Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 2-2-2017] Tổng cộng có mười học viên ở thành phố Nam Kinh đã bị bắt giữ và kết án tù vì tội “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ thường được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để vu khống và cầm tù các học viên Pháp Luân Công.

Các luật sư đã đưa ra lời biện hộ vô tội cho họ. Các luật sư lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc kết tội Pháp Luân Công, và các thân chủ của họ đáng lẽ không bao giờ phải bị truy tố vì thực thi quyền tự do tín ngưỡng theo hiến pháp của họ.

Hơn nữa, không có bằng chứng truy tố nào cho thấy việc tu luyện Pháp Luân Công của bị cáo từng gây hại cho ai, chứ chưa nói đến phá hoại việc thực thi pháp luật.

Các học viên đã đệ đơn kháng cáo, nhưng tòa trung thẩm tại địa phương vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu mà không mở các phiên xét xử công khai hay thông báo cho các luật sư của họ.

Mười nữ học viên này là: Tạ Lệ Hoa, Đường Tịnh Mai, Tịch Kiến Hà, Hùng Quế Trân, Trương Siêu Mỹ, Phan Hán Ngọc, Phan Tiểu Cầm, Phan Khánh Ninh, Vương Huệ Lan và Nhạc Kim Lan.

Các vụ bắt giữ được thực hiện riêng rẽ

Bốn học viên, Tạ Lệ Hoa, Đường Tịnh Mai, Phan Tiểu Cầm và Phan Khánh Ninh, bị bắt giữ vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 và chính thức bị giam giữ vào ngày hôm sau. Vụ bắt giữ của họ được phê duyệt vào ngày 1 tháng 5 năm 2015 và họ bị đưa ra xét xử vào ngày 17 tháng 9 năm 2015.

Trong quá trình này, bà Tạ Lệ Hoa và bà Đường Tịnh Mai đã bị giam giữ tại Trại tạm giam Nam Kinh trong khi hai học viên khác được tại ngoại vì các vấn đề về sức khỏe.

Năm học viên, gồm bà Tịch Kiến Hà, Hùng Quế Trân, Trương Siêu Mỹ, Vương Huệ Lan và Nhạc Kim Lan, bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 8 năm 2015 và chính thức bị giam giữ vào hôm sau.

Hai ngày sau, ngày 17 tháng 8 năm 2015, một học viên khác, bà Phan Hán Ngọc, bị bắt giam. Các vụ bắt giữ của họ được phê duyệt vào ngày 9 tháng 9 năm 2015 và các học viên bị đưa ra xét xử vào ngày 31 tháng 5 năm 2016.

Từ lúc bắt giữ tới lúc bị xét xử, bốn học viên – bà Tịch Kiến Hà, Hùng Quế Trân, Trương Siêu Mỹ và Phan Hán Ngọc – bị giam giữ tại trại tạm giam Nam Kinh, trong khi hai học viên khác được thả vì các vấn đề về sức khỏe.

Các phiên xét xử riêng biệt

Phiên xét xử của bốn học viên đầu tiên được sắp xếp vào ngày 17 tháng 9 năm 2015. Các học viên đã thuê luật sư để biện hộ cho mình. Tuy nhiên, các luật sư đã nhận được những cuộc điện thoại từ phòng cảnh sát, đe dọa họ không được biện hộ cho các học viên. Luật sư vẫn biện hộ vô tội cho các học viên tại tòa án.

Vào ngày diễn ra phiên xét xử, tòa án chứa đầy nhân viên từ Phòng 610 và phòng cảnh sát.

Bản án được đưa ra vào ngày 9 tháng 10 năm 2016. Bà Tạ Lệ Hoa bị kết án ba năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ; bà Đường Tịnh Mai bị kết án hai năm tù và bị phạt 20.000 nhân dân tệ; bà Phan Tiểu Cầm bị kết án hai năm tù và bị phạt 20.000 nhân dân tệ; và bà Phan Khánh Ninh bị kết án một năm tù và phạt 10.000 nhân dân tệ.

Phiên xét xử sáu học viên khác diễn ra vào ngày 31 tháng 5 năm 2016. Hai ngày trước phiên xét xử, các học viên địa phương đã bị sách nhiễu và giám sát. Một số học viên bị hạn chế tự do di chuyển.

Cảnh sát cũng đưa một số học viên địa phương tới đồn cảnh sát để lấy dấu vân tây và lấy máu.

Các chị em của học viên Hùng Quế Trân đã bị cưỡng ép đưa tới đồn cảnh sát để lấy dấu vân tay và lấy máu. Họ sẽ bị bắt giữ nếu từ chối tuân thủ.

