Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-12-2018] Tháng 1 năm 2015, ba người dân tại thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên đã bị cảnh sát bắt giữ khi đang cùng nhau đọc sách của Pháp Luân Công và mỗi người đã bị kết án ba năm tù với cáo buộc “sử dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ quy chuẩn thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để vu khống và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn hiện vẫn đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp kể từ tháng 7 năm 1999.

Đến nay, sau gần một năm được trả tự do, ông Liêu An Tài, bà Quách Bình và bà Trương Dực, từng người đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Trung cấp Lương Sơn Châu đề nghị tòa án xem xét lại vụ án và sửa lại bản án oan sai của họ. Hiện tòa án vẫn chưa quyết định có chấp nhận đơn khiếu nại của họ hay không.

Trong đơn khiếu nại, ba học viên đã mô tả việc Pháp Luân Công giúp họ cải biến cả về tinh thần và thể chất như thế nào. Họ chỉ ra rằng không có điều luật nào ở Trung Quốc quy định rằng tập Pháp Luân Công là phạm pháp hay gán nhãn Pháp Luân Công là một tổ chức tà giáo và việc họ đọc sách Pháp Luân Công không làm hại bất kỳ ai, huống hồ có thể làm suy yếu việc thực thi pháp luật. Họ nhấn mạnh rằng họ đáng ra không nên bị cầm tù chỉ vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng được hiến pháp bảo vệ.

Trong năm 2000 và 2005, Bộ Công an Trung Quốc đã ra thông báo liệt kê các tổ chức tà giáo. Tiêu đề của cả hai lần thông báo trên là “Thông báo của Bộ Công an về việc nhận định và ngăn cấm các tổ chức tà giáo,” đã liệt kê tổng số 14 tổ chức tà giáo và Pháp Luân Công không nằm trong các tổ chức trên.

Cả ông Liêu và bà Quách đã phô tô những thông báo trên của Bộ Công an để làm bằng chứng bổ sung trong đơn khiếu nại của mình. Họ cũng phô tô cả “Thông cáo số 50 của Tổng Cục Báo chí và Xuất bản ngày 1 tháng 3 năm 2011,” nhắc lại việc bãi bỏ lệnh cấm xuất bản các sách Pháp Luân Công trước đó. Họ cũng lập luận rằng việc sở hữu và nghiên cứu các sách Pháp Luân Công là hợp pháp và việc họ bị bắt giữ là vô căn cứ.

Cả ba học viên trên yêu cầu tòa án trung cấp điều tra lại và trả lại thanh danh cho họ.

Diễn biến vụ việc

Ngày 28 tháng 1 năm 2015, ngay trước thềm Tết Nguyên đán, khi ba học viên trên cùng nhau học các sách của Pháp Luân Đại Pháp và chia sẻ kinh nghiệm tu luyện cùng với một nhóm học viên khác, thì cảnh sát đã ập đến bắt và đưa họ tới Trại tạm giam Tiểu Miếu. Ngày 16 tháng 2, Viện Kiểm sát Tây Xương đã phê chuẩn lệnh bắt giữ họ. Họ đã bị xét xử bí mật, và ngày 23 tháng 12, họ đã bị kết án ba năm tù và bị phạt 10.000 tệ.

Ngày 24 tháng 5, ông Liêu đã bị đưa tới Nhà tù Gia Châu ở Lạc Sơn, bà Trương và bà Quách bị chuyển tới Nhà tù nữ Thành Đô. Ở đó, họ bị tra tấn tàn bạo vì không chịu ‘chuyển hóa“.

Sau đây là các trích đoạn trong đơn của họ.

Ông Liêu An Tài

Tôi kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Sức khỏe của tôi không được tốt và năm 1995, tôi đã bị các bệnh về dạ dày, viêm khớp dạng thấp và viêm gan. Tôi đã thử điều trị tất cả các biện pháp nhưng đều không có tác dụng. Cùng trong năm đó, người anh trai vốn đang khỏe mạnh của tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và hai tháng sau thì qua đời. Cái chết đột ngột của anh trai là một cú sốc lớn với tôi, tôi đã mất hết mọi hy vọng vào cuộc sống.

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào mùa Xuân năm 1997, mọi vấn đề về sức khỏe của tôi đã biến mất chỉ sau một tháng. Nhờ có Đại Pháp, tôi đã khỏi mọi bệnh tật và có một cuộc sống mới.

Thông qua đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi mới hiểu ra rằng tại sao người ta lại bị bệnh tật và làm cách nào để được khỏe mạnh. Tôi cũng hiểu được mục đích và ý nghĩa của cuộc sống cũng như sự trân quý và thần thánh của việc tu luyện.

Tâm tính của tôi được cải thiện, khi xảy ra mâu thuẫn, tôi trở nên khoan dung và nhẫn nhịn hơn. Trong suốt 21 năm qua, tôi đã trải qua nhiều mâu thuẫn, nhưng lần nào sự việc cũng đều được giải quyết một cách êm đẹp bằng lòng khoan dung.

