong cảnh tự thiêu thì nhỏ và tròn hơn. Người đàn ông tự thiêu liệu có phải là Vương Tiến Đông thật hay không?
Người đàn ông trong tấm hình chụp tại một cuộc phỏng vấn của CCTV sau đó (Ảnh #3) cũng không giống với hai người kia.
13. Công nghệ nhận diện giọng nói chứng minh những người khác nhau đã đóng vai Vương Tiến Đông và Lưu Bảo Vinh trong các cuộc phỏng vấn
Vương Tiến Đông và Lưu Bảo Vinh là hai trong những “người tự thiêu”, đã xuất hiện trên CCTV trong nhiều cuộc phỏng vấn. Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã tiến hành một cuộc phân tích lời nói trên máy tính. Họ đưa ra kết luận rằng Vương và Lưu trong video đầu tiên với Vương và Lưu trong video thứ hai không phải là một.
Theo phát ngôn viên của WOIPFG, một nguồn tin đáng tin cậy ở Trung Quốc đã tiết lộ rằng Vương Tiến Đông trong vụ tự thiêu thực chất là một sỹ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
14. Cảnh quay không phải của CNN như CCTV tuyên bố
Truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng phóng viên CNN là người đã ghi lại những thước phim quay cận cảnh đó. Tờ Washington Post đã trích dẫn lời của ông Eason Jordan, giám đốc mảng tin tức của CNN, rằng “cảnh quay sử dụng trong các bản tin truyền hình Trung Quốc không thể nào là của CNN, bởi lẽ người quay phim của CNN đã bị bắt giữ gần như ngay sau khi vụ việc bắt đầu.” CNN không có cơ hội ghi bất kỳ một cảnh quay nào.
Tại sao cảnh sát lại ngăn cản CNN quay phim về sự việc này và tịch thu máy quay của họ? Chính phủ Trung Quốc sẽ không muốn CNN đưa chụp hình về sự việc này để nó không thể được phát sóng đi khắp thế giới?
Khi xem lại đoạn băng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, chúng ta có thể thấy một người đàn ông đeo túi đựng camera xuất hiện trong cảnh quay. Anh ta dường như đang quay lại toàn bộ vụ việc này ở cự ly rất gần. Anh ta là ai? Tại sao cảnh sát không ngăn anh ta lại như điều họ đã làm với các phóng viên của CNN.
Tại sao chính phủ Trung Quốc lại nói dối về nguồn gốc của cuốn băng ghi hình đó? Tại sao họ không tiết lộ nguồn gốc của những góc quay cận cảnh, kể cả trường hợp chúng được ghi lại bởi một cảnh sát tình cờ có mặt tại hiện trường vào ngày hôm đó?
15. ĐCSTQ ban đầu tuyên bố có năm học viên tham gia, sau đó sửa lại là bảy
Bản tin đầu tiên của Tân Hoa Xã đưa tin rằng có năm người đã tham gia vào vụ việc đó; nhưng một tuần sau, cơ quan này lại đưa tin có bảy người tự thiêu và trong đó có một bé gái 12 tuổi. Đáng chú ý là, một trong những phóng viên của CNN có mặt tại hiện trường chỉ nhìn thấy năm người và không hề có trẻ em.
16. Bé gái 12 tuổi hát sau khi phẫu thuật mở khí quản
Bà Lý Trì, Phó trưởng Khoa Bỏng của Bệnh viện Tích Thủy Đàm ở Bắc Kinh, lên tiếng sau sự việc: “Chúng tôi đã tiếp nhận bốn bệnh nhân, khí quản của họ đều bị thương nghiêm trọng do hít phải khói. Họ có nguy cơ bị tắc thở bất kỳ lúc nào. Vì vậy, chúng tôi vừa phải xử lý các vết bỏng trên da, đồng thời phải lập tức tiến hành phẫu thuật mở khí quản.”
