Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Ấn Độ

[MINH HUỆ 20-05-2023] Hội Giao lưu Tâm đắc Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) Ấn Độ được tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ vào ngày 13 tháng 5 năm 2023. Các học viên Đại Pháp đến từ Ấn Độ, Sri Lanka, Đài Loan, Hoa Kỳ, Pháp và Đức, đã tập trung tại Khách sạn Quốc tế Samrat để tham gia Pháp hội. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động diễn ra tại Ấn Độ để chào mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới.

Đây là Pháp hội quy mô lớn lần thứ tư được tổ chức ở Ấn Độ. 25 học viên đã chia sẻ trải nghiệm tu luyện của họ. Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã gửi thư chúc mừng tới hội nghị.

39b251d23415be1e0682fe4e08a9ba84.jpg

52ac808309fbea0a7b5a221db817af66.jpg

4645becd5b2cf4a8fa28934c76115484.jpg

1d968a65382bd97f730ffd9c504b7788.jpg

313aebdb18cb92694e8ec197c87da9d8.jpg

Các học viên chia sẻ trải nghiệm tu luyện trong Pháp hội Ấn Độ vào ngày 13 tháng 5 năm 2023

Trên bục của Pháp hội được treo một bức ảnh của Sư phụ Lý và hai bức ảnh biểu tượng Pháp Luân cùng 72 bông hoa sen được làm thủ công để chúc mừng sinh nhật lần thứ 72 của Sư phụ.

Trong Pháp hội, các học viên đã chia sẻ về quá trình họ tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp và vượt qua những thử thách trong cuộc sống cá nhân.

Trải qua một loạt bất hạnh với thái độ tích cực

Cô Archana Thakeria cho biết, năm 2016, cô đã trải qua hàng loạt khó khăn: Chồng cô bị thuyên chuyển đi nơi khác, mẹ chồng cô bị đột quỵ, mẹ ruột cô qua đời, bố cô ốm liệt giường và suy sụp, còn chị gái cô được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan và cần ghép gan.

Nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô Thakeria đã có thể mạnh mẽ đối mặt với những khó khăn này. Cô đọc Pháp (các bài giảng của Đại Pháp) cùng các học viên khác để giúp cô bảo trì trạng thái tinh thần tích cực.

Cô cho biết: “Nhìn lại, đó là một lần ma luyện trọng yếu về tình đối với tôi. Trong thời gian đó, nhờ học Pháp nhóm trực tuyến và chia sẻ với các đồng tu mà tôi có thể tập trung vào tu luyện và tăng cường sức chịu đựng của mình.”

Thực sự lý giải được các Pháp lý của Đại Pháp

Anh Anupam Maji bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2020, nhưng vì anh có nhiều định kiến ​​về tu luyện bản thân và tâm linh nên anh cảm thấy khó nắm bắt ý nghĩa thực sự của các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp.

Anh chia sẻ: “Đầu óc của tôi chao đảo và nảy ra đủ loại suy nghĩ lố bịch. Tôi nghĩ: ‘Có thể (đó là) một câu chuyện cổ tích hoặc thần thoại mà tôi từng đọc khi còn nhỏ hoặc được nghe những người khác trong xã hội nói về một loại tín ngưỡng phổ biến nào đó.’ Tất cả những điều này gây trở ngại rất lớn cho sự tu tập của tôi.”

Tuy nhiên, cuối cùng anh Maji đã có thể buông bỏ những định kiến ​​này và lĩnh hội được điều cốt lõi của Pháp Luân Đại Pháp: Rằng người ta phải thực sự thay đổi lối suy nghĩ của mình thì mới có thể đạt đến cảnh giới cao hơn. Mặc dù anh không chắc liệu mình có thể viết về những trải nghiệm tu luyện của bản thân hay không, nhưng anh nhận thấy rằng quá trình viết bài đã giúp anh hướng nội và khám phá ra một bản thân mới trong quá trình này. Anh Maji nói rằng anh vô cùng biết ơn vì đã có cơ duyên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và hứa sẽ kiên trì tu luyện.

Tin vào Đại Pháp thoát khỏi phiền não

Cô Bhavani Odatt vô cùng lo lắng khi cuộc sống thành công ở nước ngoài của cô sụp đổ. Khi cả sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình đều tan vỡ, cô đã tìm kiếm một lối thoát và đó là cách cô ấy tìm thấy Pháp Luân Đại Pháp.

Ngay sau khi bước vào tu luyện, cô Odatt trở nên khỏe mạnh hơn, tự tin hơn và khoan dung hơn. Cô cũng học cách buông bỏ chấp trước và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.

Nhưng cuộc sống có lúc thăng lúc trầm. Năm 2021, cuộc đời cô Odatt lại xuất hiện biến cố. “Vào ngày 4 tháng 10 năm 2021, tôi nhận được một cuộc gọi nói rằng: ‘Con trai chị đã qua đời vì đau tim.’”

Cô vô cùng đau đớn khi biết tin cậu con trai mới 19 tuổi đang là sinh viên ngành thiết kế tại Úc của mình qua đời. Cô đã đọc nhẩm “Luận Ngữ” và cảm thấy được nguôi ngoai. Nhờ tín Sư tín Pháp, không lâu sau, cô đã có thể bước ra khỏi nỗi buồn đau của mình.

Học cách hướng nội tìm

Tháng 8 năm 2015, ông Avinash Gedam bắt đầu giới thiệu Đại Pháp tại một trường học. Ông tin rằng bằng cách phát tờ rơi và tài liệu giảng chân tướng cho học sinh, gia đình của họ cũng sẽ biết đến Pháp Luân Đại Pháp và có những suy nghĩ tích cực về Đại Pháp.

