Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở San Diego

[MINH HUỆ 29-5-2018] Tôi là một học viên phương Tây đến từ San Diego, California, Mỹ. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2007 sau khi xem các học viên tham dự cuộc diễu hành mừng Tết Nguyên Đán ở Los Angeles. Trước đây tôi chưa bao giờ nghe nói đến Đại Pháp cũng như những khó khăn mà các học viên tại Trung Quốc đang phải đối mặt. Tôi vẫy tay chào các học viên một cách hiếu kỳ và thắc mắc về các ký hiệu và biểu ngữ mà họ đang giơ lên. Tôi gãi đầu tự nhủ: “Chính quyền Trung Quốc lại ra lệnh cấm một môn khí công ôn hòa như thế này sao? Tôi muốn học môn khí công đó!”

Ngay lập tức tôi lên mạng internet tìm hiểu về Đại Pháp và tải về tất cả các tài liệu mà tôi có thể tìm được. Tôi in ra thành sách và đọc chúng một cách say sưa và đã thực sự bị cuốn hút bởi những gì được viết trong sách. Trang web Minh Huệ đã trở thành trang chủ của tôi. Trước đây, tuy chưa từng gặp gỡ một học viên nào, nhưng tôi đã tự mình đọc hết thảy những tài liệu chính của Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Từ thời tôi mới Chính Pháp, chư Thần đã đặt ra một điều như thế này, là tà đảng ấy bất kể với mục đích gì mà làm điều gì [thì] kết cục đều là giúp tôi và đệ tử Đại Pháp. Do vậy [nếu] tà đảng Trung Cộng muốn làm điều xấu gì, nó chỉ cần hễ thực hiện thì đều là việc hỏng, việc xấu tệ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008)

Trường hợp của tôi, sự đàn áp và bức hại Đại Pháp của tà đảng là hoàn toàn phản tác dụng. Cuộc bức hại chỉ khiến tôi càng chú tâm tu luyện.

Sau khi đắc Pháp được vài năm, cuộc sống của tôi bắt đầu bị xáo trộn. Đầu tiên tôi bị mất việc làm. Trước đây tôi là giáo sư tại một trường đại học uy tín và luôn xuất sắc về mặt học thuật. Khi ngân sách của trường bị cắt giảm, tôi là một trong những người đột nhiên bị mất miếng cơm. Trong tình cảnh đó, tôi ngộ ra Pháp lý rằng không mất thì không được, được ắt phải mất. Tôi mất việc nhưng không than phiền, mà vẫn cố gắng duy trì phong thái đĩnh đạc đường hoàng. Nhưng điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một gian đoạn khổ nạn kéo dài xảy đến với tôi, nơi tôi có thể hiểu được sự khác biệt sâu sắc giữa việc minh bạch các Pháp lý và chiểu theo chúng một cách hiệu quả.

Sự gian khổ của tu luyện đơn độc

Sau khi bị mất việc làm, tôi lập tức cố gắng tìm một công việc khác, nhưng mặc cho bao nhiêu nỗ lực đổ ra, tôi cũng không thể tìm được việc làm. Để có thu nhập, tôi phải bán đi những đồ đạc thừa không dùng đến, cắt giảm ngân sách xuống mức tối thiểu, và làm thêm nhiều việc lặt vặt nhất có thể, nhưng vẫn không đủ sống. Tôi buộc phải quay về quê nhà và dọn vào ở cùng với cha mẹ ở San Diego.

Sư phụ giảng:

“các nhân viên dư ra đều [bị] sa thải. Cá nhân ấy nằm trong số đó, đột nhiên bị mất miếng cơm. Cảm thấy thế nào? Không còn chỗ khác để kiếm tiền nữa, vậy sống sao bây giờ? Không còn kỹ năng khác nữa nên đành buồn bã trở về nhà.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Là một người đàn ông 30 tuổi nay phải quay về nhà sống nhờ cha mẹ, tôi cảm thấy đó như một sự thất bại. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã làm việc rất chăm chỉ để làm ra những thứ cho chính mình. Tôi nghĩ mình đã thành công, nhưng thực sự thì tôi không có gì để chứng minh cho những nỗ lực của mình ngoài một vài tờ giấy dường như vô giá trị, thứ mà tôi đã từng tự hào về bản thân mình, đó là các tấm bằng cấp đại học. Mặc dù minh bạch các Pháp lý, nhưng tâm tôi ngày càng trở nên giận dữ và oán hận.

