Bài viết của Trí Chân, Đường Phong chỉnh lý
[MINH HUỆ 09-04-2012] Gia huấn cũng được gọi là gia quy, đình huấn v.v… Người xưa vô cùng coi trọng giáo dục gia đình lấy tu thân làm chính, cho rằng ‘Con không dạy, lỗi của cha’ (nguyên văn: ‘Tử bất giáo, phụ chi quá’). Kế thừa đạo đức và văn hóa là một trong những nội dung chủ yếu của ‘Tề gia’. Nội dung gia huấn cổ đại vô cùng phong phú. Trong văn hóa truyền thống vốn đã có những mỹ đức như Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, Trung Hiếu Tiết Nghĩa, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ đã trở thành trung tâm của gia huấn, gia phong, dùng để ân cần dạy bảo con cháu đời sau, muốn con cháu trọng đức tu thân, kế thừa đời đời những đức hạnh tốt đẹp và trí huệ của Thánh hiền, từ đó bất kỳ lúc nào cũng có thể đứng ở nơi bất bại.
Sau đây là trích lục một số gia huấn
1 . “Giới Bá Cầm thư” của Chu Công
Chu Công Đán họ Cơ tên Đán, tên hiệu của họ là Chu, tước vị là Công. Vì thái ấp ở nước Chu nên gọi là Chu Công. Vì tên thụy là Văn nên cũng gọi là Chu Văn Công. Tương truyền ông chế ra lễ, làm ra nhạc, xây dựng chế độ điển chương, được tôn là người đặt nền móng Nho học, là Thánh nhân cổ đại mà Khổng Tử sùng kính nhất.
Chu Thành Vương lấy đất Lỗ phong cho con trai của Chu Công là Bá Cầm. Chu Công răn dạy con rằng:
“Hãy đi đi, con chớ kiêu ngạo vì đứng đầu nước Lỗ. Ta là con trai của Văn Vương, em của Võ Vương, chú của Thành Vương, lại là tướng đứng đầu thiên hạ, ta cũng không dám coi thường người thiên hạ, mà một lần gội đầu phải dừng lại nhiều lần, nắm mớ tóc ra tiếp khách, một bữa cơm phải dừng lại nhiều lần, chỉ sợ trễ nải mà mất đi nhân tài. Ta nghe nói người đức hạnh khoan dung lại giữ mình cung kính thì được vinh quang. Người có đất đai rộng lớn lại giữ mình cần kiệm thì bình an. Người tước cao lộc hậu mà giữ mình khiêm hạ thì phú quý. Người có dân nhiều quân mạnh mà giữ mình kính sợ thì chiến thắng. Người thông minh trí tuệ mà giữ mình ngu ngốc thì sáng suốt. Người biết nhiều nhớ giỏi mà giữ mình nông cạn thì trí tuệ. Sáu loại người này đều là mỹ đức khiêm tốn cẩn thận. Cho dù là thiên tử tôn quý, giàu có tất cả trong bốn biển cũng là do đức mà ra. Người không khiêm hạ mà mất cả thiên hạ, bản thân mất mạng chính là Kiệt Trụ đó. Có thể không thận trọng sao.”
2. “Giới tử Tung tư” của Từ Miễn
Từ Miễn là người Đàm Thành thời kỳ Nam Bắc Triều, là quan thanh liêm, trong nhà không có của để dành, tự xưng để lại thanh bạch cho con. Từ Miễn cũng có viết thư dạy con nổi tiếng là “Giới tử Tung thư”, trong đó có răn dạy con rằng:
“Nhà ta vốn thanh liêm, cho nên thường sống thanh bạch. Còn về việc tài sản, gia nghiệp thì chưa từng nói đến, không phải việc chính trực thì không kinh doanh mà thôi. Sống thanh bạch đến ngày nay, quan cao lộc lớn có thể nói đủ cả. Mỗi lần nghĩ được như hôm nay đâu phải do tài năng, đều nhờ gia phong mẫu mực và phúc lành của tổ tiên, nên mới được đến ngày nay. Người xưa nói: ‘Để lại thanh bạch cho con cháu, chẳng phải hậu hĩ lắm thay?’. Người xưa còn nói: “Để lại cho con đầy rương vàng không bằng dạy con một quyển kinh’”
3. “Giới Hoàng thuộc” của Đường Thái Tông
Trong các bản gia huấn các triều đại thì gia huấn đế vương chiếm địa vị đặc biệt. Một trong những bản gia huấn đế vương tiêu biểu là “Giới Hoàng thuộc” của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Đường Thái Tông vô cùng chú trọng giáo dục các hoàng tử, thường xuyên răn dạy con cháu hậu thế cần phải tuân thủ quy phạm đạo đức, tăng cường tu dưỡng đạo đức, nắm vững đạo trị quốc. Trong “Giới Hoàng thuộc”, Đường Thái Tông răn dạy con cháu hoàng tộc rằng:
“Trẫm lên ngôi đã 13 năm rồi, bên ngoài hoàng cung thì tuyệt đối không vui chơi du ngoạn vãn cảnh, bên trong hoàng cung thì không vui chơi giải trí đàn hát nữ sắc. Các con cháu sinh ra trong phú quý, lớn lên chốn thâm cung. Con cháu hoàng đế đến các thân vương, trước tiên phải khắc chế bản thân. Mỗi khi mặc áo thì phải thương đến những người phụ nữ trồng dâu nuôi tằm. Mỗi bữa ăn thì phải nhớ đến người nông dân cày ruộng. Còn về nghe tấu bẩm quyết đoán công việc thì trước tiên chớ tùy tiện vui mừng hay tức giận. Mỗi lần trẫm đích thân xử lý triều chính, đâu dám tùy tiện nóng nảy quyết định. Các con cháu chớ coi thường điểm yếu của người khác, cũng chớ cậy sở trường của mình, như thế mới có thể giữ phú quý mãi mãi, mới giữ được may mắn tốt lành. Các bậc tiên hiền có nói: ‘Người có ý kiến trái ngược với ta là thầy của ta, người luôn thuận theo ý kiến ta là giặc của ta’. Không thể không xem xét kỹ”.
