Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-11-2015] Vào một ngày mùa hè vừa qua, cha tôi và tôi cùng ăn dưa hấu. Ông bổ dưa hấu và nhận lấy phần ngon nhất. Ông để phần còn lại cho tôi. Tôi có chút ngạc nhiên và cảm thấy bị thiệt thòi, nhưng tôi nghĩ rằng với đệ tử Đại Pháp không điều gì xảy đến một cách ngẫu nhiên. Tất cả khó nạn hay những điều không vui đều được an bài để tôi trả nợ, hoặc trong trường hợp này để tôi xả bỏ tâm chấp trước vào việc được quan tâm chăm sóc.

Sau khi học Pháp, tôi đã ngộ ra rằng các đệ tử Đại Pháp sẽ trở thành những vị Thần trong vũ trụ mới. Đối với những học viên lâu năm đắc Pháp trước khi cuộc bức hại diễn ra, Sư phụ Lý Hồng Chí đã đẩy chúng ta tới vị trí của mình. Điều này để nói rằng chân ngã của chúng ta đã quy vị rồi. Vậy thì vì lý do gì mà chúng ta không thể trừ bỏ hết thảy chấp trước vào danh, lợi và tình? Đó là vì chúng ta vẫn còn những bộ phận chưa tu tốt khiến cho chúng ta phóng túng bản thân và ôm giữ những quan niệm của người thường. Khi suy nghĩ của chúng ta phù hợp với người thường, chúng ta sẽ bị ước chế bởi cái lý trong tam giới. Tại sao lúc đó tôi lại có cảm giác không vui? Nó nói lên rằng tôi chưa đủ bao dung và tôi chưa đạt tới cảnh giới của vị tha hoàn toàn.

Cha tôi và tôi đi tới một nhà hàng và đồng ý sẽ gọi một số món ăn cho bữa tối. Nhưng khi người phục vụ đến, cha tôi đã gọi tất cả những món ăn mà ông thích và không một món nào trong số đó hợp với khẩu vị của tôi. Sự việc này một lần nữa khiến tôi có một chút không vui, mặc dù khuôn mặt của tôi không thể hiện nó ra và tôi cũng không phàn nàn gì. Chiểu theo yêu cầu cao trong tu luyện thì tôi đã không vượt qua tốt được khảo nghiệm này. Nếu tôi thực sự có tấm lòng bao dung rộng lớn, tâm của tôi đã không động và tôi đã có thể hành xử điềm tĩnh từ đầu tới cuối.

Học viên Đại Pháp là tu luyện trong xã hội người thường. Các chấp trước của chúng ta xuất phát từ các quan niệm có nguồn gốc từ vị tư. Những quan niệm này hình thành nên thói quen như bảo vệ bản thân, lối suy nghĩ cùng tác phong thường ngày của chúng ta. Thật khó để loại bỏ thói quen bảo vệ bản thân. Nó khó bởi vì người ta không thể giữ tâm bất động khi lợi ích cá nhân bị xâm phạm hay khi lòng tự tôn bị tổn thương. Tại sao tôi chưa thể thoát ra khỏi vị tư và đạt tới vô tư vô ngã? Tôi nhìn lại hoàn cảnh đó và nhận ra rằng: Khi đối diện với khảo nghiệm, tư duy của tôi chưa thể trở về với chân ngã của mình và trong tiềm ý thức của tôi, tôi đang tìm kiếm sự quan tâm và cái tình của con người. Chúng ta những học viên Đại Pháp là những sinh mệnh vinh diệu nhất trong vũ trụ vì Sư phụ đã trao cho chúng ta tất cả những gì tốt đẹp nhất. Chúng ta còn ôm giữ chấp trước nào nữa đây?

Tôi đã loại bỏ đi chấp trước tìm kiếm sự quan tâm từ cha của mình. Sau đó ông đã trở nên khoan dung hơn và bắt đầu nghĩ đến tôi và quan tâm tới cảm giác của tôi. Vậy nên, mọi việc đều có liên quan tới sự tu luyện của chúng ta. Chỉ có thoát khỏi chấp trước vào tình, lòng từ bi của chúng ta mới có thể có tác động tới những người khác và cứu độ chúng sinh.

Trong bài Nhổ tận gốc, Tinh Tấn Yếu Chỉ, Sư phụ Lý đã dạy chúng ta:

Trong tu luyện của chư vị, tôi sẽ dùng hết thảy các biện pháp để bộc lộ ra tất cả các tâm của chư vị, từ gốc rễ mà nhổ bỏ nó đi.

Tôi đã ngộ ra rằng việc tìm kiếm sự quan tâm và cái tình của người thường chính là đang duy hộ các nguyên lý của xã hội người thường, nhưng để chứng thực Pháp thì lời nói và việc làm cần phải chiểu theo Pháp. Chỉ bằng cách đặt bản thân mỗi chúng ta vào vị trí của những vị Thần trong vũ trụ mới, thì tâm của chúng ta mới có thể bất động khi gặp mâu thuẫn, và chúng ta mới có thể đạt tới vô tư vô ngã và đầy đủ chính niệm để cứu độ chúng sinh.

