Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 29-1-2019] Một lần ở chỗ làm, nhiều đồng nghiệp nói nhỏ với tôi rằng người phụ trách trực tiếp mà tôi phải báo cáo công việc, đang đi hỏi về cách làm việc của tôi và lấy ý kiến của mọi người về vấn đề này. Cô ấy cũng thể hiện thái độ không hài lòng khi tôi không thực hiện công việc theo phương pháp của cô ấy, nhưng cô ấy không hề quan tâm đến thực tế rằng tôi là người mới vào làm. Tất cả các đồng nghiệp khác đều khuyên tôi nên nghe lời hơn và làm theo chỉ dẫn của cô ấy.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình có vấn đề, vì tôi không vô lễ hay có gì đó quá mức. Tôi thấy rằng phương pháp của cô ấy chưa phải là tối ưu. Nhưng rồi tôi bỗng nhớ đến lời giảng của Sư phụ:

“…Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma”
(Thùy thị thùy phi, Hồng Ngâm III)

Tạm dịch:

Ai thị ai phi (ai đúng ai sai)
“…Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa”

Mặc dù vậy, tôi vẫn khó chịu vì cô ấy không trực tiếp nói với tôi mà lại nói sau lưng.

Sư phụ giảng:

“Ví dụ, như có người kia, vừa đến cơ quan liền nghe thấy hai người khác nói lời xấu về mình, nói rất khó nghe, liền cảm thấy rất bực mình. Tuy nhiên chúng tôi đã giảng rằng, là một người luyện công, thì cần làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, dùng tiêu chuẩn cao mà yêu cầu bản thân. Người ấy liền nghĩ: ‘Sư phụ đã dặn rồi, người luyện công chúng mình chẳng giống như người ta, cần có phong thái cao [mới được]’. Người ấy bèn không tranh cãi với hai vị kia. Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Đúng như Sư phụ giảng “…[nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” Chưa đầy hai ngày sau, khi cấp trên tới chỗ chúng tôi kiểm tra, người phụ trách này đã kéo một vị lãnh đạo qua một bên để nói về việc tôi thiếu nghe theo chỉ dẫn, trong khi nói thì chỉ tay về phía tôi. Điều đó thực sự khiến tôi không nhẫn được nữa, vì vậy tôi đã tìm một vị lãnh đạo khác để nói rõ sự tình. Vị lãnh đạo này bảo tôi rằng người phụ trách kia đã nói chuyện với bà rồi. Bà ấy nói rằng mình thực sự không đồng ý với phương pháp làm việc của người phụ trách kia và khích lệ tôi cứ theo cách làm của mình. Lúc này tôi thấy dương dương tự đắc, mà không ý thức được đây là biểu hiện của tâm tự mãn. Sau đó tôi nghe tin rằng người phụ trách của tôi không quan tâm đến việc này nữa vì cô ấy không hề có được ủng hộ từ lãnh đạo cấp trên. Thậm chí cô ấy nói với tôi rằng cô ấy cũng đang học hỏi như tôi.

Tuy nhiên, tôi không khống chế được tâm hiển thị. Khi các đồng nghiệp khác hỏi tôi về chuyện đã xảy ra, tôi nhanh chóng thể hiện cho họ thấy mình độ lượng như thế nào khi không quá chú ý đến chuyện này và khoe khoang về sự đồng tình của các lãnh đạo cấp trên đối với cách làm việc của tôi.

Buổi tối hôm đó, có một vết loét lớn xuất hiện trong miệng khiến tôi vô cùng đau khi ăn hoặc đánh răng. Lúc này tôi mới nghĩ tới việc hướng nội tìm. Tôi nhận ra mình có tâm tự mãn, hiển thị và xem thường người khác. Tôi tự mãn rằng bản thân chỉ mới bắt đầu công việc có hai năm nhưng lại làm tốt hơn người giám sát đã có thâm niên tới 10 năm.

Vết loét trong miệng không xuất hiện ngẫu nhiên. Tôi ngay lập tức phát chính niệm để loại bỏ những chấp trước ẩn giấu và xin Sư phụ tha thứ. Ngày hôm sau, vết loét đó biến mất.

