[MINH HUỆ 5-2-2001]

Bài viết của Philip Pan

[Ban Biên tập: Sau vụ tự thiêu vào ngày 23 tháng Giêng năm 2001, cơ quan ngôn luận của Chính quyền Trung Quốc, Tân Hoa Xã, đã đưa ngay một bản tin về vụ việc hoàn toàn quy kết rằng các học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu. Việc này trái ngược hoàn toàn với cách thức xử lý thông tin ở Trung Quốc, khi mà các quan chức cấp cơ sở báo cáo lên cấp cao hơn, cao hơn cho đến khi quan chức chóp bu cho phép đưa tin. Ngay sau khi thông tin được công bố, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York đã phát hành một thông cáo báo chí vào sáng ngày 23 tháng Giêng (theo giờ miền Đông Hoa Kỳ) lên án Tân Hoa Xã vì đã loan truyền những tuyên bố vô căn cứ và bôi nhọ Pháp Luân Công. Trung tâm cũng kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cho phép truyền thông thế giới và các nhóm nhân quyền quốc tế điều tra vụ việc để làm rõ tình hình.

Một tuần sau, CCTV, kênh truyền hình chính thức của Chính phủ Trung ương Trung Quốc, chiếu đi hình ảnh thương tâm về bé gái Lưu Tư Ảnh bị bỏng nghiêm trọng. Mẹ em, cô Lưu Xuân Linh đã chết do tự thiêu. Chính phủ đã gia tăng chiến dịch chống Pháp Luân Công bằng cách ép buộc tất cả mọi công dân phải ký vào một bản chỉ trích Pháp Luân Công. Họ đã sử dụng hình ảnh của em Lưu để khơi dậy sự hận thù của công chúng đối với Pháp Luân Công, khiến cho người dân Trung Quốc đấu tranh lẫn nhau. Kiểu kích động người dân đấu tranh lẫn nhau này là một trong những chiến thuật chính được dùng đến trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc hàng chục năm trước.

Ngày 4 tháng 2 năm 2001, tờ Washington Post công bố một báo cáo điều tra nổi bật ở trang đầu với tiêu đề: “Ngọn lửa tự thiêu soi tỏ tấm màn đen tối của Trung Quốc – Động cơ của màn tự thiêu nơi công cộng là để gia tăng đấu tranh với Pháp Luân Công.” Bài báo cung cấp một số dữ kiện gồm những dữ kiện như sau:

* Lưu Xuân Linh không phải là người quê gốc ở Khai Phong và kiếm sống bằng nghề tiếp viên ở một hộp đêm.

* Thi thoảng Lưu Xuân Linh vẫn đánh đập mẹ già và con gái.

* Không ai từng thấy cô Lưu tập các bài công pháp Pháp Luân Công


Philip P. Pan

Ban Ngoại quốc của tờ Washington Post

Chủ nhật, 4 tháng 2 năm 2001

Khai Phong, Trung Quốc – Có một khu vực ở mạn đông của một thành phố đã từng là thành thị phồn hoa có tên gọi là Bình Quả Viên (Vườn Táo), nhưng ở đây không có cây táo nào, chỉ có những khu nhà bê tông xám xịt và từng đám những người đàn ông thất nghiệp la cà trên dãy phố bụi bặm. Tại đó, trong căn hộ tầng 4 của Tòa nhà số 6, là nơi Lưu Xuân Linh cùng con gái 12 tuổi Lưu Tư Ảnh sinh sống.

Người mẹ là một người trầm lặng sống nội tâm, một mình nuôi cô con gái học lớp 5 hoạt bát luôn tươi cười chào hỏi mọi người. Những người hàng xóm nhớ lại rằng Lưu Xuân Linh có vẻ gì đó buồn buồn và là lạ, rằng đôi lúc cô đánh con gái, rằng cô đuổi người mẹ già đi, rằng cô làm việc trong một hộp đêm và bám lấy đàn ông để kiếm tiền.

Nhưng không một ai cho rằng cô Lưu, 36 tuổi, từng đi theo phong trào tinh thần bị cấm, Pháp Luân Công. Và cũng chẳng có ai chú ý đến việc cô cùng con gái biến mất từ khi nào.

Và rồi, họ xuất hiện trên truyền hình quốc gia, cả thân người họ chìm trong lửa vàng ở Quảng trường Thiên An Môn. Trong cảnh quay, Lưu Tư Ảnh nằm trên cáng, mặt và môi của em cháy đen, miệng rên rỉ kêu: “Mẹ, mẹ”. Theo như bản tin đưa tin, mẹ em đã chết.

