Bài viết do đồng tu chỉnh lý qua lời kể của một nữ học viên người Hàn Quốc 63 tuổi ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-11-2010] Con xin kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại! Chào các bạn đồng tu!

Trong thời gian dài, tôi học Pháp không sâu, vì thế bản thân có nhiều chấp trước người thường và không làm nhiều việc để chứng thực Pháp. Tôi sống ở một ngôi làng hẻo lánh và kiếm sống bằng bán ngũ cốc ở chợ. Mùa đông năm 2004, tôi tình cờ gặp một đồng tu và anh đã đưa cho tôi kinh văn mới của Sư phụ “Cũng một gậy cảnh tỉnh.” Khi về nhà, tôi đã đọc bài kinh văn vài lần. Như thể Sư phụ đang nhắc đến tôi trong bài giảng, và tôi cảm thấy rằng mình thực sự nhận được một “gậy cảnh tỉnh.”

Sư phụ đã giảng:

“Nói thẳng ra: một sinh mệnh như thế nào mới xứng [đáng] được Đại Pháp của vũ trụ đến [cứu] độ? Một sinh mệnh được cứu độ ấy chỉ có thể xấp xỉ với viên mãn cá nhân thôi sao? Thế nào mới xứng với ‘đồ [đệ] Đại Pháp’? Phải chăng là mấy vị trốn ở nhà và làm cái gọi là ‘học Pháp’? Là mấy vị chỉ muốn thu hoạch những gì từ Đại Pháp nhưng lại không muốn hy sinh gì cho Đại Pháp cả? Nhất là những đệ tử nào khi bị bức hại đã không muốn nói lên lời công bằng cho Đại Pháp, lại còn đòi hỏi từ Đại Pháp trong cái gọi là ‘đọc sách tại nhà’, đó là loại người nào vậy? Chư vị có thể tự mình phán xét rõ ngay.” (Cũng một gậy cảnh tỉnh)

Sau khi đọc kinh văn của Sư phụ, tôi hướng nội và nhận ra rằng mình đã để mất rất nhiều thời gian quý giá. Tôi đã không tận dụng cơ hội để giảng chân tướng hay chứng thực Pháp khi bán hàng ở chợ. Tôi chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và không xứng với từ bi của Sư phụ. Tôi không khác gì một người thường. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi nhận ra rằng, vì đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi thực sự nên sống xứng đáng với hình ảnh của một học viên chân chính. Tôi không nên khiến Sư phụ phải lo lắng cho mình, tôi cần phải cải biến trạng thái tu luyện hiện tại của mình.

Năm 2005, sau khi thu hoạch tất cả ngũ cốc, một phần tôi giữ lại để đảm bảo cho gia đình dùng, phần còn lại thì đem bán. Sau đó, tôi có thể toàn tâm chứng thực Pháp và làm những gì mà một học viên nên làm.

Lúc đó, vốn tiếng Trung của tôi rất kém, và tôi không thể dùng tiếng Hàn để giảng chân tướng cho người dân Trung Quốc được. Tôi nên làm gì? Học tiếng Trung! Khi nhận ra điều này, tôi tham gia một nhóm học Pháp bằng tiếng Trung. Khi lần đầu tiên đọc Pháp bằng tiếng Trung, tôi chỉ có thể đọc được một hoặc hai câu một cách khó khăn. Tôi lo lắng đến mức mồ hôi đổ ra như tắm. Tuy nhiên, bầu không khí nhóm học Pháp của chúng tôi rất tường hòa và thuần tịnh, không ai coi thường tôi. Ngược lại, các học viên còn giúp tôi chỉnh cách phát âm. Điều đó khiến tôi rất cảm động. Tôi cũng đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của mình với nhóm. Lúc chia sẻ, khi nói không rõ bằng tiếng Trung tôi lại xen kẽ tiếng Hàn. Các đồng tu vẫn gật đầu đồng tình khích lệ tôi tiếp tục cố gắng. Khi ở nhà, tôi cố gắng nói tiếng Trung nhiều nhất có thể. Con trai tôi từng nói: “Mẹ ơi, phát âm của mẹ không chuẩn. Mẹ nên sử dụng bính âm (phiên âm pinyin) đi.” Lời của cháu đã nhắc tôi nhớ ra rằng tôi biết cách dùng phiên âm pinyin.