Mối quan hệ của tôi với các phụ nữ cũng trở nên xấu đi. Tôi đã đính hôn một lần, nhưng mọi thứ đã kết thúc một cách tồi tệ trước khi tôi đắc Pháp. Tuy khó nguôi ngoai chuyện cũ, nhưng vì luôn có cơ hội hẹn hò, nên tôi đã có thể dần quên đi nỗi đau của mình. Khi tôi chuyển từ địa vị là giáo sư đại học sang tình trạng thất nghiệp, đột nhiên không còn phụ nữ nào quan tâm chú ý đến tôi nữa. Tôi cảm nhận rằng, là một người đàn ông 30 tuổi, lẽ ra tôi nên kết hôn và trở thành trụ cột gia đình. Tôi hiểu ra rằng, đối với nhiều người phụ nữ, nếu tôi không có địa vị xã hội hay tài chính, họ sẽ không chấp nhận tôi.

Tôi không tìm thấy sự khuây khỏa trong mối quan hệ, và cũng không thể quên đi vết thương cũ. Tôi cảm thấy vô cùng mất mát và đau khổ.

Sư phụ giảng:

“Tại sao đột nhiên xuất hiện nhiều mâu thuẫn như thế? Tự họ không ngộ [ra được]. Vì căn cơ của họ tốt, nên đạt đến được một tầng nhất định, [và] xuất hiện trạng thái như thế. Tuy vậy đó đã là tiêu chuẩn viên mãn tối hậu của người tu luyện chưa? Hãy còn quá xa mới tu lên đó được! Chư vị cần liên tục đề cao bản thân. Đó là vì một chút căn cơ bản thân mình mang theo khởi tác dụng, nên chư vị mới có thể đạt đến trạng thái ấy; đề cao hơn nữa, thì tiêu chuẩn kia cũng cần đề cao lên.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù biết các Pháp lý liên quan đến những vấn đề này, tâm tôi vẫn dâng lên cảm giác oán giận.

Điều chỉnh cuộc sống của tôi ở quê nhà và với cha mẹ quả thực khó khăn. Tôi không thể che dấu sự thật mình đang gặp khủng hoảng. Gia đình tôi là người Latin, trong văn hóa của chúng tôi, gia đình rất gần gũi. Đối với một người mẹ Latin thì không có gì gọi là riêng tư, ngay cả đối với một người đàn ông đã trưởng thành. Ban đầu, tôi cố gắng tạo khoảng cách với cha mẹ. Nhưng họ đang giúp tôi, và tôi biết mình phải biết ơn họ, bởi cha mẹ thì không cần thiết phải làm như thế. Cha mẹ giúp tôi có công việc đầu tiên sau khi trở về và đó là công việc lao động nặng nhọc.

Khu vực của chúng tôi ở San Diego là một thung lũng ngay cạnh bờ sông với nhiều trang trại. Tôi có thể làm những công việc nặng nhọc như, đào cây, chặt gỗ, chuyển gạch, trát vữa đá, làm nông, làm vườn, và nhiều công việc khác đòi hỏi sức lao động. Tôi không ngại vất vả mà lại cảm thấy vui vẻ so với công việc lao động trí óc trước đây. Ấy vậy mà hoàn cảnh lại bắt đầu khảo nghiệm tôi. Cộng đồng dân cư chúng tôi rất thân thiết, và nhiều người đã gặp tôi hỏi thẳng: “Sao cậu quay về? Cậu không nên ở đây. Cậu đã gặp chuyện gì thế?” Tôi oán trách việc phải nói với bạn bè cũ rằng tôi đã mất việc và phải quay về nhà. Tôi cảm thấy bị đánh giá và xấu hổ khi phải lặp đi lặp lại những thống khổ của mình.