Điều gì đã khiến mẹ con cô Lưu cùng ba người nữa, từ một thành phố ở miền trung tỉnh Hà Nam, cách Bắc Kinh 350 dặm về phía Nam, lại đổ xăng lên người mình, rồi châm lửa tự thiêu vào ngày 23 tháng Giêng, ngày Tất niên của Tết Nguyên đán vậy?

Có một cuộc chiến dữ dội đang diễn ra đằng sau câu hỏi đó, với 5 người lần lượt vào vai nạn nhân của […], những người chân chính đứng ra phản đối một chính quyền hà khắc hay những con người tuyệt vọng bị gạt ra ngoài lề của một xã hội đang nhanh chóng thay đổi.

Đảng Cộng sản đương quyền đã phát động một chiến dịch toàn diện để lợi dụng vụ việc này nhằm chứng minh cho tuyên bố rằng Pháp Luân Công là một […], khiến công chúng ở Trung Quốc và hải ngoại quay lưng lại với một nhóm đã bị cấm từ 18 tháng trước, và đã cố gắng đàn áp họ, nhiều khi là với những thủ thuật tàn bạo.

Mỗi sáng và mỗi tối, kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát, lại tiến hành một chiến dịch công kích mới nhắm vào Pháp Luân Công, và người dẫn dắt nhóm tập vốn đang định cư ở Mỹ, ông Lý Hồng Chí. Các trường học được ra chỉ thị “giáo dục” học sinh về nhóm này. Các cuộc họp bàn được tổ chức ở các nhà máy, cơ quan và trường đại học. Các lãnh đạo tôn giáo ở tận những nơi xa như Tây Tạng cũng có những bài thuyết giảng lên án theo kịch bản. Ở Khai Phong, bưu cục đã phát hành một loại con dấu phản đối Pháp Luân Công và 10.000 người đã ký vào một bản kiến nghị tập thể phản đối nhóm tập.

Trung Quốc cũng đã viện đến sự vụ này để gây áp lực ép Hồng Kông cấm Pháp Luân Công, thử nghiệm sức mạnh của thể chế “một đất nước, hai chế độ” khi trao quyền tự chủ cho một nơi trước vốn là thuộc địa của Anh. Pháp Luân Công tồn tại hợp pháp ở Hồng Kông, nhưng cảnh sát trưởng của khu tự trị hôm thứ Năm đã cảnh báo rằng cảnh sát có ý định sẽ theo dõi sát sao các hoạt động của nhóm.

Những người đứng đầu của Pháp Luân Công khẳng định rằng mẹ con cô Lưu và những người đồng hành không phải là thành viên của môn tập, mà […]. Họ nói rằng Pháp Luân Công cấm chỉ cả bạo lực và tự sát và gợi ý rằng có lẽ chính phủ đã dàn dựng vụ việc.

Các nhà hoạt động nhân quyền khác nói rằng 5 người đó đã tự thiêu để phản đối việc chính quyền đàn áp Pháp Luân Công, dẫn đến hàng nghìn người bị bắt giữ và có tới 105 người bị chết trong thời gian bị cảnh sát giam giữ. Theo Trung tâm thông tin Nhân quyền và Dân chủ đặt tại Hồng Kông, ngoại trừ bé Lưu Tư Ảnh 12 tuổi, tất cả những người này trước đây đều đã từng phản đối những động thái của Bắc Kinh đối với Pháp Luân Công ở Quảng trường Thiên An Môn.

Ở Trung Quốc có một truyền thống tự sát vì động cơ chính trị. Thời đầu của triều đại cuối cùng của Trung Quốc, vào những năm 1640, hàng trăm người đã thà tự sát còn hơn phải sống dưới ách cai trị của Mãn Châu. Hơn 250 năm sau, một số sinh viên đã tự sát để phản đối việc triều Thanh từ chối thiết lập một chính thể cộng hòa. Gần đây nhất, vô số người Trung Quốc đã tự kết liễu để tránh bị ngược đãi trong thời Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.

Nhưng hiếm có tiền lệ nào là tự thiêu ở nơi công cộng. Ở Khai Phong, một thành phố với dân số 700.000 người đã từng là kinh thành của Trung Quốc và một trong những thành phố đông dân nhất thế giới vào thời điểm chuyển giao của thiên niên kỷ, hầu hết người dân đều nhìn nhận mơ hồ về việc làm của cô Lưu và những người khác.