Từ đó trở đi, tôi luôn mang theo sổ ghi chép và bút. Bất cứ khi nào bắt gặp một chữ tiếng Trung mà tôi không biết, tôi sẽ nhờ một đồng tu nói cho tôi biết nghĩa để tôi có thể viết nó bằng phiên âm pinyin. Tôi cũng làm như vậy khi học Pháp. Nếu tôi không phát âm chính xác một từ, tôi sẽ viết chữ đó vào sổ ghi chép cùng với phiên âm pinyin. Sau khi trở về nhà, tôi sẽ đọc hết lần này đến lần khác. Tôi không biết mình đã sử dụng bao nhiêu cuốn sổ tay trong những năm qua, nhưng bây giờ tôi có thể biểu đạt bản thân và đọc tiếng Trung thành thạo. Tất nhiên, tất cả những điều này đều là nhờ sự gia trì của Sư phụ.

Ở nông thôn có nhiều việc, làm quanh năm suốt tháng cũng không hết việc. Sư phụ nhắc đi nhắc lại chúng ta cần học Pháp thật nhiều. Tôi biết mình không được buông lơi việc học Pháp mặc dù có nhiều việc phải làm, nên tôi đã cố gắng tìm thời gian để học. Tôi đến nhóm học Pháp ba lần mỗi tuần, hai lần với nhóm người Trung Quốc và một lần với nhóm người Hàn Quốc. Vào những ngày đi học Pháp nhóm, tôi phát chính niệm vào khoảng sáu giờ sáng trước khi đi bộ vài dặm trên đường núi để đón một chuyến xe buýt sớm. Mùa hè thì rất ổn, nhưng có chút khó khăn vào mùa đông vì lúc đó trời rất lạnh. Tôi tự nhủ: “Mình là đệ tử Đại Pháp. Mình không sợ lạnh.” Tôi cũng phải đổi xe buýt và mất một giờ đồng hồ chờ chuyến tiếp theo. Tôi đã dùng thời gian đó để học thuộc các bài thơ trong Hồng Ngâm, Hồng Ngâm II, và những kinh văn mới của Sư phụ. Tôi cũng đã viết ra giấy phòng trường hợp cần phải nhìn lại để đọc. Khi không thể nhớ một từ hoặc một dòng, tôi sẽ lấy tờ giấy ra và tiếp tục học. Bằng cách này, tôi đã học thuộc Pháp nhiều lần, và qua thời gian, tôi đã tập được một thói quen tốt. Ngay cả khi chỉ có một vài phút, tôi vẫn tranh thủ để học thuộc Pháp. Bây giờ tôi đã học thuộc xong cuốn Chuyển Pháp Luân.

Trước đây, tôi chuẩn bị ra nước ngoài và hộ chiếu đều đã làm xong, tuy nhiên tôi cảm thấy mình nên đặt Pháp lên hàng đầu. Tôi nghĩ: “Trung Quốc Đại lục nơi đây cần mình, mình nhất định sẽ không đi.”

Cuối tháng 10 năm 2009, khi tôi đang ngồi trên một chiếc máy kéo chở đầy hạt cao lương thì nó bị lật khi đi đến chỗ rẽ. Tôi bị ngã, đầu đập xuống đất chảy máu rất nhiều và bất tỉnh. Khi dần tỉnh lại, tôi bắt đầu niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Khi tôi có thể đi lại được, con trai tôi nắm tay tôi và nói: “Mẹ ơi, nếu mẹ không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, có lẽ mẹ đã chết rồi.” Chúng tôi trở về nhà và nghe hai bài giảng của Sư phụ. Cùng đêm đó, tôi luyện công cùng con trai. Khi nằm trên giường, tôi cảm thấy lưng mình như thể bị gãy. Khi xuất ra niệm này, tôi thậm chí không thể thức dậy được. Sau đó, tôi nhận ra niệm bất chính của mình và chính lại nó. Tôi tự nhủ: “Mình không phải là người thường. Mình là một vị Thần.” Ngay lập tức tôi có thể đứng dậy. Đúng như Sư phụ đã giảng:

“Chúng ta giảng rằng, tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau.” (Bài giảng thứ tưChuyển Pháp Luân)

Bây giờ tôi nhất quyết ghi nhớ chắc chắn Pháp của Sư phụ.

“Nhưng có một tiêu chuẩn: khi vượt qua tiến trình sinh mệnh thiên định ban đầu, [thì] sinh mệnh được kéo dài thêm kia, hoàn toàn chỉ để cho chư vị dùng để tu luyện; chư vị suy nghĩ chỉ chệch đi chút xíu, là sinh mệnh gặp nguy hiểm ngay; bởi vì quá trình sinh mệnh của chư vị đã qua lâu rồi.” (Chuyển Pháp Luân)

Trên đây là chút kinh nghiệm của tôi về việc học Pháp. Tôi biết mình vẫn còn cách xa so với yêu cầu của Sư phụ, vì vậy tôi sẽ chăm chỉ học Pháp hơn, cứu nhiều người hơn, và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/11/14/232444.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/11/29/121679.html

Đăng ngày 26-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share