Bản án cho sáu học viên đã được thông qua vào ngày 7 tháng 12 năm 2016. Bà Tịch Kiến Hà bị kết án bốn năm tù và phạt 40.000 nhân dân tệ; bà Phan Hán Ngọc bị kết án ba năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ; bà Hùng Quế Trân bị kết án ba năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ; bà Trương Siêu Mỹ bị kết án ba năm tù và bị phạt 30.000; bà Vương Huệ Lan bị kết án một năm rưỡi tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ; và bà Nhạc Kim Lan bị kết án 15 tháng tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ.

Các học viên đã kháng cáo, nhưng tòa án vẫn giữ nguyên các phán quyết cũ và đưa họ tới nhà tù mà không thông báo cho các luật sư của họ.

Những chi tiết về bức hại trước đây

Trước các vụ bắt giữ gần nhất này, tất cả các học viên đều từng bị bắt rất nhiều lần. Nhà của họ cũng bị lục soát.

Bà Tạ Lệ Hoa, 54 tuổi, bị đưa tới trại lao động bốn lần và nhà của bà bị lục soát rất nhiều lần. Chồng bà phải bỏ nhà đi vì ông không thể chịu đựng được căng thẳng; con gái bà được gửi lại bà ngoại chăm sóc. Trong khi bị giam trong trại lao động, bà Tạ đã bị sốc bằng dùi cui điện, bị cấm ngủ và cấm sử dụng nhà vệ sinh. Bà cũng bị bức thực bằng nước muối nồng độ cao.

Bà Đường Tịnh Mai, 65 tuổi, bị bệnh cổ trướng gan và đã được chữa khỏi sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị kết án bốn năm tù vào năm 2002 và kết án lao động hai lần vào năm 2008 và năm 2010. Bệnh cổ trướng gan của bà tái phát vì bức hại, nhưng sau khi về nhà luyện công bà đã phục hồi.

Bà Phan Tiểu Cầm, nghỉ hưu, 70 tuổi, bị bắt giữ tám lần và bị đưa đi tẩy não năm lần. Cảnh sát đã sốc điện những chỗ nhạy cảm của bà bằng dùi cui điện áp cao trong lúc giam giữ bà. Bà đã bị mất lương hưu vì bức hại.

Bà Phan Khánh Ninh, 72 tuổi, bị đưa tới trại lao động trong một năm vào năm 2002 và bị giam giữ hai lần. Ngày 23 tháng 3 năm 2015, bà lại bị bắt giữ và nhà bị lục soát, bà bị giam giữ trong gần 40 ngày.

Bà Tịch Kiến Hà, ngoài 50 tuổi, bị gửi tới trại lao động ba lần. Tại trại lao động, bà bị cấm ngủ và sử dụng nhà vệ sinh, bà cũng bị [lính canh] dùng ghế đẩu đập vào đầu. Bà bị nhét giẻ nhúng nước tiểu mồm, và bị sốc điện vào những chỗ nhạy cảm khi từ chối viết cam kết [từ bỏ tu luyện].

Bà Hùng Quế Trân, ngoài 50 tuổi, bị bắt giữ và nhà bị lục soát vào tháng 2 năm 2011. Bà được thả một tháng sau khi gia đình đòi thả bà. Ngày 19 tháng 5 năm 2011, bà lại bị bắt giữ và kết án một năm trong trại lao động vào tháng 7.

Bà Nhạc Kim Lan, ngoài 50 tuổi, bị kết án năm năm tù vào năm 2001. Bà bị bắt lại vào cuối tháng 4 năm 2010, và bị đưa tới trại lao động cưỡng bức trong một năm. Sau đó, bà được thả để điều trị y tế. Bà bị ép phải viết cam kết [từ bỏ tu luyện] sau khi bị cảnh sát lừa, bảo rằng trại lao động sẽ trả lại cho bà số tiền mà gia đình bà đã đóng sinh hoạt phí của bà. Lần bắt giữ thứ năm của bà xảy ra vào tháng 8 năm 2015, nhưng bà đã được tại ngoại vì các vấn đề về sức khỏe.

Bà Vương Huệ Lan, nghỉ hưu, 54 tuổi, đã nhiều lần bị đưa tới trung tâm tẩy não và trại lao động, và thường bị cảnh sát sách nhiễu. Mùa hè năm 2015, bà bị bắt giữ và đánh đập tàn bạo. Cảnh sát đã đưa bà tới trại tạm giam Nam Kinh, nhưng các nhà chức trách của trại tạm giam từ chối nhận bà vì các lý do về sức khỏe.

Bà Phan Hán Ngọc bị bắt giữ năm lần và bị đưa đi tẩy não nhiều lần. Năm 2011, tại trại lao động bà bị lột hết quần áo và sốc bằng năm dùi cui điện. Bà cũng bị ép phải cởi tất và giày, rồi bị bắt đứng trên dùi cui điện.

Bà Trương Siêu Mỹ, 54 tuổi, bị đưa tới trại lao động cưỡng bức hai lần và từng được thả để điều trị y tế.


Bản tiếng Hán: [https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/2/342576.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/7/162098.html
Đăng ngày 17-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share