4. “Hối học thuyết” của Âu Dương Tu
“Hối học thuyết” là bài văn của Âu Dương Tu, danh sỹ thời Bắc Tống khuyên răn con cháu nỗ lực học tập, nâng cao tu dưỡng bản thân. “Ngọc không mài dũa thì không thành món đồ quý, người không học thì không biết Đạo. Nhưng ngọc là vật, nó có đức thường hằng bất biến, tuy không mài dũa thành món đồ quý thì cũng không tổn hại đến phẩm chất của ngọc. Tính của con người thì thay đổi theo vật, nếu không học thì sẽ bỏ quân tử mà trở thành tiểu nhân. Điều này có thể không suy nghĩ ghi nhớ sao?”
5. “Giới tử đệ ngôn” của Phạm Thuần Nhân
Phạm Thuần Nhân là con thứ của tể tướng nổi tiếng Phạm Trong Yêm. Dưới sự dạy bảo và đích thân làm gương của cha, Phạm Thuần Nhân là người chính trực, tính cách bình dụ khoan hậu, chưa từng dùng lời nói nặng nề, sắc mặt nghiêm khắc để đối đãi với người khác. Nhưng khi cần kiên trì đạo nghĩa thì ông hiên ngang bước ra, quyết không chịu khuất phục. Từ là người dân thường áo vải đến chức tể tướng, ông đều liêm khiết, trước sau như một. Ông giáo dục con rất nghiêm khắc, bất kỳ việc gì, ở đâu cũng dùng tiết kiệm chất phác, trung hậu khoan thứ để rèn luyện hun đúc cháu con. Trong “Giới tử đệ ngôn” ông viết: “Người cho dù cực kỳ ngu dốt, nhưng khi khẩn cầu người khác thì cũng rất sáng suốt. Người cho dù cực kỳ thông minh, nhưng khi tha thứ bỏ qua cho lỗi lầm của mình thì luôn tối tăm hồ đồ. Nếu có thể dùng cái tâm khẩn cầu người khác đó yêu cầu bản thân mình, dùng cái tâm khoan dung bản thân mình đó để khoan thứ người khác thì không sợ không làm được Thánh hiền”.
6. “Viên thị thế phạm” của Viên Thái
“Viên thị thế phạm” viết vào năm Tống Thuần Hi thứ 5 đời Nam Tống, tác giả là Viên Thái. Viên Thái bẩm tính cương trực, là quan thanh liêm sáng suốt, có thành tựu chính trị cao. Lưu Trấn, Thông phán Long Hưng quân phủ sự đương thời cho rằng bộ gia huấn này không chỉ có thể thực hiện với mọi gia đình trong một huyện mà có thể áp dụng “xa khắp bốn biển”. Không chỉ có thể thực hiện trong một thời kỳ mà có thể áp dụng “lưu truyền hậu thế”, “làm cả thiên hạ thiện lương”, trở thành “mẫu mực trên đời”, vì vậy mới có tên là “Viên thị thế phạm”.