Trong một ca phẫu thuật mở khí quản, một chiếc ống sẽ được đặt vào trong cổ họng bên dưới dây thanh âm để bệnh nhân có thể hít thở. Bệnh nhân không thể thở bằng miệng, và không khí không thể đi vào dây thanh âm và thanh quản, nên bệnh nhân không thể nói được. Người trưởng thành cũng phải mất nhiều ngày mới thích nghi được với tình trạng này, trẻ nhỏ lại càng cần nhiều thời gian hơn. Nếu một bệnh nhân thực sự muốn nói thì phải che chiếc ống đang mở lại, nhưng giọng nói phát ra sẽ không liên tục và không rõ ràng. Song, các bản tin về cuộc phỏng vấn nạn nhân 12 tuổi của Tân Hoa Xã lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
Bé gái Lưu Tư Ảnh đang trong tình trạng nguy kịch: khí quản đã bị cắt mở, mà cô bé vẫn có thể hát và nói chuyện với người phỏng vấn rất to và rõ ràng chỉ trong vòng bốn ngày. Đây là điều không thể xảy ra trong y học.
17. Lưu Tư Ảnh bị từ chối gặp gia đình và cái chết đầy uẩn khúc
Các nhà chức trách không cho phép bất kỳ phóng viên nào ngoài người của Tân Hoa Xã được phỏng vấn bé Tư Ảnh 12 tuổi, đồng thời họ cũng không cho bất kỳ người nhà nào của Tư Ảnh được vào thăm. Thậm chí, họ còn hăm dọa bà của cháu bé, khiến bà cụ sợ tới mức không dám nhận lời mời phỏng vấn của bất kỳ phóng viên nào.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm báo cáo rằng nguyên nhân cái chết của Lưu Tư Ảnh rất đáng ngờ. Cô bé đột nhiên tử vong vào ngày 17 tháng 3 năm 2001, khi đã sẵn sàng xuất viện. Một trong những nhân viên y tế đã điều trị cho Lưu Tư Ảnh tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm nói: “Lưu Tư Ảnh đột ngột tử vong vào thời điểm mà vết bỏng của cô bé đã ít nhiều lành lại, sức khỏe của cô bé về cơ bản đã phục hồi, và cô bé đã sẵn sàng xuất viện. Nguyên nhân cái chết của cô bé rất đáng ngờ.” Trong thời gian ngay trước cái chết của cô bé, kể cả thứ Sáu, ngày 16 tháng 3 năm 2001, một ngày trước khi cô bé qua đời, điện tâm đồ của Lưu Tư Ảnh và các xét nghiệm khác đều cho kết quả hoàn toàn bình thường. Sau đó, vào thứ Bảy, ngày 17 tháng 3 năm 2001, từ 11 giờ sáng đến 12 giờ đêm, bác sỹ đột nhiên phát hiện thấy Lưu Tư Ảnh rơi vào tình trạng nguy kịch và nhanh chóng qua đời. Bên cạnh đó, sáng ngày 17 tháng 3 năm 2001, từ 8 – 9 giờ sáng, giám đốc Bệnh viện Tích Thủy Đàm và trưởng Phòng Quản lý Y tế Thành phố Bắc Kinh đã đến thăm Lưu Tư Ảnh tại phòng bệnh và nói chuyện với cô bé một hồi lâu. “Lúc đó, Lưu Tư Ảnh vẫn đầy sinh khí và tỉnh táo”, theo báo cáo của nhân viên bệnh viện. Cuộc khám nghiệm tử thi của Lưu Tư Ảnh được thực hiện tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm, nhưng kết quả khám nghiệm lại do Trung tâm Cấp cứu công bố. Ngoài ra, kết quả khám nghiệm tử thi không hề tiết lộ bất kỳ kết luận nào về trường hợp này. Nó chỉ đưa ra tuyên bố chung chung rằng cái chết của cô bé có khả năng là do cơ tim của cô bé có vấn đề.