“Họ đã làm ô nhục Khai Phong và họ đã làm ô nhục Trung Quốc trước toàn thế giới. Đúng là quá đáng!” Thang Thiệu Hoa, tầm 60 tuổi, chủ cửa hàng hoa quả cách nhà cô Lưu một góc phố, nói.

Nhưng ngay cả ở Khai Phong, có dấu hiệu cho thấy chiến dịch tuyên truyền của chính phủ đã phần nào mất hiệu lực. Một vài người dân thể hiện sự mệt mỏi trước cuộc tấn công nhắm vào Pháp Luân Công.

“Tôi không nói là tôi không tin chính phủ, mà tôi cũng không nói là tôi tin họ.” Cô Liêu Hiểu Vũ, 39 tuổi, nói khi đang làm sủi cảo ở khu chợ đêm nhộn nhịp ở Khai Phong. “Chính phủ kiểm soát tin tức mà. Giờ thì tất cả chúng ta đều biết rồi.”

Tài xế taxi Vương Chiêu Huy nói anh tin Pháp Luân Công là một tôn giáo như bất kỳ tôn giáo nào, và rằng sẽ thật bất công khi lên án một nhóm với hàng triệu người theo tập vì hành động của 5 người. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc đàn áp Pháp Luân Công chắc chắn sẽ có hiệu quả ngược, anh nói.

“Trung Quốc giờ khác rồi, và họ không thể bắt giam tất cả mọi người có tín ngưỡng nào đó như vậy,” anh nói. “Việc đó sẽ chỉ làm tình hình tệ hơn thôi.”

[…]

Cũng giống như những nơi khác còn lại của Trung Quốc, Khai Phong đã chứng kiến sự hồi sinh của mọi loại tôn giáo khi mà lý tưởng cộng sản đã mất đi sức hút của nó. Hơn một chục năm qua, một số lượng đông người dân đã chuyển sang theo Thiên chúa giáo, Phật giáo, Đạo giáo – và Pháp Luân Công. Trước khi nhóm bị cấm, hàng trăm người đã tập thiền ở các công viên của thành phố.

Pháp Luân Công đã thu hút người dân Trung Quốc thuộc đủ mọi tầng lớp – đảng viên, quân nhân lâu năm, công chức, giáo viên và hàng triệu người sống bên lề của xã hội. Ở Khai Phong, nơi mà nhiều nhà máy bị đóng cửa, và nền kinh tế bị suy thoái, nhiều người đang tìm kiếm cho mình một tín ngưỡng nào đó.

Truyền thông nhà nước nói rất ít về lý do 5 người tự thiêu theo tập Pháp Luân Công. Bắc Kinh từ chối đề nghị phỏng vấn Lưu Tư Ảnh và ba người còn sống sót, vốn đã phải nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng. Một quan chức ở Khai Phong nói rằng chỉ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Tân Hoa Xã mới được phép nói chuyện với người nhà hay đồng nghiệp của họ. Một người đàn ông ra mở cửa nhà cô Lưu đẩy tất cả mọi chất vấn cho chính phủ.

Nhưng những người hàng xóm của Lưu Xuân Linh ở Bảo Bình Viên mô tả cô là một người phụ nữ có cuộc đời trắc trở và có vấn đề về tâm lý. Truyền thông nhà nước xác nhận bà Hác Tú Trân, 78 tuổi, là mẹ nuôi của cô. Hàng xóm nói rằng họ vẫn thường cãi lộn trước khi cô Lưu đuổi bà ra khỏi nhà hồi năm ngoái.

“Cô này có vấn đề gì đó không ổn,” Lưu Mẫn, người hàng xóm 51 tuổi nói. “Cô ấy đánh mẹ, rồi bà mẹ kêu khóc. Cô ấy cũng đánh cả con gái nữa.”

Cũng có thắc mắc về việc cô Lưu làm gì để kiếm sống và bố của con gái cô ở đâu. Hàng xóm cho biết cô Lưu không phải người gốc Khai Phong, và rằng một người đàn ông ở phía Nam tỉnh Quảng Đông chu cấp tiền thuê nhà cho cô. Những người khác, gồm cả Ngụy Kiếm, 22 tuổi, nói rằng cô Lưu làm việc ở một hộp đêm ở địa phương và được trả tiền để ăn uống và nhảy với khách hàng.

Chưa ai từng thấy cô tập Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2001/2/5/7711.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2001/2/5/4783.html
Đăng ngày 25-4-2017: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share