Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-03-2018] Khi còn bé, tôi là một người sống nội tâm. Tôi cũng là con út trong gia đình nên hình thành những thói quen xấu như lười biếng và phụ thuộc vào người khác. Trước khi kết hôn, tôi mơ về một người chồng có thể chăm sóc tôi, nhưng số phận đã không mỉm cười với tôi. Chồng tôi hay cáu kỉnh, lạnh lùng và sống nội tâm. Ngoài ra anh còn thờ ơ, anh không chịu làm bất cứ việc nhà nào. Hàng ngày chúng tôi cãi nhau suốt vì chuyện này. Đã có những lần anh còn đánh tôi, và vài lần chúng tôi đã nói đến chuyện ly hôn.
Tu luyện qua các khổ nạn gia đình
Tôi không những thất vọng mà còn tràn đầy tâm oán hận. Rồi thì tôi truyền cả tâm oán hận anh sang con trai mình. Mỗi lần tôi và chồng cãi nhau, tôi không cho phép con trai gọi chồng là “cha” mà bắt gọi là “đại tặc”. Con tôi còn nhỏ và đã làm theo những gì tôi bảo. Qua thời gian, con trai hình thành tâm oán hận cha nó. Tâm oán hận đó đã hủy hoại sự hòa hợp trong gia đình tôi.
Tôi may mắn bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Pháp lý Chân–Thiện–Nhẫn của Đại Pháp đã giúp tôi biết cách cư xử như một người tốt thế nào và chu đáo với người khác ra sao. Sau khi học Đại Pháp tôi đã làm hầu hết các việc nhà. Nếu thỉnh thoảng động tâm thì tôi nhẩm lại Pháp của Sư phụ:
“Bất ký thường nhân khổ lạc Nãi tu luyện giả Bất chấp vu thế gian đắc thất La Hán dã”
Tạm dịch: Chẳng nhớ sướng khổ người thường Ấy người tu luyện Chẳng chấp được mất nơi thế gian Kìa La Hán
(Khiêu Xuất Tam Giới – Hồng Ngâm)
Dần dần tôi tu bỏ tâm oán hận và bực tức trong tâm, và cảnh giới của tôi dần dần được đề cao. Giờ đây, không kể việc nhà khó nhọc thế nào, tôi không còn cảm thấy chán ghét và bị bạc đãi nữa.
Năm 2014 mẹ chồng tôi đến nhà tôi để dưỡng bệnh sau ca phẫu thuật ung thư ruột. Bà thường không tự chủ được việc đại tiện. Bố chồng tôi đã bị cắt bỏ một bên bàng quang và phải mang theo một túi tiểu cũng đi cùng mẹ chồng tôi. Ông thường tiểu tiện ra quần. Tôi dậy sớm để luyện công. Sau đó tôi giặt quần áo cho bố mẹ chồng, nấu ăn sáng, và tiêm thuốc tiểu đường cho bà. Sau khi làm xong mọi việc thì đến giờ tôi đi làm, và thỉnh thoảng tôi không có thời gian ăn sáng.
Sau khi nhận thấy sự tận tụy vô ngã của tôi, bố mẹ chồng và chồng tôi cảm thấy ái ngại cho tôi vì làm lụng quá vất vả. Chồng tôi không còn cáu kỉnh và lạnh lùng nữa. Tôi biết rằng trong suốt quá trình tu luyện của mình, tất cả những khó khăn trong gia đình là để giúp tôi thanh trừ những niệm đầu bất hảo đã cắm rễ sâu.
Trước khi con trai tôi tốt nghiệp, tôi đã có vấn đề với chồng. Tuy nhiên, tôi đã không đoán trước được rằng sau khi con trai tốt nghiệp thì con lại trở thành vấn đề còn lớn hơn.
Con trai, một quan mới
Con trai tôi thông minh, nhưng cháu cũng rất nghịch ngợm và bướng bỉnh từ khi còn nhỏ. Vợ chồng tôi luôn hy vọng rằng một ngày kia cháu sẽ thành công và đứng đầu lớp. Mỗi lần cháu học kém ở trường thì chúng tôi trì triết cháu. Thậm chí chồng tôi còn đánh cháu.
Cuối cùng con trai tôi đỗ vào một trường đại học danh giá. Nhưng hậu quả của việc lăng mạ mà cháu phải chịu đựng đã khiến cháu lớn lên trở nên sống cô lập, hung bạo và khác người. Khi vào trường đại học, cháu có nguy cơ bị trượt vài môn chính, nhưng cuối cùng cháu vẫn tốt nghiệp.
Cháu trở về nhà sau khi tốt nghiệp để chuẩn bị cho một bài thi để xin việc. Tôi thấy cháu đã thay đổi quá nhiều. Cháu luôn đóng chặt cửa và chơi game trên máy tính hoặc điện thoại cho đến nửa đêm. Bất cứ khi nào tôi nhắc đến việc học là cháu cãi lại tôi. Điều đáng sợ nhất là cháu thường hét lên khủng khiếp và đánh thức tôi giữa đêm. Khi ấy trái tim tôi tan vỡ. Tôi đã thất vọng đến đau lòng.
