Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-01-2023] Gia đình ông Cao Hồng Kiệt đã mất liên lạc với ông trong thời gian chờ kết quả kháng cáo bản án 5 năm tù oan sai vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Họ nghi ngờ ông đã bị tống giam để chấp hành án.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Cao Hồng Kiệt (57 tuổi) cư trú ở thành phố An Khâu, tỉnh Sơn Đông. Ông là cựu giảng viên của Trường Đại học thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Ông bị bắt vào đầu tháng 10 năm 2021 và bị Tòa án thành phố An Khâu kết án 5 năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ vào tháng 11 năm 2022. Sau đó gia đình bị mất liên lạc với ông kể từ ngày 10 tháng 1 năm 2023.

Trước bản án gần nhất này, ông Cao, 57 tuổi, đã bị bắt giữ nhiều lần và bị kết án 10 năm tù vì kiên định đức tin của mình.

Bị bắt vì kháng nghị cho Pháp Luân Công

Vào tháng 7 năm 1999, ông Cao đã đi tới thành phố Tế Nam (thủ phủ của tỉnh Sơn Đông) để kháng nghị và phản đối cuộc bức hại. Sau khi ông trở về, trường học nơi ông giảng dạy đã bắt giữ ông 1 tuần và tẩy não ông với cường độ cao.

Ông Cao lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào ngày 27 tháng 12 năm 1999. Ông bị giam 10 ngày sau khi bị bắt và đưa trở lại Duy Phường. Sau đó, cha của ông đã bị Trình Thanh Quân, bí thư của trường học nơi ông công tác, tống tiền 10.000 nhân dân tệ.

Ông Cao quay trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện lần thứ hai vào ngày 14 tháng 5 năm 2000, và lại bị bắt một lần nữa. Một nhân viên bảo vệ của trường học đã tới Bắc Kinh để áp giải ông về. Ông ấy bị còng tay khi ở trên tàu hỏa và bị nhốt trong một căn phòng của trường học 2 tuần và sau đó bị giam trong Trại tạm giữ quận Khuê Văn 2 tuần nữa.

Gần 3 tháng bị nhốt trong bệnh viện tâm thần

Ban giám hiệu nhà trường đã phi pháp bắt ông Cao vào ngày 16 tháng 6 năm 2000 và đưa ông đến một bệnh viện tâm thần và giam ông ở đó hơn 80 ngày. Triệu Quang Cường, phó hiệu trưởng của trường, đã đánh đập ông ấy nhiều lần. Khi cha của ông Cao chất vấn ông ta về nguyên do đánh con trai ông, Triệu thản nhiên trả lời rằng mình chỉ làm theo chỉ thị từ cấp trên, rằng họ có thể đánh đập các học viên Pháp Luân Công, miễn là không đánh chết họ là được.

Do áp lực của cuộc đàn áp, ông Cao buộc phải viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Ông nhanh chóng hối hận về quyết định của mình và sau đó viết “Nghiêm chính thanh minh” vào tháng 1 năm 2001, giải trừ mọi điều mà ông đã viết trái với ý muốn của mình do bị cưỡng chế.

Để trả đũa, lãnh đạo nhà trường đã giam ông ấy một lần nữa. Họ còng tay ông vào giường và đánh đập ông. Ông Cao đã tìm cách trốn thoát qua lối cửa sổ và buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Bản án 10 năm

Ông Cao lại bị bắt vào năm 2002 và bị Tòa án thành phố An Khâu kết án 10 năm tù. Ở trong Nhà tù tỉnh Sơn Đông, ông bị đánh đập, mắng chửi và không được phép ngủ. Lính canh cũng bắt ông ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ liền mà không được cử động, thậm chí còn bỏ đói ông khiến ông từng bị ngất xỉu vì đói.

Vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông Cao đã bị tra tấn tàn nhẫn trong mười tháng liên tục, bắt đầu từ tháng 8 năm 2007. Ngoài việc bị đánh đập thường xuyên, hàng ngày các lính canh còn dùng bằng bàn chải đánh răng chà vào người ông, khiến vùng lưng và nửa người bên trái của ông bị thương, nhiễm trùng và mưng mủ. Hiện trên cơ thể ông còn lưu lại nhiều vết sẹo hơn 900cm2 .

Sau 10 năm bị tra tấn về thể xác và tinh thần, một người đàn ông vốn tràn đầy sức sống ở độ tuổi 30 năm nào giờ đây trông giống như một ông già tiều tụy tại thời điểm được trả tự do.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/19/455366.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/25/207052.html

Đăng ngày 11-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share