Mùa đông năm 1997, một người đi xe máy đã đâm vào đuôi xe của tôi. Người lái xe là một thanh niên trẻ tuổi làm ở Phòng 610. Anh ta bước ra khỏi xe và đánh tôi. Khi bạn tôi định đánh lại anh ta, tôi đã ngăn lại và nói: “Sư phụ Lý Hồng Chí đã dạy chúng tôi ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’.” (Chuyển Pháp Luân), nhờ vậy mà đã hóa giải được một trận ẩu đả.

Một lần khác, vào tháng 5 năm 1998, tôi vận chuyển một xe chở đầy rau tới một chợ nông sản. Người bán hàng đã không trả cho tôi 1.500 tệ phí vận chuyển và bỏ chạy. Hai tháng sau, tôi cùng với hai người bạn tình cờ gặp lại anh ta, anh ta đã hoảng sợ và đồng ý trả lại tôi số tiền còn nợ trên. Khi anh ta trả tôi thêm 500 tệ gọi là để đền bù cho sự việc trên, tôi đã kiên quyết không nhận.

Những người bạn của tôi nói: “Không nhận tiền cũng được nhưng phải đánh cho anh ta một trận cho hả dạ.”

Tôi nói: “Tôi là người luyện Pháp Luân Công, luôn chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn mà đối đãi với mọi người cũng như xử lý công việc. Tôi làm gì cũng không thể để người khác bị thương tổn được.”

“Trong suốt 40 năm qua, tôi chưa gặp được ai tốt như ông cả,” người bán rau nói.

Năm 2015, khi 62 tuổi, tôi lại bị bắt một lần nữa. Ở trong tù, tôi đã bị tra tấn tàn bạo vì không chịu viết bốn bản tuyên bố và không chịu từ bỏ tu luyện. Tôi trở nên hốc hác vì hàng ngày họ chỉ cho tôi tối đa 20 giây cho mỗi bữa ăn, nên tôi chỉ ăn được một ít cơm và rau vào bữa trưa và tối, và nửa bát cháo vào bữa sáng.

Hai con tôi, một cháu 17 tuổi và một cháu mới 15 tuổi đã hoảng sợ khi thấy tôi bị bắt. Các đảng viên ở địa phương, nghe theo lời xúi giục của Phòng 610, đã giám sát các con tôi. Người mẹ già 86 tuổi của tôi vì quá lo lắng về việc tôi bị bắt giữ mà đã qua đời.

Tôi yêu cầu tòa án xem xét lại vụ án của tôi không chỉ là để trả lại sự công bằng cho tôi và Pháp Luân Công, mà còn là để cho mọi người nhận ra rằng chỉ bằng sự chân thành, thiện lương và khoan dung thì xã hội mới có thể hài hòa, gia đình mới có thể hạnh phúc, thân thể mới có thể khỏe mạnh. Khi rời xa đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, thì xã hội sẽ đại loạn bất trị, tại nạn liên miên, người người bị tổn thất.

Bà Quách Binh

Năm 1998, hai vợ chồng tôi ly dị vì chồng tôi ngoại tình. Mặc dù được các bạn bè và đồng nghiệp an ủi nhưng tôi vẫn rất đau khổ. Thậm chí có lúc, tôi đã nghĩ đến việc giết chồng rồi tự tử.

Tại thời khắc thống khổ nhất đó tôi đã có duyên gặp được Pháp Luân Công. Sau khi bước vào tu luyện, cuộc sống của tôi trở lại chính thường và tôi trở thành một người mẹ tốt và là một người con hiếu thảo với cha mẹ.

Tôi trở thành một con người cởi mở và lạc quan. Mỗi ngày đối với tôi thật vui vẻ, cứ hết giờ làm việc, tôi lại trở về nhà chăm sóc chu đáo cho con gái. Cuộc sống của tôi ngập tràn hạnh phúc.

Tôi cũng rất khỏe mạnh và không phải uống một viên thuốc nào kể từ khi bắt đầu tu luyện.

Sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi đã cải biến hết thảy, và tôi hiểu rõ điều giảng trong sách rằng “Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu”. Tôi đã chiểu theo lời dạy này để trở nên thiện lương, ân cần và bao dung. Năm 2004, tôi được thả ra khỏi trại lao động sau hai năm bị giam giữ, chồng cũ của tôi bị tiểu đường giai đoạn cuối và vợ anh ấy đã ly dị anh. Tôi vẫn đối xử với anh ấy tử tế, đón anh ấy về nhà và hàng ngày chăm sóc cho tới khi anh qua đời vào tháng 12 năm 2015. Tôi cũng chăm sóc chu đáo người mẹ già 80 tuổi của anh ấy cho tới khi bà qua đời vào năm 2012.

Tôi không thể làm được những việc này nếu tôi không phải là một học viên Pháp Luân Công.