Sư phụ giảng:

“…chúng ta phải ở trong hoàn cảnh phức tạp như vậy mà tu luyện, cần chịu khổ trong những cái khổ; đồng thời còn phải có tâm Đại Nhẫn.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Một hôm, sự giận dữ và oán hận của tôi lên đến đỉnh điểm khi cha mẹ bảo tôi đến làm việc tại nhà của bà tôi. Bà tôi là người Latin, tuy đứng đầu cả gia đình nhưng rất tự phụ và ích kỷ. Cha tôi có hai căn nhà, và bởi tôi đã dành hầu hết những năm trung học giúp cha xây dựng chúng, nên tôi luôn có cảm giác sở hữu chúng. Một trong hai căn nhà đã được bà tôi dọn vào ở, nhưng bởi bà lớn tuổi nên không thể bảo quản nó.

Cha mẹ tôi quyết định sẽ biến cái sân rất rộng phía sau nhà thành một khuôn viên đơn giản cho bà. Nhưng bởi tôi là người duy nhất đủ sức để làm nhiệm vụ này, nó trở thành công việc kéo dài hàng tuần cho tôi. Tôi đẩy xe cút kít nặng chứa đầy sỏi, hết lượt này đến lượt khác, để làm con đường lớn, thuận tiện cho bà. Tôi chặt bỏ cây, đào đất và chuyển đổi mảnh đất màu mỡ cho gieo trồng thành một khuôn viên riêng tư cho người lớn tuổi. Tôi rất phẫn nộ. Tại sao bà lại không ở cùng cha mẹ tôi? Bà réo gọi họ ba lần một ngày! Tôi có thể dùng mảnh đất này để gieo trồng lương thực cho cả nhà. Quyết định của cha mẹ tôi không có ý nghĩa gì cả. Tôi chán nản đến mức lấy vội một cái lều và quyết định sẽ cắm trại ở sân sau nhà bà còn hơn là nán lại nhà cha mẹ thêm một phút giây nào nữa.

Bắt đầu hướng nội

Tôi không biết liệu có phải trời mưa lớn vào đêm đầu tiên hoặc cái lều bị dột hay không, nhưng đột nhiên tôi bắt đầu nghĩ tới Đại Pháp. Kể từ khi thất nghiệp, mình đã tách khỏi con đường tu luyện bao xa? Tại sao tất cả điều này xảy đến với mình?

Sư phụ giảng:

“khi bị người khác lấy mất lợi ích thiết thân, chư vị không giống như người ta mà tranh mà đấu; trong các can nhiễu tâm tính, chư vị chịu thiệt thòi.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Khi tôi trải qua vài đêm ngủ trong lều để suy nghĩ về cuộc đời, một cơn đau dữ dội bắt đầu xuất hiện bên trong lồng ngực của tôi. Với nhiều sơ hở như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tôi bắt đầu bị cựu thế lực dùi vào. Cuối cùng, cơn đau và cái lều bị dột đã khiến tôi đầu hàng. Tôi quay vào nhà cha mẹ và giấu họ việc tôi đang chịu cơn đau ngực khủng khiếp. Đêm đó, tôi không tài nào chợp mắt được, rất nhiều thứ xuất hiện trong đầu. Tôi chắc rằng mình đang chết dần. Tôi nằm trên giường, phủ phục trước Sư phụ, cầu xin Ngài giúp đỡ. Đó là khi cuối cùng tôi hiểu ra mình phải thực sự chiểu theo các Pháp lý và hướng nội tìm trước khi quá trễ.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện chân chính, cần phải hướng tâm mà tu, hướng nội mà tu, hướng nội mà tìm, chứ không hướng ngoại mà tìm.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi phát hiện ra mình chính là người tự phụ, tật đố, và ích kỷ. Hệt như điều mà tôi đã nghĩ về bà của mình. Bà chính là sự phản chiếu của tôi. Tôi tự phụ về thành tích học thuật, và ích kỷ tật đố về những gì tôi nghĩ là mình có quyền. Tôi làm sao tôi có thể phẫn nộ gia đình mình được chứ?