Trong thiên “Xử kỷ”, Viên Thái giáo dục dạy bảo con em gia tộc lập thân xử thế, khái quát lại chủ yếu có mấy phương diện sau:
Thứ nhất: Khi phú quý không được kiêu ngạo, dùng lễ nghĩa đối đãi với mọi người không được phân biệt mức độ nặng nhẹ khác nhau với người khác nhau. “Phú quý là mệnh ngẫu nhiên, sao có thể vì nó mà kiêu ngạo với làng xóm?”. Nếu bản thân mình bần hạn mà trở nên phú quý, thông hiển thì cũng “nên vì thế mà đem lại lợi ích, điều tốt đẹp cho làng xóm”. Nếu thừa kế di sản của tổ tiên hoặc được nhờ phúc tổ tiên mà hiển đạt phú quý, rồi tỏ ra oai phong trước mặt bà con làng xóm thì càng đáng xấu hổ và đáng thương hại.
Thứ hai: Con người quý ở đức tính trung tín thành kính, công bằng chính trực. Viên Thái cho rằng trung tín thành kính, công bằng chính trực là phẩm đức quan trọng nhất làm người, “là nghệ thuật quan trọng nhất để có được sự kính trọng của làng xóm”.
Thứ ba: Nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác, có lỗi lầm thì nhất thiết phải suy nghĩ sửa chữa. Viên Thái cho rằng, đối với phép tắc quan trọng làm người là trung tín thành kính, công bằng chính trực này thì phải tự mình làm được trước, sau đó mới yêu cầu người khác làm được. “Khuyên người làm việc thiện, can người chớ làm ác, đó đều là việc tốt, trước tiên tự mình phải làm được”. Ông cho rằng con người không thể không có lỗi, nhưng có lỗi thì phải suy nghĩ sửa chữa. Đồng thời phải có tấm lòng khoan hậu, dùng chính trực để báo oán, không được so đo người khác tình nghĩa nhiều hay ít.
Thứ tư: Cẩn thận giao du, thân cận người thiện lương, tránh xa người xấu ác.
Thứ năm: Hành xử không hổ thẹn lương tâm, có lòng hối lỗi sửa sai là việc tốt. Ông nói: “Ngày nay có người làm việc bất thiện, may mắn không có người biết thì điềm nhiên như không, không e dè sợ sệt gì. Nào có hay tai mắt con người có thể che bịt được nhưng Thần linh thì không để che dấu được. Những việc ta làm, trong tâm cho là được, cho là đúng, thì tuy không người nào biết, Thần cũng đã biết hết. Những việc ta làm, tâm cho là không được, cho là sai, tuy không người nào biết nhưng Thần đều biết hết”. Ông khuyên con cháu nhất định phải cẩn thận ngay cả khi một mình, biết hối lỗi sửa sai, đó là việc tốt, đối nhân xử thế nên không hổ thẹn với lương tâm, chớ tự lừa mình dối người.
7. “Gửi con trai Hy Triết” của Minh Tuyên Tông
Đây là bức thư của Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ viết cho con trai là Hy Triết. Trong thời gian tại vị, Chu Chiêm Cơ trọng dụng người hiền năng, tiếp thu can gián, người dân được chăm nom, nghỉ ngơi, nền chính trị khá trong sạch, do đó trong lịch sử có luận thuật rằng “Minh có Tuyên Tông, giống như Chu có Thành Khang, Hán có Văn Cảnh” (đều là những thời kỳ thái bình thịnh thế). Là vị đế vương khá sáng suốt, Chu Chiêm Cơ nghiêm khắc cẩn thận quản lý gia đình, nghiêm khắc chỉ dẫn con trai xử sự, làm người và kết giao, yêu cầu con trai làm việc tốt, làm người tốt, kết giao bạn tốt.
Trong bức thư gửi con, ông viết: “Từ khi con đi, ta ngày đêm nhớ mong, cũng ngày đêm lo lắng. Nhớ mong không phải chuyện biệt ly, mà chỉ muốn con làm người tốt. Lo lắng cũng không phải sợ con khổ cực, mà chỉ sợ con làm những việc bất hảo. Con hiện nay là môn hạ của Kinh Dã, phải nghe theo lời ông ấy, quan sát học theo cách hành sự của ông ấy, đó mới thực sự là đệ tử, nếu không dù có gặp người tốt mà lại không làm việc tốt thì chẳng bằng kẻ phàm phu. Cứ chờ bậc thánh hiền giúp mình gây dựng đức hạnh thì đó không phải là người hào kiệt, thánh hiền không giúp con thành đạo được thì ông ấy ví như thất phu sao? Bạn bè giúp ích mình nâng cao phẩm đức có 3 loại, làm mình tổn hao đức hạnh cũng có 3 loại. Nếu kết giao toàn là bậc anh tài, người trung hậu và người đức hạnh thì ích lợi không thể nào nói hết. Nếu chỉ kết giao qua lại, nói chuyện phiếm, làm những việc vô ích thì tai hại cũng không thể nào kể xiết. Hai chữ Cẩn (cẩn trọng) và Mặc (lặng lẽ) cần phải khắc cốt ghi tâm.”