Trong những người bị cáo buộc là tự thiêu, Lưu Tư Ảnh là người có khả năng tiết lộ bí mật cao nhất bởi cô bé còn quá nhỏ để có thể bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa như với người trưởng thành. Người lớn có thể bị kết án tù hoặc cách ly với thế giới bên ngoài, ít nhất là tạm thời. Nhưng Lưu Tư Ảnh chưa đến tuổi giam giữ theo luật định. Do đó, việc giam giữ cô bé công khai sẽ có thể gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực, nhưng việc thả cô bé ra sẽ có thể khiến họ gặp nguy hiểm vì cô bé có thể lên tiếng, và sự thật sẽ bị lộ. Cách duy nhất để có thể đảm bảo cô bé im lặng và tránh tiết lộ bất kỳ bí mật nào với công chúng là giết cô bé.
18. Thiết bị chữa cháy đột nhiên xuất hiện trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày xảy ra vụ tự thiêu
Ngày 16 tháng 2 năm 2001, chương trình Bản tin Tối Bắc Kinh đưa tin “có 3 hay 4 cảnh sát dập lửa cho mỗi người tự thiêu.” Tổng cộng, họ có khoảng 25 thiết bị chữa cháy.
Câu chuyện này có sự khác biệt đáng kể so với chương trình được CCTV phát sóng. Chương trình của CCTV cho thấy chỉ có hai xe công an ở hiện trường. Cảnh sát đi tuần trên quảng trường thường không mang theo thiết bị chữa cháy, và thước phim không cho thấy bất kỳ thiết bị chữa cháy nào được trang bị sẵn trên Quảng trường Thiên An Môn. Ở Bắc Kinh, tòa nhà gần nhất với Đài Tưởng niệm Anh hùng Nhân dân (nằm ở trung tâm Quảng trường Thiên An Môn) cách đó ít nhất 10 phút đi bộ. Vậy, cảnh sát lấy đâu ra thiết bị chữa cháy, mà lại nhanh đến vậy? Tại sao hai chiếc xe cảnh sát chở 25 thiết bị chữa cháy lại đi tuần trên Quảng trường Thiên An Môn? Phải chăng họ cho rằng ngày hôm đó sẽ phải dập lửa tại quảng trường?
19. Bình cứu hỏa không phải là loại thông thường mà công an vẫn sử dụng
Trong đoạn phim, bình cứu hỏa sử dụng trong vụ tự thiêu là loại tương tự như bình cứu hỏa cỡ lớn hơn dùng trong các tòa nhà, dài khoảng một cánh tay của người trưởng thành. Bình cứu hỏa trong xe tuần tra IVECO lại là loại nhỏ hơn, dài khoảng bằng cẳng tay của người trưởng thành. Như vậy, khả năng những chiếc bình cứu hỏa đó đã được mang đến từ trước.
20. Người phụ nữ uống nửa chai xăng vẫn sống để kể về sự việc đó
Một người được cho là tự thiêu khác là Lưu Bảo Vinh, không hề được đề cập đến trong bản tin đầu tiên của Tân Hoa Xã, và không có cảnh quay nào cho thấy cô ta đã ở trên Quảng trường Thiên An Môn. Cô ta tuyên bố rằng mình đã chuẩn bị tự thiêu, song lại đổi ý vào phút chót khi thấy những người khác bốc cháy. Trong video phỏng vấn, cô ta nói: “Tôi đã uống nửa chai xăng, và định đổ nốt chỗ xăng còn lại lên mình.”
Với mỗi nửa cân trọng lượng cơ thể, chỉ cần uống 3ml (1/10 ounce) xăng đã đủ để gây tử vong. Với cân nặng của Lưu, nửa chai xăng cũng đủ để cướp đi tính mạng của cô ta.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/1/128478.html
Đăng ngày 08-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.