Sư phụ giảng:

“Có nhiều học viên, khi gặp mâu thuẫn, khi trong lòng cảm thấy bất bình, chư vị có nghĩ rằng chư vị đang tức giận với người thường không? Chư vị hãy nghĩ xem: Phật và Thần, những Giác Giả vĩ đại đó, họ có tức giận với con người không? Tuyệt đối không. Đó là bởi vì họ không ở tầng của con người và không có cái tình của con người. Họ làm sao có thể đặt bản thân giữa những người thường được? Khi chư vị đối đãi với mâu thuẫn giống như người thường, thì khi đó chư vị ở cùng một tầng thứ với người thường, hay ở cùng một cảnh giới với người thường; đó là để nói rằng, chư vị chính là đã ở trong người thường rồi. Chỉ khi chư vị không giống như họ thì chư vị mới không ở trong người thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia năm 1999)

Tôi phải buông bỏ hết thảy tâm oán giận. Cơn đau ngực khiến tôi cảm thấy mình sắp chết đến nơi. Nhưng tôi đã vượt qua giữa sự sống và cái chết vào lúc đó, thậm chí tôi còn thấy bất ngờ với chính mình khi tôi nói với Sư phụ: “Nếu Ngài muốn con rời đi, con sẽ vui vẻ rời đi. Nếu Ngài muốn con ở lại, thì con sẽ ở lại và cố gắng nhiều hơn.” Suy nghĩ này trở thành thần chú của tôi trong khảo nghiệm sinh tử. Khoảnh khắc khi tôi xuất ra niệm đó, các triệu chứng của tôi đã giảm đi và tôi có thể ngủ được. Sự cầu xin của tôi đã được hồi đáp.

Ngày hôm sau tôi thức dậy với quyết tâm làm tốt những lời mình đã hứa. Tôi liên lạc với Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp địa phương ở San Diego. Họ ngạc nhiên khi biết tôi minh bạch được nhiều điều. Tính đến thời điểm đó, tôi chỉ tu luyện một mình, nghĩ rằng bản thân quá khác biệt với các đồng tu người Trung Quốc. Lần đầu tiên tại nhóm luyện công, tôi đã phá vỡ giới hạn luyện bài năm nửa giờ đồng hồ lên thành một giờ, một kỳ tích mà tôi đã có thể liên tục lặp lại kể từ đó. Khi tôi phát chính niệm lần đầu tiên tại nhóm luyện công, như thể một lớp vỏ đen đã bị nứt trong lồng ngực của tôi. Mọi thứ đều lơi lỏng. Trong lúc luyện bài thứ hai, hai cánh tay tôi rung lên và tôi chảy nước mắt vì cảm giác nhẹ nhõm mà mình có được, hệt như tôi vừa đẩy ra được một nghiệp lực to lớn. Trong một ngày mà tôi đã có sự đề cao đáng kể bằng cách đặt bản thân vào trong tổng thể nhóm. Sư phụ tưởng thưởng cho tôi bằng cách cho phép tôi nhìn thấy nhiều cảnh tượng mỹ diệu.

Tu luyện tại quê nhà

Mặc dù sự đề cao trong tu luyện của tôi là kỳ diệu vào thời điểm đó, nhưng trạng thái của tôi vẫn còn cách xa với chân lý. Tàn tích của sự oán giận và căm hờn trong tôi vẫn còn tồn tại. Ấy vậy mà trạng thái tu luyện của tôi rất tốt, và tôi bắt tay vào làm ba việc hết lòng.

