[MINH HUỆ 15-12-2018] Trọng Do là người nước Lỗ thời Xuân Thu, tự Tử Lộ, là học trò của Khổng Tử, cũng là một hiếu tử.

Vì từ nhỏ gia cảnh bần hàn, Trọng Do là người vô cùng tiết kiệm, thường xuyên ăn rau dại qua ngày. Ông cảm thấy mình ăn rau dại không sao cả, nhưng nếu cha mẹ ông cũng như thế này thì sẽ không đủ dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ, vì thế ông rất lo lắng.

Trong nhà không có gạo, Trọng Do vì để cha mẹ được ăn cơm, nên đã đi xa ngoài trăm dặm để mua, rồi cõng gạo về nhà. Ngoài trăm dặm là quãng đường rất xa, có lẽ ngày nay có người có thể đi được một, hai lần, nhưng quanh năm bốn mùa thường xuyên như thế này thì không hề dễ dàng chút nào. Nhưng Trọng Do lại vui lòng bất kể là gió rét hay nắng gắt, đều không quản nhọc nhằn đi trên trăm dặm mua gạo, rồi cõng về nhà cho cha mẹ.

Mùa đông, băng tuyết khắp trời kín đất, thời tiết vô cùng lạnh giá, Trọng Do đội mưa tuyết to như quả trứng ngỗng bước trên mặt sông băng đi, từng bước từng bước tiến lên. Chân bị lạnh cứng, vác bao gạo hai tay lạnh buốt đến lúc không thể chịu nổi, bèn dừng lại đưa lên miệng hà hơi, sau đó lại tiếp tục lên đường. Mùa hè, trời nắng như thiêu như đốt, mồ hôi chảy đầm đìa trên lưng, Trọng Do chẳng dừng lại nghỉ ngơi chút nào, chỉ để sớm về nhà làm bữa cơm ngon miệng cho cha mẹ. Gặp trời mưa lớn, Trọng Do liền giấu bao gạo dưới áo, thà mình bị ướt đầm đìa cũng không để ướt gạo.

Gian khổ như thế này, kiên trì bền lòng, quả thực không hề dễ dàng chút nào.

Sau khi cha mẹ qua đời, Trọng Do xuống phía nam đến nước Sở. Sở Vương tuyển ông làm quan, dùng lễ đối đãi với ông, ban cho bổng lộc hậu hĩnh. Hàng ngày ông đều ăn sơn hào hải vị, ra ngoài có hàng trăm xe tùy tùng, sống một cuộc sống giàu sang phú quý. Nhưng Trọng Do không vì điều kiện vật chất tốt mà cảm thấy vui mừng, trái lại ông thường than thở, thương cha mẹ đã mất sớm. Ông mơ ước cha mẹ vẫn còn sống, cùng ông hưởng cuộc sống như thế này. Nhưng dù ông có muốn lại cõng gạo đi trăm dặm đường để phụng dưỡng cha mẹ thì vĩnh viễn không thể được nữa rồi.

Tận hiếu không phải là dùng vật chất để đo đếm, mà phải xem đối với cha mẹ có phải là lòng thành kính xuất phát từ nội tâm không. Trọng Do đáng quý chính là ở chỗ, lòng hiếu của ông đối với cha mẹ là xuất phát từ nội tâm chân chính. Chính vì như vậy, bôn ba ngoài trăm dặm cõng gạo cho cha mẹ, ông không hề cảm thấy khổ nhọc, mà lại thấy vui như Tết.

Câu chuyện Trọng Do cõng gạo cũng đã mách bảo hậu nhân, chữ hiếu không phân biệt sang hèn, trên từ hoàng đế dưới đến thứ dân, chỉ cần có tâm hiếu thì trong bất kỳ tình huống nào đều có thể không từ muôn vàn khổ nhọc, dốc sức làm được. Kỳ thực, thời gian chúng ta có thể hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ đang giảm đi từng ngày, do đó tận hiếu nhất định phải nắm bắt tận dụng thời gian khi cha mẹ còn sống mà thực hiện, nếu không một khi song thân ra đi, muốn tận hiếu thì hối hận cũng đã muộn rồi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/15/378387.html

Đăng ngày 18-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share