Đối với ông, đây cũng là một quá trình đề cao. Ông Gedam nói: “Việc quảng bá Đại Pháp ở các trường học khác nhau cũng đã giúp tôi đề cao tâm tính và bộc lộ nhiều chấp trước, chẳng hạn như oán giận, bực tức, đố kỵ, sắc dục, cầu danh và đề cao danh tiếng bản thân”. Ông đã học cách hướng nội để tìm ra những vấn đề của mình và giải quyết chúng, đồng thời ông cũng dễ dàng tiếp thu những lời chỉ trích.

Vượt qua căng thẳng, lo lắng và oán giận

Bà Christine Teich đến từ Đức và đã sống tại Ấn Độ được 25 năm. Lúc đầu, bà không muốn nói về Pháp Luân Đại Pháp ở trường học vì bà cho rằng các học viên chỉ có thể biểu diễn các bài công pháp. Sau đó, bà nhận ra rằng mình cũng có thể khơi dậy sự chú ý của mọi người đối với hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, vì vậy bà đã đến nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ để giảng chân tướng.

Bà Teich cho biết bà vốn là người dễ trở nên căng thẳng, lo lắng và bực bội trong các cuộc xung đột. Nhưng khi không ngừng khích lệ bản thân thu hút sự chú ý của mọi người đến Pháp Luân Đại Pháp, bà nhận thấy mình đang dần khắc phục vấn đề này.

“Tôi nhận ra rằng, cuối cùng thì việc chúng ta ở đâu hay làm gì dường như không quan trọng lắm, mà điều quan trọng nhất là tâm chúng ta thuần tịnh và mong muốn được giúp đỡ người khác”, bà chia sẻ.

Vượt qua sự can nhiễu của ĐCSTQ

Ông Dimal đến từ Sri Lanka. Ông vừa tiếp nhận vị trí chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Sri Lanka. Khi các học viên địa phương đăng ký tham gia hội chợ sách, ban tổ chức đã bị Đại sứ quán Trung Quốc gây áp lực.

Ông Dimal nhớ lại: “Chúng tôi đã bị Đại sứ quán Trung Quốc can nhiễu tại Hội chợ Sách Quốc tế Colombo 2022. Chúng tôi đã phải đóng cửa gian hàng vào ngày cuối cùng của hội chợ.”

Đại sứ quán Trung Quốc đã gây áp lực cho những người tổ chức hội chợ sách yêu cầu các học viên Pháp Luân Đại Pháp ra khỏi sự kiện này. Tuy nhiên, các học viên đã không bỏ cuộc. Họ đã đến gặp ban tổ chức để giảng chân tướng và giải tỏa những hiểu lầm của họ về Pháp Luân Đại Pháp. “Họ hiểu tại sao Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại ở Trung Quốc, và sau đó tất cả họ đã mua Chuyển Pháp Luân”, ông Dimal nói.

Vào ngày 14 tháng 5, các học viên đã tổ chức lễ mít-tinh trong nhà để nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại của ĐCSTQ. Diễn viên kiêm nhà hoạt động Prakash Belawadi, nữ cảnh sát đầu tiên của địa phương Jija Singh, và hiệu trưởng Trường Trung học Anh ngữ Jyothi-Trường Quốc tế JEMS Akhil Scaria đã tham dự cuộc mít-tinh và phát biểu bày tỏ tình đoàn kết với các học viên.

eb1a65016bfd057c70004c2d048080df.jpg

Diễn viên kiêm nhà hoạt động Prakash Belawadi đến từ Bangalore phát biểu ủng hộ các hoạt động của các học viên Pháp Luân Đại Pháp

Người thân trong gia đình của các học viên được truyền cảm hứng

Các học viên cũng chiếu một bộ phim ngắn có tựa đề “Ngày 13 tháng 5”, để giải thích tại sao ngày này lại có ý nghĩa quan trọng đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên toàn thế giới.

Nhiều người thân của các học viên cũng đã tham dự các sự kiện mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp. Một số người trong số họ cho biết họ được truyền cảm hứng bởi các giá trị của Pháp Luân Đại Pháp và việc những học viên mà họ biết đã trở thành người tốt hơn ra sao nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Mẹ và anh trai của cô Trupti Petkar cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi họ bắt đầu tu luyện, cô đã nhận thấy những thay đổi tích cực trong gia đình mình. Cô Petka nói: “Kể từ khi mẹ và anh trai tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, bầu không khí ở nhà tôi rất tốt. Mọi người đối xử với nhau tốt hơn.”

Cô Sarika Gupta, một bà nội trợ, và chồng của cô đã tu luyện được 14 năm. Cô cho hay chồng cô đã truyền động lực cho cô tuân theo giá trị Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống.

Nhận xét về những khó khăn khác nhau mà các học viên đã chia sẻ tại Pháp hội, bà Gupta vô cùng ấn tượng trước sự kiên cường của họ. “Tôi nghĩ rằng trong những tình huống khó khăn, người ta phải học được cách bình tĩnh và lên tiếng khi thích hợp”, bà nói.

2e5fd269a8f6f8adccc3df4e3180945c.jpg

e33581724e296916f17f13e0fe333fc8.jpg

Luyện công tập thể, một hoạt động trong lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/20/461062.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/21/209452.html

Đăng ngày 23-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share