Ở Nhà tù nữ Thành Đô, tôi bị theo dõi và giám sát chặt chẽ suốt ngày và hàng ngày bị buộc phải làm các công việc nặng nhọc. Tôi đã phải đứng liên tục nhiều giờ đồng hồ vì từ chối “chuyển hóa.”

Vào mỗi dịp lễ tết, người của Phòng 610 thường ra lệnh cho nhà tù giám sát tôi chặt chẽ hơn, điều này đã làm cho gia đình và con gái tôi lo lắng và sợ hãi.

Người cha già 85 tuổi của tôi bị chứng huyết áp thấp đã vô cùng đau khổ khi biết về việc tôi bị bắt giữ năm 2015 và huyết áp của ông đã lên 120/180 và phải nhập viện cấp cứu.

Chứng kiến tôi bị còng tay và nhà cửa bị lục soát, người em gái 49 tuổi nhút nhát của tôi đã bị hoảng loạn và cuối cùng bị suy sụp tinh thần. Mỗi lần cứ nghe thấy tiếng còi hay thấy có người mặc đồng phục cảnh sát, cô ấy đều nghĩ mình sắp bị bắt. Cô ấy đã phải chịu đựng tình trạng điên loạn này hơn một năm trước khi qua đời.

Bà Trương Dực

Tôi là một kỹ sư. Lần đầu tiên tôi đọc sách Chuyển Pháp Luân là vào năm 1997, khi đó tôi 27 tuổi và cuốn sách đã giải đáp những điều mà tôi chưa thể giải khai và những trăn trở về những khổ đau mà tôi gặp phải trong cuộc sống. Từ đó cuộc sống của tôi không còn mê man nữa, tôi đã hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, đó là chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở về với bản ngã thực sự của mình.

Chiểu theo yêu cầu của Sư phụ, tôi cố gắng nghĩ cho người khác trước trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày. Tôi hướng nội để tìm thiếu sót mỗi khi có mâu thuẫn và không đánh hay chửi lại khi bị người khác đánh hay bị lăng mạ. Tôi học Pháp và luyện công bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi.

Tôi cũng đã loại bỏ được nhiều thói quen xấu và những tư tưởng bất hảo như tâm tật đố, tâm tranh đấu và những chủng tâm không tốt khác. Tôi cũng loại bỏ được các chấp trước vào danh lợi cá nhân và trả lại những món quà mà tôi đã nhận trước đây. Tôi trở nên khỏe mạnh và không phải dùng tới một viên thuốc nào kể từ khi bắt đầu tu luyện.

Năm 2002, tôi bị giam giữ ở Trại giam Huyện Diêm Biên bởi kiên định đức tin của mình, tôi đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi mặt tôi bị sưng vù và thâm tím. Tôi cũng bị treo người lên chấn song cửa sổ trong tư thế mặt cắm xuống đất và hai tay bị còng ra sau lưng. Thậm chí một cảnh sát còn nói với tôi: “Nếu Giang Trạch Dân nói bà phạm tội thì là bà phạm tội. Đây là cách mà chúng tôi thẩm vấn và tra tấn tội phạm hình sự. Không có ai, kể cả một tay khỏe mạnh có thể chịu được nó.”

Tôi cũng bị tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần khi bị giam giữ ở Nhà tù nữ Tứ Xuyên vì từ chối bị “chuyển hóa.” Ngoài thời gian ăn uống ra, tôi bị buộc phải đứng im hay ngồi xổm và không được phép dùng nhà vệ sinh từ 6 giờ sáng cho đến tận nửa đêm. Tôi đã bị còng tay và bị treo người lên suốt một ngày. Tôi cũng bị cấm ngủ trong hơn ba tháng và có lần bị cấm ngủ trong bốn ngày liên tục. Các tội phạm hình sự giám sát tôi, chửi và đánh tôi bất cứ lúc nào họ muốn.

Sau khi ra tù, tôi bị Cục Đường bộ Lương Sơn sa thải. Số năm công tác cộng dồn của tôi ở cơ quan này là đủ điều kiện để tôi được hưởng tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội, nhưng chính quyền nói rằng họ sẽ trì hoãn việc xem xét số năm công tác của tôi vì lý do hồ sơ của tôi có ghi là đã bị đi tù. Vì thế, tiền trợ cấp hưu trí của tôi không đúng như mức mà tôi đáng được hưởng.

Khi tôi bị bắt, con gái tôi mới bốn tuổi và cháu đã bị thương tổn về tâm lý kể từ đó. Các nhân viên của Phòng 610 thường đến nhà tôi vào các ngày nghỉ lễ và gây áp lực kinh khủng với gia đình tôi. Bà ngoại 103 tuổi của tôi đau buồn về việc tôi bị bắt nên đã qua đời mà không có cơ hội được gặp cháu bà một lần cuối.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/14/378400.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/10/174581p.html

Đăng ngày 25-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share