Giúp đỡ một học viên đang gặp quan nghiệp bệnh

Tôi tới nhà một đồng tu đang chịu nghiệp bệnh trong hơn hai năm qua để giúp đỡ chị ấy. Chị dễ tức giận và không chú ý tới ngôn hành của mình. Chị bận rộn với việc nhà và có rất ít thời gian học Pháp. Các thế tay của chị khi luyện các bài công pháp bị lệch một chút. Mặc dù các đồng tu đã nhắc chị nhiều lần, nhưng chị vẫn không sửa. Chị thường ngủ gục trong lúc xem băng hình các bài hướng dẫn luyện công của Sư phụ Lý. Dường như chị đang bị can nhiễu bởi tà ác ở không gian khác.

Trong ngày đầu tiên tôi ở nhà chị, chiếc cốc đựng nước của tôi vô tình bị rơi vào bồn rửa khi tôi đánh răng. Chị lo rằng chiếc cốc có thể bị vỡ và đã khiển trách tôi. Tôi đã nhẫn chịu phản ứng của chị, mặc dù tôi chưa từng bị đối xử như vậy khi ở nhà những người khác.

Sau đó tôi xin lỗi chị và nói rằng do tôi không cẩn thận. Ban đầu cuộc nói chuyện của chúng tôi khá dễ chịu, nhưng sau đó tôi đã tranh luận với chị khi chị chỉ trích một học viên khác. Lát sau, tôi cảm thấy đau thắt ở ngực và đã nghĩ rằng có lẽ tôi nên rời đi vì thật khó để giúp đỡ học viên này. Tối hôm đó tôi đã mơ một giấc mơ. Sư phụ Lý đã điểm hóa cho tôi trong mơ rằng tôi đã nói nặng lời với chị ấy.

Tôi hiểu ra rằng tôi đã không làm tốt. Tôi nghĩ lại mục đích của tôi khi tới ở với chị. Tôi đến để giúp chị nhưng tôi đã không thể hiện được vai trò tích cực của mình. Những lời lẽ của tôi đã dẫn khởi mặt tiêu cực của chị. Chẳng phải tôi đang làm gia tăng khổ nạn cho chị? Khi tôi có ý định rời đi, chẳng phải nó là biểu hiện của sự vị tư? Sau nhiều năm như vậy, tôi cảm thấy thật khó để đền đáp sự từ bi cứu độ của Sư phụ. Đồng tu ấy cũng là một đệ tử của Sư phụ. Chị đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Làm sao tôi có thể đối xử với chị như vậy? Tôi đã làm gì để trợ giúp Sư phụ Chính Pháp? Tôi thấy có lỗi với Sư phụ và cảm thấy ân hận.

Ngày hôm sau, tôi thành thực xin lỗi chị. Cố gắng hướng nội của tôi đã khiến chị cảm động. Chị đã thay đổi thái độ và bầu không khí trở nên thân thiện. Tôi nhắc chị chỉnh lại thế tay khi luyện công. Chị đã chấp nhận góp ý của tôi.

Vị đồng tu lớn tuổi này, trước năm 1999 động tác của chị tương đối chuẩn xác. Sau khi phải chịu đựng nghiệp bệnh trong một thời gian dài, thế tay của chị khi luyện công và nét mặt của chị đã thay đổi. Tôi cảm thấy buồn cho chị và nước mắt lưng tròng. Tôi phát chính niệm thanh trừ can nhiễu đằng sau chị và nhờ Sư phụ Lý giúp chị luyện bài công pháp số hai.

Tôi cùng chị xem băng hình hướng dẫn luyện công của Sư phụ. Chị rất chú ý trong lúc xem. Tôi biết rằng Sư phụ Lý đã giúp đỡ chị và can nhiễu từ không gian khác đã bị loại trừ. Tôi trở về nhà và nghe từ các đồng tu khác kể lại rằng chị đã có thể luyện công một cách chuẩn xác và trân trọng những góp ý từ những người khác. Một việc tưởng chừng như không thể nay đã được hoàn thành, đều là nhờ tâm thái cảm ân của tôi đối với Sư phụ.

Để có thể giúp đỡ các đồng tu cần phải có một thái độ chân thành và thói quen hướng nội. Mỗi học viên có thể có thể ngộ khác nhau. Chúng ta không thể bác bỏ ý kiến của họ và áp đặt họ bằng những tiêu chuẩn của mình. Thông thường, sự ngăn cách giữa các học viên xuất phát từ việc nhận thức không giống nhau. Nếu một học viên không nhận ra vấn đề này dẫn đến việc phối hợp không tốt thì sẽ gây ra tác dụng phụ diện.

Trước đây, tôi thường áp đặt tiêu chuẩn cao hơn cho các học viên tinh tấn và thúc giục những ai không đủ tinh tấn theo kịp, khiến họ cảm thấy bị áp lực và trong tâm xuất hiện sự phản kháng. Giờ đây, mỗi lần gặp phải sự việc tương tự, tôi sẽ nhớ tới sự từ bi của Sư phụ và động viên họ. Tôi sẽ giải quyết những vấn đề đó bằng cách trở về với chân ngã của mình và đồng hóa với những gì mà Sư phụ mong muốn. Tôi sẽ không để tâm của mình bị động trước những biểu hiện bề mặt hay sự việc trong xã hội người thường. Tôi sẽ đối xử với mọi người bằng sự từ bi và loại bỏ các chấp trước của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/28/319744.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/12/1/153906.html

Đăng ngày 17-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share