Cha mẹ chú ý thấy thái độ tôi có sự thay đổi và họ trở thành hai người đầu tiên được tôi giảng chân tướng. Họ muốn biết về đất nước Trung Quốc kỳ lạ này, điều tôi đang làm. Họ có thể nói rằng điều này đã làm tôi vui vẻ trở lại. Tôi phải rất cẩn trọng tìm cách cân bằng giữa làm việc Đại Pháp mà không để gia đình nghĩ rằng tôi đang bị ám ảnh. Tôi cũng nhận thức rõ được sự nguy hiểm của tâm hoan hỉ.

Tôi gặp vài vấn đề với cha tôi, khi ông nhìn thấy ký hiệu chữ Vạn trên các áp phích Đại Pháp, ông đã rất khó chịu. Ông là người Do Thái và liên hệ ký hiệu đó với Adolf Hitler và nạn diệt chủng người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ II do Đức quốc xã gây nên, một giai đoạn trong lịch sử đã gây ra tác động trực tiếp khó phai đến gia đình tôi. Có lúc ông đã nói những điều không tốt về Đại Pháp khi giận tôi. Nhưng đó là lỗi của tôi. Tâm oán hận còn xót lại trong tôi đã bộc phát và cha tôi trở thành sự phản chiếu của tôi, giống như trường hợp bà tôi trước đây. Tôi biết ông không cố ý, bởi cha mẹ tôi đã trở thành những người ủng hộ Đại Pháp hết mình sau khi nhìn thấy sự thay đổi lớn trong tôi. Hơn bất cứ lời nào, thực sự nhìn thấy sự cải biến đáng kể của tôi, con trai của họ, là hình thức giảng chân tướng tốt nhất mà tôi có thể làm cho họ.

Cuối cùng tôi cũng tìm được công việc là giáo viên dạy thế cho trường trung học địa phương. Công việc này rất phù hợp cho việc giảng chân tướng, bởi mỗi ngày tôi dạy sáu nhóm khác nhau gồm 20-30 học sinh, và vì là một bài học nhỏ, nên tôi có thể nói với chúng về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Trung bình một ngày, tôi có thể giảng chân tướng cho khoảng 100 học sinh trung học. Nhiều học sinh đã cầm các tài liệu chân tướng mà tôi đã phát cho các em, nói với bạn bè và gia đình của họ giống như hiệu ứng domino vậy. Thực tế là trước đây không ai trong khu vực của tôi nghe nói bất cứ điều gì về Pháp Luân Đại Pháp hay cuộc bức hại cả. Biết rành hai ngôn ngữ cũng có ích trong trường hợp này. Điểm đặc thù của quận San Diego là gần với biên giới Mexico nhất. Nhiều học sinh là người học tiếng Anh, vì thế việc có thể giảng chân tướng bằng tiếng Tây Ban Nha cũng như có các tờ rơi tiếng Tây Ban Nha là điều không thể thiếu ở đây.

Vào khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu mở một điểm luyện công song ngữ cách biên giới Mexico khoảng ¼ dặm. Vì được sinh ra và lớn lên trong khu vực, nên tôi biết rõ nơi nào là tốt nhất để lập điểm luyện công. Ở phía nam San Diego, có một công viên trên đỉnh đồi hướng mặt ra biển và có tầm nhìn đẹp mắt hướng về phía Mexico, thung lũng sông Tijuana, và bãi biển Imperial ở quê tôi. Nó cũng là một điểm di tích nổi tiếng. Vào năm 1883, John J. Montgomery thực hiện chuyến bay có cánh cố định lần đầu tiên, chính xác là ở khu đồi này, và một đài tưởng niệm “cánh bạc” đã đặt ở đó đến ngày nay. Điều này làm tôi nhớ đến Sư phụ. Trùng hợp thay, trên đó có dòng chữ: “Ông đã khai mở con đường cao tốc vĩ đại trên không cho toàn nhân loại.” Tôi nghĩ: “Quả là một nơi lý tưởng để lập điểm luyện công!” Nhưng có lẽ thành tựu tuyệt nhất tại điểm luyện công này, theo quan điểm của tôi, là mẹ và bà tôi đã tham gia học các bài công pháp. Mặc dù họ không đọc các sách và bài giảng Pháp, nhưng họ thường xuyên cùng tôi luyện công, giúp tôi giảng chân tướng, xem chương trình Thần Vận và quảng bá chương trình cho bạn bè của họ.