Tôi sớm quên cái cảm giác đau kia và quên rằng nó đã xuất hiện như thế nào. Đôi lúc tôi không thể giữ mình và khi nói chuyện với một số đồng nghiệp thân thiết, tôi vẫn bàn tán về chuyện này. Kết quả là, một tuần sau, răng khôn của tôi bị xiêu vẹo và lợi tôi rất đau. Tôi vô cùng đau mỗi khi nói chuyện, ngáp hay ăn. Tôi cố gắng nói chuyện với cái răng đau của mình, bảo nó đừng xiêu vẹo nữa để tôi không phải nhổ nó đi. Tôi bảo nó rằng nó và tôi có duyên phận đặc biệt trong đời này và nó cần nhớ rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo. Trước đây tôi có nói tương tự với những chiếc răng khôn khác khi chúng có vấn đề và ngày hôm sau thì vấn đề đó đã biến mất.

Tuy nhiên, cơn đau càng ngày càng tệ hơn và thậm chí tôi bắt đầu hỏi tư vấn xem nhổ nó đi tốn bao nhiêu tiền. Nhưng sau đó tôi nhớ ra rằng Đại Pháp là không gì không thể và rằng đây có thể là điểm hóa của Sư phụ để tôi thấy thiếu sót trong tu luyện của mình.

Hướng nội thật sâu, tôi phát hiện ra vấn đề bắt nguồn từ thái độ của tôi đối với người phụ trách và tôi đã không tu khẩu. Vấn đề là từ đầu đến cuối, trong sâu thẳm tôi vẫn tin rằng mình đúng và mình là nhân viên có năng lực hơn bởi tôi có nhận thức tốt hơn và có sự ủng hộ từ các đồng nghiệp. Tôi không phục và do đó không vui với tất cả trong khi vờ như đang đặt mình dưới người phụ trách – Như lời mẹ tôi nói: “Ngay từ nhỏ, con chưa bao giờ có thể chịu đựng bất cứ chuyện gì trái với mong muốn của mình.”

Khi ấy tôi nghĩ đó là một lời khen, nhưng kỳ thực thì đó lại là một tính xấu – khả năng nhẫn chịu của tôi kém. Tôi không hiểu được tại sao mọi người ở chỗ làm phải nói vòng vo khi họ nói chuyện với người phụ trách của tôi về sự việc, trong khi bản thân cô ấy không bao giờ thừa nhận mình sai trong chuyện này. Điều này chỉ cho tôi thấy rằng mình cũng có cách cư xử giống như vậy – khăng khăng rằng mình luôn đúng. Tại sao tôi cảm thấy bất công khi phải liên tục xin lỗi người phụ trách? Tại sao tu luyện lại khó như vậy? Lúc này Sư phụ nhắc nhở tôi:

“Thật ra tu luyện không khó, khó là khó ở chỗ tâm người thường không vứt bỏ được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Điều gì mà tôi vẫn chưa buông bỏ được? Đó là tư tâm. Luôn là bản thân tôi – tôi bị đối xử bất công. Tôi đúng, có năng lực hơn và tốt hơn cô ấy, v.v. Trong tu luyện, chúng ta muốn trở thành sinh mệnh giác ngộ vô tư vô ngã, cho nên chúng ta không thể theo cách của cựu vũ trụ. Tôi phải cân nhắc rằng người đồng nghiệp phụ trách tôi, cô ấy cũng có áp lực về trách nhiệm của mình với cấp trên nữa. Thay vì kiêu ngạo, tôi nên khiêm tốn hơn trong vai trò của mình như là một cấp dưới còn thiếu kinh nghiệm.

Khi tâm tính chuyển biến, tôi bắt đầu thấy được nhiều ưu điểm của cô ấy mà tôi có thể học hỏi. Mặc dù cô ấy không có năng lực bằng tôi ở một số phương diện, nhưng điều đó có thực sự quan trọng không?

Những ngày tiếp theo ở chỗ làm, tôi kiểm soát bản thân mỗi khi muốn mở miệng nói xấu người phụ trách. Tuy nhiên, sự thôi thúc muốn nói chưa biến mất hoàn toàn, nhưng tôi biết đó không phải tôi muốn nói xấu đồng nghiệp, mà là nghiệp lực đang khởi tác dụng. Tôi phải dùng toàn bộ sức mạnh ý chí của mình để tu khẩu, để những lời lẽ xấu xa không thoát ra ngoài. Vậy nên, tôi đã giữ một khoảng cách nhất định với tất cả đồng nghiệp của mình. Sau đó, răng tôi không còn đau nữa.

Qua trải nghiệm này, tôi minh bạch rằng việc tu tâm của chúng ta là một quá trình liên tục. Khảo nghiệm tâm tính sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau, để chúng ta buông bỏ tận gốc những chấp trước và quan niệm người thường mạnh mẽ và tiến lên trên con đường tu luyện của bản thân.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/1/29/380985.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/2/24/175945.html

Đăng ngày 30-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share