Ngôn từ bức thư gửi con này khẩn thiết, nguyên nhân “ta ngày đêm nhớ mong, cũng ngày đêm lo lắng” không phải nhớ thương do ly biệt và lo lắng con cực khổ, chỉ sợ con không thể làm người tốt, làm việc tốt. Khuyên răn con làm môn hạ của bậc hiền sỹ cần phải học theo lời nói và hành vi của họ, kết giao bằng hữu phải là những kẻ sỹ bậc anh tài, trung hậu và có đức, thân cận với bạn tốt có thể giúp mình nâng cao đạo đức phẩm hạnh, tránh xa bạn xấu gây tổn hao đức hạnh của mình. Lời văn này đến nay đọc nên vẫn cảm động lòng người, rất đáng học tập noi theo.
8. “Gửi con Ưng Vỹ Ưng Ki” của Dương Kế Thịnh
Dương Kế Thịnh là người Dung Thành tỉnh Trực Lệ, là bề tôi can gián nổi tiếng đời Minh, làm quan đến chức Binh bộ Viên ngoại lang, vì hạch tội Nghiêm Tung mà chết. Ông tính tình cương trực, chính trực không a dua, nổi tiếng bởi thẳng thắn can gián, khí tiết. Năm Gia Tĩnh thứ 32, Dương Kế Thịnh nhiều lần vạch tội Nghiêm Tung ‘5 việc gian trá, 10 đại tội’, bị tống giam trong nhà ngục tử tù. Đến khi bị hành hình ông có thơ rằng:
“Hạo khí trở về nơi vũ trụ,
Lòng son còn mãi sáng ngàn năm.
Khi sống vẫn còn chưa xong việc,
Phó thác hậu nhân giúp hoàn thành.
Vai thép gánh gồng nâng đạo nghĩa,
Tay nóng trước tác thảo văn chương.”
Đương thời Dương Kế Thịnh đã biết mình phải chết, ở trong ngục ông viết 2 di chúc là “Ngu phu dụ hiền thê Trương Trinh” và “Phụ thúc sơn dụ Ưng Vỹ, Ưng Ki lưỡng nhi”, hậu thế hợp chung lại gọi là “Dụ thê dụ nhi quyển”. Ngày hôm sau bị giết ở cổng chợ. Hai di chúc Dương Kế Thịnh viết đêm trước bị hành hình với thân phận người làm chồng, làm cha được người đời sau họ Dương toàn tâm giữ gìn, bảo vệ và nâng niu cất giữ, đã trở thành gia huấn trân quý răn dạy con cháu dòng tộc.
Ông giáo dục con đầu tiên phải làm người tốt chính trực, phải lập chí làm người quân tử. “Con người cần phải lập chí”, “Nếu ban đầu không lập được chí hướng kiên định thì nửa chừng sẽ mất phương hướng, sẽ chẳng làm nên việc gì, sẽ trở thành kẻ tiểu nhân trong thiên hạ, mọi người đều khinh rẻ và ghét con. Con phấn chấn lập chí phải làm người quân tử thì không câu nệ làm quan hay không làm quan, người người đều kính trọng con. Thế nên cha muốn con việc trước tiên là phải lập được chí khí.” Mà muốn là người quân tử thì trước tiên “không được làm hỏng cái tâm”, bởi vì “tâm là chủ của thân thể con người, như rễ của cây, như cuống của quả”. “Trong tâm nếu chứa đựng thiên lý, có công bằng thì hành xử đều là việc tốt, đó là người phía quân tử. Trong tâm nếu chứa đựng là ham dục, là ý tư lợi thì tuy có muốn làm việc tốt thì cũng có đầu mà không có cuối, tuy muốn bề ngoài làm người tốt thì cũng bị người ta nhìn thấu ra, như rễ úa thì cây khô, cuống hỏng thì quả rụng.”
Trọng đức hướng thiện là cương mục trong cách ngôn gia huấn truyền thống, thực ra cũng chính là căn bản làm người, làm việc, có giá trị tham khảo học tập đối với giáo dục hiện đại. Gia huấn xưa nhân từ quan tâm yêu thương đối với con cháu và yêu cầu nghiêm khắc đối với tu dưỡng đạo đức của con cháu, khiến con cháu trong bất kỳ lúc nào cũng có thể phân biệt rõ đúng sai, lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn, đó chính là thực sự chịu trách nhiệm đối với cháu con, ắt sẽ khiến cháu con thọ ích cả đời. Những gia huấn như thế này là những tài sản quý báu nhất để lại cho cháu con, đúng như Từ Miễn nói: “Để lại thanh bạch cho cháu con, chẳng phải hậu hĩ lắm thay.”
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2012/4/9/255080.html
Đăng ngày 26-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.