Xuyên suốt trải nghiệm của việc quay về quê nhà để tu luyện, ngẫm lại, tôi có thể thấy đó là sự an bài tỉ mỉ cho mình.

Giảng chân tướng tại USS Midway

San Diego là một điểm du lịch thường xuyên của nhiều du khách đến từ Trung Quốc. Các đồng tu Tây phương và tôi phối hợp đồng bộ với các học viên Trung Quốc tại điểm giảng chân tướng tại USS Midway. Midway là tàu hải quân Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ II đã nghỉ hưu và được chuyển đổi thành bảo tàng. Tôi cảm thấy đặc biệt gần gũi với nó bởi ông tôi đã chiến đấu cho hải quân trong thế chiến thứ II và được đóng quân trên Midway trong thời gian ngắn. Đó là con tàu của ông tôi.

Trong lúc các học viên nói tiếng Trung giảng chân tướng cho người Trung Quốc, thì các học viên phương Tây luyện công, chứng minh rằng người Mỹ cũng tu luyện Đại Pháp. Có lần, tôi đã đọc một bài chia sẻ kinh nghiệm bởi một học viên viết rằng: “Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến tận mắt những nỗ lực giảng chân tướng của chúng ta đã thành công ra sao khi người Trung Quốc nhìn thấy người phương Tây tu luyện Đại Pháp…những khuôn mặt phương Tây của chúng ta có khả năng ngay lập tức phá vỡ tầng tầng lớp lớp tuyên truyền dối trá của tà đảng đã đầu độc đầu óc của rất nhiều người.”

Có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng đến từ Midway, chủ yếu liên quan đến các du khách Trung Quốc bị kinh ngạc, nhìn chằm chằm vào các học viên Tây phương chúng tôi và chụp cận cảnh.

Có vài lần tôi mở mắt khi đang luyện bài công pháp thứ năm chỉ để tìm cái camera đang dí sát gần mặt mình và một nhóm du khách Trung Quốc đang nói chuyện với một học viên ở gần đó.

Vào ngày thứ bảy có nhiều gia đình người Mỹ và du khách Trung Quốc đến tham quan Midway, và con cái của họ thường chơi đùa trên bãi cỏ kế bên quầy giảng chân tướng.

Nhiều lần tôi bị ai đó đá banh văng trúng mình, hay một đứa bé chạy giỡn va vào tôi. Trong những trường hợp đó, tôi luôn luôn mỉm cười. Vì có lượng khách tham quan rất đông, nên nơi đây quy tụ nhiều quầy hàng và các nghệ sĩ đường phố. Kế bên quầy giảng chân tướng có một người đàn ông tên Gary, chuyên tạo ra các bong bóng xà phòng lớn cho trẻ em đuổi theo và đập vỡ các bong bóng đó. Dĩ nhiên là cuối buổi luyện công, nhiều lần tôi bị các bọt xà phòng dính vào người khắp từ đầu đến chân.

Nhưng tôi không cảm thấy phiền lòng chút nào, bởi Gary không những ủng hộ chúng tôi mà anh ấy còn cố gắng điều chỉnh hết mức cho những bong bóng xà phòng không bay về hướng quầy giảng chân tướng. Kỳ thực sự có mặt của Gary rất hữu ích, bởi anh ấy thu hút một lượng lớn trẻ em đến chơi gần quầy của chúng tôi. Thế là các vị phụ huynh sẽ tụ tập gần quầy giảng chân tướng và đọc các tài liệu Đại Pháp, nêu câu hỏi, và khiến cho các du khách Trung Quốc dành nhiều thời gian hơn để xem xét mọi thứ. Đây quả thực là một tình huống hết sức tích cực.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/5/29/368157.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/5/31/170605.html

Đăng ngày 9-6-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share