Cháu muốn chở ông bà nội đi một vòng ngay sau khi lấy được bằng lái xe. Tôi lo lắng về khả năng lái xe của cháu và nói riêng với ông bà rằng cháu vẫn là tay lái mới nên ông bà không nên để cháu chở đi bất cứ đâu. Chúng tôi đã không ngờ rằng ông bà đã nói lại với cháu điều này. Con trai tôi rất tức giận, quát mắng chúng tôi, đóng sầm cửa và bỏ đi.
Tôi đuổi theo cháu ra ngoài và nhìn thấy con chuẩn bị lái xe. Khi đó tôi còn thậm chí kinh sợ hơn. Tôi khóc lóc, xin con đừng lái xe. Cháu đã không nghe và phóng đi. Tôi quay lại nhà, sợ hãi và tức giận. Ông bà cũng rất buồn vì cháu tức họ và nhất định đòi về nhà. Tôi thuyết phục bố mẹ chồng ở lại nhưng tôi đã khóc lóc sau khi vào phòng.
Các học viên khác đã chia sẻ với tôi và hỗ trợ tôi. Tôi học Pháp nhiều hơn và hướng nội để thanh trừ cái tình với con trai mình. Tôi xem kỹ lại việc tu luyện của mình. Từ khi còn nhỏ con trai tôi đã biết Đại Pháp là tốt và có thể đọc thuộc Luận Ngữ. Mặc dù cháu không thực sự bước vào tu luyện nhưng luôn đi cùng tôi phát tài liệu giảng chân tướng. Qua việc đọc Cửu bình cháu cũng hiểu được cộng sản là tà ác, vì thế cháu không bao giờ gia nhập Đoàn thanh niên khi học cấp hai. Khi lên cấp ba, tôi thường bảo cháu nhẩm một số kinh văn mới của Sư phụ. Thậm chí cháu còn thuyết phục vài bạn trong lớp thoái Đảng. Sư phụ dạy chúng ta rằng môi trường tu luyện của chúng ta liên quan đến việc tu luyện của chúng ta. Vì thế trạng thái của con trai tôi chắc hẳn phản ánh chính trạng thái của tôi. Tôi xem xét bản thân kỹ lưỡng và thấy rằng mình chấp vào danh quá mạnh. Tôi cũng nhận thấy mình luôn muốn làm tốt hơn những người khác. Tôi đã truyền tâm lý này sang cho con mình. Tôi chưa bao giờ cho phép cháu hỏi tôi, không cần biết cháu đúng hay sai. Giờ đây cháu đang thách thức tôi và tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi nhận ra rằng mình chưa tu tốt chữ “Nhẫn”. Nhận ra thiếu sót này tôi đã quyết định thay đổi bản thân.
Tôi không còn chỉ tập trung vào việc học của con trai nữa. Sau khi về nhà, tôi vào bếp để nấu vài món mà con thích. Tôi gõ cửa phòng cháu và gọi cháu ra cùng ăn tối với chúng tôi. Cháu thường không mở cửa phòng, thậm chí sau khi tôi đã gõ cửa vài lần, và thỉnh thoảng không ra ngoài cho đến khi khi chúng tôi ăn tối xong. Thỉnh thoảng tôi nghĩ về việc mình đã đi làm vất vả như thế nào và bực tức vì con trai chẳng chịu làm việc nhà và vẫn đòi hỏi phải được chăm sóc như vậy. Những lúc như vậy, tôi nhẩm Pháp của Sư phụ:
“Nan nhẫn, năng nhẫn. Nan hành, năng hành.” (Chuyển Pháp Luân)
Sự bực bội và mất cân bằng trong tâm sớm tan biến khi tôi bắt đầu tu luyện chân thành hơn.
Khi tôi thay đổi, thái độ của con trai tôi cũng tốt lên. Hai năm sau khi tốt nghiệp, cháu đã được nhận vào làm ở một cơ quan nhà nước sau khi đạt điểm xuất sắc trong bài thi đầu vào. Tôi vẫn nhớ, vào ngày cháu đi bài thi, cháu đã rửa tay và thắp hương cho Sư phụ. Sau khi có việc, cháu đã hạnh phúc và vui vẻ hơn.
Sau khi con trai tôi kiếm được việc, chồng tôi cười nhiều hơn. Do sự tận tụy vô ngã và nhẫn chịu của tôi, gia đình tôi giờ đây là một gia đình hạnh phúc. Tôi tin rằng tất cả những điều này đều do Sư phụ ban cấp cho.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/4/20/169430.html
Bản tiếng Hán https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/29/363055.html
Đăng ngày: 24-5-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.